TCCS - Công tác xã hội đã chứng minh được tính cần thiết của mình trong việc góp phần giải quyết các vấn đề con người và xã hội. Mặt khác, nguyên lý, giá trị, các nguyên tắc và phương pháp của công tác xã hội đang ngày càng được chấp nhận trong nhiều khía cạnh của công tác phát triển. Chất lượng và mức độ đào tạo nhân viên công tác xã hội đang ngày càng phát triển. Phát triển ngành công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp là đòi hỏi khách quan của công cuộc đổi mới đất nước.

Công tác xã hội thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa và hạnh phúc cho tất cả mọi người

Sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực và quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế - xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tăng trưởng kinh tế phải tiến hành đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với tăng trưởng kinh tế phải tập trung cho giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếm thế. Hệ thống luật pháp, chính sách về an sinh xã hội đã được hình thành và từng bước hoàn thiện. Tính từ năm 1989 đến nay, đã có trên 10 bộ luật, luật; 7 pháp lệnh và nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư và các văn bản chỉ đạo khác trực tiếp hoặc có nội dung quy định khung pháp lý, chính sách xã hội ở Việt Nam; trợ giúp các đối tượng, góp phần ổn định xã hội.

Các chính sách ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng: về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề. Đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt các chính sách mới ngày càng mang tính hội nhập, phát huy truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc và mang tính xã hội hóa, không ỷ lại vào Nhà nước. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc - trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp người già; Chương trình đào tạo bậc cử nhân công tác xã hội cũng đang được bắt đầu ở khoảng 30 trường đại học.

Tuy nhiên, những vấn đề xã hội bức xúc như: tình trạng đói nghèo, tệ nạn ma túy, đại dịch HIV/AIDS, gia đình tan vỡ, trẻ em bị sao nhãng và bị xâm hại không có chiều hướng giảm; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thực thi chính sách còn nhiều bất cập; tỷ lệ đối tượng được hưởng chính sách còn thấp (mới được trên 50%); cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản cả ở khâu hoạch định chính sách cũng như khâu tác nghiệp cụ thể, nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng. Đặc biệt đội ngũ những người làm công tác xã hội chưa hiểu và chưa được đào tạo về công tác xã hội nên làm việc chưa theo phương pháp khoa học của chuyên ngành công tác xã hội; hệ thống tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp ở cộng đồng gần như chưa có ở tất cả các địa phương. Điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của các chính sách xã hội trong tình hình mới với phương châm trợ giúp “Cho cần câu chứ không cho xâu cá”. Tình hình sẽ rất khó được cải thiện trừ khi nước ta có ngành công tác xã hội chuyên nghiệp.

Trong khi Việt Nam chưa có ngành công tác xã hội chuyên nghiệp thì công tác xã hội đã được xem là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ gần thế kỷ nay. Sự có mặt của Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế khởi sự từ năm 1926 với hàng chục ngàn thành viên là cán bộ xã hội được đào tạo chuyên nghiệp của 78 nước trên thế giới và Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội thế giới với sự tham gia của 80 quốc gia là một minh chứng cho lịch sử lâu đời của loại hình nghề nghiệp này. Tại nhiều nước, các dịch vụ xã hội đã trở nên chuyên nghiệp hóa nhờ có sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ xã hội được đào tạo ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chất lượng của các chính sách, chương trình hay dịch vụ an sinh xã hội ở đây được phản ánh bởi tính phòng ngừa cao đối với các vấn đề xã hội. Tính chuyên nghiệp của công tác xã hội được thể hiện rất rõ nét trong huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của cả các quốc gia. Do vậy, hoạt động này không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể cho việc giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước không chỉ đề cập tới sự liên kết toàn cầu của các lĩnh vực kinh doanh, thương mại mà của cả hoạt động xã hội. Tại Hội nghị quốc tế về công tác xã hội được tổ chức ở Ô-xtrây-li-a vào tháng 10-2004, vấn đề toàn cầu hóa trong các hoạt động công tác xã hội trên thế giới là một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận, tăng cường hiệu quả.

Theo Hiệp hội công tác xã hội thế giới, nghề công tác xã hội chuyên nghiệp là những hoạt động nhằm tạo ra sự phát triển của xã hội thông qua việc tham gia quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, tăng cường năng lực và giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Công tác xã hội giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hòa và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân. Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội; thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người.

Nhân viên công tác xã hội và trọng trách của họ

Trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt: nhân viên công tác xã hội đánh giá tình hình của đối tượng trẻ em đang nghi ngờ là bị lạm dụng hoặc sao nhãng, bao gồm cả chính bản thân các em và tiềm năng của các mối quan hệ gia đình. Với phương châm vì sự an toàn của trẻ em là điều quan trọng nhất nên trong một số trường hợp người nhân viên công tác xã hội sẽ thu xếp dịch vụ chăm sóc thay thế cho trẻ (còn gọi là dịch vụ chăm sóc ngoài gia đình). Nhân viên công tác xã hội cũng có thể can thiệp vào đời sống của gia đình và cộng đồng, sử dụng các phương pháp như tham vấn, liệu pháp gia đình và giáo dục về mặt xã hội để giúp họ hiểu được nhu cầu của con em mình và nâng cao kỹ năng làm cha mẹ và tăng cường khả năng ứng phó.

Đối với các gia đình có vấn đề, mâu thuẫn, khủng hoảng: nhân viên công tác xã hội giúp đỡ các gia đình đánh giá các mối quan hệ không phù hợp và nâng cao khả năng để giải quyết các vấn đề của gia đình thông qua việc sử dụng các phương pháp như tham vấn, làm việc với gia đình hoặc liệu pháp gia đình. Trong những tình huống phải can thiệp là bạo lực trong gia đình, nhân viên công tác xã hội xác định mục tiêu là để từng thành viên của gia đình, và toàn thể gia đình có thể sống cùng nhau một cách an toàn, hòa thuận, giải quyết các bất hòa và xử lý các vấn đề của gia đình.

Lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên: nhân viên công tác xã hội được quyền hạn trong việc cung cấp cho trẻ sự hỗ trợ về tâm lý xã hội cho trẻ em và người chưa thành niên trước tòa án, cho dù trẻ là nhân chứng, nạn nhân hay bị cáo. Họ có thể đi cùng với trẻ em hoặc người chưa thành niên thay cho cha mẹ và người giám hộ. Các nhân viên công tác xã hội cũng góp phần giáo dục định hướng, hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em và người chưa thành niên phạm tội phục hồi nhân phẩm sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng hoặc tìm việc làm cho các em.

Trong các trường phổ thông, cao đẳng và đại học: Các vấn đề trong cuộc sống gia đình hoặc trong trường phổ thông, trường cao đẳng, đại học có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên. Nhân viên công tác xã hội sẽ tiến hành giáo dục và tham vấn cho những học sinh, sinh viên gặp phải những vấn đề trong học tập. Nếu học sinh, sinh viên gặp phải các vấn đề trong gia đình thì nhân viên công tác xã hội sẽ sử dụng phương pháp làm việc với gia đình. Nhân viên công tác xã hội cũng có thể phối hợp với giáo viên để tham vấn cho giáo viên xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho những học sinh, sinh viên có vấn đề, giải quyết các bất hòa giữa các nhóm học sinh, sinh viên.

Lĩnh vực sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tâm thần (tại các bệnh viện và phòng khám): nhân viên công tác xã hội hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội cho các bệnh nhân và gia đình trong việc đối mặt với các tác động của bệnh tật và sự ốm đau, bao gồm việc đánh giá các khía cạnh xã hội đóng góp cho bác sĩ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh; cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân và thu xếp những dịch vụ hỗ trợ điều trị bệnh (nếu có sẵn những dịch vụ đó).

Bảo trợ xã hội cho người già cô đơn: nhân viên công tác xã hội đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của người già cô đơn để mang lại cho họ những hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc (nếu sẵn có những dịch vụ đó). Đồng thời nhân viên công tác xã hội cũng đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp để điều phối dịch vụ cho người già cô đơn, giám sát những thay đổi trong nhu cầu của họ để tìm kiếm dịch vụ cần đáp ứng. Nhân viên công tác xã hội cũng đảm nhận vai trò quản lý chăm sóc tập trung tại các trung tâm bảo trợ xã hội và cùng hợp tác với các trung tâm để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội cho những cá nhân cần loại hình hỗ trợ này.

Bảo trợ xã hội cho người tàn tật: nhân viên công tác xã hội đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của của người tàn tật. Đồng thời, họ cũng đóng vai trò là người quản lý trường hợp, hỗ trợ người tàn tật tiếp cận những dịch vụ phù hợp và duy trì tiếp cận một loạt các dịch vụ phối hợp tốt nhất. Trong trường hợp cần thiết, nhân viên công tác xã hội cũng cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người tàn tật và gia đình của họ.

Phát triển cộng đồng tại các khu phố, cụm dân cư: nhân viên công tác xã hội giúp đỡ khu phố, cụm dân cư nhận dạng các vấn đề trong cộng đồng của mình và hỗ trợ họ tìm những nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn đề của khu phố, cụm dân cư của mình. Những nguồn lực này có thể là cơ sở vật chất, ví dụ như địa điểm cho thanh niên giao lưu. Nhân viên công tác xã hội cũng có thể giúp đỡ cộng đồng bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển và truyền tải những vấn đề này đến các cấp chính quyền và những nhà hoạch định chính sách có liên quan.

Nghiên cứu xã hội và hoạch định chính sách xã hội: nhân viên công tác xã hội tiến hành nghiên cứu các vấn đề xã hội có tác động đến xã hội. Họ cũng hỗ trợ chính quyền xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình an sinh xã hội, ví dụ như đóng vai trò là tham mưu chính sách và cán bộ quản lý chương trình tại các cơ quan nhà nước.

Công tác xã hội còn góp phần giải quyết tệ nạn xã hội: Sự cung cấp các dịch vụ công tác xã hội nhằm hỗ trợ các trung tâm cai nghiện, trung tâm phục hồi nhân phẩm cho gái mại dâm và những người vi phạm pháp luật cũng như các trung tâm chăm sóc và hỗ trợ cho những người bị nhiễm HIV/AIDS, những phụ nữ bị buôn bán qua biên giới trở về hòa nhập cộng đồng. Đó là tất cả các lĩnh vực mà nhân viên xã hội phối hợp với các ngành và các tổ chức chính quyền để có thể đáp ứng được các nhu cầu của cá nhân hay tạo những sự thay đổi về môi trường xã hội đã làm gia tăng những vấn đề trong cộng đồng.

Nhân viên công tác xã hội cũng có vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa ở nông thôn nhằm hỗ trợ cộng đồng đáp ứng các nhu cầu trong nền kinh tế hiện đại. Do tác động của đói nghèo và sự chuyển biến của nền kinh tế tại thành phố, các vùng nông thôn, nhân viên công tác xã hội có thể đóng vai trò trong việc phối hợp với các chuyên gia phát triển kinh tế và các nhà làm công tác quy hoạch đô thị để đáp ứng nhu cầu của về nhà ở, việc làm cho người nghèo, người yếm thế trong xã hội.

Những thách thức và yêu cầu phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp

Mọi xã hội văn minh và tiến bộ đều cần có các chính sách và kế hoạch cụ thể để phát huy các nguồn lực cho phát triển và tìm các phương thức đa dạng để bảo vệ và chăm sóc một cách có hiệu quả những đối tượng yếu thế, như người tàn tật, người già, trẻ em, người dân tộc thiểu số... Trước những biến đổi hết sức to lớn của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra như vũ bão, cũng như đối mặt với thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên diễn ra trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới như dịch bệnh, động đất, sóng thần, bão lũ, công tác xã hội ở nước ta đang đứng trước những thách thức rất to lớn, đó là:

- Đáp ứng được bản chất thay đổi của rủi ro và dễ bị tổn thương như là kết quả của thương mại hóa toàn cầu và thị trường lao động toàn cầu ngày càng phát triển.

- Giảm bớt và giảm nhẹ sự bất bình đẳng quốc tế và quốc gia.

- Duy trì ý trí và năng lực của các chính sách công để cung cấp các nguồn lực cho công tác xã hội và cải thiện hiệu quả những can thiệp của nhà nước trong điều kiện có hạn về nguồn lực.

Trong bối cảnh đó với đặc thù là một nước nghèo, lại trải qua những năm tháng dài chiến tranh nên đời sống nhân dân chưa cao, còn nhiều hộ gia đình nghèo khổ, gia đình đơn thân, ly tán. Mặt khác, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và xu thế toàn cầu hóa làm cho số đối tượng yếm thế cần trợ giúp của nước ta cao, đang tác động mạnh mẽ đến công tác xã hội.

Để phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu trong thời gian trước mắt và lâu dài, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, cần phối hợp để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tiến tới luật hóa các lĩnh vực của an sinh xã hội.

Hai là, kiện toàn đội ngũ nhân viên, mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở tất cả các cấp, từ trung ương đến các địa phương, cơ sở.

Ba là, đào tạo nâng cao trình độ của nhân viên làm công tác xã hội để có đủ năng lực thực hiện và hội nhập với quốc tế.

Muốn vậy, trước hết chúng ta cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xã hội. Khẳng định công tác xã hội là một nghề chuyên môn với những chức danh nghiệp vụ ở từng cấp bậc từ thấp tới cao. Cần phải đào tạo nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp có trình độ từ trung cấp đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và xây dựng chương trình đào tạo cho từng cấp học tương ứng. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế.

Hiện nay, sau một thời gian nỗ lực của các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số trường đại học, cao đẳng trên cả nước, tháng 11-2004 mã đào tạo ngành công tác xã hội đã được chính thức phê duyệt. Từ chỗ trong năm 2004 cả nước mới chỉ có
1 - 2 trường đào tạo loại hình cán bộ này, đến nay chúng ta đã có tới trên 30 trường đại học và cao đẳng xin phép triển khai đào tạo công tác xã hội. Điều này đánh dấu một bước phát triển về ngành công tác xã hội, mở đường cho việc chuyên môn hóa các cán bộ làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, một vấn đề cấp bách cần được giải quyết như một bước tiếp theo đó là việc xây dựng và phê chuẩn hệ thống chức danh tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với các nhân viên công tác xã hội. Đây là cơ sở cho việc bố trí, sử dụng nhân viên công tác xã hội sau đào tạo - một điều không thể thiếu được trong quá trình chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội ở nước ta hiện nay./.