Ngành du lịch Quảng Ninh nỗ lực phát triển thương hiệu du lịch
TCCS - Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành du lịch Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi, nỗ lực và chủ động hơn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, tìm kiếm và phát triển thị trường khách. Du lịch Quảng Ninh ngày càng sôi động, đa sắc với những gam màu mới mẻ, trẻ trung, không ngừng khẳng định thương hiệu du lịch trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Một điểm đến, đa dịch vụ
Thời gian qua, Quảng Ninh đã đăng cai tổ chức hàng loạt các sự kiện: Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17, gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF, cuộc thi Hoa hậu biển đảo Việt Nam 2022… Các sự kiện này trở thành cơ hội để quảng bá du lịch Quảng Ninh điểm đến “thân thiện, an toàn, hấp dẫn”. Ngoài các sự kiện, những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, thu hút cũng được các đơn vị tổ chức. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang tận dụng tối đa lợi thế hạ tầng sẵn có để phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách, như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, du lịch chăm sóc sức khỏe… Đặc biệt, những chương trình ưu đãi với mức giá hấp dẫn, đi kèm dịch vụ tiện ích là “điểm cộng” để thu hút du khách. Tại Khu nghỉ dưỡng suối nóng Yoko Onsen Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả), du khách được hưởng mức giá ưu đãi chỉ 1,2 triệu đồng cho các dịch vụ tắm khoáng nóng, ăn tự chọn, phòng nghỉ và các hoạt động đa dạng khác. Bên cạnh cung cấp nơi nghỉ dưỡng chất lượng cao, đơn vị có những dịch vụ chăm sóc sức khỏe được du khách yêu thích, như ngâm chân thảo dược sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa; lớp yoga, thiền; xông ướt am thảo dược, tắm mưa liên vũ, xông khô am đá muối… Với không gian thanh bình, kiến trúc mang đậm truyền thống, khí hậu trong lành, nơi đây được nhiều đơn vị trong và ngoài nước lựa chọn là địa điểm tổ chức hoạt động trải nghiệm, triển lãm, sự kiện văn hóa.
Nhiều địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thu hút du khách dịp cuối năm bằng các sản phẩm du lịch mới lạ và sự kiện văn hóa - thể thao hấp dẫn. Tại thành phố Hạ Long, du khách tiếp tục được trải nghiệm một sản phẩm du lịch mới, như Phố đêm du thuyền tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (khai trương tháng 4-2022), hoạt động từ 17 giờ đến 23 giờ hằng ngày, quy tụ gần 30 tàu đẳng cấp 4-5 sao, đưa du khách vào hải trình khám phá thành phố biển Hạ Long. Du khách còn được thưởng thức show “Đêm nhạc trên thông” - mô hình sân khấu ca nhạc nhẹ với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng trong nước. Sắp tới, nhiều sản phẩm du lịch mới cũng được đưa vào khai thác. Tập đoàn Tuần Châu đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm với nhiều công trình được đầu tư bài bản, quy mô, độc đáo, tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, từ đó góp phần hình thành “thiên đường đêm Hạ Long”.
Nhiều sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng riêng có của địa phương được chú trọng. Trong đó, huyện Bình Liêu là địa phương nổi bật với những cách làm du lịch ấn tượng, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Vào dịp cuối năm, Bình Liêu mang vẻ đẹp yên bình mùa thu vùng cao với các cung đường thơm mùi lúa chín từ những thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài; những đồi lau trắng xóa, làm nức lòng du khách. Bình Liêu còn nhiều địa điểm đẹp khác, như Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, mốc 1327 (xã Đồng Văn); Cửa khẩu Hoành Mô (xã Hoành Mô) và nhiều cột mốc biên giới khác ở cung đường phía Tây Bình Liêu. Trên cơ sở khai thác vẻ đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người, huyện Bình Liêu còn tổ chức nhiều sự kiện thu hút du khách từ nay đến cuối năm, như: Hội Mùa vàng; Giải chạy phong trào “Cung đường Mùa vàng”; Dù lượn “Bay trên Mùa vàng”; Cuộc thi “Ảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu”; Giải “Chinh phục sống lưng khủng long - mốc 1305”; Phiên chợ đêm; Tuần Văn hóa du lịch Bình Liêu năm 2022… và nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao khác.
Cùng với nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, việc mở rộng không gian du lịch cũng được ngành du lịch tỉnh cùng các địa phương tập trung thực hiện. Trên thực tế, phần lớn khách du lịch đến Quảng Ninh hiện vẫn tập trung ở trung tâm du lịch thành phố Hạ Long, chưa có sự phân bổ đồng đều. Việc thu hút du khách, xúc tiến đầu tư cho các điểm đến vệ tinh lân cận là định hướng đúng đắn, tạo động lực cho ngành du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững. Tỉnh đã chủ động phát triển 4 không gian du lịch trọng điểm: Hạ Long - Uông Bí; Đông Triều - Vân Đồn; Cô Tô - Móng Cái; Bình Liêu - Tiên Yên, gắn liền với 4 sản phẩm chính là du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái; du lịch biên giới. Thúc đẩy du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, phát huy lợi thế hạ tầng giao thông, khai thác các đặc thù, riêng có của từng địa phương, tạo thành chuỗi các điểm đến bản sắc xuyên suốt toàn tỉnh.
Bức tranh du lịch sôi động
Đẩy nhanh sự phục hồi, hút du khách quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng được ngành Du lịch tỉnh tập trung thời gian tới. Sự trở lại của tàu biển đưa khách quốc tế đến Việt Nam là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi du lịch và mở đầu cho mùa du lịch tàu biển, nhất là ở một địa phương có thế mạnh du lịch như Quảng Ninh. Đặc biệt, Vịnh Hạ Long nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, gần với Trung Quốc, nơi có cảng biển trung chuyển của nhiều hãng tàu quốc tế. Không chỉ chủ động khai thác tối đa hạ tầng cảng biển để đón khách từ các chuyến tàu biển, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối đường bay nội địa và quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (đường bay Vân Đồn - Đà Nẵng, Vân Đồn - Cần Thơ; Vân Đồn - Gangwon (Hàn Quốc); Vân Đồn - Hokkaido (Nhật Bản); xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phát triển hoạt động du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Theo đó, phát huy có hiệu quả việc khai thác các điểm du lịch dọc tuyến đường cao tốc; xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp chào bán cho khách du lịch đến các điểm du lịch trên trục đường cao tốc. Cùng với đó, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí đến khảo sát, tuyên truyền về các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch của tỉnh.
Trước những tiềm năng và cơ hội đầy hứa hẹn, Quảng Ninh đã điều chỉnh chỉ tiêu đón khách du lịch từ 10 triệu lượt lên 11,5 triệu lượt so với kế hoạch đầu năm 2022. Đây là sự điều chỉnh hoàn toàn có cơ sở khi nguồn khách vẫn còn nhiều dư địa tích cực, dù Quảng Ninh đang bước vào mùa du lịch thấp điểm. Bởi 10 tháng năm 2022, Quảng Ninh đã đón khoảng 9,5 triệu lượt khách, tăng gấp 3,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là địa phương đứng thứ 2 trong nước về thu hút khách du lịch.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tổ chức hàng loạt các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước. Khác với trước đây, dịp cuối năm ngành du lịch chủ yếu khai thác khách quốc tế, thì nay thị trường khách nội địa và quốc tế có vai trò quan trọng ngang nhau. Đối với thị trường nội địa, Sở Du lịch tổ chức chương trình làm việc, kết nối kích cầu du lịch Quảng Ninh tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt chú trọng vào các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp lữ hành lớn có uy tín, các hãng hàng không. Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương để thực hiện các giải pháp thu hút du khách đến Quảng Ninh trong năm 2022 và định hướng các năm tiếp theo. Trong đó, tập trung triển khai quảng bá du lịch Quảng Ninh tại Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race; tổ chức chương trình làm việc, xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Ninh tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản..., nhằm mục tiêu mở được các chuyến bay trực tiếp từ thị trường này đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Có thể nói, sau tác động của đại dịch COVID-19, quan điểm bền vững được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại việc chú trọng phát triển cân bằng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mà còn là ứng phó nhanh, linh hoạt với khủng hoảng. Các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch sẽ lựa chọn các giải pháp phát triển bền vững để nâng cao năng lực đối phó với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai./.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Dìu  (05/11/2022)
Chuyển đổi số y tế ở tỉnh Quảng Ninh: Lĩnh vực ưu tiên hàng đầu  (05/11/2022)
Thị xã Đông Triều với mục tiêu xây dựng thành phố hiện đại, văn minh  (04/11/2022)
Phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, làm mới sản phẩm du lịch ở Cô Tô  (04/11/2022)
Góp phần xây dựng văn minh đô thị ở tỉnh Quảng Ninh  (02/11/2022)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm