Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững
TCCS - Lý thuyết thực nghiệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - gọi tắt là CSR) đề cập đến những nỗ lực và trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu hoặc tránh các tác động có hại, đồng thời tối đa hóa tác động tích cực và hữu ích lâu dài đối với xã hội. CSR là một chiến lược quan trọng để các doanh nghiệp trên thế giới phát triển bền vững; tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn là một khái niệm mới và những doanh nghiệp tiên phong thực hiện CSR vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Trong những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành tầm nhìn và sứ mệnh của hầu hết các quốc gia. Do đó, các mục tiêu phát triển bền vững và các khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang dẫn dắt các hoạt động kinh doanh của hầu hết các tổ chức công và tư nhân.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, theo Mohr và cộng sự(1), là đề cập đến những nỗ lực và trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu hoặc tránh các tác động có hại và tối đa hóa tác động tích cực và hữu ích lâu dài đối với xã hội. Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được định nghĩa là một công cụ để các tổ chức, doanh nghiệp hoàn thành các hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội và đạt được cam kết đối với xã hội. Hơn nữa, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho phép các tổ chức phát triển và cung cấp các nguồn lực một cách hiệu quả(2). Vì vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đánh giá là phương tiện hiệu quả để đạt được lợi thế cạnh tranh(3). Terrero-De La Rosa và cộng sự(4) cho rằng, các doanh nghiệp ủng hộ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua việc khuyến khích các nguyên tắc kinh doanh tạo ra giá trị xã hội, minh bạch, hành vi đạo đức. Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tạo ra các giá trị cốt lõi có ảnh hưởng tích cực đến nhân viên và cộng đồng trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp phát triển…
Phát triển bền vững của doanh nghiệp là một cách tiếp cận toàn diện để quản lý doanh nghiệp nhằm tối đa hóa giá trị kinh tế, xã hội và môi trường lâu dài, theo đó có ba khía cạnh đối với một mô hình kinh doanh bền vững, gồm: Bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; bền vững về mặt xã hội là hoạt động kinh doanh không gây hại cho các hệ thống xã hội, không làm suy giảm phúc lợi của các thế hệ tương lai; bền vững về kinh tế là đáp ứng nhu cầu tài chính của doanh nghiệp, tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và hỗ trợ các sáng kiến xã hội và môi trường bền vững.
Trách nhiệm xã hội thúc đẩy phát triển bền vững. Trong khoảng 3 thập niên trở lại đây, mối quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững trên các lĩnh vực, ở cả cấp độ địa phương, quốc gia và xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, nhất là về tác động tương hỗ giữa việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội với sự phát triển bền vững, thể hiện ở bốn xu hướng sau:
Một là, “lập chiến lược” trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững(5), theo đó, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững thể hiện rõ thông qua lợi ích của các bên tham gia đươc hưởng, nhất là giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh, nâng tầm thương hiệu, hài hòa hóa với lợi ích cộng đồng xã hội... Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững ngày càng trở thành một chủ đề được thảo luận thường xuyên và được các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu khi muốn đầu tư vào doanh nghiệp.
Hai là, việc hiện thực hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tốt, hiệu quả, gắn với việc thể chế hóa tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho việc hiện thực hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững trong thực tiễn.
Ba là, diễn ra quá trình toàn cầu hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững, với các tiêu chuẩn chung mang tính chuẩn mực quốc tế, để cộng đồng doanh nghiệp tại mỗi quốc gia có thể vận dụng các tiêu chuẩn phù hợp với đặc thù của mình. Toàn cầu hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững cũng liên quan đến tài chính hóa, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư tổ chức xuất khẩu các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững từ các nước phát triển (chủ yếu là phương Tây) sang các khu vực khác trên toàn cầu.
Bốn là, chính trị hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững, thể hiện chủ yếu qua việc tạo ra các lợi ích hay áp lực chính trị thông qua việc sử dụng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một công cụ, nhất là xem xét vai trò của các chính phủ liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững.
Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam trong những năm gần đây thông qua các hoạt động khác nhau của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các công ty đa quốc gia. Đây là một trong những chủ đề “nóng” trong kinh doanh, đặc biệt là sau những thiệt hại về môi trường do các doanh nghiệp gây ra; công chúng và dư luận cũng ngày càng quan tâm hơn đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vẫn là một khái niệm mới và những người tiên phong trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trên thực tế, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như các hành vi đạo đức doanh nghiệp còn khá hạn chế, mặc dù họ phải hằng ngày, hằng giờ gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, môi trường… do các doanh nghiệp gây ra vì tư duy phát triển chụp giật, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Một số cơ quan truyền thông có nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng chưa đầy đủ, nên việc thông tin có những sai lệch, càng làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các cơ quan chức năng trong ứng xử với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, việc thiếu nguồn lực và cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xem nhẹ thực hiện trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nghiệp trong nước lấy lợi ích kinh tế làm tối thượng, chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, thu lợi bất chính cho mình, đồng thời bắt xã hội phải gánh chịu những thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe gấp nhiều lần so với mối lợi ngắn hạn mà doanh nghiệp thu được.
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn có quan niệm rằng, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chỉ dành cho các tập đoàn lớn, đa quốc gia”, hay thậm chí “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là thứ xa xỉ của các nước phát triển, không phù hợp ở các nước đang phát triển”. Do đó, điều quan trọng là cần thay đổi thái độ của doanh nghiệp từ “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một chi phí” thành “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một khoản đầu tư”. Ở góc độ khác, đối với một số doanh nghiệp trong nước muốn theo đuổi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lâu dài, bền vững, thì lại phải đối mặt với thách thức là thiếu nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, số người được đào tạo chuyên nghiệp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu, một yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển của đất nước, được lồng ghép trong nhiều quyết sách phát triển. Do đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng ngày càng được quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Nhà nước và doanh nghiệp là hai chủ thể chính trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam, trong đó Nhà nước ban hành chính sách, giám sát việc thực thi các quy định và cung cấp thông tin về các vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; doanh nghiệp thực thi và quyết định sự thành công của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Động lực chính khiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được quan tâm bởi áp lực từ công chúng, người tiêu dùng và các chuẩn mực kinh doanh quốc tế. Những bê bối của các nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hàng loạt vụ, việc về vấn đề an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả… dấy lên mối lo ngại to lớn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nước, là những hồi chuông cảnh tỉnh đối với đạo đức, văn hóa doanh nghiệp nước ta.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp phải những vấn đề về chứng nhận và tiêu chuẩn khi các nhà đầu tư nước ngoài và người mua yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh dựa trên sự tôn trọng con người, cộng đồng và môi trường. Ví dụ, hiệp định dệt may giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bao gồm nghĩa vụ đối với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc khuyến khích các công ty xuất khẩu thực hiện các quy tắc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ…
Hiện nay, ngày càng nhiều chiến dịch về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, môi trường và phát triển bền vững được các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện tại Việt Nam, như chiến dịch “Go green” của Toyota (một chương trình giáo dục trên truyền hình cung cấp kiến thức cơ bản về các vấn đề môi trường, cùng với câu lạc bộ sinh viên Go Green và nhiều sự kiện cộng đồng); chiến dịch “Tôi yêu Việt Nam” của Honda (sử dụng truyền hình để giáo dục công chúng về an toàn giao thông đường bộ); chương trình giáo dục vệ sinh môi trường cho trẻ em miền núi của Unilever; chương trình đào tạo công nghệ thông tin Topic64 của Microsoft, Qualcomm và HP; chiến dịch “Ý tưởng sinh thái” của Panasonic; hoạt động trao đổi túi sinh thái của Canon…
Với việc đưa các giá trị cốt lõi của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào các dự án của mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững. Một kinh nghiệm quý của nhiều tập đoàn đa quốc gia là tập trung việc thông tin, giáo dục về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với sinh viên và cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Giáo dục sinh viên chính là cách “đi trước, đón đầu” đối với thế hệ doanh nhân tương lai, thông qua hình thức giáo dục chính thức bằng kết hợp các khóa học trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các môn học kinh doanh và hình thức giáo dục không chính thức, như câu lạc bộ sinh viên, chương trình đào tạo và các chiến dịch truyền thông hướng tới cộng đồng sinh viên... Ngoài ra, cần khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.
Tham gia vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể giúp phát triển năng lực trong các cơ quan quản lý và chính sách công, giải phóng các nguồn lực hiện có và tận dụng các nguồn lực bổ sung thông qua quan hệ đối tác, thúc đẩy phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam có thể lấy cảm hứng từ các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp quốc tế để thúc đẩy các hình thức kinh doanh có trách nhiệm với xã hội của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều chính phủ trên thế giới đã phối hợp với các cơ quan tài trợ, hỗ trợ các hoạt động phát triển doanh nghiệp được thiết kế để thúc đẩy doanh nghiệp địa phương phát triển lành mạnh, bền vững. Phát triển các sáng kiến giúp chuyển giao việc học hỏi tích cực và xây dựng năng lực về các vấn đề môi trường và xã hội từ các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu sang các doanh nghiệp không định hướng xuất khẩu. Trong mỗi chính sách phát triển, tuyệt đối không đánh đổi giữa kinh tế với xã hội và môi trường.
Vẫn còn một chặng đường dài để trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được áp dụng đầy đủ trong tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều quan trọng là cả người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra một phong trào tích cực trong xã hội để mọi người có trách nhiệm hơn trong thực hiện và giám sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng các doanh nghiệp, vì một Việt Nam phát triển bền vững, phồn thịnh, hạnh phúc./.
---------------------------
* “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 502.02-2020.26”
(1) Mohr, L. A., Webb, D. J., & Harris, K. E.: “Do consumers expect companies to be socially responsible? The impact of corporate social responsibility on buying behavior” (Tạm dịch: Người tiêu dùng mong đợi gì ở các công ty có trách nhiệm xã hội? Tác động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với hành vi mua hàng), Journal of Consumer Affairs, số 35(1), 2001, tr. 45 - 72.
(2) Petrick, J., & Quinn, J.: “The challenge of leadership accountability for integrity capacity as a strategic asset (Tạm dịch: Thách thức về trách nhiệm giải trình của lãnh đạo đối với năng lực liêm chính như một tài sản chiến lược)”, Journal of Business Ethics, số 34(3/4), 2001, tr. 331 - 343
(3) Porter, M. E., & Kramer, M. R.: “Strategy and society - The link between competitive advantage and corporate social responsibility” (Tạm dịch: Chiến lược và xã hội - Mối liên hệ giữa lợi thế cạnh tranh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), Harvard Business Review, số 84(12), 2006, 78 - 92
(4) Terrero-De La Rosa, A., Santiago-Ortega, R., MedinaRivera, Z., & Berrios-Lugo.: “Corporate social responsibility practices and programs as a key strategic element in organizational performance” (Tạm dịch: Các hoạt động và chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một yếu tố chiến lược quan trọng trong hoạt động của tổ chức). Developments in Corporate Governance and Responsibility, số 11(1), 2017, tr. 223 - 247
(5) Gond, J. P., El Akremi, A., Swaen, V., & Babu, N.: “The psychological microfoundations of corporate social responsibility: A person‐centric systematic review” (Tạm dịch: Nền tảng tâm lý vi mô của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp: Đánh giá có hệ thống lấy con người làm trung tâm), Journal of Organizational Behavior, số 38(2), 2017, tr. 225 - 246
Văn hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế  (11/04/2023)
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế  (07/01/2023)
Tỉnh Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp  (08/10/2022)
Văn hóa doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của đất nước  (10/05/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên