TCCS - Khắc phục tình trạng công tác kiểm tra trong Đảng còn yếu, chất lượng và hiệu quả chưa cao, Đại hội X của Đảng đã bổ sung trong Điều lệ Đảng chức năng, nhiệm vụ mới là giám sát cho cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp, chi bộ. Và thực tế cho thấy, công tác giám sát đã hỗ trợ tích cực, làm tiền đề tốt để công tác kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao hơn.

Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với nhận thức và yêu cầu mới: công tác kiểm tra, giám sát phải góp phần phát hiện và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót khi mới manh nha; bên cạnh việc tiếp tục thực hiện kiểm tra tổ chức đảng và cá nhân đảng viên có dấu hiệu vi phạm, phải tăng cường chủ động giám sát, kiểm tra về phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, về nhận thức và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc chấp hành Điều lệ Đảng”(1).

Theo đó, mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự giám sát trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Và, công tác kiểm tra phải tập trung sức mạnh, hướng vào các vấn đề gây bức xúc trong dư luận của nhân dân, những vấn đề nhân dân khiếu nại, tố cáo kéo dài chưa được giải quyết hay giải quyết chưa dứt điểm, trước khi tiến hành đại hội đảng bộ các cấp hiện nay, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng ở địa phương, đơn vị và trong toàn Đảng. Thực hiện giám sát tốt là chủ động ngăn ngừa vi phạm từ xa, phát hiện được khuyết điểm, vi phạm từ lúc còn manh nha, qua giám sát cũng khoanh vùng được những vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng giúp cho công tác kiểm tra của Đảng có “trọng tâm, trọng điểm” và đạt hiệu quả cao hơn.

Giám sát giúp phòng ngừa vi phạm

Trước Đại hội lần thứ X của Đảng, công tác giám sát chưa trở thành một chế độ thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; công tác kiểm tra lúc đó phải toàn diện tức là bao hàm cả thực hiện công tác giám sát của Đảng dưới dạng kiểm tra phòng ngừa.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đến nay, Đảng ta đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban Kiểm tra các cấp và chi bộ, công tác giám sát đã trở thành chế độ thường xuyên trong sinh hoạt và hoạt động của mọi tổ chức đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành nhiều hướng dẫn về công tác giám sát. Hướng dẫn số 03-HD/KTTW, ngày 25-7-2007, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về công tác giám sát của các ban của cấp ủy các cấp; Hướng dẫn số 04-HD/KTTW, ngày 25-7-2007, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về công tác giám sát của Ủy ban Kiểm tra các cấp; Hướng dẫn số 05-HD/KTTW, ngày 25-7-2007, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về công tác giám sát cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Trong đó, quan trọng nhất là hướng dẫn về công tác giám sát của Ủy ban Kiểm tra các cấp, cơ quan tham mưu và chuyên trách làm công tác kiểm tra của cấp uỷ các cấp. Trong những năm qua, Hướng dẫn số 04 cũng được đánh giá là thực hiện có hiệu quả nhất.

Hội nghị Trung ương 5 (khoá X) đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30-7-2007, về "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng". Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên đề cập toàn diện các mặt hoạt động của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới. Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trong đó, có quan điểm quan trọng là “thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát, “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm từ lúc manh nha”.

Hiện nay, do những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, những tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế... một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nảy sinh tiêu cực, vi phạm. Thực tế, các vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã và đang xảy ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ những vụ án lớn trên lĩnh vực kinh tế đến những vi phạm có giá trị nhỏ trong xã hội nhưng có tính nhân đạo sâu sắc như chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cứu trợ thiên tai, tiền tết cho người nghèo, thậm chí cả trong những nghề được xã hội tôn vinh như giáo dục, y tế... Giám sát được mở rộng trong Đảng đã giúp ngăn chặn những sai lầm, khuyết điểm của đảng viên và tổ chức đảng từ lúc manh nha trên tất cả các lĩnh vực. Những khuyết điểm nhỏ được uốn nắn kịp thời, không để khuyết điểm nhỏ thành khuyết điểm lớn, khuyết điểm của một người thành khuyết điểm của nhiều người và có tác dụng phòng ngừa từ xa các vi phạm trên diện rộng một cách toàn diện. Đồng thời, công tác giám sát cũng giúp phát hiện những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến để động viên, khuyến khích, nhân ra diện rộng.

Giám sát từ xa là phục vụ kiểm tra tại chỗ

Nét mới đáng ghi nhận là, từ Đại hội X, công tác giám sát đã mở rộng, bao trùm được các lĩnh vực hoạt động của Đảng và phục vụ tốt hơn cho công tác kiểm tra, nhất là việc giám sát thường xuyên đã trở thành tiền đề cho công tác kiểm tra, khắc phục được tình trạng kiểm tra tràn lan, kém hiệu quả nhất là trong kiểm tra chấp hành. Ủy ban Kiểm tra các cấp ở 35 địa phương đã phát hiện 467 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm; tiến hành kiểm tra 248 trường hợp và xử lý kỷ luật 33 tổ chức đảng; ở 45 địa phương, đơn vị phát hiện và kiểm tra 1.357 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 334 cấp ủy viên, đã xử lý kỷ luật 384 trường hợp. Như vậy, so với nhiệm kỳ trước, việc chấp hành chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của đảng viên và tổ chức đảng được thực hiện tốt hơn do có sự giám sát, xem xét, nhắc nhở và uốn nắn kịp thời của tổ chức đảng. Điều này cũng cho thấy, giám sát mở rộng đã đáp ứng được yêu cầu của Đảng, giám sát càng mở rộng, đảng viên và tổ chức đảng chịu sự giám sát của Đảng càng được toàn diện, kịp thời và chặt chẽ. Kết quả là giám sát từ xa đã phục vụ tốt kiểm tra tại chỗ.

Trong những năm qua, công tác kiểm tra đã tập trung nhiều lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đã thực hiện kiểm tra, xử lý hàng ngàn đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy vậy, công tác kiểm tra cũng còn một số hạn chế: Một số nơi kiểm tra vẫn còn tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả gây tốn kém tiền của, công sức và gây phiền hà cho cơ sở; công tác kiểm tra chưa chủ động ngăn chặn và đẩy lùi được vi phạm của cán bộ, đảng viên nhất là tệ tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Những hạn chế, khuyết điểm đó có một phần do chúng ta chưa thực hiện tốt công tác giám sát để “tiền trạm” giúp cho công tác kiểm tra đi vào trọng tâm, trọng điểm.

Một trong những yêu cầu của công tác kiểm tra là tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá X) xác định, đó là lĩnh vực tư tưởng chính trị, quản lý báo chí; việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; lĩnh vực kinh tế, tài chính; lĩnh vực hành chính, tư pháp; công tác tổ chức cán bộ. Tức là phải thể hiện tính “trọng tâm, trọng điểm”. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy chủ động sàng lọc, lựa chọn đối tượng, nội dung kiểm tra, cần nghiên cứu, quán triệt nội dung kiểm tra, giám sát trong cán bộ, đảng viên, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp và tổ chức thực hiện thật sự có hiệu quả. Công tác kiểm tra góp phần giải quyết dứt điểm, tránh để những bức xúc trong nhân dân nảy sinh thành các “điểm nóng” chính trị - xã hội. Việc giải quyết dứt điểm, nhất là với các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, phát huy hơn nữa trách nhiệm của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng.

Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời các quy chế, quy định, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong đó, chú trọng triển khai đồng bộ thực hiện công tác giám sát của bốn loại hình tổ chức đảng, đó là công tác giám sát của các ban của cấp ủy các cấp; Ủy ban Kiểm tra các cấp; của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp và của chi bộ, theo từng đối tượng giám sát và cách tiến hành cụ thể cho từng loại hình tổ chức đảng.

Một số bài học kinh nghiệm

Qua thực hiện công tác giám sát của Ủy ban Kiểm tra các cấp, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, các cấp ủy phải coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giám sát trong Đảng, để cấp ủy mà trước hết là người đứng đầu có nhận thức đúng, đầy đủ về công tác giám sát.

Hai là, cấp ủy cấp trên phải quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn công tác giám sát cho cấp ủy tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện tốt công tác giám sát. Quan tâm kiện toàn Ủy ban Kiểm tra tương xứng với nhiệm vụ mới được giao. Mỗi cuộc giám sát phải chuẩn bị tốt nội dung, quy trình để thống nhất chỉ đạo thực hiện. Chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Ba là, Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giám sát trong toàn đảng bộ. Ủy ban Kiểm tra cấp trên phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện công tác giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bốn là, Ủy ban Kiểm tra chủ động nắm tình hình, bám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc để chọn nội dung giám sát cho phù hợp. Qua giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì phải kịp thời kiểm tra, xem xét, xử lý.

Năm là, công tác giám sát trước hết phải thực hiện từ chi bộ. Chi ủy, bí thư chi bộ phải nắm vững công tác giám sát, quyết tâm, chủ động thực hiện có hiệu quả để ngăn ngừa khuyết điểm vi phạm xảy ra từ khi còn manh nha./.
 
___________________________________________

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, 2006, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 302