Làm gì để kích cầu có hiệu quả ?

Nguyễn Nhâm
15:05, ngày 14-01-2009

Để thực hiện 5 nhóm giải pháp chống giảm phát, cuối tháng 12-2008 Chính phủ đã quyết định đưa ra gói giải pháp tổng thể hơn 100.000 tỉ đồng (khoảng 6 tỉ USD - bao gồm cả gói 1 tỉ) cho việc kích thích nền kinh tế. Đây được coi là sự can thiệp mạnh mẽ nhất của Nhà nước vào nền kinh tế trong chức năng điều hành vĩ mô của mình kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ lan ra toàn cầu.

Vấn đề đang đặt ra hiện nay là làm gì, làm như thế nào để kích cầu nền kinh tế có hiệu quả? Chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số vấn về cơ bản sau:

1. Cần nhận rõ quan hệ cung cầu và mức độ mất cân đối

Cung-cầu là một trong những quy luật của nền kinh tế thị trường, phản ánh trạng thái của nền kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. Sự mất cân đối cung-cầu cho dù là cung lớn hơn cầu, hoặc ngược lại cầu lớn hơn cung cũng phản ánh tình trạng phát triển không bình thường của nền kinh tế. Do đó, một trong những yêu cầu quan trọng trong điều hành vĩ mô nền kinh tế của các nhà nước là phải có chính sách, kế hoạch bảo đảm cho nền kinh tế luôn luôn có sự cân đối cung-cầu, coi đây là một trong những cân đối chính của nền kinh tế.

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay nhiều nước quan hệ cung-cầu đang bị mất cân đối nghiêm trọng. Tình trạng khủng hoảng “thừa” đang trở nên phổ biến, cung đang lớn hơn cầu, khu vực sản xuất đình trệ làm ăn thua lỗ; khu vực tiêu dùng bị thu hẹp, tình trang thất nghiệp gia tăng, sức mua giảm sút do không có khả năng thanh toán.

Nền kinh tế nước ta tuy không bị suy thoái nhưng cũng đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đang có nguy cơ bị suy giảm tăng trưởng, so với năm 2007 GDP tăng 7,8%, thì năm 2008 GDP chỉ tăng 6,23%, nếu năm 2009 vấn đề cung-cầu không được cân đối lại thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là khó có thể đạt được. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó sự mất cân đối trong quan hệ cung-cầu cũng đã thể hiện rõ nét: tình trạng sức mua của cả khu vực doanh nghiệp (tiêu dùng cho sản xuất như nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc...) và khu dân cư (tiêu dùng cá nhân như tư liệu sinh hoạt ăn, uống, đi lại, học hành, vui chơi giải trí...).
 
Tình trạng lưu kho, dư thừa hàng hóa, một số doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp đã phải thuê thêm các kho bãi để chứa thành phẩm. Hiện tượng giá cả hàng hóa tăng vọt thời kỳ lạm phát từ quý I đến quý III đã chuyển sang giai đoạn giảm giá và suy giảm sức mua, đình trệ sản xuất vào quý IV và đầu năm 2009 cho thấy sự nhận định của Chính phủ về nguy cơ giảm phát là có cơ sở. Do đó, để lập lại cân đối mới cho nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển thì cần phải có quan điểm định hướng kích cầu cho chính xác thì giải pháp gói kích cầu 1 tỷ USD mới tạo ra bước đột phá cho nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ giảm phát năm 2009 và tiếp tục phát triển bền vững cho các năm sau.

2. Định hướng kích cầu vào khu vực có vai trò đột phá

Nói đến vấn đề kích cầu, đa số ý kiến của các nhà nghiên cứu đều thống nhất với các nhóm giải pháp cấp bách của chính phủ, tuy nhiên, cần phân biệt rõ kích cầu đầu tư sản xuất và kích cầu tiêu dùng, trong đó kích cầu tiêu dùng có vai trò quyết định. Chúng ta đều thừa nhận rằng trong mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng thì bao giờ sản xuất cũng giữ vai trò quyết định, vì xét đến cùng thì xã hội chỉ có thể tiêu dùng cái mà nền sản xuất tạo ra. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường sự hội nhập của nước ta ngày càng sâu hơn, rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới thì sự tác động trở lại của khu vực tiêu dùng đối với khu vực sản xuất cũng có vai trò quyết định. C.Mác cũng đã nói “trong mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng, sản xuất quyết định tiêu dùng, nhưng đến lượt nó tiêu dùng cũng quyết định trở lại đối với sản xuất”. Thực tiễn cho thấy ngày nay ít có nhà doanh nghiệp nào trước khi sản suất lại không tiếp thị, thăm dò thị trường tiêu thụ, ký kết hợp đồng với các nhà dịch vụ cung ứng sản phẩm cho khu vực tiêu dùng... có thể nói: “người ta đã bán sản phẩm trước khi họ sản xuất ra sản phẩm đó”. Với ý nghĩa đó, việc coi kích cầu vào khu vực tiêu dùng sẽ tạo ra sức đột phá cho nền kinh nước ta hiện nay là có cơ sở.

Chúng ta biết rằng, trên thực tế sản xuất và tiêu dùng có sự đan kết với nhau không thể tách rời. Quá trình sản xuất cũng là quá trình tiêu dùng: tiêu dùng nguyên, nhiên, vật liệu, dịch vụ... để tạo ra sản phẩm cho nhu cầu kinh tế - xã hội. Như vậy, khu vực tiêu dùng cần được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là tiêu dùng thuần túy như tư liệu sinh hoạt (ăn, mặc, ở đi lại, học hành, vui chơi, giải trí...) mà còn là tiêu dùng cho sản xuất. Do đó, kích cầu cho khu vực tiêu dùng có vai trò cực kỳ quan trọng nó có vai trò đột phá, khắc phục nguy cơ giảm phát và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế nước ta vào những năm sau.

3. Chọn đối tượng và giải pháp kích cầu phù hợp

Một, cần ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiêp (theo nghĩa rộng), nâng cao sức mua của nông dân bằng cách giảm giá, trợ giá, bán chịu trả dần... vì đây là đối tượng chịu tác động mạnh nhất của tình trạng lạm phát hồi đầu năm và giảm phát hồi cuối năm; đây cũng là lĩnh vực trực tiếp tác động đến đời sống và an sinh xã hội của cả nước, nếu khu vực này được hỗ trợ tiếp tục phát triển thì cầu tiêu dùng xã hội sẽ tăng lên đáng kể, sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất, do sản phẩm nông nghiệp vừa là tư liệu sinh hoạt vừa là tư liệu sản xuất; vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hai, ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì đây là nơi sản xuất với cộng nghệ ở cấp độ trung bình và công nghệ truyền thống là phổ biến nên còn sử dụng nhiều lao động; đây cũng là nơi có thể nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thích nghi nhanh với trạng thái mới của nền kinh tế trong nước và kinh tế toàn cầu, do đó sự tăng trưởng ở các loại hình doanh nghiệp này trực tiếp tác động đến đông đảo người lao động, bảo đảm công ăn việc làm, sớm thu hẹp quy mô thất nghiệp trong phạm vi xã hội.

Ba, đầu tư cao vào các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng mở rộng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như: nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, trạm y tế, trường học, đường sá… vì đây là lĩnh vực vừa tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, vừa đảm bảo đời sống và an sinh xã hội.

Bốn, kích cầu đổi mới công nghệ, mua máy móc thiết bị công nghệ cao giá rẻ của các nước đang bị suy thoái, hỗ trợ liên kết các doanh nghiệp phát triển sản xuất trong nước và đầu tư ra nước ngoài, biến thách thức thành cơ hội phát triển và cải thiện sức cạnh tranh của hàng hoá và vị thế của Việt Nam trên thương trường khu vực và quốc tế.

Năm, tăng cường tín dụng tiêu dùng: khoanh nợ, giãn nợ, trợ cấp, bán chịu trả dần cho các đối tượng, nhất là các hộ nghèo, người thất nghiệp; giảm học phí, viện phí, tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp...; khuyến khích, tạo điều kiện cho các đối tượng trong xã hội có thu nhập cao tiêu dùng sản phẩm nội địa cao cấp với tinh thần “tiêu dùng là yêu nước” nhằm tạo thêm các kênh kích cầu cho nền kinh tế; thay đổi tư duy tiêu dùng, khuyến khích tiêu dùng hàng nội (bao gồm cả sản xuất và sinh hoạt) cùng với giảm nhập siêu hướng tới xuất siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Để thực hiện tốt mục tiêu chống giảm phát có hiệu quả thì vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là hết sức quan trọng. Ngày 16-12-2008, tại Trung tâm Hội Nghị quốc tế (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Phó thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo 104 doanh nghiệp là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nội dung quan trọng là thống nhất giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế năm trong 2009 và bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao vai trò quan trọng, nòng cốt của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2008, khu vực doanh nghiệp này vẫn đóng góp 40% GDP và 60% tăng trưởng của nền kinh tế. Thủ tướng mong muốn, năm 2009, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn nữa, đặc biệt phải thực hiện quyết liệt và thiết thực để duy trì sản xuất, dẫn dắt các thành phần kinh tế, cố giữ tăng trưởng kinh tế.

Ở tầm vĩ mô, để chống suy giảm kinh tế, thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng, Chính phủ đã đưa ra các chủ trương quan trọng. Một là, thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý và hiệu quả, trong đó có việc hạ lãi suất tín dụng. Hai là, trong giai đoạn chống lạm phát chúng ta cắt giảm đầu tư, thì nay lại khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, khuyến khích tiêu dùng hợp lý, hiệu quả. Ba là, Chính phủ tiến hành rà soát các văn bản pháp quy, tạo cơ chế chính sách thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, góp phần thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2009. Bên cạnh việc định hướng, chọn đối tượng và tìm giải pháp kích cầu đúng còn cần phải cụ thể hoá và nhanh chóng giải ngân để gói kích cầu 1 tỉ USD mà Chính phủ đưa ra sớm mang lại hiệu quả./.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. VOVNews: Nghị quyết số 32/2008 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12-2008. Cập nhật 4-1-2009
2. Nguyễn Quang A: Kích cầu vào đâu? Báo Lao động cuối tuần số 52. Cập nhật 28-12-2008
3. Lê Thiết Hùng: Kích cầu vĩ mô - Bàn giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Báo QĐND. Cập nhật 16-12-2008
4. Sông Trà: Kích cầu vào đâu để đạt hiệu quả ? Báo Bình Dương. Cập nhật 30-12-2008