Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ở Thủ đô Hà Nội
Phong trào xây dựng Gia đình văn hoá ở Hà Nội được gắn với tiêu chí Người Hà Nội văn minh - thanh lịch. Ngoài 4 tiêu chuẩn cụ thể của gia đình văn hoá còn có tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng Người Hà Nội văn minh - thanh lịch - hiện đại, được kết hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện phong trào. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trong tổng số hộ dân của thành phố khá cao, từ 85 - 87%.
Việc phát động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hoá được tiến hành với hai hình thức: đăng ký tại tổ dân phố và tại gia đình, đã thực sự đi vào chiều sâu và có giá trị giáo dục cao, đặc biệt là việc đăng ký tại gia đình. Chẳng hạn, trong những năm gần đây, các phường Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi, Thanh Lương, Trương Định (của quận Hai Bà Trưng) đã có nhiều sáng tạo trong việc vận động đăng ký xây dựng Gia đình văn hoá trong nhân dân. Làm tốt việc tổ chức cho nhân dân đăng ký đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ dân phố vận động nhân dân thực hiện xây dựng Gia đình văn hoá.
Tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), khu tập thể nhà E1 của Công ty thuốc lá Thăng Long triển khai phong trào xây dựng Gia đình văn hoá - Khu tập thể văn minh bằng phương pháp rất đồng bộ như: các Bí thư Chi bộ, cụm trưởng, đại diện ban công tác Mặt trận, các tổ trưởng dân phố, các chi hội trưởng phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… từ chỗ quán triệt sâu sắc tinh thần của phong trào, đã chia thành nhiều nhóm tới từng hộ gia đình, tìm hiểu, vận động, phát phiếu đăng ký cho từng hộ, hướng dẫn các gia đình tự chấm điểm thi đua theo các mục như quy định tiêu chuẩn của Ban chỉ đạo. Đồng thời, các tổ dân phố họp các gia đình để các hộ thảo luận, bàn bạc đưa ra phương hướng, biện pháp thực hiện có hiệu quả. Nhờ cách làm dân chủ, công khai này mà các hộ gia đình đều có ý thức phấn đấu, khi có khuyết điểm từng thành viên trong gia đình sẽ giúp nhau sửa chữa để “trong ấm ngoài êm”.
Ở các xã Cổ Nhuế, Đông Ngạc, Thượng Cát, huyện Từ Liêm (cũ), số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá lên đến 95%. Một điểm chung của phong trào xây dựng Gia đình văn hoá tại các xã này là ngoài những tiêu chuẩn mà Ban chỉ đạo quy định, các gia đình còn phải thực hiện và đạt được các quy ước của làng. Đây là một việc làm vừa kế thừa có chọn lọc truyền thống (dựa trên những điều khoản của hương ước cổ để lại), vừa xây dựng theo những tiêu chuẩn mới hiện nay (do Ban chỉ đạo đưa ra). Chẳng hạn ở thôn Viên thuộc xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm cũ) phong trào xây dựng Gia đình văn hoá luôn được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, việc tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, không sinh con thứ ba là một tiêu chuẩn quan trọng để bình xét khi đánh giá các gia đình đăng ký tham gia xây dựng Gia đình văn hoá. Thôn Viên đã tổ chức toạ đàm về nội dung “Nam nông dân với dân số - kế hoạch hoá gia đình”; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ Gia đình chăm sóc con cái mỗi quý một lần. Thôn Viên đã thực hiện liên tục phong trào xây dựng Gia đình văn hoá bằng cách tổng kết phong trào năm trước kết hợp với phát động phong trào đăng ký gia đình văn hoá cho năm sau.
Song song với việc tuyên truyền và triển khai phong trào xây dựng Gia đình văn hoá theo các tiêu chuẩn cụ thể, việc thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ văn hoá gia đình ở các địa bàn được thành phố Hà Nội chú trọng. Câu lạc bộ văn hoá gia đình đã đóng góp tích cực vào sự chuyển biến về nhận thức của nhân dân, nâng cao chất lượng của cuộc vận động. Điển hình như Câu lạc bộ văn hoá gia đình ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) sinh hoạt 1 quý 1 lần với những nội dung phong phú, đa dạng như: tìm hiểu về gia đình Việt Nam xưa và nay, quan hệ đôi lứa, những mâu thuẫn nảy sinh ở từng giai đoạn hôn nhân, vấn đề kế hoạch hoá gia đình, quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ bố mẹ chồng - nàng dâu, gia đình với công tác phòng chống ma tuý HIV/AIDS, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang,...
Hà Nội đã gắn phong trào xây dựng Gia đình văn hoá với phong trào “Các hộ gia đình thi đua thực hiện an toàn giao thông và nếp sống văn minh đô thị” bằng hình thức phát Phiếu thi đua, trong đó có in các nội dung thi đua ngắn gọn và có số sê-ri để tham gia quay số trúng thưởng sau khi kết thúc phong trào. Đây là một hình thức tuyên truyền sinh động, cụ thể để mỗi nhà, mỗi người dân hiểu biết và thực hiện những yêu cầu về chấp hành Luật Giao thông, về xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Các ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang đều chú trọng công tác xây dựng Gia đình văn hoá có chú ý đến tính đặc thù của từng đơn vị, từng địa ban dân cư. Ví dụ, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã tổ chức những cuộc toạ đàm “Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; Xây dựng các mô hình câu lạc bộ điểm “Gia đình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội"; “Phụ nữ phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội từ gia đình”; Hội thi tìm hiểu và xây dựng Gia đình văn minh hạnh phúc;...
Hội Nông dân thành phố đã vận động các hội viên thực hiện theo 5 tiêu chuẩn người nông dân Hà Nội văn minh thanh lịch hiện đại, phấn đấu xây dựng Gia đình văn hoá. Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi với phương châm “sống khoẻ, sống vui, sống có ích” thực sự là nòng cốt trong phong trào.
Một số quận, huyện đã có những hình thức vận động, triển khai thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hoá ở địa bàn rất sáng tạo, vừa thực hiện theo định hướng của Ban chỉ đạo, vừa kết hợp với đặc điểm riêng của địa phương. Điển hình như quận Long Biên đã vận động người dân tự giác đăng ký xây dựng Gia đình văn hoá và tự giác bình xét, sau đó sẽ được bình xét ở ngay xóm, ngõ mình ở theo hình thức liên gia, và cuối cùng tổ dân phố mới bình bầu. Cách làm này đã tạo nên sự thi đua thực sự giữa các gia đình với nhau, làm cho việc xây dựng gia đình văn hoá trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi người, mỗi nhà.
Việc tôn vinh các gia đình văn hoá mẫu mực đã được quận Long Biên thực hiện bằng một hình thức rất thiết thực. Theo đó, Phòng Văn hoá - Thông tin (thay mặt Ban chỉ đạo cuộc vận động) tặng “Sổ vàng tôn vinh các gia đình văn hoá” tại các ngôi đình của các làng để ghi danh các gia đình văn hoá mẫu mực của từng làng, xã, phường. Đồng thời, hệ thống truyền thanh của địa phương cũng biểu dương các gia đình văn hoá mẫu mực, để động viên khuyến khích các gia đinh phấn đấu đạt được danh hiệu vinh dự đó. Đây là một cách làm rất có ý nghĩa, đã động viên, khuyến khích được mọi người, mọi nhà phấn đấu một cách thực chất, đồng thời cũng tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi ở địa phương.
Ở quận Thanh Xuân, phong trào xây dựng Gia đình văn hoá được tiến hành bằng các biện pháp vận động phong phú, thiết thực và hiệu quả, đồng thời việc bình xét cũng có sự đổi mới, tính cộng đồng, dân chủ được phát huy rất cao. Quận đã có những hoạt động hỗ trợ phong trào xây dựng gia đình văn hoá với nhiều nội dung phong phú và hiệu quả như phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của Mặt trận Tổ quốc,… Hội Liên hiệp Phụ nữ xây dựng và duy trì có hiệu quả 5 mô hình ở 16 Câu lạc bộ tại chi hội cơ sở về: ‘Câu lạc bộ gia đình phòng chống AIDS, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ mẹ chồng - mẹ vợ”, “Câu lạc bộ sống khoẻ”, “Câu lạc bộ các bà mẹ trẻ” thu hút 1.053 bậc cha mẹ tham gia.
“Quy ước cưới trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm” là một trong những tiêu chuẩn để bình xét gia đình văn hoá. Đây là một điểm nổi bật nữa của phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở Thủ đô. Ở ngoại thành, quy ước này đã được đông đảo nhân dân tiếp nhận và thực hiện, bằng các hình thức tổ chức cưới đơn giản với ý thức tiết kiệm, phù hợp với khả năng gia đình và điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, nhưng vẫn thắm đượm tình nghĩa; kiểu tổ chức rườm rà tốn kém trước đây đã giảm mạnh. Quận Long Biên đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức cưới với tiệc trà là chính, còn tiệc mặn chỉ thực hiện ở diện rất hẹp, (gồm họ hàng thân tộc, bạn bè thật thân thiết). Quận Long Biên còn đưa ra một mô hình cưới tiết kiệm bằng cách vận động gia đình hai bên cùng cô dâu chú rể ủng hộ vào quỹ khuyến học của địa phương tuỳ theo lòng hảo tâm. Việc này đã có tác động rất lớn đến nhận thức, tình cảm, ứng xử của mọi người dân trên địa bàn, vì vậy chủ trương này đã được người dân đồng tình ủng hộ. Phòng Văn hóa - Thông tin đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền vận động để tăng cường các loại hình sinh hoạt văn hoá lành mạnh giúp vui trong các đám cưới, đồng thời phối hợp với các đoàn thể để định hình và duy trì một số hình thức cưới mẫu được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hoá đã làm thay đổi đáng kể đời sống văn hoá ở Thủ đô; đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, sống có đạo lý giúp nhau cùng tiến bộ, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng con người Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại; góp phần xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ở Hà Nội thời gian qua cũng còn một số hạn chế:
- Tại một số nơi, việc vận động đăng ký và bình xét công nhận gia đình văn hoá còn mang tính hình thức và chưa đảm bảo đúng quy trình; không có sự đổi mới, do vậy kết quả công nhận gia đình văn hoá còn cao về số lượng và thấp về chất lượng. Chính vì thế, danh hiệu Gia đình văn hoá chưa phát huy được tác dụng thiết thực trong các cộng đồng dân cư, chưa có ý nghĩa giáo dục đối với nhiều người, nhất là với thế hệ trẻ.
- Việc triển khai phong trào mới được chú ý ở mặt diện mà chưa chú ý đến mặt điểm; các tiêu chí, hình thức khen - chê trong bình xét chưa được công bố rõ ràng, rộng rãi để mọi người dân được biết. Quy trình bình bầu, công nhận gia đình văn hoá còn nhiều bất cập: mới chỉ gia đình tự bình xét, tổ dân phố bình xét, công nhận, còn đến cấp phường, quận thì chưa được thực hiện, vì vậy không có sự động viên, khuyến khích kịp thời để các gia đình phấn đấu thực hiện. Việc chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, sau đó nhân rộng ra chưa được chú ý thỏa đáng.
- Một số phong trào văn hoá chưa thực sự được người dân tự giác, kiên trì thực hiện; việc giữ gìn vệ sinh môi trường hàng tuần ở khu dân cư chưa đi vào nề nếp, nếp sống văn minh đô thị chưa trở thành một thói quen: hiện tượng vứt rác, phế thải tuỳ tiện vẫn còn, hiện tượng nói tục, chửi bậy vẫn tồn tại ở một bộ phận nhân dân; lòng đường, hè phố vẫn chưa được người dân tự giác giải phóng,...
Để khắc phục những hạn chế trên, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, chính quyền trong việc triển khai phong trào xây dựng Gia đình văn hóa và các phong trào khác một cách đồng bộ, thiết thực. Các cấp uỷ đảng, chính quyền nên tiếp tục đi sâu, nắm vững nội dung và biện pháp thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung, để công tác chỉ đạo thực hiện đạt được sự thống nhất và đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố./.
Biểu dương 98 nữ chức sắc, chức việc, nữ tu tôn giáo tiêu biểu  (10/10/2014)
Hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng ven biển  (10/10/2014)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội  (09/10/2014)
Thông báo kết quả kỳ họp 25 và 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương  (09/10/2014)
Đạt hầu hết chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra cho 2014  (09/10/2014)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm