Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới
TCCS - Ngày 16-12-2022, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới”. Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế biển các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong thời gian qua; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển miền Trung trong thời gian tới.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, các chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước…
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ vui mừng về việc phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới”; giới thiệu khát quát những tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình, đặc biệt là tiềm năng nổi bật về biển và kinh tế biển, đồng chí nêu bật một số kết quả quan trọng của tỉnh sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, “Về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của tỉnh. Tỉnh Quảng Bình đã đặt ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên hài hòa, giữa bảo tồn và phát triển từng vùng biển.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt, đổi mới và sáng tạo, tỉnh Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển du lịch biển, công nghiệp ven biển, phát triển mạnh nuôi trồng và khai thác hải sản theo hướng bền vững; phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển, cảng chuyên dụng gắn với dịch vụ hỗ trợ; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng logistics và hệ thống giao thông kết nối cảng biển Hòn La với các tỉnh, quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển có mặt còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm tại vùng biển và ven biển còn thiếu; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hằng năm còn thấp so với tiềm năng. Thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản và người nuôi thủy sản còn ít; kết cấu hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh, trước những thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, của quá trình hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các lợi thế dần bị thu hẹp, các thách thức về cạnh tranh, môi trường, các bất ổn do chính trị, dịch bệnh... đã và đang tạo ra áp lực lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các địa phương. Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ven biển, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, miền Trung có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển mà không một vùng nào có được. Vùng có 14 tỉnh, thành phố thì tất cả đều có biển, trong đó có nhiều bãi biển, vùng biển, đảo rất đẹp, nhiều tài nguyên vào loại nhất cả nước. Những năm qua, các tỉnh, thành phố tại miền Trung đều đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển; nhờ đó, ngành kinh tế này ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Một số địa phương trong khu vực đã khai thác, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng. Khoảng cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ngày càng được nâng cao.
Hội thảo đã nhận được 45 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý; lãnh đạo các địa phương. Nội dung các bài tham luận tập trung về các chủ đề, như: Bối cảnh mới và những vấn đề chung về phát triển kinh tế biển hiện nay; thực trạng phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung; thực tiễn phát triển kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình.
Tại hội thảo, có 10 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý, qua đó làm rõ hơn các nội dung: Thứ nhất, yêu cầu, nhiệm vụ, bối cảnh mới đặt ra trong việc thực hiện chiến lược biển nói chung, phát triển kinh tế biển nói riêng đối với đất nước và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong tình hình hiện nay. Thứ hai, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố miền Trung hiện nay. Thứ ba, những kết quả, thành tựu đạt được và hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn trong thời gian tới. Thứ tư, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, bền vững trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của biển và đại dương, nhiều quốc gia và cường quốc trên thế giới đều coi trọng tầm quan trọng của biển, hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đặc biệt, khu vực miền Trung với 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, có bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260km). Do vậy, phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình an ninh khu vực và thế giới ngày càng biến đổi, giữ vai trò quan trọng quyết định đối với việc thực hiện chiến lược biển của Việt Nam.
Đồng chí PGS, TS. Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, là khu vực có lãnh thổ hẹp về chiều ngang, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tuy nhiên, miền Trung lại được bù đắp bằng các tiềm năng về kinh tế biển, lợi thế về phát triển kinh tế biển rất lớn. Thời gian qua, mặc dù các tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhưng các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về biển; các ngành kinh tế biển chỉ mới dừng ở việc đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, cảng biển, dịch vụ, du lịch… Các “nút thắt” khiến việc phát triển kinh tế biển ở miền Trung chưa đạt kỳ vọng; khai thác nhỏ lẻ, manh mún, liên kết vùng còn mang tính hình thức, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đồng chí Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, các ý kiến tại hội thảo rất sâu sắc, toàn diện, bao trùm, tập trung vào bối cảnh và những vấn đề chung về phát triển kinh tế biển; thực trạng phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung, kinh tế biển ở Quảng Bình; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế biển miền Trung trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh, đây là thực tiễn, đồng thời là những kinh nghiệm quý báu của các tỉnh, thành phố trong phát triển kinh tế biển, rất cần được nghiên cứu, tham khảo để vận dụng vào thực tiễn nhằm đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển kinh tế biển của vùng miền Trung nói chung, mỗi tỉnh, thành phố nói riêng.
Với chức năng là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tạp chí Cộng sản sẽ tiếp tục chọn lọc các bài viết để đăng tải; tổng hợp, chắt lọc kết quả chính của hội thảo để gửi đến các ban, bộ, ngành trung ương làm cơ sở dữ liệu để tham vấn, hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển./.
Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển - động lực cho phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung  (10/12/2022)
Tiềm năng, cơ hội, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung hiện nay  (23/11/2022)
Truyền thông chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay  (28/07/2022)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay