Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới

Nguyễn Bình Dương - TS Trương Đức Thuận
Tạp chí Cộng sản
06:24, ngày 03-10-2024

TCCS - Vùng Đông Nam Bộ(1) là thị trường rất tiềm năng và hấp dẫn, nhưng nhiều năm qua, hoạt động dịch vụ logistics nơi đây phải đối diện không ít khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, việc xây dựng chính sách phù hợp, tạo động lực để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm với tiềm năng, bảo đảm sức cạnh tranh cao trong bối cảnh mới là việc làm cấp thiết.

Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - cảng cửa ngõ kết nối giao thương hàng hóa đường thủy của các tỉnh Nam Bộ và là cảng trung chuyển quốc tế công suất lớn_Ảnh: Tư liệu

Vai trò của dịch vụ logistics đối với sự phát triển kinh tế nước ta

Quá trình chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam không chỉ tham gia tích cực các hiệp định thương mại tự do (FTA), mà luôn xem trọng việc phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Điều 233, Luật Thương mại năm 2019: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Như vậy, dịch vụ logistics là toàn bộ quá trình hoạch định, điều phối hàng hóa, vật tư từ địa điểm này đến địa điểm khác hoặc từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ theo đúng thời gian đã xác định. Do đó, ngành sản xuất sẽ phát triển thuận lợi khi hoạt động dịch vụ logistics diễn ra một cách đồng bộ, thông suốt và ngược lại, nó sẽ trở thành rào cản các hoạt động thương mại; khi giao thương, vận chuyển hàng hóa trở nên phổ biến trong chuỗi cung ứng thì dịch vụ logistics cũng đa dạng hơn. Nếu xét ở góc độ vĩ mô, hệ thống logistics được cấu thành bởi các yếu tố (hệ thống khung pháp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng logistics, các tác nhân tham gia vận hành và khai thác hệ thống logistics) và chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nhìn một cách tổng thể, dịch vụ logistics có những vai trò cơ bản như: Một là, dịch vụ logistics không chỉ là một hoạt động đơn lẻ, mà là một chuỗi liên kết các hoạt động bao gồm cả quá trình lưu trữ hàng hóa, sản xuất sản phẩm và phân phối chúng đến tay người tiêu dùng; vì thế, nền kinh tế chỉ có thể phát triển khi dịch vụ logistics hoạt động liên tục, hiệu quả. Hai là, khi hoạt động thương mại, đầu tư được đẩy mạnh, dịch vụ logistics đóng vai trò trong việc tăng cường mối quan hệ với nền kinh tế khu vực và thế giới. Ba là, dịch vụ logistics phát triển lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bốn là, khi dịch vụ logistics tối ưu hóa chi phí trong hoạt động thu mua, vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa thành phẩm, kết nối tốt giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xuất phát từ những vai trò cơ bản trên, Nhà nước ta xác định: “1- Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; 2- Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; 3- Phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics; 4- Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; 5- Phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ”(2).

Thực trạng phát triển dịch vụ logistics ở vùng Đông Nam Bộ

Nhiều năm qua(3), Đông Nam Bộ (ĐNB) luôn nỗ lực thể hiện là vùng kinh tế phát triển năng động, tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nên đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách cũng như giải quyết việc làm của cả nước. Hiện nay, vùng ĐNB không chỉ sở hữu 86 khu công nghiệp, với hàng chục nghìn doanh nghiệp đang phát triển hiệu quả để cùng với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam sản xuất, tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động xuất nhập khẩu; mà nơi đây còn có hệ thống lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, thu gom phân phối hàng hóa phục vụ trong các khu công nghiệp khá đa dạng, phong phú. Nếu chỉ tính riêng dịch vụ logistics, vùng ĐNB hiện có khoảng 14.800 doanh nghiệp, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics cả nước; cùng với sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp sản xuất và xuất, nhập khẩu, nguồn hàng tập trung về khu vực này tăng mạnh trong những năm gần đây, đó là những điều kiện tiên quyết hình thành các trung tâm dịch vụ logistics. Trong đó, với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và “tứ giác kinh tế” vùng ĐNB, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% số doanh nghiệp logistics và chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước; các tỉnh Bình Dương có gần 1.700 doanh nghiệp, Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 22 dự án kho bãi logistics với 152 doanh nghiệp đang hoạt động, 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích hơn 42ha.

Muốn phát triển toàn diện nền kinh tế của một vùng hay quốc gia, không thể không nói đến vai trò của hạ tầng giao thông. Bởi vì, giao thông được xem là “mạch máu” của nền kinh tế, khi hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt sẽ cung cấp phương tiện và hạ tầng cần thiết để vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác một cách an toàn, nhanh chóng, tạo nên sự thành công của hoạt động dịch vụ logistics. So với cả nước, vùng ĐNB hiện đang sở hữu một hạ tầng giao thông khá đồng bộ và quan trọng(4): với tỷ lệ quốc lộ cấp I và II của vùng cao nhất cả nước, hệ thống đường sắt quốc gia đi qua vùng từng bước được nâng cấp. Nơi đây có mạng lưới đường thủy nội địa với mật độ lớn, đi qua hầu hết các trung tâm kinh tế, đô thị, khu công nghiệp, nối liền các cảng sông, cảng biển, thông ra theo cửa sông tạo thành các trục vận tải đường thủy rất thuận lợi, như: Hệ thống cảng Cát Lái (TPHCM), cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai) dự kiến hoạt động khai thác vào tháng 9-2024; sáu luồng hàng hải công cộng (Sài Gòn - Vũng Tàu, Vũng Tàu - Thị Vải, Sông Dinh, Soài Rạp, Đồng Tranh - Gò Gia, và Đồng Nai) đang hoạt động khai thác. Hệ thống giao thông vận tải hàng không như sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng được đầu tư nâng cao công suất khai thác; sân bay Long Thành đang được xây dựng, khi đưa vào khai thác sẽ là động lực phát triển cho tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng ĐNB cũng như cả nước nói chung. Vùng ĐNB còn là nơi đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; các địa phương rất tích cực triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử, đưa vào vận hành với phạm vi liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông cung cấp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Với những điều kiện thuận lợi và nguồn lực sẵn có, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều năm qua, hoạt động dịch vụ logistics vùng ĐNB diễn ra rất sôi động và đảm nhận 45% khối lượng tổng hàng hóa, hơn 65% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải, đóng góp 32% GDP và 45% ngân sách cả nước. Chỉ tính riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ĐNB ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế nước ta.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái thuộc Tân Cảng Sài Gòn_Ảnh: TTXVN

Vẫn còn nhiều “rào cản” cần sớm tháo gỡ

Theo nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, những năm gần đây, đặc biệt là trước xu thế phát triển mới, hoạt động dịch vụ logistics ở vùng ĐNB đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, làm giảm năng lực cạnh tranh thể hiện qua một số vấn đề sau.

Một là, sự phát triển ngày càng lớn mạnh với quy mô đa ngành, đa lĩnh vực, đa chức năng như một trung tâm lớn về sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu sẽ đòi hỏi hạ tầng giao thông phải liên kết đồng bộ, thông suốt. Tuy nhiên, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng của ĐNB còn thiếu sự đồng bộ giữa phát triển các phương thức vận tải, giữa hệ thống giao thông với các bến cảng nói chung, nhất là sự liên kết giữa hệ thống cảng Cát Lái và cảng Cái Mép - Thị Vải còn bất cập. Trong khi đó, sự xuống cấp các tuyến đường quốc lộ, đường nội đô và đường kết nối với cảng biển đã làm chậm khả năng luân chuyển hàng hóa. Một số công trình trọng điểm như: sân bay Long Thành - giai đoạn 1, dự án di dời cảng trong khu vực TPHCM, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, công trình hạ tầng kỹ thuật khắc phục tình trạng ngập úng còn chậm tiến độ; chưa có tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đến cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Hai là, các tỉnh, thành phố vùng ĐNB đã, đang có sự phát triển mạnh số lượng doanh nghiệp sản xuất và xuất, nhập khẩu nên nguồn hàng tập trung về khu vực này tăng mạnh. Tuy nhiên, nơi đây vẫn chưa hình thành được các trung tâm dịch vụ logistics lớn, hệ thống dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics cảng biển chưa theo kịp xu thế, thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho tổng hợp hàng hóa, ICD (cảng cạn, cảng khô, cảng nội địa), kho lạnh... Điều đáng nói, tính liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ, kém hiệu quả.

Ba là, dù được đánh giá là dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐNB nói riêng và cả nước nói chung, nhưng nguồn nhân lực cho ngành logistics chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về logistics còn hạn chế cả về nhân lực và trình độ, nhiều cán bộ chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, hoạt động theo phương thức kiêm nhiệm; biên chế bố trí cho công tác quản lý về logistics còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng nhiệm vụ được giao.

Bốn là, mặc dù hoạt động dịch vụ logistics từng bước được thể chế hóa ngày càng rõ hơn trong Luật Thương mại năm 2019 và các nghị định đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế, khung khổ pháp lý dành cho ngành logistics, nhất là các chính sách cụ thể vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo; sự hạn chế về tính đồng bộ và chưa rõ ràng của các văn bản dưới luật; việc áp dụng các quy định của luật về hoạt động logistics có nhiều điểm chưa thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực thi. Đáng chú ý, phần lớn các văn bản hiện nay đều phân loại hoạt động logistics theo hướng từng ngành vận tải riêng biệt; cách phân loại này sẽ làm mất đi bản chất thương mại của hoạt động logistics, dễ dẫn đến sự nhầm lẫn với hoạt động vận chuyển thông thường. Việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến các hoạt động của doanh nghiệp.

Năm là, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã góp phần tăng tốc độ kết nối thông tin, giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở vùng ĐNB chưa vận dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng, có nơi vẫn còn làm việc theo hình thức thủ công; sự liên kết giữa các doanh nghiệp có lúc, có nơi còn rời rạc, chưa có sự thống nhất về các mẫu chứng từ...

Giải pháp phát triển dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ nhanh, bền vững

Trước xu thế phát triển mới, để bảo đảm sức cạnh tranh cao, trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước như Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 370/QĐ-TTg, ngày 4-5-2024, của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đề ra..., đòi hỏi các tỉnh, thành phố vùng ĐNB không ngừng đổi mới tư duy để lựa chọn, vận dụng mô hình phát triển phù hợp một cách linh hoạt, hiệu quả; đối với riêng lĩnh vực logistics, để ngành dịch vụ này phát triển nhanh, bền vững, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Một là, các tỉnh, thành phố vùng ĐNB cần huy động tối đa mọi nguồn lực để quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên kết thật sự đồng bộ, thông suốt. Theo đó, sớm xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế bằng nhiều hình thức; bố trí kịp thời, đầy đủ vốn đầu tư công trung hạn kết hợp với sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để ưu tiên đầu tư, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm (đường hàng không, đường sắt, đường thủy), có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng. Các tỉnh, thành phố vùng ĐNB cần có sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành để trình Chính phủ, Quốc hội về hoàn thiện thủ tục pháp lý, xin chủ trương đầu tư và cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến tài chính cho các dự án hạ tầng thiết yếu. Việc triển khai các dự án kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐNB cần có quy chế huy động, sử dụng tài chính đặc thù làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Hai là, các tỉnh, thành phố vùng ĐNB cần phối hợp để cùng nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics lớn cho vùng và cả nước trên cơ sở kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Cần Giờ. Nếu thành lập được trung tâm logistics của vùng ĐNB sẽ giúp giảm chi phí vận tải, kho bãi, dịch vụ hải quan... qua đó giảm chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu và tập trung nguồn hàng về các cảng container xuất khẩu như Cái Mép - Thị Vải hoặc cảng Cần Giờ. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố vùng ĐNB cần chú trọng việc xây dựng, phát triển các hệ thống cảng, bến cảng gắn kết với các vùng sản xuất tập trung, các khu công nghiệp, trung tâm logistics, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn.

Ba là, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các dịch vụ logistics ở vùng ĐNB không ngừng phát triển, cần có nguồn nhân lực chất lượng, giúp doanh nghiệp logistics nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế. Để xây dựng nguồn nhân lực cho dịch vụ logistics ở vùng ĐNB, cần có sự hợp tác, cam kết của “bốn bên” là: Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐNB, các doanh nghiệp logistics và các cơ sở đào tạo. Trong đó, Chính phủ cần quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chuẩn nghề cho ngành logistics, hỗ trợ các cơ sở đào tạo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên sâu về logistics; định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tiếp cận những xu hướng mới trong logistics (như logistics đô thị, logistics thương mại điện tử, logistics nông sản, logistics xanh...); các tỉnh, thành phố vùng ĐNB làm tốt hơn nữa công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực logistics của mình và xem trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách và doanh nghiệp để xác định đúng, trúng nhu cầu về lao động và tuyển dụng.

Bốn là, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Theo đó, xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh, giúp các doanh nghiệp hoạt động logistics giảm bớt được các trở ngại với các thủ tục rườm rà, dễ dàng thực thi, rút ngắn thời gian hoàn thành dịch vụ; ban hành mới chính sách, pháp luật để điều chỉnh đối với các dịch vụ vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Năm là, cần sớm liên kết, phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp, dịch vụ logistics của vùng ĐNB để thuận tiện trong việc trao đổi thông tin giữa các địa phương. Bởi, hệ thống thông tin logistics sẽ giúp các nhà quản trị doanh nghiệp nắm bắt sự biến động của nhu cầu thị trường và nguồn cung ứng, từ đó chủ động lên kế hoạch mua hàng, giao hàng, dự trữ, mua dịch vụ vận tải… một cách hợp lý, vừa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vừa có mức chi phí thấp nhất. Ngoài ra, hệ thống thông tin logistics còn góp phần bảo đảm sự linh hoạt trong các hoạt động, cũng như chỉ rõ thời gian, không gian, chu kỳ và phương pháp vận hành logistics; khi hệ thống thông tin được truyền càng nhanh và chính xác thì các quyết định trong hệ thống logistics càng hiệu quả./.

------------------------------

(1) Theo Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó, vùng Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh
(2) Xem: Nghị quyết số 163/NQ-CP, ngày 16-12-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam”
(3) Xem: Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” 
(4) Xem: Dự thảo Báo cáo tổng hợp quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư