"Khát vọng phát triển đất nước" - Bài học nhìn từ thế giới và lịch sử phát triển Việt Nam
TCCS - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, mở ra hành trình đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “cất cánh”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, từ chủ đề của Đại hội, hệ quan điểm chỉ đạo, đến cách tiếp cận xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược…, trong đó có nhận thức mới về sức mạnh nội sinh trong bối cảnh mới, là “khát vọng phát triển đất nước”.
Đại hội Đảng là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Kể từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, mỗi kỳ đại hội đều có những điểm nhấn sâu đậm trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận, tin tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Điểm nhấn của Đại hội VI là đổi mới; Đại hội VII là đề ra Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội VIII đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đại hội IX xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội X là tổng kết 20 năm đổi mới, xác định mục tiêu đưa đất nước sớm ra khỏi tình trạng nước kém phát triển; Đại hội XI là bổ sung, phát triển Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế; Đại hội XII là chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đại hội XIII là “khát vọng phát triển đất nước”, là nguồn động lực quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Vì sao “khát vọng phát triển đất nước” lại được xác định là một trong những động lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay? Chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa ý tưởng đó?
Lịch sử phát triển nhân loại đã chỉ ra rằng, muốn đi tới đích đặt ra, trước tiên con người phải có khát vọng. Khát vọng theo cách hiểu phổ quát là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”(1). Theo Keith D. Harrell, một thuyết trình gia nổi tiếng nước Mỹ, thì “khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên trong mỗi con người, được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh”(2). Như vậy, nói đến khát vọng của mỗi con người là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu đã đặt ra. Từ đó có thể khái quát, “khát vọng phát triển đất nước là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người trong cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai”(3).
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển hùng mạnh đều bắt nguồn chính từ những khát vọng vươn lên trở thành một dân tộc hùng cường. Các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, mặc dù khác nhau về diện tích, quy mô dân số, vị trí địa lý, văn hóa, tài nguyên…, nhưng đều có một điểm chung đó là sự trỗi dậy, sự vươn lên của dân tộc, của người dân với ý chí, khát vọng chiến thắng nghịch cảnh, không bằng lòng chấp nhận số phận; là sự đồng lòng, quyết tâm của chính phủ và người dân ở các quốc gia này… Đó chính là nguyên nhân tạo nên những kỳ tích mang tên: “Thần kỳ Nhật Bản”, “Kỳ tích sông Hàn”, hay “Câu chuyện thần kỳ” mang tên Singapore. Với Nhật Bản, chưa đầy 30 năm, từ một nước nghèo về tài nguyên, kinh tế bị tàn phá, kiệt quệ trong Chiến tranh thế giới thứ II (năm 1945) vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ vào năm 1968. Với Hàn Quốc, chỉ khoảng 32 năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của “xứ sở kim chi” đã tăng 100 lần, nhảy vọt từ 100 USD (năm 1963) lên 10.000 USD (năm 1995). Điều này làm cả thế giới phải kinh ngạc. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại cùng với sự ra đời của hàng loạt các tập đoàn kinh tế lớn như: Samsung, Daewoo, Hyundai, LG..., đưa quốc gia này trở thành một trong bốn "con rồng" kinh tế châu Á vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Thời gian 30 năm cũng là con số để Singapore viết nên câu chuyện của chính mình với dấu ấn đặc biệt sau ba thập kỷ nắm quyền của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Thể chế trung thực, kết hợp tư duy thực dụng với hàng loạt cơ chế, chính sách phù hợp đã đưa Singapore từ một hòn đảo thuộc địa trở thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á và là một tiểu cường quốc trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người vào hàng cao nhất thế giới, đạt mức 61.000 USD/người năm 2019, xếp thứ 7 thế giới.
Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, khát vọng phát triển đất nước là khát vọng cháy bỏng, thường trực trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay. Đó thật sự là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Trong lịch sử, Việt Nam chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc, giữ vững nền độc lập dân tộc, sáng tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ không phải chủ yếu bằng tiềm năng quân sự, bằng sức mạnh vật chất, mà trước hết và chủ yếu bằng sức mạnh quật khởi vĩ đại bắt nguồn từ khát vọng về chủ quyền quốc gia với “Sông núi nước Nam vua Nam ở” của Lý Thường Kiệt và khát vọng về một đất nước phú cường đời đời bền vững với “Non sông nghìn thuở vững âu vàng” dưới thời vua Trần Nhân Tông...
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khơi dậy, nuôi dưỡng, truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà còn là người đề ra các chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược phù hợp trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển của đất nước. Chính điều này đã góp phần tạo nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 90 năm qua, từ khi Đảng ra đời vào ngày 3-2-1930. Ở thời khắc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản, bảo đảm tốt đẹp trên các phương diện: xã hội, chính trị, kinh tế và liên kết quốc tế. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã nêu khát vọng đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu bằng nhiệm vụ “trồng người” trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau khi đất nước giành được độc lập, tháng 9-1945. Giữa ác liệt, mất mát, đau thương do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(4). Trong Di chúc, Người đã viết “về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”(5).
Tiếp nối khát vọng phát triển đất nước hùng cường, giàu mạnh của cha ông, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau khi đất nước thống nhất năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân đồng lòng tin theo Đảng tiến hành sự nghiệp đổi mới. Trong 35 năm đổi mới, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao… Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã từng bước vươn lên khẳng định được vị thế, vai trò trên trường quốc tế. Những thành tựu này được bắt nguồn từ khát vọng cháy bỏng về chủ quyền quốc gia, dân tộc, khát vọng vượt qua nghèo nàn, lạc hậu hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Lịch sử phát triển của các nước và Việt Nam đều cho thấy rõ vai trò quan trọng của việc khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó là cội nguồn sức mạnh nội sinh giúp các quốc gia, dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phát triển. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(6). Như vậy, khát vọng phát triển đất nước không những là một trong những động lực quan trọng, mà Đảng còn chủ trương khơi dậy khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới: phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, cần lộ trình, đích đến thông qua những bước đi được dự liệu một cách khoa học, rõ ràng, với phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, nhân dân thực sự được hạnh phúc. Tuy nhiên, để trở thành quốc gia phát triển, đòi hỏi chúng ta cần không ngừng nỗ lực để xác lập cho mình một vị thế vững chắc trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trên cơ sở tận dụng, nắm bắt được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống pháp luật để phục vụ chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Chính phủ cần triển khai sâu rộng với những giải pháp thiết thực, hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, được ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành “Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được giao trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 1-1-2021, của Chính phủ, tạo cơ sở, định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.
Hai là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số như: mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)…; nghiên cứu về mạng 6G và điện toán lượng tử... là những công nghệ dẫn dắt trong tương lai gần. Việc phát triển nhanh các nền tảng số trên và ứng dụng rộng rãi trong chuyển đổi số là tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt, thay đổi về chất, tiến nhanh hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước mắt cần tập trung đầu tư phát triển mạng 5G nhanh hơn nữa, tạo cơ sở nền tảng cho việc chuyển đổi số các ngành kinh tế, các cơ quan, doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ba là, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong 5 đến 10 năm tới cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phục vụ chuyển đổi số nền kinh tế. Theo đó, cần tập trung vào xây dựng cơ chế và giải pháp đồng bộ cho cả ba lĩnh vực: giáo dục, đào tạo nghề và đào tạo đại học, nhất là đổi mới chương trình, nội dung, tập trung đào tạo các nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nền kinh tế. Chú trọng việc liên kết trong đào tạo nghề với sử dụng lao động giữa các cơ sở đào tạo nghề, hiệp hội doanh nghiệp với các doanh nghiệp. Đồng thời, cập nhật, bổ sung tư duy, kiến thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, để nâng cao nhận thức cũng như chất lượng trong nghiên cứu, hoạch định chính sách và quản lý nhà nước của đội ngũ này nhằm đạt đến mục tiêu trong 10 năm tới, nguồn nhân lực Việt Nam đủ về số lượng và năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Khát vọng phát triển đất nước sẽ tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ hiện nay, chuyển hóa những nguồn sức mạnh tinh thần này trở thành động lực phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
----------------------
(1) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr. 493
(2) Keith D. Harrell: Cám ơn cuộc sống, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015; Thay đổi thái độ - Đổi cuộc đời, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr 2, 3
(3) Vũ Minh Khương: “Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam điện tử, ngày 17-1-2020
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.131, 617
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 110
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội  (19/07/2021)
Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới  (14/07/2021)
Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh  (09/07/2021)
Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững  (08/07/2021)
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội  (02/07/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay