Tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người ở Việt Nam: Vấn đề và giải pháp

Ngô Thắng Lợi*, Bùi Đức Tuân**
*GS, TS, ** PGS, TS, Trường Đại học Kinh tế quốc dân
14:17, ngày 29-08-2019

TCCS - Phát triển vì con người là mô hình được Đảng và Nhà nước lựa chọn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo đó, yêu cầu đặt ra là tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả phải gắn với việc phát triển con người. Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế tuy đã có tác động tích cực đến phát triển con người, nhưng hiệu ứng tác động tích cực đang có xu hướng giảm dần. Do đó, định hướng và những giải pháp cần thiết để hướng thành quả tăng trưởng kinh tế vào phát triển con người một cách hiệu quả nhất là cần thiết hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế và phát triển con người là hai mặt của quá trình phát triển nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng kinh tế được thể hiện qua tiêu chí tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người (GNI/người), là điều kiện cần để thực hiện phát triển con người, bao gồm cơ hội phát triển và năng lực phát triển của con người. Phát triển con người được phản ánh qua Chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những mục tiêu cuối cùng của phát triển. Con người càng phát triển, sẽ có tác động ngược trở lại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. 

Thành quả của tăng trưởng kinh tế phải có tác động tích cực đến nâng cao năng lực của con người (bao gồm tài lực, trí lực và thể lực)_Ảnh: TTXVN

Mô hình phát triển vì con người mà Việt Nam đặt ra trong quá trình cải cách nền kinh tế xác định mục tiêu của phát triển lĩnh vực kinh tế là vì con người, coi con người là trung tâm của phát triển. Theo mô hình này, phát triển con người là động lực chính của quá trình tạo nên thành quả của tăng trưởng kinh tế. Theo đó, thành quả của tăng trưởng phải có tác động tích cực đến nâng cao năng lực của con người (bao gồm tài lực, trí lực và thể lực) và cơ hội của họ trong việc tham gia việc tạo nên thành quả phát triển. Để có cơ sở đánh giá tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người, cần thiết phải đưa ra các tiêu chí hay các công cụ kinh tế cụ thể. Các tiêu chí này không chỉ phản ánh tăng trưởng kinh tế hay phát triển con người một cách độc lập, mà còn phải đo lường hay thể hiện được sự lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người.

Đánh giá sự tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người ở Việt Nam 

Đánh giá lấy căn cứ là một số công cụ phân tích kinh tế thường được các tổ chức quốc tế sử dụng, nhưng lại ít được dùng nhiều trong các đánh giá về tác động của tăng trưởng đến phát triển con người ở Việt Nam. Các công cụ đó bao gồm: Mức chênh lệch thứ hạng GNI/người với thứ hạng HDI; hệ số tăng trưởng vì con người (GHR); đường vành đai phát triển con người.

 Hình 1: Chênh lệch thứ hạng GNI/người và HDI theo giá PPP giai đoạn 2000 - 2017
Nguồn: Báo cáo phát triển con người 2000 - 2018, UNDP

Thứ nhất, mức chênh lệch thứ hạng GNI/người với thứ hạng HDI

Những nước có thứ hạng theo GNI/người trừ thứ hạng theo HDI là dương phản ánh các nước này đã chú trọng sử dụng thành quả của tăng trưởng kinh tế để cải thiện đời sống, nâng cao phúc lợi cho người dân của nước mình và ngược lại.

Hình 1 cho thấy:

- Phép trừ thứ hạng GNI/người và HDI luôn nhận được giá trị dương (+), điều này chứng tỏ Việt Nam vẫn là quốc gia thực hiện sự lan tỏa tích cực của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người, các thành quả tăng trưởng luôn được dành phần đáng kể cho việc chăm sóc sức khỏe, phát triển y tế và giáo dục. 

- Tuy nhiên, mức chênh lệch dương ở mức nhỏ và có sự biến động thất thường, với biên độ có xu hướng giảm. Nếu năm 2000 mức chênh lệch là (+ 20) được xếp vào loại tác động đồng thuận vừa, thì các năm sau đó, mức chênh lệch lên xuống khá thất thường, nhiều năm xuống dưới (+ 10), mức đồng thuận yếu. Biên độ chênh lệch dương từ năm 2010 bị giảm khá nhiều so với giai đoạn 2000  - 2009.

Thứ hai, hệ số tăng trưởng vì con người (GHR)

Đây là tiêu chí định lượng phản ánh mối quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển con người. Dựa trên số liệu về GNI/người và giá trị HDI hằng năm, bài viết đã tính toán và tổng hợp giá trị của hệ số tăng trưởng vì con người theo các giai đoạn, thể hiện qua Bảng 1. 

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Báo cáo Phát triển con người của UNDP

Bảng 1 phản ánh:

Một là, luôn tồn tại mối quan hệ đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển con người. Thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) liên tục tăng lên trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2017, kéo theo đó là sự cải thiện giá trị của HDI theo hướng tích cực, tức là trình độ phát triển con người gia tăng. Hệ số GHR luôn nhận được giá trị dương (+) phản ánh sự tác động tích cực của tăng trưởng đến phát triển con người. Thu nhập tăng thêm cũng được dành những phần tương ứng để đầu tư, chi tiêu cho các khía cạnh phát triển con người (y tế, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ...).

Hai là, giá trị của chỉ số GHR ngày càng có xu hướng giảm. Nếu giai đoạn 1990 - 2000, 1% tăng GNI/người cải thiện được 0,276% thay đổi của chỉ số HDI, thì con số này chỉ còn lại là 0,257% ở giai đoạn 2001  - 2017. Giá trị của GHR cũng có xu hướng giảm đi giữa 2 giai đoạn 2001 - 2010 (đạt 0,280%) và 2011 - 2017 (đạt 0,184%). Đáng lưu ý là tốc độ giảm của giai đoạn sau so với giai đoạn trước khá nhanh, chuyển từ mức độ đồng thuận vừa (>  0,2%) xuống mức độ đồng thuận thấp (dưới 0,2%) giai đoạn 2010  - 2017. Hệ số GHR giảm dần thể hiện hiệu ứng tác động tích cực của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người yếu dần, thành quả tăng trưởng đã không có sự lan tỏa tích cực đến việc cải thiện các năng lực của con người và cơ hội của họ. Hiệu ứng tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người của giai đoạn 2001 - 2017 chỉ bằng 66,62% so với giai đoạn 1990 - 2000.

Ba là, xu hướng tác động của tăng trưởng kinh tế đến cải thiện các năng lực trí lực và thể lực của con người ngày càng thấp. 

Bảng 2 cho thấy, trước năm 2010, tác động lan tỏa của tăng trưởng đến cải thiện các chỉ số giáo dục và tuổi thọ của Việt Nam cao hơn so với các nước khác cùng mức thu nhập. Tuy nhiên sau năm 2008 thì tác động ngược lại. Cụ thể giai đoạn 2010 - 2017, tốc độ tăng chỉ số thu nhập bình quân đạt 1,19%/năm thì tốc độ tăng của chỉ số tuổi thọ và giáo dục lần lượt chỉ đạt 0,35%/năm và 1,02%/năm. Các giá trị này nếu so sánh với một số nước trong khu vực thì thấp hơn, ví dụ: với Trung Quốc các con số tương ứng là 0,37 và 1,21%; Thái Lan: 0,48 và 1,08%; Lào: 0,82 và 1,87%. Điều này phản ánh thành quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đủ để cải thiện năng lực tài chính phục vụ cho việc bảo đảm các nhu cầu vật chất, chưa đủ sức để lan tỏa mạnh cho các lĩnh vực phi vật chất, như văn hóa, giáo dục và y tế chăm sóc sức khỏe, liên quan đến phát triển về trí lực và thể lực. 

Bảng 2: Tốc độ tăng trưởng bình quân của các chỉ số thành phần trong HDI giai đoạn 2000 - 2017 (%)

Nguồn: Tính toán từ số liệu trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP

Thứ ba, đường vành đai phát triển con người

Các số liệu trong Báo cáo Phát triển con người (UNDP, 2018) cho thấy thành quả tác động của tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến phát triển con người tốt hơn so với các nước trong khu vực. Trong nhóm các nước có GNI/người (PPP) từ 5.000 - 6.000 thì nước có chỉ số HDI cao nhất là Ton-ga với giá trị là 0,726. Việt Nam có GNI/người (PPP) đạt 5.859 USD và có HDI đạt 0,694. Khoảng cách giữa điểm nhận được của Việt Nam trên đường vành đai là 0,032, giá trị của Phi-líp-pin là 0,48. Trong khi đó In-đô-nê-xi-a có mức thu nhập đạt 10.846 USD trong khi giá trị HDI cũng đạt 0,694. Như vậy, khoảng cách HDI của In-đô-nê-xi-a so với HDI trên vành đai (0,76 của Vê-nê-xu-ê-la) là 0,066. Như vậy, khi so sánh Việt Nam với In-đô-nê-xi-a thì cùng giá trị HDI nhưng mức thu nhập của In-đô-nê-xi-a gấp 1,85 lần thu nhập của Việt Nam. 

Hình 2: Đường vành đai phát triển con người và giá trị nhận được của Việt Nam
Nguồn: Sử dụng số liệu của UNDP (2018)

Qua Hình 2 cho thấy, năm 2009 giá trị HDI của Việt Nam nằm trên đường vành đai phát triển con người, điều đó phản ánh Việt Nam đạt được thành quả cao nhất mà tăng trưởng kinh tế tác động đến phát triển con người. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2017 khoảng giãn cách của giá trị HDI so với các giá trị nhận được trên đường vành đai ngày càng xa, những năm cuối khoảng cách xa hơn (năm 2017 lên tới 0,032), điều đó phản ánh hiệu ứng của tăng trưởng kinh tế đối với phát triển con người có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2010 - 2017.

Như vậy, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế nhìn chung vẫn có tác động tích cực đến phát triển con người. Tuy nhiên, vấn đề bất cập là ở chỗ: 1- Các số liệu thực tế đã cho thấy mức độ hay hiệu ứng tác động của tăng trưởng đến phát triển con người đang có xu hướng giảm dần trên tất cả các tiêu chí và tốc độ giảm hiệu ứng tăng lên; 2- Tăng trưởng kinh tế làm năng lực tài chính tăng lên mức thấp, chưa đủ lực để tạo ra những đột phá về nâng cao năng lực về trí lực (thông qua giáo dục) và thể lực (thông qua y tế và chăm sóc sức khỏe). Điều này phản ánh hiệu ứng của mô hình phát triển vì con người của Việt Nam đang có biểu hiện giảm đi. Rất cần thiết phải điều chỉnh cho những giai đoạn sau, trong quá trình phấn đấu theo mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyên nhân của vấn đề trên được xác định là:

1- Tăng trưởng kinh tế chưa đủ mạnh, lại có xu hướng giảm xuống

Sự suy giảm tăng trưởng GDP là hậu quả tất yếu của sự lạc hậu trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vốn là mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng dựa trên khai thác tài nguyên và lao động rẻ. Hiệu ứng của chính sách chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế rất chậm chạp, làm cho các yếu tố động lực tăng trưởng của giai đoạn này trở nên bất hợp lý và là rào cản chính cho tăng trưởng nhanh. Hơn nữa, tăng trưởng lại được thực hiện chủ yếu ở khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm cho phần thu nhập chuyển ra nước ngoài chiếm tỷ trọng cao, thành quả tăng trưởng, hiệu ứng của tăng trưởng lan tỏa đến nâng cao mức sống dân cư và các khía cạnh khác của phát triển con người bị hạn chế.

2- Thành quả tăng trưởng chưa được sử dụng tương xứng để đầu tư phát triển giáo dục và y tế nhằm nâng cao năng lực phi vật chất của con người

Theo các số liệu của UNDP (năm 2017), tăng trưởng kinh tế còn ít có quan hệ tác động tốt cho lĩnh vực giáo dục. Xét trong cơ cấu chi tiêu của người dân Việt Nam năm 2016, tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu các nhu cầu giáo dục và y tế rất thấp (tương ứng với ở thành thị và nông thôn lần lượt là 4,8% và 6,4% (lĩnh vực y tế) và 6,7% và 4,9% (trong lĩnh vực giáo dục). Vì thành quả tăng trưởng chưa được đầu tư tốt đến lĩnh vực giáo dục và y tế, nên chỉ số này trong HDI thấp so với các nước, có cùng với mức thu nhập bình quân đầu người thấp, dẫn đến chỉ số HDI của Việt Nam chậm được cải thiện so với khả năng có thể có. 

3- Chính sách tăng trưởng chưa có lợi cho tầng lớp yếu thế, nên chỉ số HDI ở bộ phận này còn rất thấp

Chính sách tăng trưởng hiện nay chủ yếu có lợi cho các vùng động lực, các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đó người nghèo, vùng nghèo hay các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không có điều kiện được tham gia trực tiếp vào việc tạo nên thành quả tăng trưởng.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu ứng tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người

Một là, cải thiện các động lực tăng trưởng kinh tế

Liên quan đến giải pháp này, có bốn yếu tố kinh tế cần phải “kích” mạnh, đó là: 1- Có chính sách tích cực đối với việc thúc đẩy kinh tế tư nhân lớn mạnh để trở thành động lực kinh tế số 1 của tăng trưởng kinh tế; 2- Hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường hoạt động trong một nền hành chính công minh bạch, hướng tới Nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo phát triển; 3- Yếu tố nội địa và quốc tế phải được xem như là đồng động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; 4- Có chính sách huy động đầy đủ nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bình đẳng về cơ hội cho mọi người lao động có khả năng và có nhu cầu lao động đều có việc làm. 

Hai là, thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hòa

Theo yêu cầu của mô hình tăng trưởng hài hòa, các chính sách cần được hoàn thiện theo 2 hướng: 1- Làm cho tất cả mọi tầng lớp dân cư (giầu và nghèo) trong xã hội (vùng động lực hay chậm phát triển) đều được tham gia công cuộc tăng trưởng kinh tế để hưởng lợi trực tiếp từ thành quả tăng trưởng; 2- Thực hiện kịp thời việc phân phối lại thành quả tăng trưởng giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng, miền trong cả nước để tạo ra một động thái tích cực và công bằng về tiến bộ xã hội cho con người.

Theo định hướng này, cần chú ý một số chính sách nhằm tạo bình đẳng về cơ hội tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế cho mọi người: 1- Phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối, nhất là hệ thống giao thông và hệ thống thông tin giữa các vùng trọng điểm thu hút đầu tư với các vùng sâu, vùng xa - nơi cung cấp nguồn lao động, xóa bỏ thế cô lập cho các vùng chậm phát triển hiện nay; 2- Giảm bớt tính chất bất hợp lý đang hạn chế di cư (chính sách quản lý hộ khẩu, công nhận quyền sử dụng đất và quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động di cư...); 3- Tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục, sức khỏe và xã hội tại các vùng sâu, vùng xa để họ có đủ điều kiện về kiến thức hay tay nghề tham gia trực tiếp vào việc tạo thu nhập. 

Ba là, cải thiện chính sách phân phối thành quả tăng trưởng (thu nhập) cho các lĩnh vực liên quan đến con người 

Thứ nhất, sử dụng thành quả tăng trưởng kinh tế để cải thiện các khía cạnh liên quan đến phát triển con người, xã hội: quá trình tăng trưởng kinh tế phải được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ bởi các chỉ tiêu phát triển xã hội, trong đó trọng tâm là vấn đề xóa đói, giảm nghèo, công bằng xã hội, giải quyết việc làm, chỉ tiêu liên quan đến sự phát triển toàn diện cho con người, như giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, văn hóa - nghệ thuật.

Thứ hai, các chính sách tăng trưởng kinh tế gắn liền với tạo điều kiện ngày càng công bằng cho tất cả mọi người về cơ hội phát triển. Điều này liên quan đến việc cần: 1- Thực hiện các chính sách tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều được trang bị các năng lực tham gia quá trình thực hiện tăng trưởng kinh tế; 2- Thực hiện chính sách nhằm sử dụng triệt để và bảo đảm cho tất cả mọi người có cơ hội tham gia các quá trình kinh tế để tạo tăng trưởng. 

Thứ ba, thành quả tăng trưởng kinh tế luôn gắn với nâng cao mức sống cho quần chúng nhân dân, thông qua chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập. Mô hình tăng trưởng vì con người đặt ra yêu cầu sử dụng có hiệu quả hai phương thức phân phối thu nhập: 1- Phân phối thu nhập theo chức năng, tức là thu nhập của mỗi người được xác định trên cơ sở đóng góp về số và chất lượng nguồn lực mà họ đóng góp vào việc tạo ra thu nhập cho nền kinh tế; 2- Phân phối lại thu nhập, dưới hình thức trực tiếp (thuế, trợ cấp) và gián tiếp (qua chính sách giá tiếp cận dịch vụ công) để góp phần điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. 

Bốn là, các chính sách phải tăng cường tiếp cận với giáo dục và y tế của nhóm người nghèo 

Về chính sách giáo dục: 1- Trợ cấp về giáo dục cho người nghèo bảo đảm đủ trang trải chi phí học hành; 2- Tăng cường quản lý đối tượng được được hưởng trợ cấp.

Về chính sách y tế: 1- Tăng kinh phí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo nhằm tăng mức độ tiếp cận các nguồn lực y tế của người dân nghèo; 2- Tăng độ bao phủ của các nguồn trợ cấp y tế cũng như các chính sách y tế với người nghèo; 3- Tăng cường quản lý thực thi chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, tránh tình trạng bất công bằng giữa các đối tượng được trợ cấp./.