Bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam - Yêu cầu cấp thiết
Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể và người dân còn nhiều hạn chế.
Thực tế ở nước ta hiện nay đang nảy sinh vấn đề chưa được giải quyết triệt để là nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn rất thấp.
Đối với lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương.
Nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, còn cho đây là trách nhiệm của riêng ngành tài nguyên và môi trường. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ở địa phương, đặc biệt là việc quản lý, giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập. Ở nhiều địa phương, lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, chưa chặt chẽ và quyết liệt. Có những trường hợp người dân phản ánh vụ việc đến cấp trên thì chính quyền địa phương mới biết, thậm chí, ở nhiều nơi, một số cán bộ chính quyền địa phương còn tiếp tay cho các hoạt động khai thác trái phép. Chính quyền cấp cơ sở chưa phát huy vai trò chủ động trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường tự nhiên. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan chức năng và địa phương thiếu chặt chẽ và chưa đồng bộ.
Đối với doanh nghiệp.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đang tạo nên một nhu cầu rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguyên liệu cho các ngành kinh tế công nghiệp mũi nhọn. Việc khai thác, tận dụng tối đa mọi nguồn lực tài nguyên thiên nhiên sẵn có làm cho các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp thu về nhiều lợi nhuận. Ngược lại, chi phí cho vấn đề bảo vệ, tái tạo và cải thiện môi trường tự nhiên làm cho họ mất đi lượng lợi nhuận lớn. Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, làm cho môi trường tự nhiên ngày càng rơi vào thảm họa. Việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của đa số các doanh nghiệp chưa cao. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải (nước thải, rác thải, khí thải) còn mang tính đối phó. Một số cơ sở chỉ đầu tư ở mức tối thiểu, công nghệ, thiết bị không phù hợp hoặc sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra, nghiệm thu công trình thì lại không đưa vào vận hành do ngại tốn nhân công, hóa chất, năng lượng. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng thiết bị sản xuất cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng điện, dầu, không thực sự xử lý được tốt nhất chất thải. Đây là một trong những tác nhân không nhỏ gây ô nhiễm môi trường.
Đối với người dân.
Thực tế cho thấy, nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của các chủ thể và người dân còn rất thấp, chưa có thói quen tự giác bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ nhất. Tình trạng vứt rác, phóng uế bừa bãi, làm mất vệ sinh nơi công cộng của người dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Vẫn còn tình trạng sử dụng các biện pháp hủy diệt trong khai thác thủy sản, đánh bắt động vật quý hiếm. Đó là chưa kể lối sống của người sản xuất nhỏ, tự do, tùy tiện, thái độ bàng quan với tài nguyên môi trường. Nhiều vấn đề môi trường của ngày hôm nay là kết quả từ hạn chế trong nhận thức và thái độ của con người. Nhiều quyết định hằng ngày của con người ngày hôm nay có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Chẳng hạn như, mỗi người có nên sử dụng túi ni-lông hay thay thế bằng làn, bằng túi giấy đi chợ mua đồ; Nên đi xe máy hay xe đạp khi đi làm hay đi chơi (quyết định cá nhân); Nên sử dụng giấy tái sinh hay mua nguyên liệu mới (quyết định của doanh nghiệp); Nên phát triển năng lượng hạt nhân hay bảo tồn năng lượng truyền thống (quyết định của Nhà nước). Tập hợp nhiều quyết định sẽ tạo nên một chuỗi hành vi của con người có ảnh hưởng xấu hoặc tốt đến môi trường tự nhiên.
Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ sở vật chất - kỹ thuật, tiềm lực khoa học - công nghệ và nhân lực cho bảo vệ môi trường tự nhiên còn nhiều hạn chế
Thực tế ở nước ta, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực khoa học - công nghệ, nhân lực trong bảo vệ môi trường còn hạn chế và lạc hậu. Để bảo vệ, cải thiện, phòng chống ô nhiễm cũng như khai thác hợp lý môi trường tự nhiên thì vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật cho bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Nếu cơ sở vật chất kỹ thuật cho bảo vệ môi trường tự nhiên là hiện đại, phù hợp, thân thiện với môi trường thì không chỉ giúp cho việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế mà còn bảo đảm việc bảo vệ và cải thiện môi trường.
Trong khi khối lượng chất thải đa dạng đang ngày một tăng lên thì phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở nước ta đều chưa có biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho bảo vệ môi trường bao gồm “việc thu gom lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và quan trắc môi trường”(1). Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có giá trị xuất khẩu lớn và những ngành sử dụng nhiều năng lượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, như ngành chế biến thủy sản, dệt may, da giày, sản xuất phân bón, sản xuất giấy, khai thác, chế biến khoáng sản, ngành nông nghiệp. Các công trình hạ tầng về môi trường còn hạn chế. Đặc biệt, các công trình cung cấp nước sạch khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống tiêu thoát nước, hệ thống trạm quan trắc quốc gia; hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại còn nhiều bất cập. Nhiều khu công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, y tế, nước thải sinh hoạt đạt quy chuẩn còn thấp. Đó là chưa kể hiện nay, trong một số lĩnh vực khai thác khoáng sản lậu, như quặng, than, vàng, các đầu nậu khai thác lại không muốn sử dụng công nghệ khai thác hiện đại, do vừa phải đầu tư lớn, vừa rơi vào nguy cơ bị tịch thu tài sản nếu bị lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát môi trường còn mỏng, không đủ người, cộng với sự thiếu thốn, phương tiện kiểm tra. Thêm vào đó, mức phạt hành chính đối với việc nhập rác thải công nghiệp còn quá thấp, không có hiệu lực. Điều này, càng làm sâu thêm những khó khăn cho công tác bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên ở nước ta hiện nay.
Có thể nói, cho đến nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên trình độ khoa học - công nghệ ở nước ta nói chung và khoa học - công nghệ ứng dụng trong bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng vẫn đang trong tình trạng lạc hậu. Trong nhập khẩu công nghệ dù là trực tiếp hay gián tiếp chúng ta cũng rất khó có thể nhận được các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất, mà thường chỉ nhận được loại thiết bị vào loại trung bình, thậm chí, trong nhiều trường hợp còn phải nhận các thiết bị lạc hậu đã bị loại bỏ ở các nước phát triển. Do đó, hiệu quả trong bảo vệ, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tự nhiên rất thấp. Đây cũng là một thách thức lớn ảnh hưởng đến hiệu quả của việc bảo vệ môi trường tự nhiên ở nước ta trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác quản lý và bảo vệ môi trường nói chung và môi trường tự nhiên nói riêng ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Hiện nay, số cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp tỉnh trên cả nước có 1.448 người, cấp huyện trên 1.300 người và cấp xã trên 11.000 người làm công tác địa chính, xây dựng và môi trường (chưa có công chức chuyên trách về quản lý môi trường). Trên thực tế, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhất là ở các địa phương, cơ sở. Hiện chỉ có khoảng 29 người làm công tác quản lý nhà nước về môi trường trên một triệu dân; trong khi, con số này ở Trung Quốc là 40 người, Thái Lan: 42 người, Cam-pu-chia: 55 người, Ma-lai-xi-a: 100 người, Xin-ga-po: 350 người, Canada: 155 người, Anh: 204 người (2). Phần lớn, cán bộ quản lý môi trường cấp huyện không có bằng cấp chuyên môn về môi trường, hầu hết được phân công, tuyển dụng, điều chuyển thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường trong một vài năm gần đây, nên trình độ năng lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế.
Những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên trong việc đưa hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên vào nền nếp
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề môi trường hết sức phức tạp, đòi hỏi công tác quản lý và bảo vệ môi trường phải đi vào nền nếp mới có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang còn nhiều vấn đề bất cập. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu, cần đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nền nếp nhằm kiểm soát và tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý những yếu tố của môi trường tự nhiên vì sự phát triển bền vững của đất nước. Việc đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nền nếp không chỉ xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn mà còn tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong dư luận xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam hiện nay.
Một điển hình về những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường tự nhiên đối với hoạt động khai thác khoáng sản là công tác lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản thiếu sự thống nhất ở cấp trung ương và địa phương. Ở nhiều địa phương, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản chưa đúng quy định, chỉ quan tâm đến các khoản đóng góp cho ngân sách địa phương mà chưa chú trọng đến tiêu chí năng lực, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, phần lớn các giấy phép khai thác khoáng sản đều tập trung vào vật liệu xây dựng, ít các dự án chế biến sâu khoáng sản. Công tác lập, phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản còn chậm. Nhiều hoạt động khai thác trái phép diễn ra phức tạp và hay tái diễn.
Một vấn đề nữa là những bất cập trong công tác thu hồi và giao đất hiện nay. Về cơ bản, quá trình phát triển kinh tế xã hội tất yếu dẫn đến công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc thu hồi đất đai của các chủ thể đang sử dụng để giao cho các chủ thể khác nhằm phát triển dự án là tất yếu. Tuy nhiên, cơ chế hiện hành về thu hồi, giao đất thỏa đáng giữa các bên nhà nước - chủ thể bị thu hồi - chủ thể được giao đất chưa tường minh, chưa công khai. Hơn nữa, đất đai sau khi được thu hồi giao cho bên nhận đất nhưng lại không sử dụng đúng như cam kết. Nhiều dự án triển khai không đúng tiến độ, thậm chí sai mục đích. Điều này dẫn đến lãng phí đất đai và bất bình trong nhân dân. Tất cả những vấn đề trên đang là thách thức lớn trong việc đưa công tác bảo vệ môi trường vào nền nếp.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng trong thời gian qua chưa nghiêm túc, hiệu lực và hiệu quả thấp. Việc không tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường diễn ra khá phổ biến. Trong số hàng nghìn dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phần lớn các dự án, kể cả các dự án liên doanh trong nước và ngoài nước đã không thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ làm hình thức không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành có một chương quy định 10 loại tội phạm môi trường nhưng hầu như chưa được triển khai trên thực tế. Mặc dù các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng đã được người dân, công luận lên tiếng phản ánh; trong đó có việc xả chất ô nhiễm với khối lượng lớn ra sông, vào đất, ngấm vào nguồn nước, nạn buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã quý hiếm, nạn khai thác trái phép các nguồn tài nguyên, như khai thác cát trên sông Hồng, khai thác khoáng sản bừa bãi,... nhưng cho đến nay hầu như chưa có cơ sở nào bị xử lý hình sự. Những hạn chế này cho thấy, cần tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật và phải sử dụng tối đa sức mạnh của pháp luật trong bảo vệ môi trường tự nhiên ở nước ta hiện nay.
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tuy nhiên hiện nay, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch thân thiện với môi trường bảo vệ môi trường chưa kịp thời. Nhiều dự án bảo vệ môi trường triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chế tài xử phạt liên quan đến vi phạm môi trường chưa đủ mạnh, dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức tái phạm nhiều lần. Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 01-7-2011 nhưng đến nay vẫn còn thiếu nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật dẫn đến khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật, chưa kể chế tài xử phạt đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép chưa đủ mạnh, mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải tạo, khắc phục suy thoái, ô nhiễm trong khai thác chế biến khoáng sản gây ra. Điều này cũng đang gây ra những trở ngại trong việc đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nề nếp.
Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do những hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng còn nhiều điểm cần tháo gỡ. Đến nay, đã có rất nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân bức xúc, nhưng số lượng vụ việc khởi kiện tại Tòa án để đòi bồi thường thiệt hại từ các hành vi này lại rất không đáng kể, chưa kể mức phạt, bồi thường vẫn còn quá ít, chưa “xứng đáng” với vi phạm. Xét trên thực tế, việc xử phạt hành chính và truy thu phí bảo vệ môi trường cũng chưa đủ mạnh để răn đe và nguồn thu từ xử phạt hành chính cũng khó có thể bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường tự nhiên.
Như vậy, những yếu kém nêu trên trong cơ chế, chính sách, pháp luật và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở nước ta là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số nguyên nhân chính là: hệ thống chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất hợp lý, khung xử phạt thấp, nên chưa có tác dụng, còn nặng về biện pháp hành chính, chưa coi trọng công cụ kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường; hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường tới nhân dân chưa được làm tốt, người dân còn thiếu kiến thức, hiểu biết về việc bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại. Việc thu thập dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại cũng còn hạn chế. Đặc biệt, việc xác định cụ thể, rõ ràng và chứng minh thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường không hề dễ. Do đó, cần tăng cường hơn nữa việc hoàn thiện chính sách pháp luật và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên nhằm đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ hiệu quả môi trường tự nhiên ở nước ta hiện nay./.
------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Quốc hội (2014): Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội
(2) Nguyễn Kim Tuyển (2013): Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước ngành môi trường Việt Nam, www:http://vea.gov.vn, ngày 18-12-2013
Chiến thắng Núi Thành: Thành công từ công tác tư tưởng  (26/05/2015)
Chiến thắng Núi Thành: Thành công từ công tác tư tưởng  (26/05/2015)
Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 68: Việt Nam nỗ lực đột phá đổi mới hệ thống y tế một cách bền vững  (26/05/2015)
“Đổi mới mô hình Hội đồng Lý luận Trung ương”  (26/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên