Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

PGS, TS Nguyễn Danh Tiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
16:46, ngày 27-07-2015
TCCSĐT - Cách đây 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-02-1947 về chế độ Hưu bổng thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Kể từ đó, việc thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được thực hiện thường xuyên, trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công

Đối với thương binh, liệt sĩ, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng chỉ rõ phải “thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng…”(1).

Về vấn đề thương binh, liệt sĩ, Đại hội VII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”(2).

Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 1991 - 1995 và năm 1992, tiếp tục nhấn mạnh: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng... Củng cố các cơ sở nuôi dưỡng thương binh nặng và tiếp tục đưa thương binh nặng về gia đình. Phát triển phong trào xây dựng ngôi nhà tình nghĩa”(3).

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội và các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng được quan tâm khá toàn diện, bao phủ hầu hết các đối tượng có công với nước. Để tạo điều kiện cho việc quy tập mộ liệt sĩ và xây dựng các nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho các liệt sĩ, ngày 05-5-1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 20-CT/TW về công tác mộ nghĩa trang liệt sĩ, yêu cầu các cấp, các ngành cần có những biện pháp tích cực để trong vài năm tới giải quyết một bước cơ bản việc tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ.

 Ngày 27-07-1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương thương binh toàn quốc(10), nêu rõ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(11).

Thực hiện chủ trương của Đảng, cùng với quá trình đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, việc ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng(4), đã đưa công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng bước sang giai đoạn mới. Theo đó, hệ thống chính sách có nhiều bổ sung, sửa đổi cơ bản. Nhiều vấn đề bất hợp lý do lịch sử để lại cũng như vấn đề mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, như vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết hiệu quả.

Trong định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu, mục Chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội, Nghị quyết Đại hội VIII chỉ rõ: “Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ...”(5).

Nghị quyết Đại hội VIII đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị, xã hội từ Trung ương tới địa phương đã làm tốt công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, qua đó góp phần tạo được sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội.

Để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, khắc phục những khó khăn, bất cập trong cuộc sống của một bộ phận người có công, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ kháng chiến và những địa phương có nhiều đối tượng hưởng chính sách ưu đãi; khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa ở một số địa phương, ngày 14-12-1996, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 09-CT/TW về việc mở đợt vận động kỷ niệm 50 năm Ngày thương binh, liệt sĩ. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ những người có công khác; thực sự đổi mới việc chăm lo giáo dục, đào tạo các thế hệ con em của người có công với cách mạng, có chính sách bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho con của liệt sĩ, anh hùng, thương binh, bệnh binh được học tập, làm việc để tham gia tốt các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội IX của Đảng, khẳng định: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên”(6). Nhấn mạnh quan điểm này, Đại hội X một lần nữa chỉ rõ: “Chú trọng các chính sách ưu đãi xã hội. Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, người hưởng chính sách xã hội”(7).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và X, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử về mọi mặt. Kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Kết quả đó là sự tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó việc thực hiện tốt chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là nội dung mang ý nghĩa quan trọng. Phát huy kết quả đạt được, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, ngày 01-03-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 80-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới; tiếp đó, ngày 14-12-2006, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 07/CT-TW, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là những chỉ thị quan trọng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta trong việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hơn nữa, đó còn là sự thể hiện trách nhiệm, tình cảm của thế hệ hôm nay đối với những thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của dân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI của Đảng thông qua, khẳng định “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”(8).

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, ngày 18-6-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba; ngày 15-11-2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Thông tư số 25/2007TT-BLĐTBXH, hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp đó, để đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngày 27-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng chương trình phối hợp, triển khai rà soát đối với 07 đối tượng, bao gồm: liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong và trên cơ sở rà soát sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có công.

Chính sách ưu đãi xã hội chăm lo cho người có công đi vào đời sống xã hội

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thời gian qua phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” mang lại những kết quả to lớn, thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Chỉ tính riêng từ năm 1992 - 1999, cả nước đã đóng góp được gần 564 tỷ đồng “Quỹ tình nghĩa”; xây dựng mới và sửa chữa trên 14 vạn ngôi nhà tình nghĩa, với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng (theo thời giá từng thời kỳ); tặng đối tượng chính sách trên 275.000 sổ tiết kiệm, với hàng trăm tỷ đồng,...

 Cả nước có gần 7.000 các công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sĩ, 3.540 nhà bia ghi tên liệt sĩ,… và 3.077 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số mộ có trong nghĩa trang là trên 780.000, số mộ có đầy đủ thông tin trên 630.000 và khoảng 303.000 mộ thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt liệt sĩ chưa phát hiện, tìm kiếm quy tập được. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lich sử văn hoá, có sức thuyết phục lớn về mỹ thuật, đạo đức, giáo dục.
Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, đời sống ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đã trở thành phong trào thi đua và được cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể đưa vào kế hoạch phấn đấu hằng năm, tạo không khí lành mạnh ở cơ sở.

Hơn lúc nào hết, trách nhiệm và tình cảm đối với người có công đã trở thành một nội dung quan trọng trên các diễn đàn và truyền thông đại chúng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa Việt Nam. Đó là sự chuẩn bị cần thiết để công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng có bước phát triển mạnh mẽ.

Với những chủ trương và chính sách kịp thời, đến nay cả nước đã có gần 9 triệu người được hưởng chế độ ưu đãi một lần và hằng tháng, trong đó khoảng 1,5 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế, 14.500 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở; có hơn 98% số xã, phường trong toàn quốc làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; trên 95% đối tượng chính sách đạt được mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo,…

Cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục, giải quyết. Đó là tình trạng sai sót đối tượng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn diễn ra ở không ít địa phương. Công tác đền ơn đáp nghĩa ở một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào, tôn vinh người tốt, việc tốt. Ngoài ra, những việc làm tình nghĩa và phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ chưa được thực hiện thường xuyên, chưa phát triển đồng đều ở các địa phương, nhất là những nơi kinh tế còn khó khăn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, “công việc trọng tâm trong năm 2015 là rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của các địa phương, tổng hợp và rà soát theo danh sách những người có công đã được hưởng đúng và đầy đủ chính sách, những người có công chưa được hưởng đầy đủ chính sách, những đối tượng kê khai là người có công nhưng chưa được xác nhận, chưa được hưởng chính sách, những đối tượng hưởng sai chính sách”(9).

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm tốt hơn nữa chính sách đối với người có công

Trong thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, đồng thời để thực hiện tốt chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách, triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả chính sách ưu đãi. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, bảo đảm đầy đủ yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, có đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể nhằm thực hiện tốt nhất đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Hai là, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng trong chính sách sau chiến tranh. Hoàn thành cơ bản công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ và một số đối tượng khác; tiếp tục tiến hành khảo sát, tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là ở các xã biên giới, các vùng căn cứ cách mạng, vùng xảy ra các trận đánh lớn trong kháng chiến, các phần mộ liệt sĩ trên đất nước bạn Lào và Cam-pu-chia.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách và người có công, mở rộng các chương trình tình nghĩa phong phú, đa dạng, thiết thực, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tình nghĩa, như xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và người có công.

Bốn là, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để anh chị em thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.

Năm là, tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công có nhiều cố gắng trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống cách mạng là những tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo. Nhân rộng điển hình tiên tiến của phong trào, phát huy dân chủ, công khai mọi chính sách về lĩnh vực người có công./.

-------------------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 558

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr 102

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr 450

(4) Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 115

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 301

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 104

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr 79

(9)http://giadinhvatreem.vn/Tuyen-truyen/Cham-lo-doi-song-nguoi-co-cong-la-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-2765

(10) Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh - liệt sĩ

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 204