Không ngừng đổi mới chính trị, vì sự phát triển toàn diện, đồng bộ và tiếp tục thành công của sự nghiệp đổi mới
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Vấn đề rường cột thứ ba: Đổi mới chính trị: Nhìn từ thể chế chính trị, hệ thống chính trị tới định chế quyết sách chính trị mang tầm chiến lược - những nhân tố căn bản quyết định sự thành bại của đổi mới chính trị
Toàn bộ những vấn đề nêu trên: từ tầm nhìn chính trị, định vị chính trị quốc gia dân tộc, đột phá chính trị chiến lược... tới đây, rõ ràng trọng tâm của đổi mới chính trị không thể không giải quyết các vấn đề cơ bản: thể chế chính trị, tổ chức hệ thống chính trị, định chế các quyết sách chính trị chính và các vấn đề khác là những nhân tố đặc biệt phải được nắm lấy và xử lý một cách khoa học. Nói cách khác, đó là sự lựa chọn tất yếu mang ý nghĩa chính trị cao nhất. Vì, toàn bộ công việc đổi mới chính trị, suy tới cùng, là hội tụ ở các vấn đề cơ bản đó, nơi biểu hiện sức mạnh và uy tín của nền chính trị. Nếu không như thế, tất cả những gì thuộc về chính trị trong việc đổi mới chính trị có nguy cơ trở nên trống rỗng.
Trong tầm nhìn 2020 và những thập niên tiếp theo, từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đại hội XII của Đảng quyết định vận mệnh đất nước với mười lăm loại công việc lớn đã được trù định, xác quyết 6 nhiệm vụ trọng tâm, công việc đổi mới chính trị ở đây, nổi bật tối thiểu mấy vấn đề chủ yếu sau:
I- Đổi mới thể chế chính trị - công việc rường cột và trước hết
Kết tinh từ nhiều góc độ, nói một cách giản lược, thể chế chính trị là hình thức thể hiện các thành tố của hệ thống chính trị thuộc thượng tầng kiến trúc và là cơ sở chính trị - xã hội quy định tính chất, nội dung của chế độ xã hội nhằm bảo vệ quyền lực và lợi ích của người cầm quyền, được đặt trên hệ thống các định chế, các chuẩn mực hợp thành các nguyên tắc tổ chức và phương thức vận hành của chế độ chính trị. Theo đó, không thể là gì khác, bản chất của công việc đổi mới thể chế chính trị là, xác lập một thể chế chính trị bảo đảm và bảo vệ toàn bộ quyền lực và lợi ích của chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc về nhân dân, của nhân dân, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là người đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu ra, bằng các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội của nhân dân một cách dân chủ, được bảo đảm bởi luật pháp thượng tôn, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế phát triển chính trị của thời đại.
Từ quan niệm như vậy, ở đây, một cách tất yếu, bản chất của thể chế chính trị Việt Nam hàm chứa bốn trụ cột căn bản và bất biến sau đây: Một là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thượng tôn pháp luật; hai là, dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu và động lực; ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo; bốn là, xây dựng xã hội công dân làm nền tảng xã hội - chính trị phát triển trên nền móng truyền thống chính trị dân tộc và tiếp thụ tinh hoa phát triển chính trị của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Nói cách khác, đó là thể chế chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhất nguyên không ngừng đổi mới bảo đảm quyền lực chính trị tối cao thuộc về nhân dân.
Điều cần nhấn mạnh là, Pháp quyền - Dân chủ - Đạo đức phải là những “đứa con sinh ba” trên lộ trình đổi mới thể chế. Không thể nói tới đổi mới thể chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu thiếu dân chủ, càng không thể nói tới dân chủ nếu coi nhẹ hoặc buông lỏng pháp quyền và thiếu đạo đức. Không có một thể chế chính trị nào vận hành tốt được nếu thiếu nền tảng đạo đức xã hội. Sự băng hoại về về đạo đức nhất định sẽ dẫn tới sự diệt vong về chính trị. Ông cha ta luôn nhắc: Rằng, có năm nguy cơ sẽ làm mất nước: trẻ không trọng già, trò không kính thày, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan và sĩ phu ngoảnh mặt; và rằng, “tôn tộc đại quy, tôn nịnh đại suy, tôn tài đại thịnh, tôn lộc đại nguy”. Đối với chúng ta, hiện nay càng phải lấy đó làm răn. Khi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thì không thể xem thường về uy tín chính trị, rộng hơn là vị thế chính trị của Đảng. Vì, Đảng ta “là đạo đức,là văn minh”. Và, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chính trị là đức”(8). Có thể nói một cách hình tượng, đó là ba đỉnh của tam giác thể chế chính trị Việt Nam đổi mới! Công việc đổi mới thể chế và tham gia dưới mọi hình thức vận hành, giám sát thể chế chính trị là công việc của toàn xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng. Thiếu nhân tố này, cầm chắc sự thất bại trong công cuộc đổi mới thể chế chính trị hiện nay.
Những đặc trưng đó bảo đảm và tự nó cho thấy, thể chế chính trị Việt Nam hiện nay trong cuộc đổi mới là một thể chế dân chủ - pháp quyền - đạo đức được hiến định một cách minh bạch, không cần tranh thảo, không thể phủ nhận, cả trên lý thuyết và thực tiễn, chứ đâu phải là thứ “thể chế toàn trị” nào đó, như có ý kiến đang tưởng tượng một cách lưỡng lự, bối rối hay đang cố công bài xích và bôi nhọ đủ mức độ và giọng điệu hiện nay.
II- Đổi mới cấu trúc hệ thống chính trị - xã hội
Với tư cách là “giá đỡ”, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng chuyển mạnh từ tồn tại sang cơ cấu, như đã trình bày, thì hệ thống chính trị, với tư cách thuộc thượng tầng kiến trúc, không thể không tái cấu trúc một cách tương dung. Nói cách khác, đây phải là hệ quả tất yếu của việc chuyển dịch nền kinh tế. Đó chính là sự đòi hỏi từ hai phía theo yêu cầu, quy mô, tốc độ và chiều sâu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tổ chức làm nên sức mạnh. Nhưng, căn nguyên của sức mạnh tổ chức theo chủ kiến chính trị lại nằm ở chỗ khoa học của sự tổ chức. Do đó, tiếp tục đổi mới cấu trúc phải tạo nên sự thống nhất chỉnh thể và đồng bộ của hệ thống chính trị - xã hội tương hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với thời đại. Do đó, định hướng, định tính, định lượng và định chế về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy... đối với từng thành viên của hệ thống chính trị nói riêng, một cách đúng hướng, phù hợp và cụ thể, theo phương châm: rõ, gọn, tinh thông, liên thông, không chồng lấn, minh bạch hóa, hiệu lực và hiệu quả, dễ kiểm tra, kiểm soát và xử lý nhưng có khả năng tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, là công việc cốt tử của tiến trình cấu trúc lại hệ thống chính trị. Tất cả việc đó sao cho toàn dân chủ động tham gia công việc xây dựng, kiểm tra, giám sát và thực thi quyền và trách nhiệm của mình theo luật định đối với công việc này, một cách dân chủ. Đó là thước đo của sự phát triển thể chế chính trị dân chủ và pháp quyền của chúng ta trong cuộc hội nhập quốc tế. Chỉ có như thế mới hy vọng kiềm tỏa và chủ động đẩy lùi một cách hiệu quả nạn hành chính hóa, tệ quan liêu, nhũng nhiễu... từng làm suy yếu hoặc làm tê liệt ở không ít khâu, bộ phận của các bộ máy thành viên hệ thống chính trị, vô hình trung xâm hại thiết chế chính trị dân chủ và pháp quyền, hạ thấp vai trò chủ thể quyền lực của nhân dân (gồm đa dạng các giai cấp, giai tầng, tầng lớp, nhóm xã hội..., sẽ trình bày dưới đây), mà hơn 70 năm qua chúng ta kiên trì khắc phục; đồng thời, mới có thể thiết thực nâng cao vị trí, vai trò và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm bản chất của thể chế chính trị nước ta.
Tới đây, một cách tự nhiên, thực tiễn chính trị đang đòi hỏi không thể không tiếp tục đổi mới nhận thức về hệ thống chính trị - xã hội. Đó chính là yêu cầu phát triển của nền chính trị hiện đại. Sự vận động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng đã và đang đặt ra yêu cầu: Nếu không nhận thức hệ thống chính trị - xã hội thì không thể thiết kế đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc vị trí, vai trò của các thiết chế xã hội Việt Nam hiện đại.
Lâu nay, chúng ta thường chỉ đề cập tới hệ thống chính trị với ý nghĩa là hệ thống các thiết chế chính trị và chính trị - xã hội, gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể quần chúng, chưa chú ý thỏa đáng tới hệ thống chính trị - xã hội, với hàm ý là một hệ thống rộng hơn, bao hàm cả những tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội (hội đoàn, trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, dịch vụ xã hội...) không ngừng phát triển theo quy mô, tốc độ của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế và chiều ngược lại là quốc tế hội nhập Việt Nam, những bộ phận hợp thành của hệ thống chính trị - xã hội một cách tất yếu. Mà vấn đề sau cùng này lại rất mới và quan trọng, đặt ra yêu cầu bức thiết đối với việc cấu trúc lại hệ thống chính trị - xã hội song trùng với cấu trúc lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang diễn ra ở nước ta. Sự hiện diện này dẫn tới có thể làm thay đổi tính thuần nhất của hệ thống chính trị truyền thống từng hiện diện hơn 70 năm qua, tạo nên sự tương tác chính trị - xã hội rất đa dạng, phong phú. Ở phương diện nào đó, đây là dấu hiệu khả quan trong việc tham gia chính trị ngày càng đông đảo của nhân dân, khi dân trí ngày càng được nâng cao, khi yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi sự can dự chính trị, ý thức về lợi ích toàn diện ngày càng tăng của mỗi công dân, đẩy lùi tình trạng “mù chính trị”, như V. I. Lê-nin nói, thậm chí là tình trạng thờ ơ chính trị hoặc đứng “ngoài chính trị” của một bộ phận dân cư. Đây là phương diện mới mẻ và tất yếu cần tiếp tục khảo cứu và xác quyết.
Dù vậy, cần thấy rằng, hệ thống chính trị nước ta không phải là hệ thống của các thiết chế đối lập nhau về lợi ích, và Đảng là một thành viên của hệ thống đó, vô luận giữ vai trò lãnh đạo một cách tất yếu. Thực tiễn lịch sử đó rất đúng đắn nhưng chưa đủ. Hiện nay, sự tham gia của các lực lượng xã hội, như đã nói, đã làm thay đổi rộng và sâu tính thuần nhất của hệ thống chính trị truyền thống, tạo nên sự tương tác xã hội vô cùng đa dạng, đa chiều và mạnh mẽ. Sự thống nhất của lợi ích quốc gia đã hàm chứa và thể hiện tính phong phú, đa dạng về lợi ích của các nhóm xã hội theo tốc độ phát triển của đất nước. Nền chính trị hiện đại của đất nước, một cách tất yếu, phải dung chứa trong đó hệ lợi ích, trong đó lợi ích quốc gia là căn bản - với tư cách là động lực trung tâm - thúc đẩy sự phát triển của các nhóm xã hội một cách thống nhất. Vì, nó là sự thống nhất hữu cơ giữa các thiết chế chính trị, chính trị - xã hội và thiết chế xã hội hợp thành hệ thống chính trị - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đến lượt nó, đòi hỏi để nâng cao vai trò lãnh đạo ngang tầm đối với nó, Đảng cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo bảo đảm vị trí, vai trò của tất cả các thiết chế hợp lưu thành hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam. Đó là lẽ tự nhiên. Đặc trưng này vừa mang tính riêng biệt và tính phổ biến của hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam, vừa mang tính thời đại, xét trong mối liên hệ so sánh với các hệ thống chính trị - xã hội của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Vì vậy, từ sự thống nhất giữa quyền lực chính trị và xã hội, xuất phát từ thực tiễn lịch sử hiện nay, cấu trúc của hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam bao gồm các thành viên: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội rộng lớn, đa dạng và phong phú của nhân dân. Nói cụ thể, hệ thống chính trị - xã hội hiện nay hợp lưu bởi ba thiết chế: 1- Tổ chức chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam), Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2- Tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh), các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ...); và 3- Tổ chức xã hội: Các hiệp hội kinh tế, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội khác...
Nói gọn lại, kế thừa hệ thống chính trị truyền thống, trong điều kiện phát triển mới, hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay đó là sự thống nhất giữa hai hệ thống thiết chế xã hội là hệ thống chính trị (hệ thống thiết chế trực tiếp thực thi quyền lực chính trị) và hệ thống thiết chế xã hội hợp thành hệ thống xã hội. Đó là lô-gíc tái cấu trúc tất yếu sau 30 năm đổi mới. Trong xây dựng cơ chế thực hiện và bảo đảm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, sự thống nhất của các hệ thống ấy mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc.
Nhưng, điều kỳ vọng thành công trong việc đổi mới cấu trúc hệ thống chính trị là ở chỗ, với phương thức Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, phải kiến tạo mô hình hệ thống theo phương châm mười bốn chữ: gọn nhẹ, liên thông, tinh hoa, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, vững chắc. Đối với hệ thống xã hội, với phương châm xã hội hóa, các thiết chế xã hội càng đa dạng, càng phong phú, càng rộng lớn càng mạnh mẽ và vững chắc.
Có thể hình dung mô hình hệ thống chính trị - xã hội được tổ chức theo: Mô hình đàn chim bay hoặc Mô hình tháp.
Ở đây, cần thấu triệt các nguyên tắc:
Một là, hệ thống chính trị càng nhỏ, gọn tối thiểu càng tối ưu, không được phép song trùng giữa các bộ phận trong một bộ máy, giữa các bộ máy với nhau, dù của Đảng hay của Nhà nước...;
Hai là, hệ thống xã hội càng xã hội hóa, càng rộng lớn càng tối ưu;
Ba là, bảo đảm sự thống nhất hữu cơ toàn hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam - ngọn nguồn của sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo đó, trước mắt, đối với hệ thống chính trị, tiến hành 6 nhóm công việc cốt tử sau:
1- Nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và quản lý theo hướng một chức danh làm nhiều việc, chứ không phải một việc nhiều người làm. Chẳng hạn, ở những nơi đủ điều kiện, có thể kiện toàn bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp. Có thể gọi là: Tỉnh trưởng, đô trưởng... Các cơ quan nhà nước cũng như vậy.
2- Giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy dù của Đảng hay của Nhà nước làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, giảm mạnh số các đầu mối bộ máy và tổ chức, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông - nhất nguyên chế. Nói cách khác, từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu. Chẳng hạn, Mặt trận Tổ quốc với Ban Dân vận có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau, nên chăng tính toán nhất nguyên hóa tối thiểu ở 3 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị, theo phương châm: đa năng hóa bộ máy hay bộ máy đa năng. Các thành viên của hệ thống chính trị thuộc Mặt trận Tổ quốc làm công tác dân vận (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...) có thể thuộc khối đa năng này. Lại chẳng hạn, văn phòng cấp ủy trùng lắp rất nhiều loại công việc với văn phòng chính quyền, hội đồng nhân dân, trước mắt có thể sáp nhập các văn phòng làm một, theo phương châm: một văn phòng phục vụ hai (ba) bộ máy. Nhìn bộ máy tổ chức từ Trung ương tới cơ sở và bộ máy nội vụ các cấp, nên chăng rất cần chỉ thành lập một trung tâm kiến tạo nhiều bộ máy, khi Đảng cầm quyền, chứ không cần các trung tâm của các bộ máy như hiện nay. Thực tiễn từ Quảng Ninh, Quảng Nam và một số địa phương trên phương diện này rất đáng để suy ngẫm và rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, bộ máy Văn phòng Trung ương Đảng Hành động nhân dân Xin-ga-po (PAP) chỉ có 8 nhân sự quản lý hơn 15.000 đảng viên, chiếm 0,2% số dân đất nước này.
3- Sàng lọc, kiến tạo, đào tạo, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu quả. Sự thành bại, mạnh yếu của một thiết chế chính trị một phần lớn phụ thuộc vào chất lượng cao hay thấp, chứ không phụ thuộc vào số lượng đông hay không của đội ngũ này. Nên nhất định phải được tuyển chọn đồng thời sa thải (chủ yếu và trước hết qua con đường thi tuyển) theo hướng tinh hoa, chuyên nghiệp, trung thành và mẫn cán. Đây là một đại sự cần giải quyết, nhưng giải quyết ra sao? Thử dẫn một sự so sánh tham khảo, hiện nay ở nước ta, với đội ngũ 2,8 triệu người (hằng năm chi lương cho đội ngũ này tới 400 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng chi đầu tư công, một con số khổng lồ như một gánh nặng đè lên ngân sách còn hạn hẹp), rất cồng kềnh, nghĩa là cứ 40 người dân có một công chức, trong khi ở Hoa Kỳ phải 140 người dân mới cần một công chức trong bộ máy. Vì thế, câu trả lời hiện nay là: Không thể chấp nhận sự cồng kềnh đó của bộ máy hiện nay. Vậy, kiến tạo lại đội ngũ sẽ ra sao? Câu trả lời: Tuyển chọn lại, và chuyển số “dôi dư” sau cấu trúc đó sang làm các công việc khác một cách kiên quyết: làm kinh tế, dịch vụ thích hợp. Các nước Hoa Kỳ, Xin-ga-po... đã thực thi điều đó, và số người dịch chuyển này đã góp phần làm tăng thêm 50% GDP ở các quốc gia đó.
4- Xây dựng cơ chế tập trung quyền năng, trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy đồng thời đổi mới cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền năng, quyền lực và quyền uy chặt chẽ, dân chủ và minh bạch. Không đề cao quyền năng cá nhân không thể thành công trong việc bảo đảm trách nhiệm cá nhân, khâu yếu nhất từ trước tới nay, mà khi tiến hành nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế bộ máy (đủ điều kiện) không thể không chế định vấn đề này. Vì, không như vậy, hai công việc trên rất khó thành công, nếu không nói là thất bại trong việc kiểm soát nhằm giữ vững kỷ cương bộ máy. Nói trực tiếp, việc “cầm tướng” của Đảng sẽ gặp khó khăn. Cho nên, trước mắt, cần chế định hệ thống các quy chế, nội quy, tiến tới luật hóa các công việc kiểm soát quyền lực một cách phù hợp, nhằm ngăn chặn sự tha hóa về quyền lực: độc quyền, lạm quyền, lộng quyền, tiếm quyền... sinh ra quan liêu, tham nhũng (kể cả quyền lực), dung dưỡng lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích làm cát cứ hóa địa phương, khu vực hóa lợi ích thống nhất quốc gia.
5- Xác lập chế tài thưởng/phạt công minh, kịp thời. Kinh nghiệm cho thấy, đây là công việc có tính chất như điều kiện đủ. Quyết không có đặc quyền, đặc lợi, dù cho là tổ chức chính trị nào. Vì, thưởng/phạt không công minh tất rối loạn và cầm chắc sự thất bại.
6- Thể chế hóa, tiến tới luật hóa các nhóm công việc chủ yếu trên.
Đối với hệ thống xã hội, với phương châm xã hội hóa xây cơ sở xã hội càng rộng lớn càng thống nhất trong đa dạng thì càng vững chắc, cần làm 5 nhóm công việc cơ bản sau:
1- Thúc đẩy và bảo đảm các điều kiện nâng cao sự tự nguyện của các giai tầng, nhóm xã hội trên mọi phương diện của đời sống xã hội trong việc xây dựng các tổ chức của mình một cách phù hợp, đúng pháp luật;
2- Tôn trọng tính độc lập xã hội tương đối đối với các tổ chức xã hội theo nghề nghiệp, lứa tuổi, sở nguyện... đúng pháp luật;
3- Tôn trọng và phát huy truyền thống các tổ chức tự quản cộng đồng, các tổ chức quản lý cộng đồng theo luật tục không trái pháp luật;
4- Nhà nước hỗ trợ khi cần thiết về các điều kiện cần và đủ cho các tổ chức xã hội hoạt động với thiết chế riêng, đa dạng một cách phù hợp;
5- Luật hóa các nhóm công việc trên.
Tối thiểu là như vậy.
III- Đổi mới cơ chế vận hành hệ thống chính trị - xã hội
Đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công việc đổi mới chính trị. Nó không chỉ thể hiện tập trung và sinh động bản chất dân chủ và pháp quyền của thể chế chính trị mà còn là phương thức để thể chế chính trị thể hiện mình về tính cách mạng, khoa học, tính hiện đại, tính dân tộc và mang tính thời đại trong việc thực thi quyền lực của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Nhà nước ta... Đồng thời, là thước đo vị trí, vai trò và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam trong tiến trình phát triển, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của đất nước, trước hết và trực tiếp là Đảng trong vị thế vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị, xây dựng thể chế chính trị, vừa là một thành viên cấu thành hệ thống chính trị - xã hội nước ta.
Phát triển từ nhiều nghiên cứu đều cho thấy rằng, hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay là hệ thống các thiết chế chính trị, chính trị - xã hội và các thiết chế xã hội khác, gồm 3 bộ phận chủ yếu cấu thành, như trên đã trình bày, thống nhất với nhau về lợi ích, không có sự đối lập nhau về những vấn đề cơ bản này. Theo đó, sự thống nhất quyền lực chính trị và quyền lực xã hội bảo đảm thống nhất giữa các thiết chế chính trị, chính trị - xã hội và thiết chế xã hội đã được cấu trúc càng chỉnh thể, hữu cơ và toàn vẹn hợp thành hệ thống chính trị - xã hội nước ta. Điều đó hoàn toàn cho phép sự vận hành của hệ thống chính trị - xã hội phải thực sự thể hiện tự nhiên là một thể thống nhất, trên nền tảng dân chủ và được bảo đảm bằng pháp luật. Nói cách khác, dân chủ và pháp quyền phải là linh hồn của cơ chế vận hành, xuyên suốt toàn bộ hoạt động thống nhất và đồng bộ của hệ thống chính trị - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà mọi sự đổi mới trên phương diện này phải thấu triệt và bảo đảm, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình, mỗi thành viên của hệ thống chính trị - xã hội hoạt động một cách độc lập tương đối trong chỉnh thể thống nhất hữu cơ, được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật trên nền tảng truyền thống chính trị nước ta, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Chung quanh vấn đề này, tôi sẽ đề cập tới ở các chuyên đề riêng, mà ở đây, chỉ đặt vấn đề mang ý nghĩa về phương pháp luận.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một thành viên trong hệ thống chính trị - xã hội nhưng Đảng giữ vai trò lãnh đạo - một tất yếu lịch sử không thể phủ nhận, một nhu cầu tự nhiên của dân tộc - được nhân dân lựa chọn, thừa nhận và lịch sử dân tộc kiểm nghiệm. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, vị trí và vai trò lịch sử đó của Đảng trong và đối với hệ thống chính trị - xã hội, phải ngày càng tăng theo và ngang tầm quy mô và tốc độ phát triển của đất nước; uy tín của Đảng ngày càng phải được nâng cao trong các quan hệ với các quốc gia, dân tộc trên thế giới và đồng chí, bạn bè quốc tế. Đó phải là nhu cầu phát triển tự thân của Đảng, nếu Đảng muốn hoàn thành trọng trách lịch sử mà dân tộc, nhân dân tin cậy trao cho Đảng.
Đối với toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội, với tư cách là người lãnh đạo, Đảng vừa đồng hành, vừa dẫn lối; trong vai trò là hạt nhân, Đảng tỏa sâu rộng sức hấp lực quy tụ sức mạnh của tất cả các thành viên của hệ thống chính trị - xã hội theo đường lối chính trị của Đảng. Một cách tất yếu, Đảng phải tự mình trở thành dân tộc và chịu trách nhiệm lịch sử trước dân tộc. Nói cách khác, Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam. Trên phương diện này, trong muôn vàn mối dây liên hệ, Đảng cần nắm lấy tối thiểu năm giềng mối trên cơ sở tôn trọng tính độc lập tương đối của các thành viên trong hệ thống chính trị - xã hội, theo Hiến pháp và luật định: Một là, “cầm thời”; hai là, “cầm đạo”; ba là, “cầm cương”; bốn là, “cầm tướng”; năm là, “cầm tâm” (tôi đã trình bày)(9). Đó là dân chủ, là pháp quyền và đó chính là đạo đức làm nên bản chất của thể chế chính trị đổi mới nước ta, dưới ngọn cờ của Đảng. Vì thế, đường lối chính trị của Đảng, trước hết, là Cương lĩnh chính trị, đồng thời, là Cương lĩnh hành động thống nhất, chứ không phải là “cương lĩnh phòng trà”, nơi để nghị luận suông.
Ba mươi năm đổi mới, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, dân tộc ta tiến những bước dài quan trọng trong lịch sử nước nhà; vị thế quốc gia - dân tộc được khẳng định vững vàng trên trường quốc tế. Đó chính là hiện thân của quyền dân tộc tự quyết mà Việt Nam lựa chọn và phát triển, con đường của sự phát triển đa dạng trong thống nhất của khu vực và của thế giới chỉnh thể mà được các quốc gia, dân tộc tôn trọng và ghi nhận. Đánh giá về công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam, bạn bè quốc tế ghi nhận: “Các đồng chí cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đạt được những thành tích to lớn về mọi mặt”(10), “Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Việt Nam đã khiến quốc gia này thành nước có sức ảnh hưởng lớn nhất tại bán đảo Đông Dương”(11). Cách đây 16 năm, dưới nhan đề bài viết: “Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của cả loài người”, dư luận quốc tế xác tín: “Việt Nam đang thực hiện một quá trình đổi mới đầy sáng tạo nhằm đưa chủ nghĩa xã hội thích ứng với hoàn cảnh mới, với điều kiện lịch sử và bối cảnh quốc tế mới. Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới nhưng vẫn giữ được những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”(12). Và, “Tầm nhìn của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội đang trở nên sinh động ở Việt Nam hôm nay”(13).
Thành quả đó là sự nỗ lực của hơn 90 triệu đồng bào ta dù ở trong nước hay ở nước ngoài và sự ủng hộ của toàn thể bạn bè quốc tế khắp bốn bể năm châu! Xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một nền văn hóa và con người Việt Nam của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nền ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng,... dưới ngọn cờ của Đảng là quy luật phát triển, là nhu cầu tất yếu của đất nước ta trong thời đại ngày nay, mà dân tộc ta đã, đang và nỗ lực thực hiện kiên định, trong bối cảnh thời thế bất ổn định, biến đổi khôn lường!
Vượt qua bất cứ sự bôi nhọ, phủ nhận của các lực lượng chống phá chúng ta, Đảng tiếp tục đi tiền phong, như đã từng đi 86 năm qua, cùng dân tộc thực hiện sứ mệnh lịch sử đổi mới đất nước, tiến tới mục tiêu cao cả, lãnh nhiệm trọng trách vẻ vang đó một cách kiên định. Kể từ khi Đảng vừa ra đời, đã gánh lấy sự giao phó của nhân dân lãnh đạo dân tộc Việt Nam phá bỏ gông xiềng nô lệ, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, dù cho phải hy sinh vì gươm súng xâm lược bạo ngược của đủ loại kẻ thù từ nhiều phía. Vì, sứ mệnh lịch sử của dân tộc, nhân dân đã trao cho Đảng gánh vác; với vị thế địa - chính trị đất nước, Nhà nước chúng ta “đứng mũi chịu sào” trước Biển Đông phức tạp; và hơn 90 triệu đồng bào tin cậy Đảng, trước sau ủng hộ “đứa con nòi” của mình, bảo vệ Nhà nước của mình. Để đáp lại sự gửi gắm tin cậy đó, Đảng không ngừng chủ động nỗ lực sửa mình, để tiếp tục hoàn thành trọng trách to lớn và thiêng liêng ấy! Và, Nhà nước ta, khi mới sinh ra đã tự nhiên là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân! Đảng và Nhà nước đều là “đầy tớ”, là “công bộc” của nhân dân! Đó là chỗ đứng của Đảng, của Nhà nước ta trong lòng nhân dân ta!
Nhà nước mà chúng ta xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, với thượng tôn pháp luật. Đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước theo hướng quản lý hành chính; không thực hiện các chức năng khác thuộc về các tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp, hiệp hội...), các tổ chức xã hội và thậm chí cả tư nhân làm; chỉ làm những gì khi các tổ chức này không thể làm, trên cơ sở luật pháp. Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước là mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và quản lý đất nước, giữa định hướng chính trị và quản trị quốc gia, thông qua các đảng viên của Đảng, các tổ chức đảng trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, thực chất vai trò của Nhà nước xét trong mối quan hệ hữu cơ tổng thể với hệ thống chính trị - xã hội lúc này, có thể nói là, kiến tạo phát triển và quản trị quốc gia, trên nền tảng pháp luật không ngừng được hoàn thiện phù hợp với đất nước, với thông lệ và luật pháp quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Điều rõ ràng là, Nhà nước được nhân dân trao cho và ủy thác quyền lực, nên sự phân công một cách khoa học, minh bạch công việc chấp quyền và xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực phải trở thành nhiệm vụ cốt tử của Nhà nước trong việc sử dụng, thực thi đúng đắn, phát triển và bảo vệ quyền lực của nhân dân. Do đó, nhiệm vụ cấp bách là, Nhà nước đổi mới cơ chế bằng pháp luật kiểm soát quyền lực nhằm chống lại mọi sự tha hóa quyền lực và các tệ nạn khác trong sử dụng quyền lực nhân dân (mua bán chức quyền, lộng quyền, lạm quyền, tiếm quyền, sở hữu quyền lực, quan liêu, hành chính hóa, cục bộ, bản vị, phường hội, lợi ích nhóm và nhóm lợi ích, tham nhũng quyền lực...), dưới sự giám sát minh bạch của nhân dân. Nghiên cứu và thực thi quyền bãi miễn của nhân dân đối với các chức danh do nhân dân bầu, với cơ chế thích hợp, bằng luật định. Đó chính là con đường phát triển duy nhất đúng đắn và phù hợp với đạo đức nền hành chính trên lộ trình cải cách nền hành chính và công vụ hiện nay của Nhà nước trong bối cảnh chúng ta phát triển và thực thi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, để Nhà nước làm tốt nhất vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình, trong vị thế là người kiến tạo và quản trị xã hội theo pháp luật một cách khoa học, dân chủ và hiệu quả. Do vậy, chính sách và pháp luật của Nhà nước là bản “khế ước hóa” đường lối chính trị, Cương lĩnh chính trị và Cương lĩnh hành động của Đảng một cách thống nhất và hiệu quả; và theo đó, Nhà nước đổi mới không ngừng nền hành chính và công vụ quốc gia phụng sự nhân dân, phục vụ công cuộc phát triển toàn diện đất nước, với đội ngũ cán bộ, công chức gọn nhẹ, chuyên nghiệp, mẫn cán, liêm chính và tự trọng. Đồng thời, hết sức cảnh giác, ngăn chặn bằng pháp luật nguy cơ cấu kết giữa: một bộ phận các nhà chính trị suy thoái trong bộ máy nhà nước với giới chủ và những người nắm tài chính quốc gia, hình thành các nhóm lợi ích làm khuynh đảo nền chính trị, kinh tế và xã hội đất nước.
Trong hệ thống, mỗi loại tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ... là các thành viên của nó, có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ riêng và hoạt động theo luật định. Nhưng, nhìn bao quát và từ chiều sâu thực tiễn, các tổ chức chính trị - xã hội hàm chứa sự thống nhất hữu cơ giữa hai mặt chính trị và xã hội. Các tổ chức này, với tính chất chính trị và tính chất xã hội rộng lớn, theo phương thức riêng của mình, thu hút, tập hợp đông đảo các lực lượng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao phó; đều phát huy nguồn lực con người phục vụ các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân là chủ và làm chủ.
Điểm rất mới mẻ trong thời kỳ đổi mới, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nêu trên, nhiều tổ chức xã hội khác được coi là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, như Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam... thể hiện sự phát triển của các thiết chế xã hội ở thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, một số hội nghề nghiệp (của các trí thức, doanh nhân, các nhà khoa học...) không chỉ mang tính chất đoàn thể xã hội mà còn đóng vai trò to lớn trong việc góp phần hoạch định và thực thi đường lối chính trị phát triển đất nước; thể hiện xu hướng phát triển tất yếu và mới mẻ trong quá trình xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà tính chất nổi bật là sự tác động có thể nhiều chiều, nhưng nhìn chung là sự tương hỗ - hài hòa giữa các yếu tố chính trị và kinh tế - xã hội. Đây đang là xu hướng phát triển khách quan mang tính tất yếu, cũng đồng thời mang tính truyền thống. Dù không quyết định tới thể chế chính trị, luật pháp nhưng việc ban hành các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không thể không tính tới nhu cầu, lợi ích cũng như vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hay các hiệp hội kinh tế... Đây chính là một trong những thước đo trình độ phát triển của dân chủ một cách tất yếu mà chúng ta đã và đang nỗ lực thực thi.
Với cách nhìn “Nhà nước nhỏ trong xã hội lớn”, các tổ chức xã hội được ví như những nhân tố hợp thành “bệ đỡ” rộng lớn, vững chắc về mặt xã hội, cùng với “bệ đỡ kinh tế”, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của các thiết chế chính trị gồm Đảng, Nhà nước. Móng có rộng và vững, ngôi nhà mới có thể xây cao. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Triết lý đó vô cùng giản dị nhưng mang ý nghĩa to lớn đối với hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Mặt khác, đến lượt nó, hệ thống các tổ chức xã hội không phải là “kênh” biệt lập với hệ thống chính trị mà ngày càng tham gia mạnh mẽ và tác động sâu sắc tới kết quả hoạt động của hệ thống chính trị; ở góc độ nào đó là hệ thống phản hồi đối với hệ thống chính trị, giám sát hoạt động của hệ thống chính trị.
Toàn bộ điều đó cho thấy, dù ở các vị thế khác nhau, hệ thống chính trị và hệ thống xã hội đều là những phương diện thực hiện quyền lực nhân dân, hợp thành thể thống nhất hài hòa hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam. Nếu hệ thống chính trị tác động tới xã hội trên cơ sở quyền lực giai cấp - xã hội, dẫn dắt, điều hành xã hội, bảo đảm tính thống nhất của ý nguyện và quyền lực của nhân dân, thông qua thiết chế chính trị, thì hệ thống xã hội bảo đảm tính nhân bản, tính đa dạng, phong phú của đời sống xã hội, tham gia giám sát, phản biện xã hội, thông qua thiết chế xã hội, một cách không thụ động hay phụ thuộc và có trách nhiệm chung đối với sự phát triển toàn diện của đất nước. Cố nhiên, hai hệ thống này không thể thiếu nhau, cũng không thể thay thế vai trò cho nhau, nhưng có tác dụng tương hỗ. Xét tổng thể là, dù khác nhau về vị trí, vai trò, phương thức, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, cả hai đều thống nhất ở mục tiêu, vì một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì sự phát triển toàn diện và hoàn thiện con người Việt Nam.
Đó là điểm mấu chốt tiên quyết của việc đổi mới cơ chế vận hành của hệ thống chính trị - xã hội nước ta mà chúng ta cần hướng tới xây dựng và không ngừng hoàn thiện, xét trong tổng thể công việc đổi mới chính trị hiện nay.
IV- Kiến tạo đội ngũ các nhà chính trị chuyên nghiệp và vấn đề thủ lĩnh chính trị - người đứng đầu tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị - xã hội
Nói tới đổi mới, xây dựng một nền chính trị Việt Nam hiện đại càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ các nhà chính trị, nhất là các thủ lĩnh chính trị ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, sự vận hành và sức mạnh của nền chính trị quốc gia. Ở họ không chỉ hội tụ và thể hiện quyền lực của nhân dân mà còn thể hiện quyền năng và quyền lực của nền chính trị quốc gia và quyền uy cá nhân, với tư cách là nhà chính trị. Do đó, trọng tâm của công việc đổi mới chính trị hiện nay không thể không dành sức lực và điều kiện trước hết và thường xuyên để làm tốt vấn đề có ý nghĩa quyết định thành bại mang tầm chiến lược này.
Trước hết, trong đổi mới tư duy chính trị, tiếp tục đổi mới tư duy về chính trị gia, nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa.
Nếu xem chính trị, với nghĩa rộng nhất, như người xưa nói là: “Chính trị là chính trực. Nếu lấy chính trực mà hành xử, mà điều hành chính sự thì có ai dám không chính trực” (Chính giả chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?) thì tham chính là một công việc chính trực nơi chính trường phức tạp. Nói cụ thể, theo nguyên nghĩa, tham gia chính trị là chỉ làm mọi công việc chính đáng mà thôi. Do đó, chính trị là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp tinh hoa và những người làm chính trị phải là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn, chính trực và liêm chính.
Vì vậy, trong công cuộc xây dựng đội ngũ những nhà chính trị điều hành nền chính trị nước ta không thể không làm cho kỳ được mấy việc chủ yếu tối thiểu sau đây:
Một là, xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị... phù hợp với nền chính trị của chúng ta. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn chiến lược, sự dũng cảm và liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu. Hơn 2.500 năm trước, ở thành A-ten cổ đại, chính khách nào phạm vào một trong hai tội sau đây: tham nhũng và hủ hóa trai gái, sẽ bị đuổi ra khỏi thành và cấm mười năm không được tham gia chính sự. Điều đó cho thấy, ngay từ rất xa xưa, loài người đã xem trọng sự ngay thẳng, trong sạch về phẩm hạnh của chính trị gia tới mức nào.
Hai là, thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị... ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Nghĩa là, cần xác lập cơ chế tuyển dụng nhân tài một cách dân chủ và phù hợp. Ở đây, tối thiểu với bảy “con đường” để tuyển chọn: thi tuyển, tranh tuyển, ứng tuyển, tiến tuyển, bổ tuyển, bầu tuyển, cử tuyển. Sử dụng, kiểm tra họ thật đúng đắn trên chính trường một cách phù hợp, theo phương châm năm hóa: tiêu chuẩn hóa, khoa học hóa, dân chủ hóa, kiểm nghiệm hóa, trách nhiệm hóa. Nhân dân phải giữ vai trò là một chủ thể trong công việc lựa chọn, giám sát, bãi miễn và thực hiện các quyền khác của mình theo luật định, đối với các nhà chính trị, vì sức mạnh và sự sống còn quyền lực của nhân dân, khi nhân dân ủy thác cho họ. Ngày xưa, ông cha ta đặt ra lệ khảo quan định kỳ cũng là vì thế. Hơn 700 năm trước, Trần Quốc Tuấn cho chúng ta một bài học lớn về phương diện chọn người làm tướng, gồm 8 điểm: 1- Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không; 2- Gạn hỏi bằng lời lẽ xem có biến hóa không; 3- Cho gián điệp thử xem có trung thành không; 4- Hỏi rõ ràng, tường tận để xem đức hạnh thế nào; 5- Lấy của mà thử xem có thanh liêm không; 6- Lấy sắc đẹp mà thử để xem có đứng đắn không; 7- Lấy việc khó khăn mà thử để xem có dũng cảm không; 8- Cho uống rượu say để xem có giữ được thái độ không. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng để lại không ít kinh nghiệm và bài học lớn trong công việc khéo chọn và khéo dùng cán bộ.
Ba là, lập trường, mở lớp thích hợp đào tạo họ một cách toàn diện, trước hết là tư cách, rộng hơn là đạo đức của một người làm chính trị... trong nền chính trị hiện đại. Ngày xưa, ông cha ta lập Trường hậu bổ đào tạo, rèn luyện những người ra làm quan cũng là vì lẽ đó, trong đó hết sức rèn cái “đạo” của người làm quan. Vì, chính trị không phải là thứ chính trị suông mà ở góc độ nào đó chính trị chính là đạo đức; là tự trọng và liêm chính. Vì thế, theo nghĩa nào đó, đạo đức là giềng mối làm nên nền văn hóa chính trị của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên V. I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chung quan niệm: Một tấm gương sống về đạo đức có giá trị hơn hàng ngàn bài diễn văn chính trị dài dòng, nhất là ở phương Đông. Nếu xem các nhà lãnh đạo, quản lý của chúng ta là những nhà chính trị, thì họ cũng đồng thời là những tấm gương sống về đạo đức. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”(14), “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”(15). Nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Trung ương Đảng đã mở 6 lớp đào tạo dư nguồn cán bộ cao cấp chuẩn bị cho Đại hội XII và các tỉnh, thành ủy đều mở các lớp đào tạo nguồn chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng bộ các cấp. Rõ ràng, đó là sự chuyển động theo hướng nêu trên.
Bốn là, đối đãi với những người làm chính trị, nhất là những chính trị gia, thật ngang tầm và xứng đáng. Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, xử lý thật nghiêm minh những nhà chính trị làm tổn hại uy tín và sức mạnh nền chính trị đất nước.
Đây là công việc then chốt, có ý nghĩa thành bại của tiến trình đổi mới chính trị đất nước.
Vấn đề rường cột thứ tư: Hệ động lực chiến lược đổi mới chính trị Việt Nam hiện nay
Công cuộc đổi mới chính trị trong tổng thể sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta có nguy cơ không thành công, thậm chí thất bại hoàn toàn, nếu thiếu hệ động lực căn bản và chủ yếu. Ở đây, có mấy vấn đề hết sức quan trọng cần giữ vững:
I- Bảo vệ nền độc lập, tự chủ, tự cường và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ - nền móng chính trị và động lực căn bản đổi mới chính trị Việt Nam
Không thể nói về một nền chính trị độc lập nếu quốc gia dân tộc không có quyền tự quyết dân tộc hay không có chủ quyền, dân tộc bị lệ thuộc, nhân dân bị nô lệ dưới hình thức này hay mức độ kia. Nói trực tiếp, càng không thể kỳ vọng đổi mới chính trị đất nước, khi đất nước bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào về chính trị hay kinh tế... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”(16). Và, lịch sử cũng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình hay bị cô lập.
Do vậy, bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ vô điều kiện quyền lực và lợi ích tối cao của nhân dân là điều kiện tiên quyết, là nhân tố quyết định, là động lực căn bản, trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc để đổi mới chính trị nhằm hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực. Điều đó chính là chủ động ngăn chặn giặc ngoại xâm từ bên ngoài. Đó là điều tất yếu.
Đồng thời, đặc biệt coi trọng đẩy lùi quốc nạn tham nhũng và tệ lợi ích nhóm... Nghĩa là cảnh giác chống giặc nội xâm từ bên trong. Đó chính là nhu cầu xây dựng môi trường chính trị - xã hội trên nền móng một xã hội công dân lành mạnh, bảo đảm thành công đổi mới chính trị. Nói khái quát, ở đây, có sáu phương diện chủ yếu cần được chú ý ngang nhau: An ninh chính trị - an ninh kinh tế - an ninh văn hóa - an ninh xã hội - an ninh quốc phòng và an ninh sinh thái, trong công việc đổi mới chính trị.
II- Phát huy Quốc bảo lòng dân làm gốc rễ với hạt nhân là niềm tin chính trị nhân dân, không ngừng hoàn thiện xã hội công dân và phát triển toàn vẹn quyền con người
Đất nước ta đã đi qua và làm thất bại hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lăng lớn nhỏ. Là lẽ tự nhiên và thuận với đạo lý quốc tế, càng đi qua máu lửa, dân tộc ta càng ngẩng đầu, bất khuất; càng trải những thăng trầm có tính chất mất còn, nền độc lập tự do của Tổ quốc càng trở thành nhu cầu bất diệt; và toàn dân tộc dù hy sinh tất cả, càng quyết tâm giành lại bằng mọi giá có thể và giữ gìn bằng xương máu của mình nền độc lập vô giá ấy. Nền độc lập tự do của Tổ quốc là bất khả xâm phạm! Một trong những bảo bối giữ nước ấy chính là kinh nghiệm lịch sử vô giá được hun đúc của ông cha: “Chúng chí thành thành” (đại ý là: Ý chí của dân chúng thành bức thành vững chắc nhất).
Và, hiện nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, từ giữa thế kỷ XX, kể từ ngày Quốc khánh 2-9-1945, là một nước Việt Nam độc lập tự do xã hội chủ nghĩa của hơn 90 triệu đồng bào Việt Nam ta. Ba mươi năm đổi mới vừa qua, một trong những bài học lớn của mọi thành công là: “Lấy dân làm gốc”. Đó là đỉnh cao của sự hội tụ, kết tinh và phát huy khí phách, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, vấn đề cốt tử của nền chính trị Việt Nam hiện đại được nâng tầm từ nền tảng lịch sử dựng nước và giữ nước trải mấy ngàn năm! Niềm tin chính trị của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng, với Nhà nước được xây nên và bảo đảm bằng mồ hôi, bằng máu, không gì thay đổi được. Và, không ai được làm tổn thương niềm tin ấy của nhân dân. Không có niềm tin thì không thể nắm tay nhau và đại đoàn kết. Mất niềm tin của nhân dân chế độ chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Ông cha ta dạy: Ai lấy được lòng dân người đó lấy được thiên hạ, cũng bởi chưng là vậy. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ nói chung, và cuộc đổi mới chính trị hiện nay, thành hay bại nói riêng, phụ thuộc vào chính sự hành xử đối với điều đó. Đó là đạo đức mỗi người, là đạo lý dân tộc cũng chính là pháp lý tối thượng đối với chúng ta.
Vì thế, không “khoan thư sức dân” thì không thể nói tới việc “bền rễ sâu gốc” của nền độc lập tự do, không thể tính “thượng sách giữ nước”, càng không thể nói tới nền móng xã hội - chính trị vững chãi để đổi mới chính trị hiện nay! Vì, “dân là gốc nước”, vì “dân là dân nước, nước là nước dân”, “sức dân mạnh như nước”, như ông cha ta từng răn dạy! Không “lấy dân làm gốc” thì không thể nói tới việc nền độc lập dân tộc và “chế độ được đứng vững”, càng không thể nói dân tộc Việt Nam giữ vị trí chính trị vững chắc và đóng góp xứng đáng trong nền chính trị quốc tế!
Và vì, “Đảng ta là đứa con nòi của giai cấp lao động”, nên “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo”. Rằng, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ đi”. Và rằng: “Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ”, “...nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(17)..., như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhủ, suy cho cùng, là những vấn đề trọng yếu và cụ thể của việc đổi mới chính trị, chứ không viển vông, không thể đặt trách nhiệm đó ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của nhân dân. Vì, điều giản dị: Nước ta là do nhân dân là chủ và làm chủ!
Từ trong trầm tích lịch sử nước nhà và nhu cầu phát triển hiện nay, càng đòi hỏi Đảng ta, Nhà nước ta: Sống và cống hiến trong lòng nhân dân; buồn vui, sướng khổ cùng nhân dân; nguyện sống chết vì nhân dân... là giềng mối làm nên đồng thuận toàn dân, đồng thuận toàn xã hội xây dựng một xã hội công dân, làm động lực chủ yếu đổi mới chính trị hiện nay! Đến lượt mình, coi pháp luật thượng tôn, nhân dân ta nỗ lực toàn diện tự nâng mình lên một cách toàn diện, xứng đáng là người chủ đất nước, xây dựng một xã hội công dân bảo vệ chính mình. Nhân dân tự ý thức rằng, chỉ có tối thiểu phổ thông tri thức mới có thể làm tốt quyền và nghĩa vụ công dân trong phổ thông đầu phiếu trong quyền bãi miễn của mình... Đó là thước đo sự trưởng thành về chính trị của chính mình. Đó chính là một chỉ báo tối thiểu về tầm viễn kiến chính trị, về hành động chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ trọng trách đối với số phận nhân dân, quốc gia dân tộc, với bản chất của thể chế chính trị, triển vọng phát triển tất yếu của nền chính trị hiện đại nước ta.
III- Phát huy vị thế quốc gia hội nhập quốc tế, phát triển và giữ gìn tình hòa hiếu lân bang, lấy hòa mục năm châu bốn bể làm phương lược hành xử, vì nền hòa bình thế giới
Trong lịch sử mấy ngàn năm, dân tộc ta đã đối mặt và chiến thắng trong hàng trăm cuộc chiến tranh vệ quốc. Có lẽ hiếm có quốc gia, dân tộc nào trên hoàn cầu thương đau chất chồng và nặng nề như thế! Vì thế, suốt lịch sử của mình, toàn thể dân tộc chúng ta nâng niu vô điều kiện giá trị của hòa bình, của độc lập tự do, và nối đời xây đắp mối hữu nghị lân bang và bảo vệ bằng mọi giá tình hoà hiếu với các dân tộc khắp bốn bể năm châu. Nhưng chúng ta quyết không mơ hồ hay càng không ảo tưởng về một thứ “anh em” xa lạ hay những việc tự cho là “tiểu cục” vu vơ nào đó mà lơi lỏng trọng sự bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng, càng không run sợ trước bất cứ sức ép hay sự đe dọa nào của bất cứ ai, khi dù chỉ nửa tấc đất ông cha truyền lại bị xâm phạm!
Dân tộc ta vốn yêu chuộng hòa bình, chỉ muốn “tắt muôn đời chiến tranh”. Mà nếu buộc phải chiến tranh chống xâm lăng và khi kết thúc, thì không gì cao quý hơn hơn công việc “bách niên thụ nhân” (trăm năm trồng người), bởi “Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức”, như Nguyễn Trãi từng nghĩ!; vì, “Còn non, còn nước, còn người...”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khát khao! Tất cả các bậc tiên hiền, suốt mấy nghìn năm cho tới hôm nay, đều lấy hòa hiếu lân bang, bốn bể làm trọng, đều vì nền độc tự do của đất nước làm lý tưởng, lấy “Non sông ngàn thuở vững âu vàng” làm đại sự, vì hạnh phúc của nhân dân, vì nền hòa bình khu vực và trên toàn thế giới làm mục tiêu hành động không thay đổi! Chúng ta sẵn sàng làm bạn với các nước, nhất là hợp tác chặt chẽ song phương, đa phương với các đối tác chiến lược... cũng vì lẽ đó. Chúng ta cũng chủ động cùng với các quốc gia dân tộc yêu chuộng hòa bình tháo gỡ những mối bất hòa, tranh chấp quốc tế, ngăn chặn những ai gây hấn đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng vũ lực chi phối các nước khác... cũng vì lẽ đó. Tất cả vì góp phần xây dựng và phát triển đời sống chính trị quốc tế thật sự nồng ấm và tin cậy lẫn nhau. Đó là niềm tin chính trị chiến lược với bè bạn quốc tế, trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Chúng ta yêu hòa bình và vì thế, dân tộc Việt Nam không ngần ngại buộc phải tự vệ bằng tất cả những gì có thể làm, quyết bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, nền hòa bình, sự thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, vì sự trường tồn của dân tộc, góp phần bảo vệ nền hòa bình của thế giới. Vì đó là quyền tự vệ chính đáng Việt Nam, suy rộng ra là quyền của bất cứ quốc gia, dân tộc nào khát khao độc lập tự do và yêu chuộng hòa bình! Vì dân tộc chúng ta, một phần hữu cơ của nhân loại tiến bộ! Vì, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!, vì sự tôn vinh và bảo vệ những quyền cơ bản thiêng liêng của đất nước, của con người, mà dù ở châu lục nào trên địa cầu cũng vươn tới: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc! Đó là bản lĩnh Việt Nam! Đó là khát vọng, là lẽ sống của hơn 90 triệu đồng bào nước Việt, cũng là mơ ước của nhân loại về một thế giới hòa bình, văn minh và tiến bộ không ngừng!
Công việc đổi mới chính trị trong tổng thể sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, là công việc to lớn, nặng nề, khó khăn, rất phức tạp, nhưng không thể không làm. Đó là sự phát triển tất yếu đối với nước ta hiện nay. Vấn đề còn lại ở đây, chỉ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của chúng ta nữa mà thôi./.
---------------------------------------------
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2009, t. 9, tr. 492
(9) Xem Nhị Lê: “Ba kế sách tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay”, Tạp chí Cộng sản số 868 (2-2015), tr. 59 - 64
(10) htpp;//ww.cpv.org.vn/CP/Dư luận quốc tế về Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 12-1-2011
(11) http;//www.tinmoi.vn/Du-luan-quoc-te-dua-tn-dam-ve-Dai-hoi-Dang-Viet-Nam, ngày 13-1-2011
(12) Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của cả loài người, Báo Nhân Dân, số ra ngày 26-9-2000, tr. 3
(13) Lời chào mừng Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 72
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2009, t. 9, tr. 492
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2009, t. 10, tr. 313
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2009, t. 5, tr. 136
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2011, t. 4, tr. 64
Các kibbutz của Israel: Mô hình phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn  (19/07/2016)
Các kibbutz của Israel: Mô hình phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn  (19/07/2016)
Thông tấn xã Việt Nam bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về Biển Đông  (19/07/2016)
Tổng Bí thư chỉ đạo tiếp tục xử lý vụ ông Trịnh Xuân Thanh  (18/07/2016)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Slovakia  (18/07/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển