Phát triển nhận thức của Đảng ta về một số nội dung cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thứ nhất, quá trình phát triển nhận thức của Đảng về sở hữu và thành phần kinh tế
Trước Đại hội VI của Đảng, chế độ sở hữu với nhiều hình thức sở hữu đan xen, hỗn hợp và nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh khác nhau không được thừa nhận ở nước ta. Chế độ sở hữu được quy về hai hình thức chính là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Các hình thức sở hữu toàn dân, tập thể và các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, còn các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế khác như kinh tế cá thể, tiểu chủ,… là đối tượng cải tạo, phải thu hẹp dần và tiến tới bị thủ tiêu, xóa bỏ.
Đến Đại hội VI, quan điểm nói trên đã được thay đổi một cách căn bản, khi Đảng xác định quá trình từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn ở nước ta là quá trình chuyển hóa từ nền kinh tế còn nhiều tính chất tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa(1). Có thể nói, đây là điểm đột phá trong lý luận về mô hình phát triển. Bởi trước đó, trong các văn kiện chỉ mới nói tới việc sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, thì nay đã khẳng định là chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX và X, Đảng đã hoàn thiện quan niệm về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cụ thể:
- Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, tập thể và tư nhân, hình thành nhiều hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu hỗn hợp và sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
- Các thành phần kinh tế bao gồm: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài(2). Các thành phần kinh tế này có các hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng với sự đan xen, hỗn hợp của các loại hình sở hữu.
Trên cơ sở đổi mới quan niệm về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tại các Đại hội VI, VII, VIII, IX và X, Đảng đều chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Trong nền kinh tế ấy, như khẳng định của Đảng tại Đại hội X: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”(3). Quan điểm này cũng được Đảng tái khẳng định và cụ thể hóa thêm tại Đại hội XI.
Đến dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII, Đảng ta xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật;…
Thứ hai, quá trình phát triển nhận thức của Đảng về doanh nghiệp nhà nước
Trước đây, với nhận thức giản đơn coi càng nhiều sở hữu nhà nước đồng nghĩa với việc càng tiến gần đến chủ nghĩa xã hội, Việt Nam cũng như nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác đã chủ trương xây dựng nền kinh tế gồm hai thành phần chủ yếu: kinh tế nhà nước với lực lượng chủ yếu là các xí nghiệp quốc doanh và kinh tế tập thể với lực lượng chủ yếu là các hợp tác xã. Kinh tế tư nhân bị xóa bỏ hầu như hoàn toàn trong hầu hết các ngành sản xuất vật chất của nền kinh tế; kinh tế cá thể chỉ được hoạt động trong nông nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ.
Với nhận thức như vậy, xí nghiệp quốc doanh chiếm vị trí độc tôn, được Nhà nước trực tiếp phân bổ các nguồn lực và kiểm soát tất cả các khâu hoạt động kinh tế, không phải cạnh tranh thị trường nên không chú trọng đến hiệu quả, không có động lực quan tâm đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, tình trạng sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả đã kéo dài và phổ biến ở hầu hết các xí nghiệp quốc doanh. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở hầu hết các hợp tác xã. Đó là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng trầm trọng của nền kinh tế vào những năm 80 của thế kỷ XX.
Từ Đại hội VI và các kỳ đại hội tiếp theo, trên cơ sở thừa nhận sự tồn tại khách quan, lâu dài của nhiều thành phần kinh tế, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cũng được đổi mới một cách căn bản. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước phải có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng; không nhất thiết phải giữ tỷ trọng lớn trong tất cả các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của nền kinh tế(4).
Từ đổi mới nhận thức này, Đảng đã ban hành các chủ trương về tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để doanh nghiệp nhà nước kinh doanh tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo pháp luật. Sự đổi mới quan trọng ở đây là phân biệt rõ quyền sở hữu nhà nước về tài sản có tại các doanh nghiệp và quyền sử dụng tài sản đó để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thể hiện trên các mặt sau:
- Tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp nhà nước.
- Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
- Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ủy ban nhân dân đối với tài sản, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có tài sản, vốn nhà nước.
- Tiếp tục đổi mới, củng cố và phát huy vai trò của mô hình công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước(5).
Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng: doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Thứ ba, quá trình phát triển nhận thức của Đảng về phân phối
Trước đổi mới, nhận thức về phân phối trong chủ nghĩa xã hội có phần giản đơn, cho rằng phân phối càng đồng nhất càng tốt và đã đồng nhất công bằng xã hội với chủ nghĩa bình quân, lẫn lộn giữa thu nhập theo lao động và phúc lợi xã hội, thành kiến với thu nhập cao, bất kể nguồn thu nhập đó do lao động hay không do lao động.
Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, việc phân phối bình quân và việc phân phối theo lao động như quan niệm trước đây trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã được thừa nhận là một sai lầm rất nghiêm trọng(6). Qua các kỳ Đại hội (VI, VII, VIII, IX, X và XI), nhận thức của Đảng về phân phối đã được đổi mới và hoàn thiện dần.
Tại Đại hội VI, Đảng đã khẳng định phải thực hiện công bằng xã hội, thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động. Cụ thể, bảo đảm cho tập thể, người lao động có thu nhập thỏa đáng phụ thuộc trực tiếp vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, có tác dụng khuyến khích nhiệt tình lao động(7).
Đến Đại hội VII, Đảng đã mở rộng nội dung của nguyên tắc phân phối theo hướng thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu; khuyến khích tăng thu nhập và làm giàu dựa vào kết quả lao động(8); nâng cao phúc lợi xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế(9); có chính sách bảo trợ và điều tiết hợp lý thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành và các vùng(10). Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (01-1994), Đảng đã đưa ra quan điểm: “Phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh”(11). Đây là lần đầu tiên, ngoài phân phối theo lao động là chính, việc phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh được chính thức thừa nhận và được coi là một sự phân phối hợp pháp, hợp lý trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Đại hội VIII, Đảng đã khẳng định: “Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất - kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội, đi đôi với chính sách điều tiết hợp lý, bảo hộ quyền lợi của người lao động”(12). Ở đây, việc phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh không được nhắc tới, thay vào đó là các nguồn lực khác, trong đó có nguồn vốn.
Đến Đại hội IX, Đảng chỉ rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế; đồng thời phân phối theo mức đóng góp các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”(13). Đây là một bước tiến mới so với các nguyên tắc phân phối được nêu trong Văn kiện các Đại hội VI, VII và VIII, bởi nó đã khẳng định nguyên tắc phân phối của cả thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội - thời kỳ còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế.
Tại các Đại hội X và XI, Đảng tiếp tục khẳng định và hoàn thiện nguyên tắc phân phối đã được nêu qua các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX và coi đó là nguyên tắc phân phối của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm, một mặt, thực hiện công bằng xã hội và khuyến khích mọi người làm giàu, xóa đói, giảm nghèo; mặt khác, giúp kiềm chế sự gia tăng bất bình đẳng xã hội với nội dung phân phối kết quả làm ra chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội(14).
Trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta xác định: thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, quá trình phát triển nhận thức của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế
Nhận thức của Đảng về quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta trong những năm qua cũng có những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Tại Đại hội VI (12-1986), Đảng chỉ rõ: “Nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; trước hết và chủ yếu là mở rộng quan hệ phân công, hợp tác toàn diện với Liên Xô, Lào và Campuchia, với các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa; đồng thời tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học - kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi”(15).
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (3-1989), quan điểm trên được tiếp tục khẳng định và phát triển khi Đảng kết luận rằng, trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thị trường xã hội là một thể thống nhất, thông suốt trong cả nước và gắn với thị trường thế giới; nước ta phải đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại và tham gia tích cực vào sự phân công lao động quốc tế(16).
Đến Đại hội VII (6-1991), quan điểm của Đảng về quan hệ kinh tế đối ngoại có những thay đổi mạnh mẽ với chủ trương mở rộng quan hệ kinh tế với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, các công ty và tư nhân nước ngoài(17).
Đặc biệt, đến Đại hội VIII (6-1996), quan điểm của Đảng về quan hệ kinh tế đối ngoại đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt với nội dung mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới(18).
Đến Đại hội IX (4-2001) và các Đại hội tiếp theo, quan điểm nói trên tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm với chủ trương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng giảm mạnh, tiến tới xóa bỏ sự phân biệt về chính sách và pháp luật giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để thu hút tốt hơn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài(19); mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế(20) nhằm góp phần để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành thông suốt, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội(21). Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Điểm bổ sung ở đây là cụm từ “tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể”, “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”, thể hiện sự phát triển về tư duy và kinh nghiệm rút ra trong hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong gần 30 năm đổi mới.
Như vậy, có thể thấy, quan điểm của Đảng về quan hệ kinh tế đối ngoại đã có sự thay đổi mạnh mẽ, từ chỗ khép kín, chỉ có quan hệ kinh tế với một số ít nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam chuyển sang thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế với tất cả các nước và khu vực trên thế giới với phương châm tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Tóm lại, quá trình hình thành và phát triển lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cho thấy, từ chỗ chấp nhận đến thừa nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa, của các thành phần kinh tế và cơ chế thị trường, từ nhận thức dần dần về các bộ phận cấu thành, những yếu tố riêng rẽ, đến nay mô hình tổng thể về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét hơn với đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành, mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành, vị trí, vai trò, chức năng của từng yếu tố, từng bộ phận. Theo đó, tư duy lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được sáng tỏ, góp phần làm cho nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ nét hơn. Đó là thành quả của quá trình gắn lý luận với thực tiễn, tổng kết thực tiễn để làm rõ lý luận, thành quả của quá trình tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của đất nước trên cơ sở nhận thức sâu sắc bối cảnh thời đại, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm đổi mới, cải cách của các nước và tinh hoa nhân loại.
Mặc dù không có những bước đột phá nhanh và mạnh trong tư duy lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng những đổi mới về lý luận theo hướng thận trọng, vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện đã góp phần quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta./.
----------------------------------------------------
Chú thích:
(1), (6), (7), (15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, http://dangcongsan.vn
(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, http://dangcongsan.vn
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, http://dangcongsan.vn
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, http://dangcongsan.vn
(8), (10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, http://dangcongsan.vn
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng: Thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, ngày 27-6-1991, http://dangcongsan.vn
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Hà Nội, 1994, http://dangcongsan.vn
(12), (18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, http://dangcongsan.vn
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, http://dangcongsan.vn
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, http://dangcongsan.vn
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 06-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI ngày 29 tháng 03 năm 1989 về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới, http://dangcongsan.vn
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, http://dangcongsan.vn
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, http://dangcongsan.vn
(20) Quan điểm chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế được nêu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4-2006)
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, http://dangcongsan.vn
10 Luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2016  (25/12/2015)
Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào ký Kế hoạch hợp tác năm 2016  (25/12/2015)
Chủ tịch Quốc hội tiếp Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Nhân đại Hồ Nam  (25/12/2015)
Bình Định, Đồng Nai bầu bổ sung một số chức danh lãnh đạo chủ chốt  (25/12/2015)
Năm then chốt hoàn tất công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017  (25/12/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên