Những yếu tố tác động đến tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt nam
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại trên bình diện toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng và trở thành vấn đề nổi bật của thế giới đương đại. Quá trình này tạo ra sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng cao giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới. Các định chế và tổ chức kinh tế - thương mại khu vực và quốc tế đã được hình thành để phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo lập hành lang pháp lý chung để các nước cùng tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề lớn của kinh tế thế giới mà không một quốc gia nào có thể thực hiện một cách đơn lẻ.
Một là, xu hướng gia tăng tự do hóa thương mại và cạnh tranh toàn cầu
Biểu hiện cơ bản của quá trình hội nhập kinh tế là xu hướng tăng cường hợp tác song phương, liên kết khu vực, hợp tác liên khu vực và đẩy mạnh hợp tác đa phương. Một làn sóng tự do hóa thương mại đang diễn ra sôi động chưa từng có trên thế giới với việc hình thành các Khu vực Thương mại Tự do (FTAs) và các Thỏa thuận Thương mại Khu vực (RTAs). Cho đến nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới là thành viên, hoặc đang đàm phán tham gia, của ít nhất một FTAs hoặc RTAs và khoảng trên 50% tổng giá trị giao dịch thương mại toàn cầu được tiến hành thông qua các thỏa thuận thương mại khu vực. Tính đến tháng 5-2003 đã có khoảng 250 Hiệp định Thương mại tự do song phương (BTAs) và khu vực đã được thông báo cho WTO, trong đó 130 hiệp định được thông báo sau tháng 1-1995. Đến cuối 2005, nếu tính các hiệp định thương mại tự do (song phương và khu vực) đang được đàm phán, hoặc đã được ký kết thì tổng số có hiệu lực có thể lên đến 300 hiệp định.(1)
Xu hướng tăng cường hợp tác đa phương thể hiện rõ nét qua việc ngày càng có nhiều nước xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Đến nay WTO đã có 150 thành viên được kết nạp và khoảng gần 30 nước đang xin gia nhập. WTO chiếm khoảng 85% tổng thương mại hàng hóa và 90% thương mại dịch vụ toàn cầu, (năm 2002 tổng giao dịch thương mại hàng hóa toàn cầu là 13.109 tỉ USD và thương mại dịch vụ là 3.060 tỉ USD).(2) Năm 2001, quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO. Sự kiện này tác động không nhỏ đến kinh tế - thương mại thế giới và Việt Nam. Từ khi WTO khởi đầu vòng đàm phán mới (Đô-ha) đã có một số nước đang khẩn trương chuẩn bị để gia nhập vào tổ chức này. Một vài nước đã rút ngắn quá trình đàm phán, thậm chí bỏ qua hầu hết các bước để nhanh chóng được kết nạp. Nhân tố đó cho thấy WTO ngày càng có một vai trò hấp dẫn hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế. Hiện nay, các thành viên của WTO cũng đang đẩy nhanh Vòng đàm phán Đô-ha với việc các thành viên WTO đã thông qua gói Hiệp định khung và những thỏa thuận khác (ngày 31-7-2004) trong các lĩnh vực: nông nghiệp, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm phi nông nghiệp, các vấn đề phát triển và thuận lợi hóa thương mại.
Hai là, sự tăng cường chính sách bảo hộ với các rào cản thương mại hiện đại đối với hàng xuất khẩu
Các nước ngày càng có xu hướng ít sử dụng những biện pháp bảo hộ mang tính lộ liễu như áp đặt lệnh cấm, hạn chế số lượng hoặc áp đặt thuế suất nhập khẩu cao. Thay vào đó, các biện pháp bảo hộ được lồng vào những lý do chính đáng như để bảo vệ những ngành sản xuất trong nước trước những hành động thương mại không lành mạnh. Các nước phát triển áp dụng chính sách bảo hộ nông nghiệp của mình với mức trợ cấp trung bình 1 tỉ USD/ngày cộng với các hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, môi trường, lạm dụng luật chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp, thủ tục hải quan, ghi nhãn mác... kết hợp với các biến động chính trị đã làm cho thương mại toàn cầu năm 2002 chỉ tăng 2,5% so với 6,5% của những năm 90 thế kỷ XX. Chính vì vậy nên từ Hội nghị Đô-ha đến Hội nghị Can-cun, WTO chủ trương mở rộng đàm phán toàn diện trên cả bốn lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ và một số vấn đề mới phát sinh nhằm thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại. Tại Hội nghị Can-cun tháng 9 vừa qua ở Mê-hi-cô, tiếng nói của các nước đang phát triển liên kết thành nhóm G22 đòi thương mại công bằng, bình đẳng, các nước phát triển mở cửa thị trường và bỏ trợ cấp nông nghiệp, trợ cấp xuất khẩu đã phát huy tác dụng.
Các quy định về an toàn thực phẩm trong thương mại quốc tế hiện cũng là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu, nổi bật là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Những quy định về dư lượng kháng sinh quá mức cần thiết và không có cơ sở khoa học của EU, Mỹ, Ca-na-đa (như quy định tỷ lệ Chloramphenicol, Nitrofural) và yêu cầu giới hạn phát hiện của thiết bị kiểm tra 0,3/tỉ là dưới mức cần thiết và vô lý. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng trên trường quốc tế và gây khó khăn rất lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Về phía Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm về thiết lập cơ chế cũng như điều kiện để xây dựng hệ thống kiểm tra kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thủy sản nhập khẩu. Do đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hiện nay và trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn bị hạn chế do các yêu cầu an toàn thực phẩm của các nước, nếu ta không chủ động có biện pháp quản lý và tăng cường hệ thống kiểm soát chất lượng.
Xu hướng gắn hoạt động thương mại với việc giữ gìn và tôn tạo môi trường sinh thái ngày càng phổ biến trên thế giới. Ngoài lý do về chất lượng của sản phẩm, những yêu cầu về môi trường đối với sản phẩm cũng đang được coi là những "Rào cản thương mại trá hình" mà ngôn ngữ trong thương mại thường gọi là "Hàng rào xanh" (green barrier) nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước và ngăn chặn sự xâm nhập của hàng nhập khẩu. Các nước phát triển đã và đang sử dụng các tiêu chuẩn về môi trường như một rào cản thương mại "hợp pháp"(3), nhằm làm giảm tính cạnh tranh và hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển. Những tiêu chuẩn này nhiều khi được đặt ra quá cao so với trình độ kỹ thuật cũng như công nghệ sản xuất của các nước đang phát triển, thậm chí đối với cả một số nước phát triển. Chính vì sự áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động thương mại nhiều khi chưa thật chính đáng như vậy, đã gây cho các nước đang phát triển một số khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường của các nước phát triển.
Trên thực tế, một số điều tra khảo sát gần đây cho thấy rất ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiểu và nắm vững về các quy định quốc tế về môi trường. Họ chủ yếu chỉ thực hiện tiêu chuẩn môi trường thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 14000. Tuy nhiên, do chi phí để áp dụng hệ thống này khá lớn, từ đó ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh, nên trên thực tế chỉ mới có một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn có đủ khả năng tài chính đáp ứng yêu cầu hệ thống quản lý chất lượng này để xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu môi trường cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...
Ba là, tác động của bối cảnh quốc tế đến tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Những nhân tố nói trên đang tạo ra áp lực thách thức khả năng và tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Khi chúng ta chưa kịp tiến lên bắt kịp với thế giới thì đã lại tiếp tục bị bỏ lại đằng sau, trước một trào lưu mới. Nó đòi hỏi cần phải có những nỗ lực liên tục và gắng sức để có thể bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới. Cụ thể là:
- Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng mạnh hơn, nhất là từ phía Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn các nước ASEAN, vốn là những nước sản xuất nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh với ta và lại có nhiều ưu thế hơn ta, thậm chí ngay cả trong những ngành xuất khẩu chủ lực của ta hiện nay như nông sản, thủy sản, may mặc, giày dép. Trong thu hút FDI chúng ta cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt hơn và nguy cơ sẽ suy giảm FDI vào nước ta, nếu chúng ta không có những chính sách và biện pháp cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ làm tăng tính hấp dẫn hơn hẳn so với các nước trong khu vực(4).
- Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay sẽ tạo ra sức ép buộc ta phải tiến hành tự do hóa, mở cửa để hội nhập mạnh hơn và nhanh hơn. Nếu không cố gắng đi cùng nhịp với các nước trong khu vực thì Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu và chịu những thua thiệt của người đi sau.(5)
- Việc một số nước ASEAN tham gia vào nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các nước bên ngoài khối tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại bất lợi đối với ta.(6)
Bên cạnh những yếu tố tích cực tác động còn có những yếu tố nội tại hạn chế tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đó là:
Thứ nhất, nhận thức tư tưởng và kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa đầy đủ
Chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế đã được khẳng định qua nhiều nghị quyết và văn kiện và đã được triển khai từng bước. Quá trình hội nhập ngày nay đã thực sự đi vào chiều sâu với việc Việt Nam trở thành thành viên 150 của WTO..., nhưng trên thực tế nhận thức về nội dung, lộ trình hội nhập của nhiều ngành, cấp và doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, chưa thực sự hiểu rõ những cơ hội và thách thức của tiến trình hội nhập này để có kế hoạch chủ động nắm bắt thời cơ.
Đối với các cơ quan quản lý các cấp, trên thực tế không ít chính sách, cơ chế còn chậm được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của hội nhập. Công tác hội nhập chủ yếu mới được triển khai ở các cơ quan trung ương và các thành phố lớn, sự tham gia của các ngành, các cấp và doanh nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp cần thiết bảo đảm cho hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả cao.
Doanh nghiệp nước ta nói chung, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đang chiếm đại đa số các doanh nghiệp, còn ít hiểu biết về lộ trình và các yêu cầu của hội nhập, chưa tự trang bị cho mình những kiến thức và thông tin cần thiết về thị trường và luật pháp, thông lệ quốc tế trong làm ăn buôn bán. Đa số vẫn trông chờ ở sự bảo hộ của Nhà nước. Đây chính là những nhân tố hàng đầu ảnh hưởng và gây cản trở cho việc chủ động, tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt ra hàng đầu là tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế và các nội dung cam kết quốc tế cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, thông qua việc sử dụng rộng rãi các phương tiện thông tin tuyên truyền như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, tổ chức các hội nghị, hội thảo, xuất bản các ấn phẩm... để thực hiện kết quả trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Thứ hai, hệ thống pháp luật, chính sách quản lý đang trong quá trình hoàn thiện
Hệ thống pháp luật, chính sách quản lý, đặc biệt là pháp luật về kinh tế - thương mại còn thiếu nhiều, chưa đồng bộ, chưa đủ rõ ràng và thông thoáng để tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, cạnh tranh lành mạnh. Nhiều biện pháp, chính sách tạo thuận lợi và bảo hộ cho phát triển thương mại được quốc tế thừa nhận như chế độ hạn ngạch thuế quan, quy chế xuất xứ, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, chính sách cạnh tranh ở nước ta chưa ban hành. Trong khi đó nước ta vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp, chính sách không có trong thông lệ quốc tế, hoặc không phù hợp với các nguyên tắc của các tổ chức quốc tế.
Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế điều không tránh khỏi là sẽ phát sinh nhiều điểm xung đột giữa hệ thống luật hiện tại với hệ thống luật quốc tế mà ta sẽ tham gia. Đây là điều không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai, mà cần một lộ trình chuẩn bị, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện.
Thứ ba, năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, của các doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế còn yếu so với khu vực
Nước ta xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, gần 3/4 dân số và lao động sống bằng nông nghiệp, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn chưa được chú trọng đúng mức. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trình độ, trang thiết bị lạc hậu từ 3 đến 4 thế hệ so với các nước khác trong khu vực, trình độ kỹ thuật, công nghệ thấp. Kết cấu hạ tầng và các ngành dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất, kinh doanh như kho bãi, thông tin - liên lạc, điện, nước, vận tải... đều kém phát triển và có chi phí cao hơn so với các nước khác trong khu vực. Những yếu tố này làm giảm nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.
Triển khai các cam kết AFTA, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và đặc biệt trong đàm phán mở cửa thị trường với WTO, chúng ta sẽ còn tiếp tục phải cắt giảm thuế quan và từng bước loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, áp dụng Quy chế đối xử tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT) cho hàng hóa và dịch vụ của các nước. Điều này gây cản trở lớn tới khả năng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nếu không nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Những doanh nghiệp cạnh tranh yếu, làm ăn không có hiệu quả sẽ bị thua lỗ, phá sản gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và kéo theo nhiều hệ quả về mặt xã hội.
Vì vậy, chúng ta cần phải định hướng điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành hàng hóa, dịch vụ và của các doanh nghiệp.
Thứ tư, năng lực xuất khẩu chưa đạt được yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế
Năng lực xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta tham gia hội nhập kinh tế quốc tế từ một nền kinh tế và thương mại có xuất phát điểm rất thấp và phát triển chậm không chỉ với nhiều nước trên thế giới mà ngay cả với các nước trong khu vực... Chưa kể tới các nước phát triển, so sánh các chỉ số kinh tế của Việt Nam với các nước đang phát triển ở khu vực Đông - Nam Á cũng thể hiện rõ điều này. Các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam hiện nay vẫn là các mặt hàng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và công nghiệp nhẹ, sử dụng lao động rẻ. Trong thời gian tới, nếu không có định hướng đầu tư để tạo các ngành xuất khẩu mũi nhọn và không có những biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả thì có khả năng phát triển xuất khẩu sẽ chậm lại, mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cao và ổn định là khó đạt được.
Do đó, chúng ta cần hoàn thiện cơ chế quản lý xuất nhập khẩu: triển khai các công cụ quản lý xuất nhập khẩu mới phù hợp với yêu cầu hội nhập và các cam kết quốc tế. Tổ chức tốt công tác xúc tiến thương mại trong việc cung cấp thông tin thị trường, giới thiệu cơ hội làm ăn, tư vấn pháp lý về các lĩnh vực liên quan tới thương mại quốc tế.
Thứ năm, đội ngũ cán bộ và nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra
Chúng ta tiến hành mở cửa và hội nhập với đội ngũ cán bộ làm kinh tế đối ngoại còn thiếu và trình độ còn yếu cả về năng lực chuyên môn và về ngoại ngữ. Đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập đã được tăng cường nhiều trong thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Muốn hội nhập có hiệu quả, nhân tố quyết định chính là con người. Để có thể tham gia một cách bình đẳng vào các luật chơi chung của thế giới, ta cũng phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu thể lệ của các định chế quốc tế, có trình độ về chuyên môn và ngoại ngữ.
Do đó, cần phải chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm cả đào tạo mới và đào tạo nâng cao kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế để sử dụng trong công tác đàm phán quốc tế cũng như triển khai cam kết trong nước.
(1) Theo Sách trắng về Thương mại của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)
(2) Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Tổng Thư ký UBQG-HTKTQT: "Thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế", Báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc gia tháng 11-2003
(3) WTO cho phép sử dụng
(4) Ngay trong năm đầu tiên gia nhập WTO, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Hoa Kỳ vươn lên trở thành nước thu hút đầu tư lớn nhất thế giới với 52,7 tỉ USD năm 2002 và năm 2003 là 53,3 tỉ USD
(5) Các nước trong khu vực đang đẩy mạnh liên kết kinh tế như Trung Quốc gia nhập WTO, Thái Lan ký hiệp định riêng với Trung Quốc đẩy nhanh Chương trình Thu hoạch sớm trong khuôn khổ ACFTA, hợp tác sâu hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản đàm phán ký kết hiệp định FTA song phương với một số nước ASEAN
(6) Xin-ga-po ký Hiệp định BTA với Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể tạo ra cửa để hàng của Nhật Bản và Hoa Kỳ xâm nhập vào thị trường ASEAN theo thuế AFTA
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu của nước ta trong 20 năm đổi mới  (12/03/2007)
Phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh mới  (12/03/2007)
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2007  (12/03/2007)
Nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán nhà nước  (12/03/2007)
Lịch sử Chính phủ Việt Nam  (06/03/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển