TCCSĐT - Thông thường, thái độ, hành vi của con người và các quan hệ xã hội được định hướng và điều chỉnh bởi nhiều loại giá trị, trong đó, nổi lên 2 loại giá trị chủ yếu là: đạo đức và quyền lợi. Đạo đức từ chỗ là những yêu cầu, thường là cao hơn nhiều đối với con người thì nay trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), yêu cầu đó vẫn cao hơn nhưng đã và đang tiệm cận gần hơn với quy luật cung cầu, đồng thời, gắn với quyền lợi được thể chế hóa trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đạo đức tiệm cận gần hơn với quy luật cung cầu và gắn với quyền lợi

Đạo đức trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN - có thể gọi chung là thể chế thị trường - pháp quyền (định hướng) XHCN - cơ bản vận hành theo quy luật cung cầu và gắn với các chế tài xử lý vi phạm bằng pháp luật. Ở Việt Nam, đạo đức được xây dựng theo định hướng XHCN, mà cơ bản, vẫn không nằm ngoài thuộc tính phổ biến của thị trường là: Hoạt động theo quy luật cung cầu và gắn với các chế tài xử lý vi phạm, đồng thời, cũng không ngoài thuộc tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền là tổ chức, vận hành bằng pháp luật; và đặc trưng của định hướng (và cả thuộc tính) XHCN là nhằm giải quyết ổn thỏa quyền lợi chung và riêng ngay từ đầu, trong suốt quá trình và từng bước bảo đảm quyền lợi của đại đa số thành viên xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ngày nay, trong điều kiện thể chế thị trường - pháp quyền (định hướng) XHCN, đạo đức tiệm cận quyền lợi nhiều hơn. Bởi lẽ, đạo đức giờ đây, thay vì điều chỉnh theo những yêu cầu cao hơn đối với thái độ, hành vi có tính tự giác của con người như trước đây, đã chuyển sang điều tiết thái độ, hành vi con người phù hợp với mỗi hoàn cảnh và không xa rời pháp luật.

Bản thân quyền lợi trong thể chế thị trường - pháp quyền (định hướng) XHCN cũng trước tiên là một giá trị đạo đức. Bởi vì, quyền lợi của con người, theo một số chuyên gia quyền con người trên thế giới, xuất phát từ "việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới” (1). Việc khẳng định phẩm giá vốn có của con người là một bước phát triển lớn trong tư tưởng đạo đức của nhân loại. Vì lẽ trước đó, thậm chí cho đến nay, vẫn còn không ít người cho rằng, con người là một sự “sáng tạo” của một đấng siêu nhiên nào đó. Sự khẳng định này xác định rằng, không một lực lượng siêu nhiên nào, mà chỉ con người, bằng lao động và quan hệ có tính loài người của mình, là chủ thể duy nhất sáng tạo phẩm giá của mình, cho mình và vì bản thân mình. Tức là phẩm giá con người là luôn luôn hiện hữu, bình đẳng, không thể bị xem thường, không thể bị phân biệt đối xử và không thể bị tước đoạt bởi áp bức, bóc lột; bởi phân biệt giới tính, chủng tộc, dân tộc, giai cấp hay phân biệt giàu nghèo,.... Con người có niềm tin vào phẩm giá của mình và việc tôn trọng phẩm giá con người là đạo lý nền tảng của mỗi con người và cả xã hội. Do đó, những cố gắng liên tục ở mọi phạm vi và cấp độ để hiện thực hóa việc thụ hưởng các quyền lợi của con người là chuẩn mực về đạo lý là người - làm người của mỗi người và của cả loài người.

Thông thường, thái độ, hành vi của con người và các quan hệ xã hội được định hướng và điều chỉnh bởi nhiều loại giá trị, trong đó, nổi lên 2 loại giá trị chủ yếu là: đạo đức và quyền lợi. Trong lịch sử, đạo đức là công cụ chính để răn dạy, cảm hóa, nêu gương con người và điều chỉnh các quan hệ xã hội theo nguyên tắc "đức trị". Thông qua đó, làm cho con người an tâm để có sự ổn định và đồng thuận xã hội. Nhưng một mặt, không có nhiều người đủ đạo đức để răn dạy, cảm hóa nêu gương cho mọi người. Mặt khác, nguyên tắc “đức trị” không bị chế ước bởi pháp luật, nên đạo đức cơ bản phụ thuộc vào tính cách, nhân cách cá nhân. Hậu quả là, do đạo đức chủ yếu là công cụ điều tiết các quan hệ ứng xử thường nhật trong từng cơ sở cộng đồng, nên dễ gây ra hiện tượng “phép vua thua lệ làng”. Và việc quá nhấn mạnh vai trò của đạo đức trong xã hội có khi dẫn đến căn bệnh “phiếm đạo đức luận” coi thường hoạt động thực tiễn.

Sự khác nhau giữa đạo đức và quyền lợi là ở chỗ: Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội thành văn và cả bất thành văn thông qua phong tục, tập quan, văn chương, nghệ thuật, dư luận xã hội, ... để nhờ đó con người "tự giác" điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với quyền lợi của cộng đồng, của xã hội. Sự điều chỉnh của đạo đức thường theo những yêu cầu cao hơn đối với con người. Còn quyền lợi là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có của con người được ghi nhận bằng quy tắc, chuẩn mực trong văn bản pháp l‎ý của Nhà nước, kể cả trong văn bản của cộng đồng, để điều chỉnh hành vi của con người và cả tổ chức nhà nước, xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của mỗi người và của xã hội, thông qua tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục hoặc răn đe, cưỡng chế và xử l‎ý hành vi vi phạm. Trong khi đạo đức dựa vào các giá trị tốt đẹp, có tính lý tưởng, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, thì quyền lợi dựa vào quyền và lợi ích thực tế được ghi nhận trong luật tục, pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong khi đạo đức chủ yếu dựa vào các chế tài “mềm”, như dư luận xã hội, tự điều chỉnh bổn phận,… để hướng mọi người phải tuân theo; còn các chế tài “cứng” của nó, ví dụ “lên án”, “bêu diếu”, không được cả xã hội đồng thuận và không được Nhà nước bảo vệ. Còn quyền lợi dựa vào cả chế tài “mềm” gần giống về hình thức của đạo đức, và cả các chế tài “cứng” mang tính pháp chế toàn xã hội, được Nhà nước bảo vệ, để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, tính hữu ích thực tế và tính phổ biến toàn xã hội của quyền lợi là rõ hơn.

Ngày nay, trong điều kiện thể chế thị trường - pháp quyền, đạo đức và quyền lợi tiệm cận nhau nhiều hơn và có tính tương đồng. Bởi chúng đều là các quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội để điều chỉnh thái độ, hành vi của con người và các quan hệ xã hội nhằm góp phần hình thành, phát triển nhân cách con người và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Phương hướng bồi dưỡng, giáo dục đạo đức phù hợp với quyền lợi

Phương hướng chung là hướng tới sự kết hợp hài hòa truyền thống với hiện đại trong đạo đức và quyền lợi ở mỗi người. Đây là phương hướng mang tính lý tưởng và cần phải được phấn đấu thực hiện một cách lâu dài để đạo đức vẫn là con đường tu dưỡng, bồi dưỡng nhân phẩm con người theo các giá trị nền tảng chân, thiện mỹ, song không trừu tượng mà kết nối chặt chẽ với quyền lợi và bảo đảm quyền lợi của con người phù hợp với thể chế thị trường - pháp quyền dân chủ, công bằng, văn minh.

Phương hướng cụ thể:

Một là, chú ý tham chiếu kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình điều tiết, nhằm hình thành đạo đức, quyền lợi dân chủ, công bằng, văn minh

Thủ tướng Malaixia Mahathia Môhamét, vào thập niên 1970 - 1980 cùng với ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần nêu cao các chuẩn mực xã hội của châu Á, cho rằng, các giá trị người Đông Á tâm đắc nhất là: 1) Xã hội trật tự; 2) Sự hài hòa trong xã hội; 3) Đảm bảo tính trách nhiệm của các cơ quan chính phủ; 4) Cởi mở đón nhận những tư tưởng mới; 5) Tự do ngôn luận; 6) Tôn trọng chính quyền (2).

Các giá trị quan trọng đối với người Đông Á trên đây nhìn chung đang làm nền tảng cho sức mạnh và sự thành công của các nước Đông Á, như: Không tin vào các hình thức cực đoan của chủ nghĩa cá nhân đang phổ biến ở phương Tây; Tin vào đời sống gia đình lành mạnh; Coi trọng việc học hành; Tin vào đức tính cần kiệm; Coi trọng lao động cần cù; Có thói quen làm việc tập thể; Duy trì một môi trường đạo đức lành mạnh để nuôi dạy con cái và không muốn phanh phui các quan hệ tình cảm riêng tư giữa hai giới trên truyền thông;...(3)

Những giá trị nền tảng nói trên góp phần làm cho xã hội Đông Á, trong đó có Việt Nam, thường giữ được môi trường khá cân bằng cho phát triển bền vững. Vì thế, chúng cần được nghiên cứu vận dụng và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam, để đẩy mạnh việc điều tiết nhằm hình thành đạo đức, quyền lợi của con người phù hợp với thể chế thị trường - pháp quyền dân chủ, công bằng, văn minh trong giai đoạn xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng XHCN.

Hai là, điều tiết đạo đức, quyền lợi của con người theo những phẩm chất tiêu biểu của người Việt Nam đương đại

Nền văn hóa nào cũng có một số giá trị chuẩn (chuẩn giá trị xã hội) được coi là bộ chỉnh của xã hội, nhằm định hướng những đức tính cơ bản của mỗi con người và của toàn xã hội. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã nêu 5 đức tính của con người Việt Nam: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc; Có ý thức tập thể, đoàn kết; Có lối sống lành mạnh, vǎn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; Lao động chǎm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, nǎng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định: Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là phải diễn đạt các chuẩn mực nêu trên sao cho ngắn gọn, súc tích mà dễ hiểu, chặt chẽ mà sinh động, để tất cả mọi người dân, cho dù học vấn có thấp, luôn phải bươn trải kiếm sống, cũng có thể thấm nhuần và thực hiện. Ở đây, cần phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người đề xuất những “tư cách người cách mệnh”, “5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi”, “6 điều Bác Hồ dậy công an nhân dân”, “6 yêu cầu về người làm tướng” và 4 nhiệm vụ của quân đội,… Những yêu cầu của Người không chỉ là sự huấn lệnh hoặc chỉ thị tư tưởng, mà đã trở thành tuyên ngôn văn hóa.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "lúc số đông quốc dân chưa hiểu, chưa làm đời sống mới thì tuyệt đối không nên bắt buộc". Cho nên, phải đẩy mạnh các hình thức và nội dung xã hội hóa hoặc các cuộc vận động "xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa", "người tốt việc tốt", "cưới trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm",… trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở cơ sở. Theo Người, phương châm tiến hành là: nhiệt tình - hăng hái, liên tục - kiên trì, khôn khéo - mềm mỏng. Nguyên tắc cụ thể trong điều tiết đạo đức, chuẩn mực và lối sống mới là: "Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm"; "Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm" (4).

Các chuẩn mực nêu ở trên là cơ sở tiến hành lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhằm đi đến tổng kết và hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức, quyền lợi với nội dung thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, và có thể được Quốc hội thông qua để mọi người làm theo. Sau khi được thông qua, những chuẩn mực đó cần được trình bày trang trọng trên các tấm biển lớn tại các cửa ngõ và trung tâm xã, thị trấn, thị xã, thành phố, Thủ đô, bến cảng, sân bay, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, công sở…; và thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những chuẩn mực đạo đức, quyền lợi nếu được thực hiện nề nếp sẽ từng bước hình thành các khuôn mẫu ứng xử văn hóa mới. Đó là con đường cơ bản định hình đạo đức, quyền lợi ngay từ các tế bào xã hội phù hợp với thể chế thị trường - pháp quyền trong điều kiện xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng XHCN.

Ba là, chủ động phòng - chống đạo đức, quyền lợi thực dụng

Ngày nay, cùng với các giải pháp xây dựng là chính thì cũng rất cần các giải pháp chủ động phòng và chống đạo đức, quyền lợi thực dụng. Đây là một nhiệm vụ phức tạp, vì:

- Trong nền kinh tế thị trường, cái tích cực và tiêu cực luôn tác động qua lại, rất khó tách bạch. Ngay trong trường hợp tách bạch được thì có thể đúng với hiện tại, song có thể sai trong tương lai và ngược lại.

- Khi mới chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta đã phát hiện nhiều mặt tích cực của nó, nhưng tình hình hiện nay cho thấy, mặt trái của kinh tế thị trường cũng không ít. Cần thấy rằng, tự thân kinh tế thị trường không đủ sức gây ra những mặt trái của xã hội, nhất là trong đạo đức và quyền lợi. Do vậy, hiện nay cần phải nhìn thấy cả những hạn chế trong nhận thức, pháp luật, chính sách và biện pháp hành chính,...

Vì vấn đề phức tạp như vậy nên muốn “chống” tốt cần đặt trọng tâm vào “xây” tốt và cũng không coi nhẹ các biện pháp lên án sự suy đồi đạo đức, quyền lợi thực dụng theo kiểu chủ nghĩa cá nhân cực đoan và kiên trì chống tham nhũng, lợi ích nhóm bằng dư luận xã hội, bằng pháp luật./.

-----------------------------------------

Chú thích:

(1) Gudmundur Alfredsson & Asbjorn Eide (chủ biên), Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 Mục tiêu chung của nhân loại, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2010, tr 808.
(2) Huỳnh Khái Vinh chủ biên, Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.200.
(3) Huỳnh Khái Vinh chủ biên, Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.201-202.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, t. 5. tr. 94 - 95.