Tăng cường, mở rộng công tác tuyên truyền, vận động bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta hiện nay
TCCS - Cùng với việc hoàn thiện về quy trình, thủ tục bầu cử, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta. Hướng đến bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử cần tiếp tục được đổi mới, mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Ở Việt Nam, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện quan trọng của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử có một nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện chính trị này, đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, về tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là một nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Mục đích của việc tuyên truyền, vận động bầu cử là giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội, bảo đảm thực hiện thành công cuộc bầu cử; chủ động đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử, chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước.
Bên cạnh tuyên truyền bầu cử, các hoạt động vận động bầu cử bao gồm các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình, nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân; đồng thời, trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu hội đồng nhân dân. Vì thế, trong quá trình tiến hành bầu cử, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử có vai trò quan trọng, đóng góp vào thành công của các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân các cấp.
Hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử là một trong những nội dung không thể thiếu trong những quy định của Luật Bầu cử ở nước ta. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân năm 2015 đã dành hẳn chương VI “Tuyên truyền, vận động bầu cử” với những điều khoản quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc vận động bầu cử, thời gian tiến hành vận động bầu cử; hình thức vận động bầu cử; hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng ta đang tích cực tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao dân chủ trong hệ thống bầu cử, cũng như học tập và áp dụng công nghệ bầu cử tiên tiến của thế giới, mà một trong những giải pháp quan trọng đó là tăng cường, mở rộng hơn nữa vấn đề tuyên truyền, vận động bầu cử. Đây là một trong những khâu còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện trong các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta. Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động bầu cử.
Trong hoạt động bầu cử hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta hiện nay cần tiếp tục phát huy và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, nhất là đối với công tác cán bộ, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử. Sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp giúp công tác tuyên truyền, vận động bầu cử vừa bảo đảm sự dân chủ, vừa bảo đảm sự tập trung, thống nhất. Thực tiễn cho thấy, nơi nào có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, công tác bầu cử sẽ đạt hiệu quả.
Thứ hai, tuyên truyền bầu cử cần xác định việc tăng cường phổ biến pháp luật bầu cử, giáo dục cho công dân ý thức, trách nhiệm trong việc lựa chọn người đại biểu cho mình.
Tuyên truyền phải làm cho người dân có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, chức năng của bầu cử trong đời sống chính trị. Bầu cử chính là phương thức để nhân dân thực hiện sự ủy quyền cho những người đại diện của mình. Quyền lực nhà nước thực chất là quyền lực do người dân ủy nhiệm thông qua “khế ước xã hội” và cách thức để lập ra khế ước đó chính là con đường bầu cử. Chính vì lẽ đó, bầu cử vừa là nghĩa vụ nhưng hơn cả nó là phương thức thể hiện và hiện thực hóa quyền lực của nhân dân.
Tuyên truyền là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ của các ứng cử viên. Ứng cử viên thông tin cho cử tri về những gì họ có, những gì có thể làm được và mang lại cho cử tri, cho đất nước khi trúng cử. Ngược lại, cũng tạo điều kiện cho cử tri trao đổi, kiểm tra, thậm chí là “sát hạch” đối với các ứng cử viên mà họ trao quyền lực để cử tri yên tâm, tin tưởng khi quyết định bỏ phiếu. Tất cả những thông tin về ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cần được công khai trước cử tri trong những khoảng thời gian nhất định.
Thứ ba, tăng cường sự tham gia của các phương tiện truyền thông đại chúng, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử.
Yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các cơ quan phụ trách tuyên truyền, vận động bầu cử, hệ thống truyền thông đại chúng nước ta là phải bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp để tham gia tích cực và sâu rộng hơn nữa vào hoạt động bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nói riêng, chất lượng của hệ thống chính trị trong nước nói chung. Kết hợp các hình thức, phương pháp tuyên truyền truyền thống với các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Kết hợp tuyên truyền qua sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng; hoạt động cổ động trực quan, văn hóa, nghệ thuật; hệ thống các trường lớp của Đảng, Nhà nước, đoàn thể; sách, ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền; hoạt động tiếp xúc cử tri; hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên… Nội dung thông tin, tuyên truyền cổ động về bầu cử phải được chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trên xuống; các hình thức tranh cổ động, biểu ngữ, khẩu hiệu, cờ quốc huy, thông báo, lá phiếu, thẻ cử tri, mẫu trang trí hòm phiếu… cần đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cần bảo đảm yêu cầu về tính thẩm mỹ, nghệ thuật, góp phần tăng tính hấp dẫn, sinh động, thu hút sự quan tâm của cử tri, làm nên sắc màu ngày hội của toàn dân.
Thứ tư, tạo ra các diễn đàn cho các ứng cử viên có cơ hội khẳng định mình.
Thực tế đang đặt ra yêu cầu đó là các ứng cử viên phải có chương trình hành động cụ thể, để không chỉ cho cử tri biết ứng cử viên làm gì (nếu trúng cử) mà còn phải cho cử tri biết ứng cử viên làm như thế nào, có những bảo đảm cho chương trình hành động đó được thực hiện. Ngoài ra, cũng cần các cuộc tiếp xúc cử tri chung giữa các ứng cử viên, các buổi trả lời chất vấn của cử tri, các buổi tranh luận trực tiếp…, để cử tri có điều kiện lựa chọn người có khả năng, bản lĩnh hơn. “Ban giám khảo” sẽ chính là những người dân bình thường, đánh giá một cách khách quan, không thiên lệch về một ứng cử viên nào. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử phải thật sự đóng góp vai trò của mình như một chiếc cầu nối giúp các đại biểu có thể đến gần với nhân dân hơn và giúp cử tri có nhiều hiểu biết hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn người thay mặt mình để trở thành đại biểu trong các cơ quan nhà nước.
Thứ năm, tuyên truyền, vận động bầu cử đồng thời với giám sát đối với ứng cử viên, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng chính là công cụ giám sát hiệu quả của nhân dân đối với chương trình vận động của các ứng cử viên và của các bước trong quy trình bầu cử. Các phương tiện truyền thông đại chúng thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các cấp chính quyền địa phương và các đại biểu của nhân dân, nhất là những cam kết chính trị, lời hứa của ứng viên với cử tri khi trúng cử .
Thứ sáu, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ của các thế lực thù địch.
Các thế lực thù địch và phản động thời gian qua đã tập trung mũi nhọn xuyên tạc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là đưa ra những thông tin xuyên tạc về tính hợp pháp, hợp hiến của cuộc bầu cử; lợi dụng cuộc bầu cử để bóp méo những vấn đề về dân chủ trong bầu cử; bịa đặt các thông tin tiêu cực về các ứng cử viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Các phương tiện truyền thông đại chúng phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong việc bảo vệ tính hợp pháp, hợp hiến của bầu cử Quốc hội và bẩu cử hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta; khẳng định tính dân chủ và ưu việt trong cơ chế bầu cử của chúng ta; kịp thời đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch...
Hiện nay, cùng với việc hoàn thiện về quy trình, thủ tục bầu cử hội đồng nhân dân các cấp của nước ta, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta, qua đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, những đổi mới trên không được xa rời những yêu cầu mang tính nguyên tắc, như bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động bầu cử; thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội…./.
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay