Để phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay
TCCS - Phát triển kinh tế số được nhiều quốc gia xem như là một xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam quyết tâm nắm bắt xu thế phát triển của thế giới, đồng thời thể hiện nỗ lực tập trung nguồn lực, tạo môi trường và điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Thuận lợi cơ bản đối với sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Thế giới đang bước vào thời đại CMCN 4.0 với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Vì vậy, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế - công nghệ quan trọng nhất hiện nay. Về mặt khái niệm, tuy có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau, nhưng đa số đều thống nhất cho rằng kinh tế số là nền kinh tế mà các mối quan hệ, các hoạt động kinh tế và tài chính được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), in-tơ-nét và công nghệ viễn thông trong hệ thống mạng lưới sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trên thị trường toàn cầu. Nói một cách khái quát, kinh tế số là nền kinh tế ra đời và phát triển dựa trên việc ứng dụng công nghệ số.
Dù đi sau trong cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển kinh tế số với nhiều lợi thế cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đề ra nhiệm vụ tận dụng CMCN 4.0 và kinh tế số để đạt mục tiêu thoát “bẫy thu nhập trung bình”, phát triển bền vững, đưa Việt Nam vào nhóm hai mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 1-1-2019, của Chính phủ, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đề ra các nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế số, như xây dựng giải pháp phát triển nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0; phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, in-tơ-nét băng rộng và mạng di động 5G; xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, từng bước tạo môi trường pháp lý để triển khai kế hoạch chuyển đổi số; thay đổi mô hình quản trị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường, đô thị thông minh... Trên thực tế, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, hình thành cổng thông tin điện tử quốc gia, cải cách mạnh mẽ nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khẩu hiệu “Made in Vietnam” cũng được xem như một cương lĩnh hành động trong phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0.
Thứ hai, nguồn nhân lực là một lợi thế quan trọng cho việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Dân số gần 100 triệu người, 40% dân số dưới 25 tuổi, dân trí khá cao, có nền tảng toán học và công nghệ thông tin tương đối tốt, người Việt Nam được xem là yêu thích và nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ cũng như thích ứng khá nhanh với cái mới, đây chính là một trong những chìa khóa quan trọng để thúc đẩy kinh tế số.
Thứ ba, Việt Nam đang có những nền tảng hạ tầng khá thuận lợi cho việc chuyển đổi và ứng dụng số. Việt Nam có mạng lưới hạ tầng mạng viễn thông, công nghệ thông tin và in-tơ-nét phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp và hiện đại không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Việt Nam có số dân dùng in-tơ-nét, điện thoại thông minh cao và nằm trong tốp đầu các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Thứ tư, những năm gần đây các hình thức của kinh tế số ở Việt Nam phát triển đa dạng, nhanh chóng, hứa hẹn sự bùng nổ mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số khá nhanh trong khu vực. Xu hướng số hóa, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại đến giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, giải trí, quảng cáo và các dạng ứng dụng trực tuyến... Trong đó, đáng chú ý là thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường, trở thành một trong mười thị trường phát triển có tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng TMĐT. Các hình thức chợ trực tuyến (online), mua sắm, kinh doanh, giải trí, cùng với đó là các dịch vụ giao nhận, các giải pháp thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ, máy thanh toán bùng nổ mạnh mẽ, hiện diện khắp mọi “ngõ ngách” đời sống, từng gia đình, khu dân cư. Trong khi các thương hiệu TMĐT nổi tiếng thế giới đang đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam, như Amazon, Ebay, Alibaba, Shopee... thì các trang TMĐT có nguồn gốc Việt Nam cũng đang nở rộ, một số trang, như Lazada Việt Nam, Tiki, Sendo, FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Adayroi,... dần dần chiếm lĩnh thị phần trong nước và qua đó thúc đẩy thay đổi xu hướng và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đưa ra cho thấy tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường TMĐT ở Việt Nam đạt tới 22% và tỷ lệ tiếp cận TMĐT lên tới 28%. Riêng năm 2018, TMĐT ở Việt Nam tăng trưởng 30%, với tổng doanh thu bán lẻ đạt 8 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, ngành thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo có thể tăng mạnh lên tới 30% - 50%/năm và quy mô thị trường thương mại điện tử có thể đạt từ 13 đến 15 tỷ USD vào năm 2020.
Thứ năm, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực và thế giới. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục trong vòng hơn 30 năm qua và những năm gần đây luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%/năm. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh và một nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, sự gia tăng thu nhập của người dân, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và một thị trường nội địa gần 100 triệu dân là nền tảng và sức hút lớn thúc đẩy kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng phát triển.
Những hạn chế, thách thức đối với sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Một là, Việt Nam đi sau trong xu hướng kinh tế số, nhận thức, kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số, thời cơ và thách thức của nó đối với sự phát triển của đất nước còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành dẫn tới nhu cầu, kế hoạch và hành động nắm bắt xu thế kinh tế số còn chưa kịp thời, nhanh nhạy, sự chuyển đổi số ở một số cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp còn hạn chế. Báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cuối tháng 5-2019 cho thấy có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài nền kinh tế số, và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu. Nhận thức về kinh tế số, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số còn chậm chạp, chưa đồng đều, thống nhất từ trên xuống dưới, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân là một hạn chế góp phần làm chậm xu hướng số hóa nền kinh tế Việt Nam.
Hai là, môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số ở nước ta vừa thiếu, vừa nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Thời gian qua, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện và chưa có tiền lệ trước đây làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số, như vấn đề quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến, nhất là kinh doanh qua các mạng xã hội và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động và người tiêu dùng qua thế giới mạng, việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động cũng như lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số. Chúng ta cũng chưa có kế hoạch và phương án ứng xử với sự xuất hiện của các dạng đồng tiền số, thị trường Forex...
Ba là, thách thức về an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta. Kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, in-tơ-nét chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất khi bị tấn công mạng. Trong một thế giới ngày càng kết nối, khi kỹ thuật số trở nên phổ biến, việc ngăn chặn và giải quyết vấn đề tấn công qua mạng ngày càng trở nên cấp bách vì nó không chỉ là vấn đề an ninh, an toàn kinh tế, bảo mật thông tin cá nhân, doanh nghiệp mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.
Bốn là, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số. Việt Nam đang có sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông. Giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển vũ bão của kinh tế số, kinh tế sáng tạo của CMCN 4.0 trên thế giới hiện nay. Vấn đề này nếu không được quan tâm đầu tư thích đáng trong thời gian tới thì sẽ là một điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế số ở nước ta.
Năm là, thói quen mua sắm theo kiểu truyền thống, tâm lý và thị hiếu tiêu dùng, thói quen dùng tiền mặt của người Việt Nam vẫn chiếm ưu thế, chưa dễ thay đổi mạnh mẽ trong một sớm một chiều. Hành vi kinh doanh và tiêu dùng của người dân khu vực ngoài thành thị vẫn chưa có nhiều chuyển biến, kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng vẫn có một khoảng cách lớn giữa thành thị với các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta. Người tiêu dùng Việt Nam, nhất là thế hệ người tiêu dùng trẻ và tầng lớp trung lưu giàu có vẫn có tâm lý ưa chuộng mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ các thương hiệu nước ngoài hơn so với các trang bán hàng trực tuyến từ Việt Nam. Điều này, một mặt, do tâm lý của người tiêu dùng; mặt khác, cũng do các doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, thích ứng với thị hiếu khách hàng, quan tâm xây dựng ảnh hưởng và uy tín thương hiệu, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, dịch vụ chăm sóc và bảo vệ người tiêu dùng sau bán hàng.
Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam
Một là, cần trang bị kiến thức, thống nhất về tư tưởng và hành động cho cán bộ, đảng viên về kinh tế số, cơ hội và thách thức của Việt Nam trong đối ngoại và hội nhập quốc tế trong môi trường kinh tế số, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo quản lý và điều hành kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế số. Việt Nam cần xác định chiến lược phát triển và hội nhập kinh tế số là xu thế của thời đại, là hướng đi quan trọng và cần thiết trong định hướng phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế, là cơ hội cho Việt Nam bứt phá. Môi trường CMCN 4.0 và kinh tế số cần một cuộc cách mạng trong tư duy quản lý và xây dựng thể chế, chính sách để tạo môi trường và không gian cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển. Mọi biểu hiện của tư duy “xin - cho”, bảo vệ lợi ích nhóm hay mệnh lệnh hành chính gây phiền hà theo kiểu không quản hay không nắm được thì hạn chế, cấm đoán không còn phù hợp đối với quản trị quốc gia, quản lý kinh tế và doanh nghiệp trong kinh tế số. Cần sớm chuyển sang tư duy quản trị và điều hành theo hướng cái gì không quy định cấm thì người dân và doanh nghiệp được phép làm; những mô hình, phương thức kinh doanh mới mà chưa rõ, chưa quản được nhưng không gây hại thì thử nghiệm cho hoạt động, và từ yêu cầu thực tiễn nghiên cứu, tìm phương thức quản lý phù hợp, vừa tìm hiểu, học hỏi và thích ứng. Phải biết tiếp nhận những mô hình, ý tưởng kinh doanh mới, khuyến khích cái mới, tạo môi trường, điều kiện và cơ hội cho cái mới ra đời và phát triển.
Hai là, xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế mới trong thời đại kinh tế số, thực hiện “đổi mới” và “hội nhập” vào thị trường kinh tế số toàn cầu, đi đôi với kích thích phát triển và hỗ trợ đúng mức để nuôi dưỡng và thúc đẩy các doanh nghiệp số trong nước không ngừng lớn mạnh. Chiến lược hội nhập quốc tế cần kết hợp vừa “mở cửa, hội nhập” thị trường kinh tế số, vừa phải có chiến lược thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thông qua chính sách hỗ trợ và ưu đãi có chọn lọc, nhất là với những doanh nghiệp công nghệ nội địa tiềm năng vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và sớm đủ sức vươn ra cạnh tranh với bên ngoài.
Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế số rất lớn nhưng quy mô thị trường, khả năng đổi mới sáng tạo còn hạn chế, trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam mới ở những bước đi đầu tiên, còn khoảng cách không nhỏ so với thế giới và khu vực. Vì vậy, cần phải xác định lộ trình hội nhập hợp lý nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số trong nước trưởng thành và vươn lên.
Việt Nam cần tạo môi trường và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp (startup) công nghệ trong nước, chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ, tạo môi trường cho việc vươn lên tự chủ và nội sinh hóa nền khoa học - công nghệ quốc gia thông qua hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đặc biệt quan tâm đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở trong nước trước bối cảnh bảo vệ sở hữu trí tuệ và bí quyết công nghệ, nhất là công nghệ cao có xu hướng gia tăng.
Trước mắt có thể tạo thuận lợi và hỗ trợ phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và thương hiệu kinh tế số trong nước đã có chỗ đứng, như FPT, Viettel, Vin Group, Tiki, Sendo..., có chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp phần mềm, các công viên phần mềm, các khu và dự án công nghệ cao. Với tiềm năng thị trường và xu thế phát triển nhanh chóng của kinh tế số ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp kinh tế số trong nước trước hết phải đặc biệt coi trọng phát triển và chiếm lĩnh thị trường nội địa như bàn đạp cho sự phát triển bền vững cả trước mắt và lâu dài.
Song song đó, hội nhập thị trường kinh tế số với bên ngoài, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ có nguồn gốc nước ngoài vào Việt Nam khởi nghiệp, hoạt động kinh doanh để thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược hội nhập, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, theo đó cần chủ động nhắm tới các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ của thế giới, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và vùng một cách hợp lý, tránh cạnh tranh giữa các địa phương. Trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã tới lúc cần cơ cấu lại mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sàng lọc, lựa chọn và phân loại cơ cấu đầu tư theo hướng không dễ dãi trong thu hút đầu tư, hướng tới các dự án đầu tư có chất lượng, những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp công nghệ cao, cam kết lâu dài, mang lại giá trị gia tăng lớn gắn với định hướng vào R&D tại chỗ và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, tránh việc trở thành nơi chuyển giao các doanh nghiệp và công nghệ lạc hậu của các nước.
Ba là, Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và tham gia các nỗ lực quốc tế, các cơ chế, sáng kiến hợp tác, liên kết quốc tế, khu vực, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp chính sách với các quốc gia trên bình diện cả song phương lẫn đa phương ở các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế số và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ liên quốc gia từ quá trình phát triển kinh tế số hiện nay. Các lĩnh vực hợp tác quan trọng, bao gồm thu thuế xuyên biên giới qua không gian mạng, bảo đảm an ninh an toàn không gian mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, ngăn chặn và chống các loại tội phạm công nghệ, tạo thuận lợi cho kết nối hạ tầng và thanh toán số nhằm hỗ trợ các giao dịch xuyên quốc gia, bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới, xử lý tranh chấp pháp lý về quyền và lợi ích kinh tế qua không gian mạng xuyên biên giới, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Trong khía cạnh này cần coi trọng thúc đẩy hợp tác trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC... nhằm xây dựng những quy tắc phối hợp và ứng xử chung, các hiệp định, công ước và thỏa thuận hợp tác, phối hợp trên những vấn đề liên quan nảy sinh từ sự phát triển của kinh tế số.
Bốn là, quan tâm thúc đẩy cải cách và số hóa những cơ quan, lĩnh vực hoạt động liên quan đến đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế. Các cơ quan làm đối ngoại trong nước cũng như các cơ quan đại diện của Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài cần đi đầu trong công tác số hóa ngành bao gồm việc xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu quốc gia cho ngoại giao số, xây dựng chiến lược quản trị công tác đối ngoại, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến đối ngoại, như đơn giản hóa, số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư với bên ngoài... Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao số, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác đối ngoại, nhất là cán bộ các cơ quan đại diện của Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài có phẩm chất chính trị, có kiến thức, am hiểu về kinh tế số, có tư duy, tầm nhìn mới đáp ứng yêu cầu ngoại giao số, có khả năng bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy các lợi ích của quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường hội nhập vào kinh tế số toàn cầu.
Ngoài ra, để thúc đẩy kinh tế số thì yếu tố nội lực, sức mạnh quốc gia và sự chuẩn bị các điều kiện trong nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong khía cạnh này, các vấn đề sau đây cần được lưu ý:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số.
Trước hết, cần nhanh chóng xác lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam cũng như Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo hướng bảo đảm tuân thủ các quy luật khách quan của kinh tế thị trường và hội nhập, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số; tạo lập, khuyến khích và bảo đảm sân chơi bình đẳng, lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trực tuyến và ngoại tuyến về môi trường khởi nghiệp, đầu tư, về quyền và nghĩa vụ thuế; cải cách và hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế số, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong môi trường kinh tế số. Các hoạt động kinh doanh trực tuyến và TMĐT xuyên biên giới có nguồn gốc từ bên ngoài hiện đang hoạt động ở Việt Nam cần được xem xét nghĩa vụ thuế, nếu không chúng ta vừa thất thu thuế, vừa vô hình đang bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp số nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh tế số cũng cần tính đến xu thế phát triển và tác động của các đồng tiền kỹ thuật số, như Bitcoin, Libra Coin, hay sự nở rộ của thị trường Forex trong giao dịch kinh tế và thị trường tài chính ảo. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống luật pháp và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới kinh tế số, như xây dựng luật văn bản điện tử, chữ ký số...
Thứ hai, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia.
Chính phủ đầu tư phát triển và phổ cập hóa kết cấu hạ tầng in-tơ-nét băng thông rộng toàn quốc, nhanh chóng triển khai các dịch vụ 5G, bảo đảm việc tiếp cận điện năng, chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0. Để tạo điều kiện cho phát triển thương mại điện tử thì hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, hạ tầng chứng thực chứng từ điện tử và hỗ trợ xác thực thông tin giao dịch, các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch điện tử, các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử... cần sớm được hoàn thiện. Cùng với nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cứng, Việt Nam cần tập trung đột phá về hạ tầng thể chế, đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ và giáo dục, coi trọng đổi mới giáo dục, đào tạo theo yêu cầu của CMCN 4.0 và kinh tế số. Điều này bao gồm xây dựng chiến lược đào tạo và thu hút tài năng công nghệ trong và ngoài nước, phát triển nguồn nhân lực công nghệ, nhất là công nghệ thông tin cả về lượng và chất, đổi mới và cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo của thế giới gắn với xu thế phát triển kinh tế số, nhất là đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, tài chính công nghệ trong thời đại số, tạo điều kiện để học sinh các cấp sớm tiếp cận tri thức về công nghệ thông tin và những lĩnh vực công nghệ lõi của CMCN 4.0.
Thứ ba, hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế CMCN 4.0 cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới.
Có kiến thức và tư duy về kinh tế số là quan trọng nhưng có tư duy hội nhập, thích ứng với thị trường kinh tế số quốc tế và xu hướng CMCN 4.0 càng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ trước môi trường cạnh tranh ngày càng mang tính quốc tế qua không gian mạng. Tư duy quản trị và vận hành doanh nghiệp chuyên nghiệp, theo quy chuẩn quốc tế cũng cần được chú ý định hình trong mỗi doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Thứ tư, tiếp tục khơi dậy tinh thần dân tộc, lý tưởng và khát vọng đưa dân tộc đi tới thịnh vượng, từ đó khơi dậy và tạo động lực cho văn hóa khởi nghiệp của người Việt Nam, nhất là trong tầng lớp thanh niên.
Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tinh thần dân tộc của thanh niên trong thời đại kinh tế số, Nhà nước cần coi trọng khu vực kinh tế tư nhân, coi đó là động lực hàng đầu cho phát triển của đất nước nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng.
Thứ năm, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số và đi tiên phong trong quá trình số hóa bộ máy quản trị quốc gia.
Điều này bao gồm việc cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, xây dựng một nền hành chính công vụ thông minh, gọn nhẹ, kỷ cương, liêm chính và kiến tạo, đột phá trong tinh giản hóa và nâng cao hiệu quả quản trị của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành, mạnh mẽ xóa bỏ các tổ chức quản lý trung gian, nhanh chóng và đồng bộ số hóa bộ máy quản lý nhà nước các cấp cũng như xây dựng và triển khai chiến lược, các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp.
Thứ sáu, coi trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh chính trị, an ninh văn hóa và an ninh quốc gia nói chung qua không gian mạng, giám sát và phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Điều này cần được chú ý cả ở cấp quốc gia cũng như trong mỗi cơ quan, đơn vị các cấp và từng doanh nghiệp, nhất là hệ thống tài chính - tiền tệ và các cơ quan chính phủ được số hóa./.
Thúc đẩy phát triển kinh tế đạt mục tiêu đề ra của năm 2019  (02/11/2019)
Nhìn lại ba năm thực hiện quản lý thu - chi ngân sách thành phố Hà Nội  (23/10/2019)
Nhận thức và ứng xử đúng quy luật với vấn đề bóc lột trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (22/10/2019)
Thành phố Hà Nội thực hiện kiểm soát chi và hợp lý hóa cơ cấu chi để giảm chi thường xuyên trong ngân sách thành phố  (13/10/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam