Quảng Ninh: Một số vấn đề đặt ra trong bảo đảm an ninh môi trường biển trong quá trình phát triển
TCCS - Bảo đảm an ninh môi trường là nội dung quan trọng của bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển bền vững. Đứng trước thách thức không nhỏ từ các vấn đề, như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,… tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều chính sách nhằm bảo đảm an ninh môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Một số yếu tố tác động tới môi trường biển Quảng Ninh
Vấn đề an ninh môi trường lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người năm 1972. Năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dẫn giải cụ thể hơn về an ninh môi trường là sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái, ô nhiễm môi trường và những hiểm họa có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ của các cuộc xung đột và chiến tranh. Theo báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm 7 lĩnh vực là: Kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Biểu hiện của môi trường bị mất an ninh là cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô-zôn, biến đổi các chu trình sinh - địa, suy giảm đa dạng sinh học…
Như vậy, an ninh môi trường thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống và là trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng để bảo đảm điều kiện sống và phát triển của con người và các loài sinh vật trong hệ thống đó, bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế. Do đó, một số yếu tố tác động tới môi trường biển, bao gồm:
Phát triển du lịch
Tỉnh Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng tài nguyên và môi trường du lịch biển đảo đa dạng, làm điểm đến thường xuyên thu hút khách du lịch nội địa vào mùa hè, khách du lịch quốc tế đến quanh năm. Các điểm du lịch nổi tiếng gắn với tài nguyên, môi trường du lịch biển, như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các huyện đảo, thành phố có tài nguyên, môi trường du lịch biển nổi tiếng. Vịnh Hạ Long với diện tích 1.553 km2 bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học, bao gồm hệ sinh thái rừng mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. Khoảng 17 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại vịnh. Các điểm nổi tiếng góp phần thu hút khách du lịch thăm quan vịnh, như hòn Con Cóc, hòn Đỉnh Hương, hòn Gà Chọi, đảo Ti Tốp, đảo Tuần Châu. Các hang động Sửng Sốt, Bồ Nâu, Mê Cung, hang Luồn, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Trinh Nữ. Với những tài nguyên du lịch biển đảo, ngay trên vịnh Hạ Long đã có rất nhiều chương trình du lịch thu hút khách tham quan.
Sự phát triển du lịch đã tạo ra sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đi đôi với sự gia tăng về lượng khách thì chất thải từ hoạt động du lịch cũng tăng nhanh, nhất là ở các vùng trọng điểm phát triển du lịch. Khi hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí gia tăng lên một cách nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của du khách thì một số đơn vị kinh doanh chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt, bỏ qua hệ thống xử lý chất thải, coi nhẹ việc bảo vệ môi trường. Tại một số khu nghỉ dưỡng ven biển hiện nay chưa có hệ thống xử lý chất thải và nước thải chuyên nghiệp, dẫn đến việc nước thải chưa qua xử lý vẫn đang xả trực tiếp ra biển. Việc đầu tư xây dựng hàng loạt những khu nghỉ dưỡng sang trọng trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế vùng ven biển. Song điều đáng lo ngại là sự phát triển ồ ạt của các dự án đã và đang khiến quy hoạch du lịch biển bị phá vỡ, ảnh hưởng đến môi trường biển. Sự bùng nổ những khu nghỉ dưỡng ven biển còn làm gia tăng áp lực lên môi trường ven biển, tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển và làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo.
Do tốc độ phát triển du lịch quá nhanh ở một số địa phương nên hoạt động du lịch đã vượt ngoài khả năng kiểm soát, tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây khả năng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường lâu dài. Nếu không có biện pháp xử lý tốt vấn đề nước thải, rác thải sinh hoạt hằng ngày tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi; gây mất cảnh quan môi trường, lây truyền nhiều loại dịch bệnh và nảy sinh các xung đột xã hội; phát triển du lịch có thể gây ô nhiễm không khí thông qua phát xả khí thải của động cơ ô-tô, xe máy và tàu thuyền. Việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động làm xói mòn đất, biến động các nơi cư trú, đe dọa các loài động thực vật hoang dã.
Chất thải từ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch thành lập, phát triển 23 khu công nghiệp, trong đó có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thuộc 7 khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập. Trong số các nguồn thải ra biển, có thể kể đầu tiên là nguồn thải từ hoạt động dân cư ven biển. Bên cạnh đó, nước thải phát sinh từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới - sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi và kho chứa hàng. Trong đó, nước thải công nghiệp tàu biển thường chứa hàm lượng cao dầu, khoáng, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng, đe dọa nghiêm trọng chất lượng nước biển khu vực tiếp nhận nước thải.
Ngoài ra, các sự cố tràn dầu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện nuôi trồng tại các vùng cửa sông, cửa biển gây suy thoái hoặc giảm diện tích các hệ sinh thái. Việc sử dụng các hóa chất độc hại vào việc đánh bắt hải sản cũng làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm. Thêm vào đó, các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền mang ra như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, rác, các loại phế thải, nước thải chưa được xử lý…
Một số giải pháp bảo đảm an ninh môi trường
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, nhất là cho người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường. Thống nhất nhận thức, coi nhiệm vụ bảo đảm an ninh môi trường trở thành ý thức hành động tự giác trong nếp sống văn hóa của mỗi người, gắn kết chặt chẽ an ninh môi trường với các hoạt động kinh tế, xã hội.
Thứ hai, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu phát triển xanh, thân thiện với môi trường. Khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải, khí thải gây ô nhiễm.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu khoa học về an ninh môi trường và bảo đảm an ninh môi trường, xác định rõ nguy cơ đe dọa đến an ninh môi trường và các giải pháp thích ứng.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường biển toàn cầu. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường cần thay đổi tư duy từ thụ động tiếp nhận viện trợ sang chủ động tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi.
Thứ năm, xây dựng các khu bảo tồn biển được coi là phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường sinh thái biển. Tuy nhiên, cùng với việc xây dựng các khu bảo tồn cần phải thực hiện tốt công tác bảo vệ sự đa dạng sinh học và giải quyết triệt để các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển từ đất liền./.
Quảng Ninh: Tạo sinh kế bền vững gắn với xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/11/2024)
Bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ mới  (20/11/2024)
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện  (20/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên