Nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại bằng tiếng Trung Quốc trên Tạp chí Cộng sản điện tử
TCCSĐT - Trong quan hệ quốc tế hiện đại, khái niệm “quyền lực mềm” và “ngoại giao công chúng” ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, thông tin đối ngoại và văn hóa đối ngoại được coi là công cụ quan trọng mà các quốc gia đều ra sức triển khai nhằm tạo ảnh hưởng tới dư luận quốc tế, phục vụ cho mục tiêu chung của chính sách đối ngoại.
Thông tin đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại
Vai trò của thông tin đối ngoại được đánh giá là một mảng công việc quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, là cầu nối, phương tiện mở rộng giao lưu, hiểu biết giữa Việt Nam với các nước. Làm tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình một cách chính xác, giúp họ có cái nhìn khách quan và hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam. Qua đó, phục vụ chính sách đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nguồn lực bên ngoài như đầu tư, công nghệ, du lịch… phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa và các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia.
Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận trong chiến lược thông tin để phục vụ cho lợi ích quốc gia. Ngày nay, trong quan hệ quốc tế hiện đại, khái niệm “quyền lực mềm” và “ngoại giao công chúng” ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, thông tin đối ngoại và văn hóa đối ngoại được coi là công cụ quan trọng mà các quốc gia đều ra sức triển khai nhằm tạo ảnh hưởng tới dư luận quốc tế, phục vụ cho mục tiêu chung của chính sách đối ngoại.
Mục đích của thông tin đối ngoại cũng là mục đích của hoạt động đối ngoại. Một mặt làm cho bạn bè cũng như các đối tác trên thế giới hiểu rõ nước mình, mặt khác là góp phần thực hiện mục tiêu cách mạng đề ra. Trong mọi thời kỳ, mục đích của chính sách đối ngoại, các hoạt động đối ngoại đều nhằm phục vụ ba mục tiêu cơ bản là: thứ nhất, góp phần bảo đảm độc lập chủ quyền, giữ vững an ninh quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ; thứ hai, tranh thủ ngoại lực và tạo dựng điều kiện quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; thứ ba, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, mở rộng tầm ảnh hưởng ra phạm vi khu vực và thế giới.
Nội dung của thông tin đối ngoại ở nước ta chủ yếu tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền chính sách đối ngoại của Việt Nam; tuyên truyền và giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam...
Đối tượng của thông tin đối ngoại gồm nhiều tầng lớp, giai cấp, thành phần xã hội với trình độ nhận thức, hiểu biết và có mối quan tâm khác nhau đến Việt Nam. Có thể phân chia ra hai loại đối tượng: đối tượng ngoài nước (bao gồm người nước ngoài, người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài) và đối tượng trong nước (gồm người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam).
Phương thức thực hiện thông tin đối ngoại chủ yếu bao gồm: thứ nhất, tuyên truyền đối ngoại thông qua con đường ngoại giao, các cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng và Nhà nước; thứ hai, tuyên truyền đối ngoại thông qua đoàn ra, đoàn vào; thứ ba, tuyên truyền đối ngoại thông qua các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài; thứ tư, tuyên truyền đối ngoại thông qua kênh phương tiện thông tin đại chúng (hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí điện tử, Internet...)
Ở Việt Nam, công tác thông tin đối ngoại đã được Đảng, Nhà nước chú trọng ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 9-1945, Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Đài Tiếng nói Việt Nam phát ra thế giới bằng tiếng Anh, tiếng Pháp chính là sản phẩm thông tin đối ngoại của Nhà nước ta. Từ đó, thông tin đối ngoại đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cần cù, sáng tạo trong xây dựng, phát triển đất nước, năng động trong hội nhập ngày nay.
Trong những năm qua, công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Các hoạt động thông tin đối ngoại đã được đầu tư chú trọng, đi vào thực chất hơn; nội dung thông tin phong phú và kịp thời hơn; phương thức hoạt động đã có sự đổi mới, linh hoạt hơn; các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại được tăng cường, đông đảo và đa dạng hơn; đối tượng, địa bàn hoạt động ngày càng được mở rộng; hiệu quả đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch được nâng cao. Hoạt động thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố và mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch nước ngoài; tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tạp chí Cộng sản trong công tác thực hiện thông tin đối ngoại
Cách đây gần 85 năm, tại Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 03-02 đến ngày 07-02-1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định xuất bản một Tạp chí lý luận chung cho toàn Đảng và ba tờ báo tuyên truyền ở ba xứ. Thực hiện quyết định đó, Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản, mà Người sáng lập và chủ bút đầu tiên là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ra số đầu tiên vào ngày 05-8-1930. Từ khi ra số đầu tiên đến nay Tạp chí Cộng sản đã xây dựng và phát triển, đóng góp xứng đáng vào công tác lý luận, công tác tư tưởng của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là ngọn cờ lý luận của Đảng.
Nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, Tạp chí Cộng sản ngày càng đa dạng các ấn phẩm và kênh thông tin hướng tới phục vụ nhiều đối tượng độc giả khác nhau cả trong và ngoài nước. Từ tháng 7-1995, Tạp chí Cộng sản ra mỗi tháng 2 kỳ và từ tháng 01-2002 đến tháng 12-2003 mỗi tháng ra 3 kỳ. Từ 01-01-2007 đến tháng 01-2014, hằng tháng Tạp chí Cộng sản xuất bản 3 ấn phẩm in: Tạp chí Cộng sản ra ngày 01; Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở ra ngày 15; Chuyên san Hồ sơ sự kiện xuất bản 2 kỳ/tháng, từ đầu quý II-2009 xuất bản hằng tuần, và từ quý III năm 2012 đến nay, trở lại xuất bản 2 kỳ/tháng. Từ tháng 01-2014, hệ thống ấn phẩm in của Tạp chí Cộng sản bổ sung thêm 01 ấn phẩm mới Chuyên đề Đoàn kết và phát triển, xuất bản 2 kỳ/tháng.
Sau thời gian phát thử nghiệm, ngày 03-02-2003, Tạp chí Cộng sản điện tử đã chính thức phát trên mạng thông tin toàn cầu Internet. Từ đó đến nay, Tạp chí Cộng sản điện tử không ngừng phát triển, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Bên cạnh Trang Tiếng việt, Tạp chí Cộng sản điện tử đã phát tin, bài thường xuyên trên Trang tiếng Anh, Trang tiếng Lào, Trang tiếng Trung Quốc. Thực hiện nhiệm vụ do Thường trực Ban Bí thư giao, từ tháng 12-2012, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản thường xuyên cung cấp tin, bài bằng tiếng Anh để phát trên SolidNet - Trang thông tin điện tử của các Đảng Cộng sản, công nhân thế giới.
Nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại bằng tiếng Trung Quốc trên Tạp chí Cộng sản điện tử
Yêu cầu, mục đích và đối tượng của Trang tiếng Trung Quốc trên Tạp chí Cộng sản điện tử
Trong các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Cộng sản điện tử là kênh thông tin có thể vươn xa nhất, là cánh tay nối dài của Tạp chí in; là một kênh thông tin, kho dữ liệu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; phản ánh hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Tháng 10-2013, Tạp chí Cộng sản điện tử phát bằng tiếng Trung Quốc chính thức ra mắt độc giả trong và ngoài nước.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có chung biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, đều đang trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và có mối quan hệ, hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Mối quan hệ láng giềng hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước; là tài sản chung quý báu của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt; đã thiết lập và nhất trí đưa “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” đi vào chiều sâu.
Nhìn lại chặng đường 65 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mặc dù có những khó khăn, có những thăng trầm, vẫn còn những vấn đề tồn tại, cần tiếp tục trao đổi, thương lượng, đấu tranh nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính trong quan hệ hai nước. Chính vì vậy, việc đưa thông tin chính thống, chân thực, kịp thời về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta; thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta đến với người dân Trung Quốc và người biết tiếng Trung Quốc trên toàn thế giới là thực sự cần thiết.
Trang Tạp chí Cộng sản điện tử phát bằng tiếng Trung Quốc chủ yếu phát các tin, bài nhằm thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về các vấn đề trong nước và quốc tế; những thành tựu đất nước Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới; hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, năng động, ổn định, dân chủ và phát triển để người dân Trung Quốc và những người biết tiếng Trung Quốc có thông tin chính thống về mục tiêu, con đường đi lên của cách mạng Việt Nam; chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam; thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đóng góp về lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đối tượng độc giả được hướng đến của Trang Tạp chí Cộng sản điện tử tiếng Trung Quốc gồm có: người dân Trung Quốc (bao gồm các nhóm đối tượng: cán bộ Đảng, Nhà nước Trung Quốc; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; người dân); những người biết tiếng Trung Quốc trên toàn thế giới (ngoài người Trung Quốc ở nước ngoài, Hoa kiều còn có cả nhóm đối tượng những người nước ngoài biết tiếng Trung Quốc).
Một số hạn chế và tồn tại
- Các bài đăng trên Trang tiếng Trung Quốc của Tạp chí Cộng sản điện tử chủ yếu vẫn là những bài được chọn từ Tạp chí Cộng sản ra số 01 hằng tháng; Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở ra ngày 15; Tạp chí Cộng sản điện tử. Vì vậy, các bài được chọn dịch còn bị hạn chế về số lượng, nội dung chưa đa dạng, phong phú.
- Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 28-4-2014 thì dân số Trung Quốc tại thời điểm công bố là 1,34 tỷ người. Cũng theo số liệu thống kê niên giám Anh Quốc thì tổng số người Trung Quốc, người biết tiếng Trung Quốc và người Hoa kiều trên thế giới hiện có khoảng 1,4 tỷ người, tương ứng với đó thì số người Trung Quốc sử dụng internet hiện đang chiếm 47,9% dân số. Trong khi đó, lượng người truy cập hằng tháng vào Trang tiếng Trung Quốc Tạp chí Cộng sản điện tử vào khoảng 18.000 lượt người/tháng; con số này còn rất khiêm tốn so với lượng độc giả mà trang hướng tới.
- Chất lượng các tin, bài dịch dù đã được chú trọng đầu tư nhưng do người dịch và hiệu đính đều là người Việt Nam, bên cạnh đó các tin, bài dịch trên Trang tiếng Trung Quốc Tạp chí Cộng sản điện tử đều là những tin, bài nghiên cứu, lý luận, sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn nên trong quá trình chuyển ngữ vẫn không thể tránh được việc bị ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ.
Nâng cao hiệu quả, đưa thông tin đến gần hơn với độc giả
- Nhằm đáp ứng tốt hơn cho việc thông tin, tuyên truyền đối ngoại cán bộ phụ trách cần chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch biên tập, có những bài đặt riêng phục vụ cho công tác thông tin đối ngoại nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản điện tử trong việc thông tin đối ngoại bằng tiếng Trung Quốc, bảo đảm sự nhạy bén chính trị, tính đặc thù của Tạp chí Cộng sản. Bên cạnh đó, nội dung tin, bài cần đa dạng, phong phú và “trúng” với nhu cầu độc giả nhưng vẫn bảo đảm và giữ được mục tiêu, tiêu chí của tạp chí.
- Tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ về công tác biên tập đối ngoại, tạo điều kiện giúp cho các biên tập viên có cơ hội cọ sát, cập nhật những thông tin mới, những vấn đề ‘nóng” đang diễn ra trong và ngoài nước từ đó “chắc tay” hơn trong công tác biên tập, tránh mắc phải những lỗi đáng tiếc.
- Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, là đối tác chiến lược toàn diện; giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng Tuy nhiên bên cạnh đó giữa hai nước vẫn tồn tại những khác biệt, nhất là tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Trước những vấn đề nhạy cảm như vậy, việc tổ chức bài và dịch bài ngoài việc phải chân thực, khách quan, chính xác để người dân Trung Quốc, bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam thì tính thời sự cũng phải được chú trọng, tránh trường hợp sự kiện đã trôi qua tin, bài mới lên trang làm giảm hiệu quả của việc tuyên truyền.
- Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của độc giả cũng như truyền tải một cách đầy đủ nhất nội dung tin, bài cần tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ, khả năng dịch thuật, trong đó đặc biệt chú trọng nắm vững, cập nhật những khái niệm, thuật ngữ, cấu trúc câu thường được sử dụng trong đối ngoại, chính trị.../.
Đôi điều suy nghĩ về sự phát triển của Tạp chí Cộng sản  (30/07/2015)
Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng Việt Nam - Trung lần thứ nhất  (30/07/2015)
Chú trọng nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua  (30/07/2015)
Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng  (30/07/2015)
Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra  (30/07/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay