Tỉnh Quảng Bình phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
TCCS - Trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình có nhiều khởi sắc, trở thành một điểm đến hấp dẫn, độc đáo, giàu bản sắc đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện.
Những kết quả nổi bật
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, thời gian qua, Tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch (Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 13-7-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định số 1162/QĐ-UBND, ngày 4-4-2017, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về phê duyệt Đề án bảo đảm an ninh du lịch giai đoạn 2017 - 2020”), với mục tiêu xây dựng môi trường du lịch Quảng Bình an ninh, an toàn, lành mạnh, văn minh, là trung tâm du lịch biển và du lịch hang động, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi đan xen với các thách thức không nhỏ, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự ủng hộ, phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng:
Thứ nhất, lượng khách du lịch đến Quảng Bình ngày càng tăng, các cơ sở lưu trú được đầu tư tăng nhanh về số lượng, chất lượng ở các phân khúc thị trường khác nhau. Tổng số khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,7 triệu lượt khách, tăng bình quân 18,05%/năm; trong đó, có 780 nghìn lượt khách quốc tế, tăng bình quân 47,67%/năm; tổng thu từ khách du lịch khoảng 19.200 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 18,5%/năm. Đến nay, toàn tỉnh có gần 400 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 1 sao và hệ thống nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay (tổng gần 5.500 buồng với hơn 10.000 giường).
Thứ hai, kết cấu hạ tầng có bước phát triển đột phá, nhất là các tuyến giao thông trọng yếu. Một số công trình hạ tầng được đầu tư từ Chương trình phát triển hạ tầng du lịch quốc gia đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Tỉnh Quảng Bình cũng sử dụng nguồn vốn từ dự án của các tổ chức quốc tế và ngân sách địa phương để đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ủy ban nhân dân các tỉnh hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư, ký kết hiệp định vay vốn, hiệp định triển khai dự án “Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2”. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử thường xuyên được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 126 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trong đó, có 54 di tích quốc gia, 18 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2018, tỉnh Quảng Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Ấn Tuần phủ Đô tướng quân là Bảo vật quốc gia (cùng với Bài Chòi Quảng Bình - bộ phận hợp thành nghệ thuật Bài Chòi các tỉnh Trung Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác hỗ trợ và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư gần 80 dự án của nhà đầu tư trong nước về lĩnh vực dịch vụ - du lịch, với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng; nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm triển khai, xây dựng và hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt các dự án trọng điểm của tỉnh, như: Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC; dự án Trung tâm thương mại Vincom; dự án Khu nghỉ dưỡng Sunspa Đảo Yến, sân golf Bảo Ninh - Trường Thịnh, khu du lịch suối nước khoáng nóng Bang; dự án khách sạn Pullman… Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu hợp tác đầu tư tại địa phương, như: Tập đoàn SBH Hotels & Resorts (Tây Ban Nha), Vietravel, Tập đoàn TMS, Tập đoàn DIC, Thiên Minh Group, Tập đoàn T&T, Euro Window,...
Thứ tư, sản phẩm du lịch có bước chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng cao. Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái tiếp tục phát triển và đem lại hiệu quả cao; chất lượng du lịch nghỉ dưỡng biển từng bước được cải thiện; du lịch văn hóa - lịch sử khẳng định được vị thế, một số điểm du lịch văn hóa tâm linh đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan; du lịch sinh thái phát triển với mô hình khá đa dạng, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn; du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tuy đang trong quá trình hình thành và phát triển nhưng đã góp phần đáng kể vào việc tạo dựng hình ảnh mới cho tỉnh Quảng Bình. Bên cạnh đó, việc khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch cũng có bước chuyển biến tích cực, nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác thử nghiệm, như: Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn - hang Rục Mòn - hồ Yên Phú; khám phá thung lũng Hamada - hang Trạ Ang; khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Arem - Ma Coong; khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới theo lộ trình mới, đạt hiệu quả tốt. Thực hiện khai thác thử nghiệm các sản phẩm du lịch: Khám phá hang Đại Ả - hang Over - hang Pygmy; hang Va - hang Nước Nứt; khám phá hang Vòm - giếng Voọc và những trải nghiệm khác biệt theo lộ trình mới...
Thứ năm, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được triển khai tích cực, chất lượng đội ngũ lao động có bước chuyển biến mới. Đến nay, toàn ngành du lịch có khoảng hơn 5.000 lao động trực tiếp và hơn 12.000 lao động gián tiếp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo, phối hợp tập huấn cho hơn 6.000 lao động ngành du lịch, với các nghề chủ yếu là: kỹ thuật chế biến món ăn, lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật buồng, bàn, bar, quản trị khách sạn. Về trình độ đào tạo: cao đẳng 2.000 người; trung cấp 1.500 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 2.500 người; chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành du lịch.
Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước về du lịch được thực hiện tốt, hoàn thiện xây dựng môi trường du lịch văn minh, khẳng định thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện và khác biệt. Công tác xúc tiến, quảng bá được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, chuyên biệt hóa theo từng phân khúc thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Du lịch Quảng Bình tiếp tục được du khách, truyền thông trong nước và quốc tế đánh giá cao, là điểm đến thu hút, hấp dẫn. Tỉnh Quảng Bình được Trip Advisor - website lớn nhất về du lịch thế giới bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam; Lonely Planet - trang tư vấn du lịch uy tín bình chọn là điểm đến thứ 2 trong 10 điểm đến đáng trải nghiệm nhất của Việt Nam và dành từ 10 trang trở lên trên tạp chí hằng năm để viết về du lịch Quảng Bình.
Một số bài học kinh nghiệm và vấn đề đặt ra
Từ thực tiễn qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020”, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng phát triển bền vững, cần phải ban hành quy hoạch tổng thể, các chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội, lợi thế và tiềm năng của tỉnh.
Hai là, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, do đó cần bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành địa phương để triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động công tác; triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nhất là bảo tồn tài nguyên, phát huy giá trị di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phục vụ khách du lịch.
Ba là, cần huy động tổng hợp nguồn lực từ Trung ương, tài trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển du lịch; chú trọng công tác xã hội hóa, thực hiện các giải pháp hữu hiệu để dịch vụ hóa nền kinh tế; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch cùng các ngành dịch vụ hỗ trợ.
Bốn là, tập trung các nguồn lực để đầu tư hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó chú trọng các thị trường trọng điểm quốc tế, xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình.
Năm là, triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn tận tình khách du lịch.
Mặc dù ngành du lịch của tỉnh Quảng Bình phát triển và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trên lộ trình xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi, đó là: Các loại hình sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề phục vụ khách du lịch còn hạn chế, nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện; cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ; đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu lực lượng có chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu... Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn để có sự phát triển đột phá trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh giữa các địa phương, vùng du lịch ngày càng lớn. Thị trường khách du lịch quốc tế chưa đa dạng, số lượng khách quốc tế chưa lớn. Ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - kỹ thuật trong quản lý nhà nước, phát triển du lịch còn hạn chế, chưa phát huy được hết khả năng.
Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc, khẳng định là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện tốt một số giải pháp:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về du lịch với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.
Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, xúc tiến, hỗ trợ đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch Quảng Bình trong quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các trung tâm du lịch, như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến, Nhật Lệ - Bảo Ninh, khu nghỉ dưỡng suối Bang và du lịch văn hóa, tâm linh.
Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu vực thuộc quy hoạch Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đồng Hới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực Hòn La, cảng Gianh và hệ thống bến thuyền du lịch sông Gianh và sông Nhật Lệ.
Ba là, phát triển, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch: các dịch vụ bổ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đường sông, biển, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng; phát triển các sản phẩm du lịch mới, như du lịch thể thao, giải trí, du lịch lễ hội, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm phục vụ khách du lịch.
Bốn là, xây dựng các trung tâm quảng bá, xúc tiến du lịch và hỗ trợ du khách tại thành phố Đồng Hới, thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch). Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch liên quan đến các sự kiện lớn, chương trình quảng bá trên các kênh thông tin, truyền hình, hãng phim quốc tế. Đổi mới hình thức, nội dung việc tham gia các hội chợ du lịch thường kỳ trong nước. Mở rộng, nâng cao hiệu quả liên kết hợp tác vùng du lịch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch; thực hiện các giải pháp khắc phục tính thời vụ; tăng cường thu hút khách du lịch đến và lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Năm là, phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu, khám phá văn hóa - lịch sử. Phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế, tiếp tục thu hút khách, mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu và Liên bang Nga... Huy động các nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư. Xây dựng văn hóa du lịch để mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên; đồng thời, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển du lịch, xây dựng du lịch thông minh, đô thị thông minh./.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Nghệ An từng bước khẳng định thương hiệu du lịch địa phương  (26/02/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp; làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình  (22/12/2021)
Tỉnh Quảng Ninh: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống  (21/12/2021)
Phát triển loại hình du lịch mới: Chuyến leo núi, săn hoa trên nóc nhà vùng Đông Bắc tại Bình Liêu - Quảng Ninh  (19/12/2021)
Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế  (16/12/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay