“Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” - bản chất và quy luật phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam
TCCSĐT - Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục, rèn luyện. “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” là bản chất, quy luật phát triển của quân đội ta - quân đội kiểu mới, được tổ chức, xây dựng theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và mang trong mình truyền thống, đặc điểm con người, đất nước, văn hóa Việt Nam.
1- Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc, đã được tổ tiên ta đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử, mang đậm hồn dân tộc Việt Nam. Đó là tư tưởng chiến tranh nhân dân, lo giữ nước từ lúc chưa nguy, thực hiện “ngụ binh ư nông” một cách lâu dài để “quốc phú binh cường”; xây dựng quân đội nhiều thứ quân theo cách “quân cốt tinh chứ không cốt nhiều”; đánh giặc với nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Quân đội còn cùng nhân dân sản xuất, giữ yên ấm quê hương. Khi đất nước bị xâm lăng thì “trăm họ là binh”; khi đất nước thanh bình thì một bộ phận quân đội lại trở về cùng với người dân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, tích trữ lương thực, góp phần nuôi quân và nuôi dân, vừa nâng cao đời sống vừa bảo vệ quê hương, luôn sẵn sàng trở thành người lính... Tất cả đã tạo nên nét đặc trưng độc đáo của nền quân sự dân tộc Việt Nam.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển nền tảng quân sự, truyền thống đó để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam - một quân đội của dân, do dân và vì dân, là quân đội của giai cấp công nhân nhưng cũng là đội quân dân tộc; vừa có chức năng chiến đấu lại vừa có chức năng lao động sản xuất, chức năng công tác và làm nghĩa vụ quốc tế; lấy tư tưởng, chính sách “dân làm gốc”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” của tổ tiên làm nguồn cội; lấy truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam làm một cơ sở tinh thần để xây dựng; lấy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm nguồn động lực và sức mạnh của mình, cùng toàn dân đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và chính quyền về tay nhân dân, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người chủ đất nước. “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”(1).
Trong kháng chiến hay hòa bình, mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam đều vì nhân dân. Vừa mới thành lập, cán bộ, chiến sỹ quân đội cùng với các đoàn thể cách mạng tích cực vận động nhân dân đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau đó, vừa chiến đấu chống các thế lực phản cách mạng vừa chiến đấu chống quân xâm lược, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân; thực hiện kháng chiến, kiến quốc; cùng nhân dân “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”…
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội nhanh chóng xây dựng, phát triển. Vừa chiến đấu chống thực dân Pháp và tay sai, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ quan kháng chiến vừa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng, phối hợp đánh địch... cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên thắng lợi Điện Biên Phủ lịch sử.
Khi miền Bắc hòa bình, quân đội cùng nhân dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; tham gia thực hiện cải cách ruộng đất, xây dựng đời sống mới, giúp đỡ xây dựng tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Đồng thời, tích cực đấu tranh chống các khuynh hướng tư tưởng cơ hội, xét lại, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, bảo vệ nền tảng chính trị của nhân dân và quân đội.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân đội là chiến đấu chống quân xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cán bộ chiến sỹ quân đội không quản gian khổ, hy sinh, vừa chống địch càn quét, bảo vệ cơ sở cách mạng, vừa hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy đấu tranh; dẫn dắt, xây dựng, huấn luyện dân quân du kích, tự vệ; bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình trong cả nước. Đó cũng là quá trình quân đội tiến lên chính quy, từng bước hiện đại và cùng nhân dân lao động, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân.
Khi cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các đơn vị quân đội tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh; truy quét tàn quân địch; đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn, hành động phá hoại của các thế lực thù địch chống phá Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết dân tộc, giữ cho đất nước được yên bình. Trong vai trò là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, quản lý nhà nước về quốc phòng, quân đội vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, vừa tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng, chỉ đạo hoạt động các khu vực phòng thủ, khu kinh tế - quốc phòng; kết hợp kinh tế với quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; giải quyết những vấn đề về chính sách công tác. Đồng thời, giúp đỡ nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng đời sống mới; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, tai nạn đường biển, đường không...
Quân đội ta không chỉ chiến đấu vì nhân dân, dân tộc Việt Nam mà còn chiến đấu vì nhân dân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân và tư tưởng “giúp bạn là mình tự giúp mình” của Bác Hồ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam sát cánh với nhân dân và quân đội các nước Đông Dương tạo nên một chiến trường thống nhất, hy sinh xương máu đánh kẻ thù chung, góp phần giành độc lập cho dân tộc bạn và cùng toàn Đảng, toàn dân tạo nên sức mạnh, tình đoàn kết gắn bó Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Những thắng lợi, thành công trong xây dựng, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp thêm sức mạnh, kinh nghiệm cho nhân dân và quân đội các nước đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong hòa bình, quân đội vẫn nắm chắc tình hình, làm tròn nhiệm vụ tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý đúng đắn, linh hoạt các vấn đề đối ngoại liên quan đến quân sự, quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với nhân dân, quân đội các nước bảo đảm hòa bình, tiến bộ ở Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
Có được những thành tựu to lớn trên đây là nhờ sự nỗ lực phấn đấu, hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chăm lo, giúp đỡ của nhân dân. Nhân dân là người chở che, nuôi dưỡng, xây dựng quân đội, cùng quân đội chiến đấu và chiến thắng.
Trong kháng chiến, thực hiện “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhân dân các dân tộc Việt Nam đều sát cánh cùng quân đội chiến đấu. Nhờ có nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt và tiêu hao địch, nổi dậy đấu tranh làm tan rã bộ máy kìm kẹp và các tổ chức của địch ở cơ sở, mở rộng vùng tự do... mà quân đội được chia lửa, có điều kiện vừa chiến đấu vừa xây dựng. Nhờ lực lượng và thế trận tại chỗ rộng khắp, như thiên la địa võng của nhân dân kiềm chế và phân tán địch mà quân đội có thể tập trung giáng những đòn đánh tiêu diệt lớn. Khi thời cơ chiến lược tới, cũng nhờ có nhân dân chuẩn bị chiến trường, phối hợp chiến đấu, bảo vệ và củng cố chính quyền mới, giải quyết các vấn đề đặt ra tại các địa phương mới giải phóng... mà quân đội có điều kiện tiến công thần tốc, thực hiện những trận quyết chiến chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược của dân tộc ta giành thắng lợi từng bước, tiến tới ca khúc ca khải hoàn vào mùa Xuân năm 1975. Trong ngày vui toàn thắng, xen lẫn nỗi mừng vui khôn xiết là nỗi đau khôn cùng khi biết bao người mãi mãi ra đi không trở lại; biết bao người trở thành thương binh, bệnh binh và hậu quả chiến tranh vẫn đang còn đó... Tất cả là vì độc lập cho dân tộc, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân hôm nay và mai sau!
Trong hòa bình, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, nhân dân lại ra sức lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh. Tích cực thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội, xây dựng khu vực phòng thủ. Xây dựng tiềm lực và sức mạnh quân sự, quốc phòng Việt Nam. Đáp lại tấm lòng, tình nghĩa của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ quân đội vẫn đang tiếp tục cùng nhân dân vượt qua khó khăn, trở ngại để xây dựng các miền quê ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế - xã hội, mạnh về quốc phòng - an ninh... Là con em của nhân dân, “Vì dân” đã trở thành mệnh lệnh cao nhất đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội!
Ở mọi thời kỳ, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là chỗ dựa trung thành, tin cậy của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, lấy phụng sự nhân dân làm mục tiêu lý tưởng; gắn bó máu thịt với nhân dân và tôn trọng, phát huy, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng, chiến đấu. Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn làm hết sức mình vì nhân dân nhưng “không động đến cái kim và sợi chỉ của nhân dân”, “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu”(2).
Bằng những việc làm của mình, quân đội đã làm cho nhân dân tin tưởng và gắn bó cùng Đảng làm cách mạng, chăm lo xây dựng quân đội. Nhân dân không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là nguồn gốc, động lực tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Quan hệ giữa nhân dân với quân đội là nền tảng để quân đội xây dựng về mọi mặt. “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” là bản chất, quy luật phát triển và là truyền thống của quân đội, một quân đội luôn “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(3). Rời xa bản chất, quy luật và truyền thống ấy, quân đội ta không còn là quân đội của dân, do dân và vì dân.
2- Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội theo Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Để quân đội phát huy truyền thống, giữ vững bản chất và phát triển đúng quy luật “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, cần tiếp tục xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Nhà nước và nhân dân. Trong đó, chú trọng các vấn đề:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho bộ đội. Cần làm cho mọi cán bộ, chiến sỹ quân đội nhận thức sâu sắc chỉ có độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mới đem lại hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc thật sự cho nhân dân. Mà muốn có độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, nêu cao tinh thần giác ngộ xã hội chủ nghĩa và cảnh giác cách mạng, chống mọi sự mơ hồ, ảo tưởng, phai nhạt về tư tưởng chính trị. Thường xuyên, tự giác rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và đạo đức của người quân nhân cách mạng. Ra sức học hỏi, cầu tiến bộ, thắng không kiêu, bại không nản. Thông qua quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất mà góp phần xây dựng, bồi dưỡng sức dân, vun trồng “nền” nhân dân để tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Thứ hai, tiếp tục bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội, bảo đảm cho quân đội thật sự là của dân, do dân và vì dân. Cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chú trọng xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh kết hợp với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt hơn cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tự phê bình và phê bình. Chăm lo xây dựng, rèn luyện đảng viên đi đôi với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cấp ủy viên với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; xây dựng tổ chức và con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội và sự nghiệp quốc phòng; đưa nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội thấm sâu trong toàn xã hội.
Thứ ba, phát huy vai trò của Nhà nước và nhân dân trong xây dựng quân đội. Trên cơ sở đường lối, chủ trương, chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, quân đội cần tiếp tục tham mưu cho Nhà nước các biện pháp, hình thức tổ chức để nhân dân tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quần chúng các cấp và các tổ chức xã hội đẩy mạnh giáo dục quốc phòng cho nhân dân. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân để đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, biện pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng, quân đội. Làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước trong tuân thủ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về vấn đề này.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác dân vận. Cần khẳng định đây là chức năng, nhiệm vụ chính trị vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách của các cấp, các ngành, của mọi cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đây cũng là một mũi tiến công có hiệu quả trong phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; là phương cách để tiếp tục giữ vững và tăng cường sự đoàn kết máu thịt giữa quân đội với nhân dân. Thông qua hoạt động của các tổ, đội công tác, tăng cường cán bộ cho cơ sở, kết nghĩa, hành quân dã ngoại, liên doanh liên kết và hợp tác, phối hợp hoạt động giữa quân đội với các bộ, ban, ngành, địa phương... để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; giúp đỡ đơn vị quân đội trên địa bàn; thực hiện đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện trên cơ sở vững mạnh về chính trị; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Tham gia có hiệu quả vào các phong trào, các cuộc vận động cách mạng, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương... góp phần ổn định, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng trọng điểm. Giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; giữ nghiêm kỷ luật quan hệ quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí.
Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ mãi là Quân đội “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân và cả dân tộc đã ghi nhận, tôn vinh./.
------------------------------------------
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 11, tr. 349
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 722
(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 11, tr. 350
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” - Cựu chiến binh Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới của Đảng, dân tộc và đất nước  (20/01/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên