Quốc hội quyết sách nhiều nội dung quan trọng cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025
TCCS - Ngày 27-7-2021, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về tài chính quốc gia; vay, trả nợ công; đầu tư công trung hạn…
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021), ngày 27-7-2021, trước khi bắt đầu chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong niềm xúc động và tự hào của cả dân tộc, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Nhận thức sâu sắc được điều đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách ưu đãi người có công, giám sát tổ chức thực hiện, để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến góp ý thêm về một số điểm của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Chính phủ sẽ hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa nội dung ba chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; xây dựng nông thôn mới) đang triển khai hiện nay. Theo đó, khi hoàn thiện chương trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết làm căn cứ để Chính phủ chỉ đạo xây dựng báo cáo, nghiên cứu khả thi và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu và 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời các đại biểu cũng tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn băn khoăn liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với vai trò điều phối thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 63 tỉnh, thành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng trước nhiều áp lực “còn lớn hơn nữa” so với những thực tế được nêu trong ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Bởi mục tiêu cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là làm sao để đưa khu vực nông thôn “trở thành những nơi đáng sống, nơi để chúng ta tìm đến, chúng ta quay về”. Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện chương trình trong những năm trước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý về yếu tố con người trong quá trình tham gia triển khai chương trình, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã. Bởi đây chính là những người gần gũi thường xuyên với người dân cả trong công việc và cuộc sống, để thấu cảm với họ, tìm ra những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; vận động để người dân thay đổi những tập quán còn chưa tốt. Do đó, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sắp tới, cần có những chương trình tập huấn chuyên cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã để hỗ trợ họ tiếp cận được những giá trị mới của chương trình.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tại phiên thảo luận đã có 25 đại biểu phát biểu ý kiến; đa số ý kiến đại biểu đều thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu cơ bản thống nhất với mục tiêu, định hướng, tổng số vốn, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, giải pháp thực hiện của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Các đại biểu đề nghị cần ưu tiên vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ; nghiên cứu ưu tiên bố trí nguồn vốn kịp thời trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, trước mắt là nguồn vốn cho phát triển công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19; bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực giao thông, lĩnh vực văn hóa - giáo dục, dạy nghề, đầu tư nhân lực chất lượng cao...
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều muộn, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết này.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022 và tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết này.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Ngày 28-7-2021, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể.
Sau khi tiến hành các thủ tục thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao; thông qua các nghị quyết về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, kết thúc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
"Khát vọng phát triển đất nước" - Bài học nhìn từ thế giới và lịch sử phát triển Việt Nam  (20/07/2021)
Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới  (14/07/2021)
Chiến lược phát triển du lịch trước những thách thức mới hiện nay  (05/07/2021)
Chiến lược phát triển du lịch trước những thách thức mới hiện nay  (05/07/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay