Ảnh: Đồng chí Trương Tấn Sang
tại Hội nghị đại biểu nông dân
lần thứ 3
Ngày 22-8-2007, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có phát biểu tại Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ III. Dưới đây Tạp chí Cộng sản xin trích giới thiệu bài phát biểu quan trọng này.

Thưa các đồng chí!

Hôm nay giữa Thủ đô Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam mở Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ III, trong không khí cả nước phấn khởi tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 62 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng, chúc sức khỏe các vị đại biểu và toàn thể 303 tấm gương tiêu biểu và các Anh hùng Lao động đại diện cho hơn 4 triệu hộ nông dân sản xuất giỏi toàn quốc - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua yêu nước của giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới, đã về dự Hội nghị.

Hội nghị chúng ta xin gửi đến đồng bào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ðắk Lắk và các địa phương khác ở miền trung lời cảm thông sâu sắc và chia sẻ với đồng bào những thiệt hại to lớn về người và của do cơn bão số 2 gây ra.

... Nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội ta, vốn thông minh, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và giàu lòng yêu nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Ðảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng chiến lược của giai cấp nông dân, của nông nghiệp và nông thôn. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng trong nông nghiệp, từ "khoán 100" đến "khoán 10", việc giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho nông dân, phát huy tính tự chủ của kinh tế hộ và hàng loạt chính sách khác... đã tạo động lực mạnh mẽ giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai, rừng, biển và các nguồn lực khác trong nông nghiệp cùng các nguồn đầu tư của Nhà nước và sự hợp tác với nước ngoài. Các chính sách đó đã khơi dậy và phát huy vai trò làm chủ, lao động sáng tạo của nông dân, tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước của giai cấp nông dân nước ta.

Trong những năm qua, mặc dù thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề ở nhiều nơi, nhưng sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Nước ta là một trong ba nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Nhiều sản phẩm như cao-su, hồ tiêu, cà-phê, hạt điều, thủy sản... của Việt Nam đứng thứ hạng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nông dân có bước trưởng thành về nhiều mặt, trình độ học vấn, khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý kinh doanh có tiến bộ rõ rệt.

Năm năm qua, các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua, đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân, động viên, cổ vũ đông đảo nông dân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lập, tự cường, năng động, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thử thách, lập nên những thành tích xuất sắc. Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội phát động đã được nông dân cả nước hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của nông dân trong thời kỳ đổi mới. Nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi, làm giàu cho gia đình, cho đất nước, góp phần đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta có bước phát triển toàn diện, liên tục, từ sản xuất tự cấp, tự túc chuyển sang sản xuất hàng hóa với trình độ ngày càng cao, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhiều hộ nông dân ở khắp các vùng, miền, các dân tộc trong cả nước đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư tiền của, sức lao động, học hỏi kinh nghiệm trong nước và ngoài nước vươn lên trở thành triệu phú, tỉ phú; đồng thời, giúp đỡ những hộ còn nghèo vươn lên thoát nghèo, giúp các cháu mồ côi không nơi nương tựa, các nạn nhân chất độc da cam, giúp những người cai nghiện, những người lầm lỡ hoàn lương, hòa nhập với cộng đồng, tạo công văn việc làm cho hàng vạn lao động ở nông thôn. Ðó là những tấm gương sáng của giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, rất xứng đáng để mọi người học tập và noi theo.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc mà còn là cơ hội, điều kiện thuận lợi để giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức, các doanh nhân với tình cảm và trách nhiệm của mình, sát cánh cùng giai cấp nông dân thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Kết quả của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cũng như những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 20 năm đổi mới. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cả nước về những kết quả, thành tích xuất sắc đã đạt được trong những năm qua, biểu dương những điển hình tiêu biểu là những đại biểu ưu tú về dự Hội nghị hôm nay.

... Thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển và đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn vậy, trước hết phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh thời cơ, nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phải đương đầu với những thách thức to lớn. Ðó là: nền nông nghiệp nước ta cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tỷ suất hàng hóa, công nghệ sản xuất, sức cạnh tranh và uy tín thương hiệu nông sản hàng hóa còn thấp hơn các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Ðể tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất cao của toàn Ðảng, toàn dân ta nói chung, của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam nói riêng.

Trong những năm tới, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, mà trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Phong trào phải bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, đề ra các nội dung thi đua và khẩu hiệu hành động thiết thực thu hút đông đảo hội viên nông dân các vùng, miền, các dân tộc tham gia. Cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, thực hiện bằng được lời dạy của Người, là phải: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm".

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân Việt Nam phải hướng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị ngày công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đồng thời, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Mỗi gia đình và cộng đồng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần "thương người như thể thương thân", tích cực giúp đỡ những gia đình còn nghèo khó vươn lên thoát nghèo bền vững, để ngày càng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn.

Phong trào thi đua không chỉ phát triển kinh tế hộ mà còn phải tạo ra yêu cầu, điều kiện cho việc phát triển kinh tế tập thể một cách vững chắc, hiệu quả. Ðể đáp ứng ngày càng cao của sản xuất và hội nhập, chúng ta phải tuyên truyền, vận động các hộ nông dân sản xuất giỏi liên kết với nhau hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hiệp hội để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Ðiều rất đáng mừng là, đồng thời với hình thức tổ chức sản xuất theo hộ gia đình, các hình thức tổ chức nông trường, trang trại từng bước được khẳng định và phát triển đúng hướng. Ðặc biệt, thay thế hình thức tổ chức hợp tác xã theo kiểu cũ, mô hình hợp tác xã kiểu mới đang hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và các thành viên, phù hợp với trình độ phát triển sản xuất trên các địa bạn.

Ðảng và Nhà nước ta có chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân có vốn, có kinh nghiệm quản lý và nguồn lực đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ, sử dụng nhiều lao động ở nông thôn theo quy định của pháp luật, nhằm khai thác mọi tiềm năng trong nông nghiệp và nông thôn. Hiện nay, nông dân nước ta chiếm hơn 70% số dân cả nước, nhưng sức mua còn thấp. Sức mua của nông dân được nâng lên sẽ tạo ra thị trường thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ðồng thời, coi trọng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, rèn luyện, nâng cao tay nghề cho người sản xuất và người làm dịch vụ ở nông thôn.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm, chợ nông thôn và cung cấp nước sạch cho nông dân. Tích cực tham gia các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Vì người nghèo", "Quỹ đền ơn đáp nghĩa"... để ngày càng có nhiều hơn các gia đình văn hóa, làng, ấp, bản văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Các phong trào thi đua phải gắn chặt với xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Quán triệt Chỉ thị số 13-CT/T.Ư của Ban Bí thư, các cấp hội tổ chức tốt đại hội các cấp tiến tới Ðại hội toàn quốc lần thứ năm Hội Nông dân Việt Nam, để Hội thật sự là "trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới". Các cấp hội là nhân tố góp phần quan trọng xây dựng người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới; đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, mất đoàn kết ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong nông thôn. Hội phải chủ động phối hợp tốt hơn với các ngành kinh tế, kỹ thuật, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, thực hiện liên kết "bốn nhà", giúp nông dân vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất và chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở: "Hiện nay có nhiều người xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ sản xuất, chiến đấu. Chúng ta cần phải đưa những người ấy vào Ðảng, vào Ðoàn để tăng thêm sức chiến đấu của Ðảng và Ðoàn".

Ðể phong trào thi đua yêu nước của giai cấp nông dân Việt Nam nói chung và phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nói riêng, trong những năm tới, tiếp tục phấn đấu giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị 59-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Hội Nông dân Việt Nam, Quyết định 17-QÐ/TTg cũng như các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Nông dân hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Hướng về ngày Quốc khánh 2-9 vẻ vang của dân tộc, chúng ta vô cùng tự hào về bản Tuyên ngôn Ðộc lập lịch sử do Bác Hồ long trọng công bố với quốc dân đồng bào trong cả nước, với nhân dân và chính phủ các nước trên toàn cầu, chúng ta cũng ghi lòng tạc dạ từng lời Bác để lại trong Di chúc thiêng liêng. Tôi xin được nhắc lại tình cảm sâu đậm gửi gắm của Bác về giai cấp nông dân cho thế hệ hôm nay và mai sau: "Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Ðảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất".

Tôi tin tưởng rằng, trong bối cảnh mới, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong gần 20 năm tổ chức phát động thi đua, với truyền thống yêu nước và cách mạng, bà con nông dân "được hỉ hả, mát dạ, mát lòng", nhất định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của một nông thôn mới văn minh, giàu đẹp.