Tám mươi ngày đấu tranh, tiếp quản Thủ đô Hà Nội
TCCSĐT - Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, một số khu vực ở miền Bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội, với thời gian là 80 ngày. Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Thắng lợi vĩ đại trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận cử đại diện tới Giơ-ne-vơ tham dự hội nghị quốc tế giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Sau 75 ngày đàm phán, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc (21-7-1954) với việc ký kết các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và thông qua Bản tuyên bố cuối cùng về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo đó, hòa bình sẽ được lập lại ở Đông Dương; nước Pháp thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; sau một thời gian nhất định, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia sẽ thống nhất bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc; các nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương; quân đội Pháp sẽ rút khỏi Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Đạt được kết quả đó là thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam, là một thất bại lớn của giới cầm quyền hiếu chiến Pháp, đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng.
Theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, nước ta tạm thời chia làm hai miền Nam, Bắc, phân chia bởi vĩ tuyến 17, để hai bên tập kết lực lượng quân sự. Lực lượng vũ trang ta từ miền Nam ra miền Bắc; quân đội Liên hiệp Pháp từ miền Bắc rút vào tạm đóng ở miền Nam rồi sẽ rút về Pháp, được thực hiện ở từng khu vực, theo những khoảng thời gian được thỏa thuận. Ở miền Bắc, một số khu vực trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội, với thời gian là 80 ngày. Như vậy, sau ngày các văn bản Hội nghị Giơ-ne-vơ được ký kết, thỏa thuận, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Đấu tranh với địch, tiến tới tiếp quản thành phố Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nhưng lại là nơi địch tạm chiếm lâu ngày là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Khó khăn nổi lên là cơ sở cách mạng ở một số nơi, nhất là ở trong các nhà máy điện, nước, hỏa xa, quân giới, quân nhu,… còn mỏng và yếu; chính quyền cơ sở chưa được thiết lập; đoàn thể quần chúng phát triển không đều; lực lượng vũ trang, tự vệ vừa mỏng, vừa yếu (Đại đội chủ lực cơ động chỉ còn 30 người). Một khó khăn nữa là bọn hiếu chiến Pháp vẫn ngấm ngầm chống phá cách mạng Việt Nam, tìm cách di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu, trang thiết bị, thuốc men, tài liệu quý ra khỏi thành phố. Với ngành điện, nước, chúng hạn chế cung cấp than, hòng làm sinh hoạt của nhân dân trong thành phố gặp khó khăn, sản xuất đình đốn, tê liệt. Cùng với đó, địch không ngừng tăng cường tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với công chức, trí thức, học sinh, sinh viên, tư sản, tiểu thương. Luận điệu của chúng là “Việt Minh sẽ đưa công chức đi tẩy não, bắt ngụy binh đi cải tạo; buộc những phụ nữ đã nhuộm móng tay, tóc phi - dê đi quét đường; học sinh, sinh viên không được đi học; tư sản, tiểu thương không được buôn bán,…”. Lợi dụng Điều 14d của Hiệp định Giơ-ne-vơ về quyền tự do lựa chọn nơi cư trú, bọn phản động tay sai, cùng những kẻ đội lốt tôn giáo, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào, binh lính, công chức, nhân viên kỹ thuật di cư vào Nam. Chúng còn tổ chức các “đội hành động bí mật”, sử dụng bọn côn đồ tay sai phá phách, cướp bóc, tống tiền làm rối loạn trật tự, trị an. Nguy hại hơn, chúng huy động lực lượng quân đội, cảnh binh uy hiếp, đàn áp các cuộc đấu tranh của công nhân.
Tuy nhiên, thuận lợi cơ bản nhất của ta là nhân dân thành phố giàu lòng yêu nước, luôn hướng về kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể đã giữ vững được cơ sở quần chúng. Tuyệt đại đa số nhân dân Hà Nội khát khao được giải phóng, thiết tha với độc lập, tự do. Tinh thần dân tộc được khơi dậy trong lòng mỗi người dân Thủ đô, lôi cuốn họ tham gia các hoạt động yêu nước.
Trong bối cảnh, tình hình đó, vào đầu tháng 8-1954, tại một địa điểm trên đất Phú Xuyên, huyện Thường Tín (thuộc tỉnh Hà Đông cũ), Thành ủy Hà Nội họp bàn, quyết định những chủ trương công tác lớn về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, quan trọng là công tác tư tưởng đối với quân và dân Hà Nội về tình hình và nhiệm vụ mới; kiện toàn hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, tăng cường cán bộ cơ sở; mở rộng mặt trận đoàn kết; phối hợp các mặt đấu tranh chống địch phá hoại tài sản, máy móc, chống địch cưỡng ép di cư; đẩy mạnh công tác binh địch vận, xây dựng kế hoạch tiếp quản; xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ để cùng với công an giữ gìn an ninh, trật tự địa phương, bảo vệ sản xuất và tính mạng, tài sản của nhân dân, phối hợp với bộ đội chủ lực vào tiếp quản,…
Thực hiện chủ trương của Thành ủy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội triển khai nhiều công tác, trọng tâm là chấn chỉnh tổ chức và tăng cường cán bộ cơ sở. Ban Cán sự nội thành do đồng chí Trần Sâm làm Bí thư đã nhanh chóng phân công cán bộ vào các nhà máy, xí nghiệp, công sở, các cửa ô, khu vực lao động,..., dựa vào số quần chúng trung kiên làm nòng cốt để xây dựng cơ sở chính trị, truyên truyền, giáo dục quần chúng, xây dựng lực lượng tự vệ, vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh với địch.
Sau một thời gian, ta đã phát triển được lực lượng tự vệ khá đông đảo và có tổ chức ở nhiều nơi trong thành phố. Đến cuối tháng 9-1954, ở nội thành đã có 20 đơn vị tự vệ với 934 đội viên tại 5 nhà máy, xí nghiệp, 3 công sở, 2 nhà ga, bến cảng, 2 bệnh viện và 8 khu, xóm lao động.
Thành ủy chủ trương xây dựng nhanh và mạnh phong trào ở ngoại thành, lấy ngoại thành làm bàn đạp để tiếp quản nội thành. Ban Cán sự ngoại thành được thành lập trên cơ sở hợp nhất các ban cán sự phía Bắc và phía Nam. Dưới Ban Cán sự ngoại thành, các Ban Cán sự 5 quận ngoại thành (Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi, Văn Điển) cũng được xây dựng, củng cố. Ban Cán sự ngoại thành khẩn trương đưa số cán bộ trước đây bị bật khỏi địa bàn trở về hoạt động. Đến đầu tháng 10-1954, ở ngoại thành, hội tề hầu như đã bị vô hiệu hóa. Ban ủy nhiệm thôn được thành lập để điều hành công việc. Lực lượng tự vệ được thành lập ở 110 trên tổng số 136 thôn ở ngoại thành, với 1.976 đội viên. Tự vệ thành phố được khôi phục và phát triển là kết quả của quá trình xây dựng cơ sở chính trị vững chắc trong quần chúng từ nhiều năm trước, là cơ sở vững chắc để tiến tới thực hiện tiếp quản Thủ đô.
Tiếp quản Thủ đô không chỉ là mối quan tâm của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội, mà hơn hết là của Trung ương Đảng, Chính phủ cùng nhân dân cả nước. Trung ương Đảng đã trực tiếp lãnh đạo công tác này. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu được Bộ Chính trị cử trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Thành phố Hà Nội. Ngày 06-9-1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô(1), đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Tiếp đó, ngày 17-9-1954, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
Đến giữa tháng 9-1954, qua tăng cường và bồi dưỡng, ta đã có một đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm thực hiện việc điều hành bộ máy chính quyền, đoàn thể, các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội,… khi địch chuyển giao.
Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 cùng nhiều đơn vị công an được giao nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô. Tháng 8-1954, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương thành lập Đại đoàn 350 và đưa Đại đoàn này về Thủ đô làm nhiệm vụ.
Tiếp quản Thủ đô còn là cuộc đấu tranh phức tạp trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, công tác giáo dục tư tưởng đã được quan tâm, chú trọng về nhiều phương diện. Các phương tiện thông tin, tuyên truyền được sử dụng tối đa để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhiệm vụ của quân và dân Thủ đô, đồng thời vạch trần các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của địch.
Trong nhiều mặt công tác chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô, Đảng ủy tiếp quản Thủ đô chú trọng vấn đề bảo đảm những nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất, sinh hoạt của người dân thành phố.
Thành ủy Hà Nội chủ trương lãnh đạo quần chúng, nhất là công nhân, đấu tranh chống âm mưu phá hoại của địch. Theo đó, một phong trào đấu tranh của công nhân được dấy lên mạnh mẽ. Đáng kể là tự vệ, công nhân Hãng Stai đấu tranh không cho chủ Pháp tháo dỡ máy móc mang vào Nam, đòi giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm đời sống của công nhân. Công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ đòi bảo đảm than dự trữ cho nhà máy hoạt động bình thường. Công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ đấu tranh ngăn chặn chủ nhà máy tháo dỡ máy móc, thiết bị. Công nhân Nhà máy Nước tìm cách giấu những kiện hòm thiết bị quan trọng mà địch định di chuyển khỏi nhà máy, đồng thời nêu cao cảnh giác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời âm mưu đặt mìn phá các trạm, chòi cấp nước trong thành phố. Nhân viên Bưu điện Hà Nội mang cơm, nước, rải chiếu, thay nhau túc trực, ngăn không để địch tháo gỡ thiết bị, chuyển đi.
Ở các khu phố, tự vệ vận động các giới chức, tầng lớp nhân dân ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân bằng cách viết báo, ký kiến nghị, cử đại biểu đến gặp Ủy ban quốc tế tố cáo Pháp và bù nhìn vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Cuộc đấu tranh của tự vệ, công nhân các nhà máy diễn ra sôi nổi, rộng khắp, bằng nhiều hình thức phong phú, trong khuôn khổ trật tự, bình tĩnh, với thái độ kiên quyết, đúng mức, có lý lẽ nên đã ngăn chặn có hiệu quả sự phá hoại của địch.
Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào đấu tranh của các ngành, các giới, các tầng lớp nhân dân trong thành phố cũng phát triển liên tục, mạnh mẽ. Tại các nhà thương (bệnh viện), Sở Y tế Bắc Việt, các trường học, công sở,…, các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, y tá, giáo viên, các nhà chuyên môn,… đã cất giấu hoặc chuyển ra vùng an toàn thuốc men, dụng cụ chữa bệnh, hồ sơ, tài liệu khoa học.
Ở ngoại thành Hà Nội, tiêu biểu là Mễ Trì, Nhật Tân, Quảng An, nhân dân đấu tranh chống địch cướp phá tài sản, vây bắt thanh niên,... Dân quân, tự vệ tổ chức canh gác bảo vệ trật tự, trị an, đề phòng bọn phản động, gián điệp lợi dụng cơ hội gây rối. Ngoài ra, lực lượng tự vệ còn tiến hành thuyết phục hội tề, bảo an và giám sát bọn cường hào, đảng phái phản động, yêu cầu chúng kê khai giấy tờ, sổ sách để chuẩn bị bàn giao cho chính quyền cách mạng. Từ cuối tháng 9-1954, ở ngoại thành Hà Nội, địch đã rút quân khỏi một số đồn bốt, như Đông Trì, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn,… Cũng từ cuối tháng 9-1954, trên thực tế ta đã làm chủ vùng ngoại thành Hà Nội.
Hà Nội là vùng tập kết chuyển quân Pháp trong vòng 80 ngày, bởi vậy, nơi đây trở thành chỗ tập trung nhiều sắc lính của quân đội Liên hiệp Pháp. Binh lính địch còn đông, nhưng đa số tinh thần hoang mang, rệu rã. Nắm bắt được tình hình đó, Thành ủy Hà Nội chủ trương đẩy mạnh công tác địch vận, tiếp tục tiến công địch bằng đòn chính trị, tư tưởng, đặc biệt là đã mở “chiến dịch địch vận”, nhằm động viên đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. “Ban địch vận thống nhất” được thành lập, gồm các tiểu ban Ngụy vận, Cảnh binh vận, Âu - Phi vận, nhằm đôn đốc, hỗ trợ các cấp, ngành triển khai, thực hiện công tác địch vận. Truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích được phát tán khắp chốn, khắp nơi, tại các đồn bốt, nơi trú quân, đến tận tay binh lính và gia đình họ. Nội dung truyền đơn kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền không thi hành mệnh lệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, ở lại quê hương chung sức cùng nhân dân đấu tranh thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ. Bên cạnh đó, còn tổ chức hướng dẫn binh lính địch chuyển vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh cho ta; tổ chức đưa đón, tạo điều kiện thuận lợi để binh lính trốn khỏi vị trí về quê, hoặc ra vùng tự do. Tính chung lại trong 80 ngày (từ ngày 21-7 đến ngày 10-10-1954), có hơn 1 vạn binh lính địch chạy trốn khỏi hàng ngũ về với nhân dân.
Trong việc chuyển giao Hà Nội, theo thỏa thuận giữa hai bên, phía Pháp phải chịu trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho các công trình phục vụ công cộng như điện, nước, xe điện,… tiếp tục hoạt động bình thường sau khi Pháp rút đi. Nhưng trong quá trình thực hiện, phía Pháp không nghiêm chỉnh, tìm cách phá hoại, cản trở. Do ta có được những bằng chứng cụ thể và đấu tranh kiên quyết nên chúng phải thực hiện đúng những điều đã cam kết, nhằm bảo đảm sinh hoạt bình thường của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp quản.
Về thời gian và khu vực tiếp quản, ta cũng phải tiến hành đấu tranh. Đến ngày 30-9-1954, hai bên mới thống nhất được việc chuyển giao về quân sự và trật tự. Nội thành Hà Nội được chia thành 2 phân khu, mỗi phân khu chia thành 6 khoảnh và quy định giờ quân đội Pháp rút đi và ta tiếp quản các khoảnh đó. Với thỏa thuận trên, ta phái một đội công an và một đội cảnh vệ vào trước để chuẩn bị tiếp nhận các cơ quan quân sự và cảnh sát.
Ngày 02-10-1954, hai bên thỏa thuận chuyển giao Hà Nội về hành chính. Đồng chí Trần Danh Tuyên, Trưởng đoàn cán bộ hành chính của Chính phủ ta vào Hà Nội gặp đại diện Bộ Chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp để ký biên bản bàn giao toàn bộ. Liên tiếp trong 3 ngày, từ ngày 02 đến 04-10-1954, đội hành chính của ta, gồm 422 cán bộ, nhân viên, chia làm nhiều tổ, vào trước để chuẩn bị tiếp nhận các công sở và công trình lợi ích công cộng. Ngày 05-10-1954, đội trật tự gồm 158 cán bộ, chiến sĩ công an có vũ trang vào nội thành để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, đồn cảnh sát. Tiếp đó, 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca (Tiểu đoàn 18), thuộc Trung đoàn Thủ đô cũng được lệnh vào trước để tiếp nhận các công sở, xí nghiệp, doanh trại và cùng canh gác với binh lính Pháp ở 35 vị trí. Trong quá trình chuyển giao này, phía Pháp cố tình gây khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của các lực lượng quần chúng và trước tình thế không thể đảo ngược được nên đến ngày 07-10-1954, ở hầu khắp các nơi, hai bên đã chuẩn bị xong mọi thủ tục để bàn giao.
Từ ngày 06-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi quận lỵ Văn Điển, ta tiếp quản và giải phóng quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành. Cùng ngày, địch rút khỏi thị xã Hà Đông. Phía Bắc, địch rút đến cách tả ngạn sông Đuống 4 km.
Theo kế hoạch tiếp quản Hà Nội của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, từ ngày 07-10-1954, trên các hướng, các đơn vị bộ đội vào tiếp quản Thủ đô đã tiến dần về sát thành phố.
Trong khi cả Hà Nội đang bừng bừng khí thế chiến thắng, rạo rực niềm vui, nhộn nhịp, khẩn trương cho ngày hội giải phóng, thì vào lúc 18 giờ ngày 08-10-1954, tại Cột cờ Hà Nội, quân Pháp làm lễ hạ cờ, đánh dấu kết thúc sự hiện diện của Pháp ở Hà Nội. Cuối ngày 08-10-1954, các đơn vị bộ đội được giao nhiệm vụ tiếp quản nội thành đã tiến vào vị trí tập kết. Các đội tự vệ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng làm nhiệm vụ dẫn đường cho từng cánh quân trên các hướng. Ủy ban quân chính Hà Nội cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 chuyển dịch về đường Hà Nội - Hà Đông. Cơ quan Đảng ủy tiếp quản chuyển về thị xã Hà Đông.
Ngày 09-10-1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản Nhật lệnh nêu rõ: “Nhiệm vụ tiếp quản rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Do đó phải đoàn kết giữa các lực lượng để giữ trật tự, an ninh Thủ đô. Phải nêu cao kỷ luật, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”(2).
Ủy ban quân chính thành phố ra thông cáo gửi đồng bào, chiến sĩ Thủ đô, nêu rõ: “Anh chị em công nhân hãy ra sức giữ gìn công xưởng, giữ vững và nâng cao mức sản xuất. Các viên chức đã làm cho chính quyền Pháp và Bảo Đại hãy đến công sở tiếp tục làm việc. Học sinh, sinh viên hãy đến trường để tiếp tục học tập. Anh chị em trí thức hãy đem hết tài năng góp phần xây dựng nước nhà. Anh chị em tiểu thương, tiểu chủ hãy yên ổn làm ăn, phát triển kinh doanh buôn bán. Các nhà công thương nghiệp hãy ra sức phục hồi sản xuất, mở mang công thương nghiệp.
Các sĩ quan, binh lính của chính quyền Pháp và Bảo Đại hãy ra ghi tên. Nông dân ngoại thành hãy hăng hái cấy cày, trồng trọt, chăn nuôi. Tính mạng, tài sản của tất cả ngoại kiều đều được bảo hộ”(3).
Đúng 16 giờ ngày 09-10-1954, tốp lính cuối cùng ở bốt gác cầu Long Biên đã rút hết sang Gia Lâm. Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô tiến lên đầu cầu Long Biên giữa tiếng reo hò, hoan hô của nhân dân các phố Hàng Đậu, Trần Nhật Duật. Như vậy, trong ngày 09-10-1954, lực lượng vũ trang ta đã tiếp quản các vị trí quan trọng trong thành phố. Tên lính Pháp cuối cùng đã rời khỏi Thủ đô.
Ngày 10-10-1954 là ngày chính thức tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Các đơn vị bộ đội tiến quân vào nội thành tiếp quản các vị trí. Hàng vạn người dân Thủ đô đổ ra các đường phố nhiệt liệt đón chào đoàn quân giải phóng Thủ đô. Cả Hà Nội dồn về khu vực Cột cờ Hà Nội, tập trung ở sân vận động. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột cờ. Đúng 15 giờ ngày 10-10-1954, buổi lễ bắt đầu, đoàn quân nhạc cử Quốc ca; còi Nhà hát thành phố rú một hồi dài. Đồng chí Vương Thừa Vũ, nhân danh Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể.
… Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta”(4).
Như vậy, đến ngày 10-10-1954, sau gần 9 năm kể từ ngày Hà Nội cùng các thành phố Bắc vĩ tuyến 16 chủ động tiến công địch, mở đầu Toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946), Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được giải phóng. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại không chỉ của Đảng bộ, quân và dân Thủ đô, mà là của cả nước, của toàn dân tộc./.
------------------------------------------
(1) Đảng ủy tiếp quản Thủ đô Hà Nội gồm 11 đồng chí: Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Lê Trung Toản, Lê Quốc Thân, Vương Thừa Vũ, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Trần Sâm, Minh Việt, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa
(2) Dẫn theo: Quân khu Thủ đô: Thủ đô Hà Nội - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb. Hà Nội, 1986, tr. 371
(3) Báo Nhân dân, số ra ngày 09-10-1954
(4) Dẫn theo: Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 1121
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ở Thủ đô Hà Nội  (10/10/2014)
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ở Thủ đô Hà Nội  (10/10/2014)
Biểu dương 98 nữ chức sắc, chức việc, nữ tu tôn giáo tiêu biểu  (10/10/2014)
Hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng ven biển  (10/10/2014)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội  (09/10/2014)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm