Sự sụp đổ của các tập đoàn tài chính kỳ cựu của Mỹ trong thời gian vừa qua là một sự kiện gây chấn động toàn cầu. Điều đó nói lên rằng chủ nghĩa tư bản điều chỉnh với học thuyết tự do mới đã không thể tạo ra nền kinh tế phát triển bền vững, không thể tránh khỏi khủng hoảng chu kỳ; trái lại, nó còn tạo nên nền kinh tế bong bóng, và tệ hại hơn, là tích lũy các nhân tố tiền khủng hoảng để rồi lâm vào cuộc đại khủng hoảng và suy thoái toàn cầu với hậu quả khôn lường.

Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cũng chịu sự tác động của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, do độ sâu và diện rộng của hội nhập còn có mức độ nên sự tác động của khủng hoảng chủ yếu là gián tiếp. Vì thế, ở một góc độ nhất định, khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này cũng có thể là một cơ hội để Việt Nam vươn lên, rút ngắn khoảng cách đối với các nước trong khu vực, thực hiện đi tắt, đón đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải làm gì để tìm được cơ hội trong thách thức này.
 
Nhận rõ tính chất của cuộc khủng hoảng tài chính
 
Sự sụp đổ của các tập đoàn tài chính Mỹ thực sự đã gây ra một số tổn thất nhất định cho nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, nó đã không lặp lại lịch sử như những thập niên đầu thế kỷ XX. Nó đã không huỷ hoại nền kinh tế vì phải đổ hàng hoá xuống biển, hoặc gây ra các cuộc chiến tranh để phân chia lại thị trường. Nó chỉ là sự sụp đổ của các mối quan hệ được xây dựng trên những tính toán sai lầm, sự tham lam của các tập đoàn tư bản tài chính, theo bản chất của họ, là hướng tới tỷ suất siêu lợi nhuận độc quyền - điều đã được C.Mác viết trong Tư bản luận.

Trong cuộc khủng hoảng lần này, nguồn lực tư bản của các công ty sụp đổ vẫn còn đó, chỉ có điều là, quyền sở hữu được chuyển sang nhà nước, hoặc các tập đoàn tư bản khác. Quyết định của Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 10-2008 với kế hoạch cả gói 700 tỉ USD trợ giúp thị trường tài chính với hy vọng chuyển dịch cơ cấu vốn diễn ra nhanh chóng hơn, nhưng trên thực tế hiệu quả của nó đã bị hạn chế hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Điều đó, càng làm cho các nguồn lực nhanh chóng được chuyển về cho những doanh nhân có khả năng hơn trong việc xây dựng những mô hình quản lý tốt hơn, để biến các nguồn lực này thành những sản phẩm có giá trị cao hơn cho xã hội trong tương lai.

Có một số nhà nghiên cứu còn cho rằng, đây là sự sụp đổ sáng tạo,vì sáng tạo, đó là sự sụp đổ từ bên trong của nền kinh tế tư bản, một sự sụp đổ cần thiết để phát triển, để cái mới hơn, hiệu quả hơn thay thế cái cũ. Rất có thể, nhờ sự sụp đổ này mà nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới sẽ nhanh chóng được hồi phục. Nhiều người hy vọng vào điều này, bởi vì nền kinh tế sẽ được giao lại vào tay những người có năng lực hơn; nguồn tiết kiệm của dân chúng Mỹ sẽ được dành cho những hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong tương lai, thay vì chỉ mang lại lợi nhuận độc quyền cho một số tập đoàn tư bản xuyên quốc gia.

Đây thực sự là bài học quý của hàng tỉ người, ở hàng trăm nước trên thế giới. Điều đó sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và hệ thống quản lý mới tốt hơn, hiệu quả hơn để thay thế những gì đã không còn phù hợp. Nhờ đó, thế giới sẽ nhanh chóng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di đã đề nghị phải tái xây dựng chủ nghĩa tư bản điều chỉnh.
 
Để thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng hiện nay, người ta đã phải quan tâm hơn đến cơ chế toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi, cả các nước đang và chậm phát triển cũng phải có vai trò trong nền kinh tế thế giới. Chủ nghĩa đơn phương sẽ không còn chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu hoá. Trong quá trình tìm tòi cơ chế kinh tế toàn cầu mới, người ta không thể không nghĩ tới chủ nghĩa xã hội đích thực như là một giải pháp để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế thế giới trong tương lai.

Đối với Việt Nam, đây là thời cơ tốt, nếu nhận thức được rằng, chúng ta đã bỏ qua cơ hội khi khủng hoảng tài chính diễn ra ở các nền kinh tế Đông Á năm 1997. Lúc đó, Việt Nam mới chủ yếu là tìm cách đối phó, ngăn chặn chứ chưa tìm cách để “biến hoạ thành phúc”.

Đánh giá đúng sự tác động của cuộc khủng khoảng tài chính
 
Việt Nam cần làm rõ những tác động gián tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này để chỉ ra đâu là thách thức cần vượt qua.

Thứ nhất, khả năng rút vốn của các nhà đầu tư gián tiếp. Đây là khả năng thực tế. Một số nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể sẽ rút vốn của họ khỏi Việt Nam để củng cố các hoạt động của họ ở thị trường truyền thống. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là những trường hợp bất dắc dĩ. Các nhà đầu tư gián tiếp sẽ không dễ dàng rút đi vì họ không thể không thấy cơ hội sinh lời trong tương lai ở thị trường chứng khoán Việt Nam cao hơn so với thị trường chứng khoán ở các nước khác.

Thứ hai, vốn đầu tư trực tiếp  triển khai chậm. Một số nhà đầu tư trực tiếp có thể chậm đưa vốn vào các dự án đã cam kết với Việt Nam, tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những nhà đầu tư quá phụ thuộc vào các công ty tài chính bị sụp đổ và họ chưa thấy cơ hội sinh lời đáng kể trong tương lai. Nếu Chính phủ đưa ra các chính sách kinh tế rõ ràng và hấp dẫn, hướng tới sự phát triển bền vững thì sự giảm sút luồng vốn FDI sẽ không nhiều, và trong trường hợp như thế, vẫn có nhiều nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài khác sẵn sàng vào thay thế. Việc giải ngân hơn 60 tỉ USD vốn FDI đăng ký năm 2008 là điều rất quan trọng.

Thứ ba, xuất khẩu có thể bị hạn chế. Điều này có thể xảy ra đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hàng xuất khẩu của Việt Nam đa phần vẫn là các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ trực tiếp cho đời sống và sản xuất của các nước nhập khẩu như: dầu thô, than đá; gạo, cà phê, hạt tiêu, hàng thủy sản; hàng dệt, da, may mặc, giày dép... Mức độ giảm cầu đối với những hàng hoá này không lớn. Vì vậy, mức cung cũng chỉ bị tác động có mức độ. Thực tế cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đến đầu quý IV năm 2008 vẫn tiếp tục tăng mặc dù thị trường thế giới đã giảm đáng kể so với mấy năm trước.

Sau một năm nhìn lại có thể thấy, tuy có bị lúng túng vào cuối tháng 3-2008, nhưng ngay sau đó, Chính phủ đã đưa ra những quyết sách phù hợp, nhất là 8 nhóm giải pháp quyết liệt chống lạm phát, trong đó coi trọng cả công cụ tiền tệ và các công cụ khác là những hành động cụ thể đã đưa lại hiệu quả thiết thực.

Thử tìm giải pháp biến thách thức thành cơ hội

Một là, lành mạnh hoá hệ thống tài chính, ngân hàng, bằng cách xây dựng lại các định chế quản lý tài chính bảo đảm cho các ngân hàng chủ động có những biện pháp phòng ngừa rủi ro, không ỷ vào “phao cứu sinh” của Nhà nước. Đặc biệt quan tâm đến các ngân hàng cho vay và đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản và các loại dự án có tính rủi ro cao.

Duy trì lãi suất cơ bản như hiện nay (13%) và nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có điều kiện, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tìm được những dự án có khả năng thu lời cao trong tương lai, thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn đầu tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giữ tỷ giá ổn định như hiện nay và hướng tới chính sách tỷ giá linh hoạt có kiểm soát. VND hiện có giá trị cao có thể gây ra nhập siêu, nhưng việc nhập khẩu những mặt hàng phục vụ sản xuất có vai trò quan trọng hơn, vì nó giúp cho nền kinh tế có khả năng kiểm soát được lạm phát nhờ tăng năng suất lao động. Đây cũng là thời cơ các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các điều kiện ưu đãi các loại máy móc thiết bị hiện đại của nước ngoài do tình trạng đình đốn sản xuất của họ.

Tiếp tục chính sách thắt chặt chi tiêu chính phủ và đầu tư công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất và thị trường. Chính sách dài hạn này có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp phát triển, trong khi Nhà nước dùng tiền thuế chủ yếu vào việc quy hoạch, kế hoạch vĩ mô, giám sát, ngăn ngừa thiên tai, khủng hoảng và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Hai là, tiếp tục hạn chế tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ phẩm (ô tô, xe máy, rượu ngoại...), tiến tới nới lỏng nhập khẩu vàng khi áp lực ngoại tệ thuyên giảm và nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, nhằm khuyến khích đưa các nguồn lực vào sản xuất. Sự hạn chế sẽ được dỡ bỏ khi nền kinh tế đi vào ổn định để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cao của các tầng lớp dân cư. Cần tính toán thời điểm nới lỏng hạn chế nhập khẩu vàng để điều hoà thị trường ngoại tệ đặc biệt là khi có dấu hiệu dư thừa và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vàng của dân cư trong dịp Tết Nguyên đán.

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ phát triển. Nâng cao năng lực sản xuất trong giai đoạn này sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu gia tăng của các nền kinh tế phát triển trong giai đoạn phục hồi. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài.

Bốn là, tiến tới thị trường chứng khoán không có các biên độ, để thị trường này vừa là nơi huy động vốn, vừa có vai trò định hướng các nguồn lực vào những lĩnh vực có khả năng đem lại lợi nhuận cao trong tương lai. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cần những nhà đầu tư có tài và chuyên nghiệp, để loại bỏ dần tình trạng đầu tư theo phong trào và tâm lý đám đông như hiện nay. Tiến tới một thị trường chỉ dành cho những nhà đầu tư thực thụ giúp nền kinh tế phát triển ổn định hơn, các cá nhân khác muốn tham gia sẽ buộc phải thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp để hạn chế mức độ rủi ro.

Hoàn thiện thị trường bất động sản là bước quan trọng để Việt Nam thực sự trở thành một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất đai sẽ trở nên có giá trị thực sự theo đánh giá của thị trường dựa trên quy hoạch tổng thể của Nhà nước. Nhà nước chỉ còn tập trung vào việc quy hoạch đất đai sao cho đảm bảo được sự phát triển hài hoà, bền vững của nền kinh tế. Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu chỉ xuất hiện khi đất đai đó được sử dụng vào mục đích công, còn các chủ thể kinh tế có quyền sử dụng sẽ dễ dàng trong quan hệ trao đổi, mua, bán... với các đối tác cả trong và ngoài nước bằng tài sản đất đai của mình trên cơ sở pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá và cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ buộc các doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm cơ hội thị trường, và nhờ đó, có thể sẽ phát triển nhanh hơn, làm cho doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá trở thành công cụ thực sự đắc lực của Nhà nước trong quá trình điều hành vĩ mô nền kinh tế.

Năm là, trong bối cảnh hiện nay, với các doanh nghiệp yếu kém, giữ nguyên mức lương tối thiểu sẽ giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Khi các doanh nghiệp đã khôi phục lại được khả năng sản xuất, thì việc thu hút lượng nhân công trở lại là điều có thể. Vấn đề tiền lương và điều kiện lao động cần được thể hiện một cách minh bạch qua các hợp đồng lao động. Nhà nước cần quan tâm hơn đến vai trò tư vấn cho cả các bên, nhất là người lao động, bảo đảm các hợp đồng lao động có tính khả thi cao để tránh nảy sinh mâu thuẫn giữa các bên chủ doanh nghiệp với cá nhân và tập thể người lao động./.