Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ - Thành tựu và triển vọng
TCCS - Ngày 19-4-2022, Hội thảo khoa học: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ - Thành tựu và triển vọng” do Hội đồng Lý luận Trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương và Tạp chí Cộng sản đồng phối hợp tổ chức tại Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương. Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên thảo luận chuyên đề và phiên toàn thể.
* Phiên chuyên đề diễn ra ngày 19-4-2022, thảo luận 4 nhóm chủ đề: Xây dựng hệ thống chính trị - những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành; kinh tế - phát triển đô thị; con người và văn hóa, xã hội; quốc phòng - an ninh - đối ngoại.
Tham dự và chủ trì các phiên thảo luận chuyên đề có các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ đạo hội thảo; TS. Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn nỗ lực khắc phục các khó khăn và tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh, an ninh và an toàn, sức khỏe cho người dân, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Những thành tựu phát triển của tỉnh Bình Dương đạt được trong 25 năm qua là một điểm sáng, qua đó phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu đó còn phản ánh mô hình phát triển hết sức sáng tạo, lần đầu tiên được thực hiện ở tỉnh Bình Dương, đó là: “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia”. Đây là mô hình độc đáo, hội đủ cách tiếp cận: “Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương”. Với mô hình phát triển và cách làm sáng tạo của Bình Dương, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng và kỳ vọng tỉnh sẽ tiếp tục là một hình mẫu trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước; cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Các phiên chuyên đề đồng loạt diễn ra tại bốn hội trường, nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi, kiến giải xác đáng nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn liên quan đến 25 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Bình Dương, nhìn rộng hơn là công cuộc đổi mới của đất nước.
Phiên thảo luận về xây dựng hệ thống chính trị - những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành, các báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu tập trung làm sáng rõ và khẳng định nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, tháng 12-1996, quyết định chia tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Bình Dương là đúng đắn, đúng thời điểm, có ý nghĩa “nhân thời mở vận” để tỉnh Bình Dương bước sang trang sử phát triển mới. Việc chia tách, thành lập tỉnh Bình Dương không chỉ là sự kiện quan trọng mà còn thể hiện tầm nhìn, tư duy quản lý, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân tỉnh Bình Dương. Đây là tiền đề để tỉnh Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội..., đưa Bình Dương trở thành một hình mẫu của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ngoài ra, các tham luận còn tập trung phân tích những quyết sách đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương qua 25 năm, như: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy hoạch vùng; thực hiện phát triển kinh tế gắn chặt với văn hóa, xã hội; chú trọng phát trển công nghiệp và bảo vệ môi trường; tranh thủ thời cơ từ việc hội nhập quốc tế; phát huy vai trò đòn bẩy của doanh nghiệp nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao… là những dấu ấn đậm nét, những bằng chứng sinh động cả về tâm và tầm của Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương trong 1/4 thế kỷ qua.
Phiên thảo luận về kinh tế - phát triển đô thị, các tham luận tập trung chủ yếu vào những thành tựu và triển vọng phát triển kinh tế, đô thị của tỉnh Bình Dương qua 25 năm xây dựng và phát triển. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Bình Dương cũng luôn đi đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngay cả ở những thời điểm kinh tế thế giới có những dấu hiệu khủng hoảng hay suy thoái, nhất là trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư và thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng… Từ lợi thế về hạ tầng phát triển công nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều dự án công nghiệp và đô thị, điển hình là Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị, trong đó có Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương được quy hoạch và đầu tư theo hướng đạt trình độ đẳng cấp quốc tế và phát triển theo tiêu chí đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, cũng là hạt nhân kết nối với nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, của cả nước.
Phiên thảo luận về chủ đề con người và văn hóa, xã hội, các đại biểu cùng thống nhất quan điểm cho rằng, ngay từ đầu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, các quyết sách phát triển kinh tế của Bình Dương đã luôn gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, hướng đến con người, coi trọng lợi ích của nhân dân, quan tâm đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Các báo cáo khoa học đã phân tích, đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; phác họa những nét đặc trưng văn hóa của tỉnh trong mối liên hệ với quá khứ, hiện tại, dự báo tương lai; quy hoạch phát triển đô thị gắn với giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nhanh của tỉnh. Các tham luận tập trung bàn về các giá trị văn hóa truyền thống của Bình Dương, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; vai trò của đội ngũ doanh nhân ở Bình Dương, vấn đề người nước ngoài ở Bình Dương…
Đối với chủ đề quốc phòng - an ninh, các tham luận tập trung làm rõ những vấn đề khoa học và thực liễn liên quan đến hoạt động quốc phòng, an ninh trong bối cảnh tỉnh Bình Dương chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị; đề xuất các giải pháp về chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; về công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là an ninh con người, an ninh đối với đội ngũ công nhân và phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội mới phát sinh, góp phần bảo đảm môi trường và cuộc sống lành mạnh, an toàn…
Trong khuôn khổ hội thảo, sáng ngày 19-4-2022, tại Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương diễn ra Lễ công bố thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC), công bố Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương và Lễ ký kết thực hiện Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050” giữa Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương.
* Phiên toàn thể diễn ra ngày 20-4-2022, được tổ chức tại hội trường Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương, đồng thời kết nối trực tuyến tới 107 điểm cầu trong tỉnh.
Tham gia chủ trì hội thảo có các đồng chí: TS. Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Tham dự hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, đại diện các cơ quan ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã thông qua nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó chia tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-1997. Tiếp tục kế thừa những chủ trương, chính sách của tỉnh Sông Bé trước đây, đồng thời có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, từng bước ổn định tổ chức bộ máy, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức và các rào cản, không ngừng tìm tòi, đổi mới để xây dựng Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp có xuất phát điểm thấp trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiềm lực và khả năng cạnh tranh, thương hiệu của tỉnh được cải thiện rõ rệt; được Trung ương đánh giá là địa phương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thành công dẫn đầu trong sự nghiệp đổi mới.
Phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Lợi cho biết, hội thảo khoa học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương bày tỏ sự tri ân đối với các thế hệ cha, anh đi trước đã dày công xây dựng, gìn giữ và không ngừng vun đắp truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và nghĩa tình của người Sông Bé - Bình Dương. Đồng thời, đồng chí cũng khẳng định, những thành tựu mà tỉnh Bình Dương đạt được là sản phẩm kết tinh từ tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới; là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn nhận định, sau 25 năm, từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, tỉnh Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, để trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngày nay, Bình Dương là một trong những trung tâm phát triển năng động, là đầu mối quan trọng gắn kết các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại và đang khởi động lộ trình hướng đến đô thị thông minh trong tương lai. Bình Dương tiếp tục khẳng định những đổi thay vượt bậc để trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư. Hội thảo là một đợt sinh hoạt chính trị - khoa học sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực nhân dịp tỉnh Bình Dương kỷ niệm 25 năm chia tách từ tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, góp phần đánh giá những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong chặng đường phát triển 1/4 thế kỷ qua, cùng những định hướng phát triển lớn trong thời gian tới. PGS, TS. Đoàn Minh Huấn mong muốn các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý tập trung thảo luận, đánh giá làm rõ những thành tựu nổi bật, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tỉnh Bình Dương phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng, phát triển theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 175 bài tham luận, tập trung làm rõ 4 nội dung lớn: Xây dựng hệ thống chính trị - các bài học kinh nghiệm; kinh tế và phát triển đô thị; con người và văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tại hội thảo, nhiều vấn đề được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực trong cả nước bàn thảo, trao đổi tâm huyết, đánh giá sâu sắc, tái hiện lại chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển đầy gian khổ, song rất đỗi tự hào của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Dương, sáng ngời tinh thần, ý chí vượt khó, không ngừng đổi mới, khát vọng phát triển lớn lao. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, song với truyền thống, ý chí và sự đoàn kết, Bình Dương tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới, với những đột phá trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hoàng Thao đánh giá cao các ý kiến, tham luận, cung cấp thêm nhiều tư liệu quý nhằm làm sáng rõ các chiều cạnh nội dung chủ đề hội thảo. Các tham luận tiếp cận vấn đề vừa có tính khái quát, vừa có tính chuyên sâu, tổng kết thực tiễn gắn chặt với phát triển lý luận, nêu bật nhiều vấn đề nổi cộm, cấp thiết đang đặt ra đối với sự phát triển của Bình Dương, cần sớm được các cấp thẩm quyền quan tâm giải quyết; đề ra được những mục tiêu, giải pháp mang tính chiến lược, có tầm định hướng phát triển dài hạn. Các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý, phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đều trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, khoa học.
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Võ Văn Minh nhấn mạnh, thông điệp phát triển của Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới là: “Khát vọng, đổi mới, hội tụ, trách nhiệm, lan tỏa”, kết tinh những giá trị được đúc kết và cũng là bài học phát triển của tỉnh trong 25 năm qua. Qua hội thảo, hình ảnh về chặng đường phát triển 1/4 thế kỷ của Bình Dương được tái hiện với tất cả niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Bình Dương quyết tâm xây dựng những giá trị cốt lõi về văn hóa phát triển trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Với nhận thức sâu sắc về cơ hội và thách thức trong thời gian tới, quyết tâm vươn tới những bước phát triển cao hơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục đặt ra cho mình những thử thách mới và quyết tâm vượt qua, trên cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, coi trọng sự liên kết, đồng hành của các tỉnh, thành phố bạn, các quốc gia và vùng lãnh thổ để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi thăm và làm việc với Bình Dương về xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng và liên vùng, tiếp tục là hình mẫu địa phương tiên phong trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại./.
Sóc Trăng phát huy truyền thống hào hùng, khơi dậy các tiềm năng phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới, bứt phá vươn lên mạnh mẽ sau 30 năm tái lập tỉnh  (15/04/2022)
Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ  (15/03/2022)
Bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (10/03/2022)
Bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (10/03/2022)
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam  (05/03/2022)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên