Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra các cơ sở điều trị COVID-19 ở Bình Dương
TCCS - Ngày 27-8-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến tỉnh Bình Dương kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch.
Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex (thành phố Thuận An) - nơi đã thành lập bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tích cực để thu dung bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Thủ tướng kiểm tra cơ sở vật chất, theo dõi việc điều trị các bệnh nhân nặng qua hệ thống camera cơ sở đang điều trị 270 bệnh nhân COVID-19 ở tầng 3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bệnh viện vừa điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa chữa bệnh thông thường và phải chặn dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, hạn chế các ca F0 chuyển nặng để giảm tải cho tuyến trên. Thủ tướng cũng chỉ đạo các xã, phường phải có đủ ôxy, thuốc, một số thiết bị, đồng thời phải bảo đảm lưu thông thông suốt và kịp thời để hỗ trợ nhanh cho việc điều trị bệnh nhân. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và đề nghị tiếp tục rút kinh nghiệm những việc đã thực hiện để làm tốt hơn. Thủ tướng cũng gửi quà cho bệnh viện để động viên các y, bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện ngày đêm không quản ngại khó khăn chăm lo cho bệnh nhân.
Tại buổi kiểm tra ở các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương), Thủ tướng yêu cầu Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xem xét, xử lý ngay tình trạng thiếu bác sĩ ở các tuyến bệnh viện. Đại diện Bộ Y tế cho biết, từ hôm nay (27-8-2021), Bộ Y tế sẽ chi viện thêm 6 điều dưỡng viên từ Hà Nội vào hỗ trợ cho Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục đến thị sát khu thu dung F0 ở Trường Tiểu học Bình Thuận (thuộc phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), nơi đang điều trị cho 412 trường hợp F0, trong đó chủ yếu là bệnh nhân triệu có chứng nhẹ nên được điều trị ở tầng 1.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Thuận An cần thực hiện chiến lược lấy xã, phường làm pháo đài và đưa dịch vụ y tế tới nhanh hơn, gần với người dân hơn, thân thiện hơn; tăng cường điều trị tại phường, xã để giảm tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, muốn giảm số ca tử vong thì phải phát hiện F0 sớm, phải chạy chữa từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Tại thành phố Thuận An, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới thị sát chợ Đông Phú (phường Thuận Giao) - nơi đang tập kết lương thực, thực phẩm để đóng gói làm túi quà an sinh. Đoàn công tác Chính phủ cũng đến kiểm tra trực tiếp một khu dân cư ở phường Bình Chuẩn. Thủ tướng đã thăm hỏi bà con và yêu cầu người dân thử gọi vào các số điện thoại đường dây nóng để đề nghị cung cấp gói an sinh.
Hiện Bình Dương đang “khóa chặt” 15 phường là “vùng đỏ đậm đặc” của hai thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên với trên 1,2 triệu dân để truy vết thần tốc các ca F0 trong cộng đồng. Trong thời gian “khóa chặt”, vấn đề quan tâm nhất là an sinh xã hội và việc này đang được tỉnh Bình Dương nỗ lực nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm đến từng hộ gia đình và người dân với tiêu chuẩn 7,5kg gạo/người, chi ngân sách hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày, trong đó ưu tiên trước cho người gặp khó khăn.
Trưa cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương để bàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Bình Dương được kết nối trực tuyến xuống gần 100 điểm cầu xã, phường, tập trung bàn về giải pháp sớm kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh địa phương dự báo số ca mắc COVID-19 có thể lên đến con số 150.000 trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, hiện tỉnh có 2,5 triệu dân. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 xảy ra đến nay, địa phương đã ghi nhận 86.050 ca mắc COVID-19; có 716 bệnh nhân tử vong. Về điều trị, đến nay, có 48.353 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện. Hiện, Bình Dương có 24 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 16.349 bệnh nhân đang nằm viện, trong đó tầng 1 có 13.386 bệnh nhân, tầng 2 có 2.191 bệnh nhân và tầng 3 có 772 bệnh nhân thể nặng.
Toàn tỉnh Bình Dương có 36.920 người đang cách ly tập trung; 9.715 trường hợp F0 cách ly tại nhà. Đến ngày 26-8-2021, Bình Dương đã tiêm 801.601 liều vaccine phòng COVID-19; trong đó có 767.020 trường hợp tiêm mũi 1 và 34.581 người tiêm mũi 2. Tỉnh Bình Dương đang huy động tổng lực toàn hệ thống chính trị với quyết tâm đến ngày 15-9-2021 kiểm soát được dịch bệnh tại 15 phường “vùng đỏ đậm đặc”.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vaccine để tiêm cho 2 triệu người dân “vùng đỏ” trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trong thời gian tới, nhiều đoàn sẽ kết thúc đợt hỗ trợ chi viện cho ngành y tế tỉnh và rút về, nên tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tỉnh cũng đang thiếu hụt nhân lực y tế cho 100 trạm y tế lưu động (mỗi trạm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) để ứng cứu ngoại viện cho người dân cần hỗ trợ. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Y tế, các địa phương xem xét tiếp tục chi viện, hỗ trợ để tỉnh nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.
Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, dự kiến lên đến 150.000 ca F0 nên nhu cầu kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tăng nhanh và vượt quá khả năng cân đối của địa phương (theo dự kiến nhu cầu chi là 12.242 tỷ đồng) so với nhu cầu tạm tính trên, tỉnh Bình Dương sẽ thiếu 7.652 tỷ đồng. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét phương án hỗ trợ chi ngân sách địa phương 7.652 tỷ đồng để có đủ nguồn thực hiện phòng, chống dịch.
Trường hợp cấp bách cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển (đầu tư công) năm 2021 và được sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng của tỉnh để bổ sung kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương trong quá trình tổ chức về phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, có 4 huyện phía bắc của tỉnh thiết lập được “vùng xanh” an toàn và hai huyện “vùng vàng”. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 địa phương “vùng đỏ”, đặc biệt là 15 phường còn diễn biến dịch rất phức tạp. Do đó, cần tập trung cho 15 phường đang “khóa chặt” và làm quyết liệt hơn. Mục tiêu chung là kiểm soát được dịch nhanh hơn, sớm nhất có thể và phấn đấu 15-9-2021 đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường để thực hiện 2 mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Dương lấy phường, xã, nhà máy, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Lấy người dân làm trung tâm để phục vụ trong phòng, chống dịch, nhưng dân cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Theo đó, mỗi pháo đài phải vận động, kêu gọi, huy động người dân thực hiện nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời kêu gọi toàn dân hiểu tham gia chống dịch vừa trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân, bảo vệ sức khỏe của chính mình, của gia đình và góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Các xã, phường phải bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân khi bà con cần, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế cho mọi người dân, tăng cường thêm oxy, thiết bị... Cuối cùng là bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải thần tốc xét nghiệm toàn tỉnh Bình Dương theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế một cách kịp thời, khoa học, an toàn và hiệu quả; nhanh chóng phân loại F0 để có phương án chăm sóc, chữa chạy kịp thời tại các tầng điều trị. Lưu ý, tiếp cận người bệnh sớm nhất để hướng dẫn, chăm sóc, giảm ca bệnh chuyển nặng, giảm tử vong.
Về kiến nghị phân bổ vaccine và thuốc điều trị, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên cho Bình Dương; đặc biệt tập trung ưu tiên cho số công nhân, người lao động, khu đông người. Bình Dương tập trung thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống từ tỉnh xuống huyện, xã để chỉ huy chống dịch hoạt động 24/24h; tăng cường giám sát từ tỉnh đến xã. Mặt khác, xây dựng kịch bản xấu hơn, cao hơn để chuẩn bị nhân lực, vật lực. Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân y tăng cường xe cứu thương, oxy cho “vùng đỏ” Bình Dương; bổ sung thêm điều kiện cho các trung tâm y tế ở cấp huyện... “Với quyết tâm đồng lòng hành động, cùng thực hiện nhiều giải pháp, trên tinh thần chung là phải kiểm soát được dịch trên địa bàn Bình Dương từ ngày 15-9-2021”, Thủ tướng kết luận./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
“Những liều vắc-xin” để Petrovietnam vượt qua khó khăn trong mùa dịch  (27/08/2021)
Không để lỡ nhịp tốc độ giảm nghèo  (27/08/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh  (26/08/2021)
Thủ đô Hà Nội: Quyết tâm chống dịch phục vụ nhân dân  (26/08/2021)
Phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả, ổn định lâu dài  (25/08/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam  (24/08/2021)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên