TCCS - Tháng 9-2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững với 169 chỉ tiêu cụ thể, nhấn mạnh ưu tiên thực hiện xóa đói, xóa nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hòa nhập. Các mục tiêu này là kết quả của hơn hai năm tham vấn công khai, tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội và nhiều bên liên quan, đặc biệt chú ý đến tiếng nói của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Việc Việt Nam cùng các quốc gia thông qua chương trình phát triển mới giai đoạn sau 2015 và những mục tiêu phát triển bền vững đã khẳng định quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Về các mục tiêu phát triển bền vững

Thế giới hiện đang đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn để phát triển bền vững, như đói nghèo, mù chữ, thất nghiệp, bất bình đẳng, mất an ninh và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... Mặc dù số người sống ở mức đói cùng cực đã giảm xuống hơn một nửa, từ 1,9 tỷ người vào năm 1990 còn 836 triệu người năm 2015, nhưng cứ 5 người thì có 1 người sống dưới mức 1,25 USD/ngày; hàng triệu người không có lương thực, nước uống sạch và vệ sinh dịch tễ; 57 triệu trẻ em không được đến trường. Bất bình đẳng về giới, về cơ hội tiếp cận giáo dục, kiến thức và các điều kiện sống trong xã hội và giữa các nước ngày càng gia tăng. Phụ nữ chiếm hơn 50% dân số thế giới nhưng chỉ kiếm được 10% thu nhập và sở hữu 1% tài sản của thế giới. Bên cạnh đó, khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng trong thu nhập gia tăng trở thành một vấn đề toàn cầu với 10% những người giàu nhất thế giới chiếm khoảng 40% tổng thu nhập toàn cầu, trong khi đó có hàng triệu người thất nghiệp, nhất là giới trẻ. Hơn 4 tỷ người không được tiếp cận in-tơ-nét, trong số đó có 90% là từ các quốc gia đang phát triển...

Các quốc gia đã nhất trí thông qua các mục tiêu phát triển bền vững:
1- Xóa nghèo đói; 2- Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; 3- Bảo đảm giáo dục chất lượng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội được học tập cho mọi người; 4- Đạt bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; 5- Bảo đảm việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người; 6- Bảo đảm tiếp cận năng lượng bền vững, hiện đại, tin cậy với giá cả hợp lý; 7- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; 8- Tạo việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người; 9- Xây dựng kết cấu hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa và bền vững, khuyến khích đổi mới; 10- Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; 11- Xây dựng các thành phố an toàn, vững chắc, bền vững; 12- Các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững; 13- Ứng phó khẩn cấp với biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu; 14- Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển; 15- Quản lý bền vững tài nguyên rừng, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học; 16- Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, toàn diện; 17- Đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững...
Những hiểm họa y tế toàn cầu, thiên tai ở tần suất và cường độ ngày càng lớn, vòng xoáy xung đột, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bạo lực, khủng bố dẫn tới hệ quả là xảy ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo, đe dọa những tiến bộ phát triển trong vài thập niên gần đây. Sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các tác động tiêu cực từ suy thái môi trường, như tình trạng sa mạc hóa, hạn hán, suy thoái đất, khan hiếm nước ngọt và mất đa dạng sinh học làm trầm trọng thêm các thách thức mà loài người phải đối mặt. Tình trạng khan hiếm nước sạch ảnh hưởng đến hơn 40% dân số trên toàn thế giới. Nạn khô hạn và sa mạc hóa gây thiệt hại tới 12 triệu héc-ta và ảnh hưởng đến cộng đồng người nghèo trên toàn thế giới. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, nước biển dâng, a-xít hóa đại dương (hiện tăng lên hơn 26% so với thời kỳ bắt đầu cách mạng công nghiệp) và những tác động khác của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các vùng duyên hải và các quốc gia ven biển có độ cao trung bình thấp, bao gồm nhiều nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Sự sinh tồn của xã hội và hệ sinh học trái đất đang bị đe doạ.

Mặc dù vậy, đây cũng là thời điểm có nhiều cơ hội to lớn khi thế giới đạt được rất nhiều tiến bộ lớn nhằm ứng phó với các thách thức phát triển. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và năng suất nông nghiệp cao trong suốt 20 năm qua đã góp phần giảm gần 50% số người suy dinh dưỡng trên thế giới. Tỷ lệ tiếp cận giáo dục đã tăng lên nhiều đối với cả trẻ em trai và trẻ em gái. Sự lan truyền của công nghệ thông tin - truyền thông và sự liên kết toàn cầu là tiềm năng lớn để đẩy nhanh sự tiến bộ của con người, rút ngắn khoảng cách số và phát triển xã hội tri thức, cũng như để áp dụng trong phát minh khoa học và công nghệ trên nhiều lĩnh vực, như y học và năng lượng.

Trong bối cảnh đó, những mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là một kế hoạch đầy kỳ vọng mà còn thể hiện tầm nhìn lớn, nhằm xây dựng một thế giới không có đói nghèo, bệnh tật, thiếu thốn, một thế giới mà con người được sống trong hòa bình, được tôn trọng, tạo mọi điều kiện bình đẳng để phát triển một cách toàn diện, môi trường được bảo đảm; khoảng cách số, khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách về bình đẳng giới được thu hẹp...

Chương trình nghị sự phát triển bền vững chính là lời hứa của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng, tất cả các quốc gia sẽ cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả đều nhằm hướng tới tinh thần cốt lõi của chương trình nghị sự này, đó là “vì một thế giới không để ai lại phía sau”.

Quốc hội Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững

Đối với nước ta, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước và là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Vì lẽ đó, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện chủ trương phát triển bền vững do Đại hội IX của Đảng đề ra, Chính phủ đã ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam (còn gọi là Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ XXI, coi con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Để triển khai trên thực tế chương trình phát triển bền vững, bảo đảm thực thi các mục tiêu phát triển bền vững nói trên, cần phải xây dựng khung thể chế hiệu quả, trong đó việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố các thể chế quản trị nhà nước có ý nghĩa quyết định. Trong thực hiện những mục tiêu đó, Quốc hội đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi có quyền quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quyết định về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước... Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (được thành lập năm 2012).

Trong 15 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua hơn 300 đạo luật, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng, như Hiến pháp mới (năm 2013), Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Quản lý tài nguyên nước, Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Khoa học và Công nghệ... Quốc hội cho ý kiến và thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 76/2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007), Luật Phòng, chống mua bán người (năm 2011), Luật Việc làm (năm 2013), Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2014)...

Bên cạnh chức năng làm luật, một chức năng quan trọng của Quốc hội chính là thực hiện giám sát đối với hoạt động của Chính phủ, các cơ quan hành pháp về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài các phiên họp hằng năm của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát, họp thẩm tra về các vấn đề, lĩnh vực phụ trách, hoặc chủ động phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các ủy ban cùng tiến hành thẩm tra, giám sát với những mục tiêu cụ thể có tính chất bền vững trong thực hiện quyết định và giám sát tổng thể chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế gắn kết với quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.

Chức năng thẩm tra, giám sát của Quốc hội được thể hiện qua một số trường hợp cụ thể, như xem xét và cho ý kiến đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu được bố trí ngân sách nhà nước, các chính sách, phương án đầu tư cho y tế địa phương, phục vụ cho đồng bào dân tộc miền núi hoặc đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới mô hình để bảo đảm phát triển bền vững... Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của Quốc hội góp phần mang lại cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về hiệu quả cũng như những hạn chế, bất cập trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính, từ đó, kịp thời điều chỉnh hợp lý các nguồn lực tài chính quốc gia cho ba mục tiêu, ba trụ cột phát triển bền vững của đất nước.

Khi xem xét thẩm tra dự án luật trong các lĩnh vực tài chính - ngân sách, như thuế tài nguyên, thuế môi trường, bảo đảm bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, lao động việc làm,... các cơ quan của Quốc hội đều cân nhắc kỹ các quy định của luật pháp trên cơ sở yêu cầu của phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái. Đó là sự cân bằng giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ môi trường; giữa hiệu quả và mức độ khai thác sử dụng trong giai đoạn hiện nay với bảo quản, tồn trữ, tái tạo cho các thế hệ tương lai; giữa lợi ích của chủ sở hữu tài nguyên là toàn dân với quyền lợi của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác trong khía cạnh công bằng tiếp cận nguồn của cải có hạn; bảo đảm tuân thủ pháp luật nhà nước về bình đẳng giới, bảo đảm phụ nữ được đối xử bình đẳng.

Trong quá trình xem xét, thẩm tra ngân sách nhà nước, chuẩn bị ý kiến để báo cáo với Quốc hội, chuẩn bị cho Quốc hội thảo luận và quyết định các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương hằng năm, tạo công ăn việc làm, bảo đảm đời sống của người dân, phù hợp với trình độ phát triển và bảo đảm môi trường bền vững, các cơ quan của Quốc hội luôn chủ động cân nhắc và đưa ra thảo luận, tranh luận với cơ quan chuyên môn của Chính phủ các vấn đề liên quan trên cơ sở các trụ cột phát triển bền vững, trong mối tương quan cân bằng giữa các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Quốc hội cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, như thẩm tra, giám sát và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (năm 1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966) và đặc biệt là Công ước loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em (CEDAW). Đây là văn kiện thiết lập một hệ thống toàn diện các quyền của phụ nữ bất kể tình trạng hôn nhân của họ, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và dân sự. Trách nhiệm của các quốc gia và quốc hội các nước tham gia Công ước là phải nội luật hóa các văn kiện quốc tế và bảo đảm thực hiện bình đẳng giới thực chất, trong đó có các quyền về kinh tế, chính trị và xã hội.

Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, các đại biểu Quốc hội có thể chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững. Điều này được thể hiện rất rõ qua kết quả thành công của các phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Tuyên bố Hà Nội (tháng 3-2015) về “Các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 - Biến lời nói thành hành động”. Tuyên bố Hà Nội đã khẳng định cam kết của nghị viện các nước trên thế giới, nội luật hóa những mục tiêu phát triển bền vững thành những quy định pháp luật có thể thực thi, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách; ban hành các điều khoản về ngân sách và luật pháp phù hợp với kế hoạch phát triển quốc gia, xác định rõ các mục tiêu và chỉ tiêu áp dụng cũng như biện pháp cung cấp nguồn tài chính; đánh giá sự tiến bộ không chỉ dựa trên các chỉ số trung bình của quốc gia mà còn phải xem xét tới các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong xã hội, để bảo đảm ai cũng được quan tâm.

Vai trò của Quốc hội nước ta đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững còn được thể hiện qua tính chất đại diện cho người dân, trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Là các đại biểu dân cử, đại biểu Quốc hội thường xuyên tiếp xúc với cử tri, nghe tiếng nói của cử tri phản ánh về hiệu quả chính sách tại địa phương, các nguồn lực bảo đảm thực hiện, tạo điều kiện để người dân tham gia tiến trình giám sát, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở các cấp độ.

Việc Việt Nam cùng các quốc gia thông qua chương trình phát triển mới giai đoạn sau 2015 và những mục tiêu phát triển bền vững đã khẳng định quyết tâm ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì một thế giới tốt đẹp hơn. Trong tiến trình đó, vai trò của các đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy thực hiện từng bước các mục tiêu phát triển bền vững như đã cam kết./.