Về sự liêm chính trong kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp hiện nay
TCCS - Thời gian qua, nhiều vụ án lớn về kinh tế với những tội danh tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng cùng sự đổ vỡ của không ít doanh nghiệp đã và đang dấy lên những hồi chuông cảnh báo rất đáng lo ngại về vấn đề liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Thực trạng đó đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính đồng bộ với ba chủ thể cơ bản là cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội và tầng lớp doanh nhân để bảo đảm chuẩn mực liêm chính trong kinh doanh, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Vai trò của liêm chính trong kinh tế
Liêm chính là phẩm chất, chuẩn mực đạo đức và luân lý cơ bản, hàng đầu của mỗi cá nhân và cộng đồng trong đời sống xã hội. Nó là nguyên tắc quan trọng nhất quy định sự hành xử của con người trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, không chỉ trong chính trị mà còn cả trong kinh tế. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, nguyên tắc liêm chính được giới kinh doanh và doanh nghiệp hết sức đề cao. Trong tuyên bố của nhà doanh nghiệp châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản tại cuộc đàm phán Caux được tổ chức ở Thụy Sĩ của các về quy tắc đạo đức kinh doanh, 13 quy tắc cụ thể đã thể hiện tinh thần liêm chính. Quy tắc thứ 3: “Hành vi của doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc thực hiện đúng các văn bản pháp luật mà phải hướng tới một tinh thần có trách nhiệm. Khi chấp nhận tính hợp pháp của các bí mật thương mại, các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng sự chân thành, ngay thẳng, trung thực, biết giữ lời hứa và minh bạch không chỉ góp phần xây dựng uy tín và sự ổn định của mình mà còn tạo ra sự suôn sẻ và hiệu quả của các giao dịch kinh doanh, đặc biệt là trên thương trường quốc tế”(1). Như vậy, nguyên tắc liêm chính không chỉ bảo đảm cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững mà còn góp phần phát triển nền thương mại quốc tế.
Liêm chính hay liêm, chính là những khái niệm đã được quan tâm từ khi nhân loại bước vào giai đoạn văn minh, khi con người đã nhận thức được các mối quan hệ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về “lối làm việc” (trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc) hay lối sống nói chung, hoặc khi nói về cần, kiệm, liêm, chính - những phẩm chất “nền tảng” của con người, của xã hội, đã giải thích:
Liêm là “quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”(2) hay “là trong sạch không tham lam”(3). Để làm rõ nguyên tắc liêm trong hoạt động kinh tế, Người giải thích: “Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu, chợ đen, chợ đỏ, tích trữ đầu cơ. Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào… Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào”(4) đều là bất liêm.
Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”(...). Làm việc CHÍNH, là người THIỆN”(5).
Như vậy, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nguyên tắc liêm gắn bó chặt chẽ với nguyên tắc chính và chúng tích hợp thành một nguyên tắc, chuẩn mực chung là liêm chính. Có thể hiểu liêm chính là trong sạch, ngay thẳng, chính trực, biết liêm sỉ là phẩm chất cốt yếu của nhân cách. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Liêm chính là ngay thẳng và trong sạch”(6).
Liêm chính có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với con người, xã hội và có độ bao phủ mọi hoạt động xã hội của con người.
Trong hoạt động kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, có thể khẳng định, liêm chính là yếu tố cốt lõi, là phẩm chất cơ bản của đạo đức kinh doanh, nó chi phối các phẩm chất của đạo đức kinh doanh. “Văn hóa kinh doanh là biểu hiện của đạo đức kinh doanh của tổ chức”(7). Như vậy, liêm chính cũng chính là phẩm chất cơ bản của văn hóa doanh nghiệp. Liêm chính tác động đến đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và thông qua đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp mà tác động đến chủ thể kinh doanh, đến doanh nghiệp, thậm chí tùy vào quy mô, mức độ phát triển của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của một quốc gia nói riêng và cả nền kinh tế thế giới nói chung.
Đối với chủ thể kinh doanh (cũng là chủ thể chính của văn hóa doanh nghiệp), liêm chính điều chỉnh hành vi kinh doanh phù hợp với mục đích kinh doanh chân chính (vì lợi ích của cá nhân và cộng đồng), tạo dựng nhân cách tốt đẹp cho họ (nhân cách doanh nhân) được xã hội tôn vinh, yêu mến và ca ngợi. Đối với nhân viên trong công ty, doanh nghiệp, liêm chính giúp cho họ tận tụy, trung thành với công ty, doanh nghiệp, hoàn thành công việc, đoàn kết với nhau, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của mình và lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Đối với khách hàng, liêm chính giúp cho họ có thái độ đúng mực khi mua sản phẩm của các công ty, không đòi hỏi nhà sản xuất phải cung cấp những hàng hóa quá khả năng của họ hoặc không được nhà nước, xã hội cho phép kinh doanh. Liêm chính cũng giúp cho họ biết tiêu dùng hợp lý, không gây ra sự lãng phí tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và không gây ra sự hỗn loạn thị trường (bằng hành vi đầu cơ, tích trữ, loan tin giả…). Đặc biệt, liêm chính giúp cho khách hàng có sự thông cảm, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và “trung thành” với sản phẩm của doanh nghiệp. Đối với chủ đầu tư, liêm chính giúp cho họ có sự định hướng đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chính đáng và vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; đồng thời, liêm chính cũng giúp cho họ có những yêu cầu đúng mực đối với người kinh doanh, chia sẻ thuận lợi, khó khăn giúp cho doanh nhân yên tâm trong việc ổn định, phát triển lâu dài công việc kinh doanh. Đối với các đối tác và đối thủ cạnh tranh, liêm chính giúp cho họ có ý thức tuân thủ những cam kết hợp tác kinh doanh vì lợi ích của nhau, của xã hội và cạnh tranh lành mạnh, trung thực không nhằm triệt hạ đối thủ và độc quyền, độc chiếm thị trường…
Như vậy, liêm chính là phẩm chất cơ bản của đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh (theo nghĩa tích cực); liêm chính có tác động to lớn đối với hoạt động kinh doanh, với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Suy rộng ra, liêm chính cũng góp phần vào sự phát triển bền vững nền kinh tế của mọi quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, liêm chính còn củng cố mối quan hệ hợp tác, đầu tư, liên doanh, liên kết kinh tế của các quốc gia, các khu vực; bảo đảm tính bền vững của các thỏa ước kinh tế giữa các nước và của các tổ chức quốc tế. Liêm chính bảo đảm cho sự phát triển kinh tế của các nước và của thế giới ổn định lâu dài; đem lại sự tin cậy giữa các doanh nghiệp hợp tác với nhau, giữa các nền kinh tế là đối tác của nhau nhờ sự minh bạch, thẳng thắn, thiện chí và đôi bên cùng có lợi. Không một doanh nghiệp hay một tập đoàn kinh tế nào lại đầu tư vào một nền kinh tế thiếu minh bạch, thiếu liêm chính khi họ chủ trương làm ăn nghiêm túc, lâu dài. Các hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế, xuất, nhập khẩu hàng cấm… trên thương trường quốc tế thời gian gần đây đều liên quan đến đạo đức kinh doanh, vi phạm các chuẩn mực liêm chính, trung thực trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp, tập đoàn, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của quốc gia. Thực trạng này cũng xảy ra trong nền kinh tế nước ta và Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đang hết sức quan ngại, nỗ lực tìm giải pháp khắc phục.
Nhận diện sự thiếu liêm chính trong kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay
Không thể phủ nhận những thành tựu to lớn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện) đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm vừa qua. Chúng ta cũng không thể phủ định những nỗ lực to lớn nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, thử thách bằng tài năng, ý chí để làm giàu cho cá nhân và góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Song cũng phải thừa nhận thực tế là sự thiếu liêm chính hay sự vi phạm các chuẩn mực liêm chính trong hoạt động kinh doanh, trong văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay đã và đang cản trở sự phát triển kinh tế, làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng.
Biểu hiện của sự thiếu liêm chính trong hoạt động kinh doanh ở nước ta thời gian qua rất đa dạng vừa tinh vi, vừa trắng trợn.
Trước tiên là tham nhũng, lãng phí chủ yếu trong một số doanh nghiệp nhà nước (các tập đoàn, các tổng công ty). Không ít các cán bộ nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh (chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch tập đoàn, giám đốc công ty,…) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, tham nhũng, vơ vét tài sản nhà nước; móc ngoặc với các doanh nhân bên ngoài (công ty tư nhân, “sân trước” và “sân sau”) và cả doanh nghiệp nước ngoài để bòn rút tiền của đất nước vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong thực hiện các dự án đầu tư công, họ không chỉ tham ô mà còn gây lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước; tham nhũng bằng việc vòi vĩnh tiền “bôi trơn”, đút lót của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đấu thầu, thi công các dự án. Các vụ án xảy ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri)… đã gây dư luận xấu trong xã hội, bất bình trong nhân dân…
Hai là, lừa dối chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của xã hội trong rất nhiều hoạt động kinh doanh mà nổi bật là hoạt động ngân hàng. Bằng rất nhiều mánh khóe huy động vốn, góp vốn, trả lãi cao và trả lãi ngoài… nhiều chủ ngân hàng thương mại đã chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng, làm sụp đổ nhiều ngân hàng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và mất lòng tin của xã hội. Những vụ xét xử các “đại gia” ngành ngân hàng gần đây, như Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình, Trầm Bê… cùng đồng phạm đã phơi bày sự vi phạm chuẩn mực liêm chính, chà đạp lên chữ “tín” - một nguyên tắc tối thượng của hoạt động tài chính, ngân hàng hiện nay.
Ba là, buôn gian, bán lận, lừa gạt khách hàng. Nhiều vụ buôn bán hàng giả gây nhức nhối trong dư luận, như vụ buôn bán thuốc chữa ung thư giả của Công ty cổ phần VNPharma, buôn bán xăng giả tại Công ty Xăng dầu Mỹ Hòa Hưng (tỉnh Sóc Trăng) hoặc hàng giả nhãn hiệu Việt Nam, như Công ty Khaisilk, Nhật Cường… lừa dối người tiêu dùng, gây hại cho nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, hiện tượng gian lận xuất xứ, đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao dán mác giả hàng Việt Nam gần đây làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa nước ta và nhiều nước khác. Nhiều doanh nghiệp được thành lập hay nhân danh doanh nghiệp để buôn lậu, nhập lậu hàng quốc cấm từ thuốc lá, chất gây nghiện, hê-rô-in, ngà voi, sừng tê giác đến đồ phế thải... Đây là những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và hoàn toàn trái với đạo lý chứ không chỉ vi phạm nguyên tắc liêm chính của một số doanh nghiệp hiện nay.
Bốn là, trong lĩnh vực sản xuất, vấn nạn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng bán ra thị trường hoặc trà trộn vào hàng hóa của các đơn vị khác nhằm kiếm lời bất chính đã và đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Có thể kể ra hàng loạt các vụ gian lận như vậy đã được các cơ quan chức năng triệt phá, như sản xuất thuốc chống ung thư bằng bột than tre (Hải Phòng), sản xuất mỹ phẩm giả (Hà Nội), sản xuất bột ngọt giả (tỉnh Đồng Nai); sản xuất hạt tiêu độn bột pin (tỉnh Bình Dương) và cà phê độn bột ngô (Thành phố Hồ Chí Minh)… Đặc biệt là hiện tượng bơm tạp chất vào tôm của khá nhiều cơ sở kinh doanh tôm tươi và tôm đông lạnh bán cho người tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Những hành động bất liêm chính đó không chỉ vừa làm hại sức khỏe, vừa làm mất lòng tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất thị trường xuất khẩu của nước ta.
Năm là, sự gian dối và vô trách nhiệm đối với môi trường và sinh kế của người dân. Câu chuyện của Công ty sản xuất bột ngọt Vedan “bức tử” dòng sông Thị Vải, Công ty Formosa xả thải chất độc hại tiêu diệt các loài hải sản ở 4 tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng to lớn đến đời sống của người dân trong vùng. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến hóa chất, chất độc hại xả thải ra môi trường không qua xử lý đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống, chất lượng sống của con người và hủy hoại môi trường tự nhiên. Tình trạng các doanh nghiệp khai thác các tài nguyên, như đất đai, khoáng sản, gỗ rừng, nguồn nước, thủy hải sản… một cách ồ ạt, lãng phí theo kiểu tận diệt, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới môi trường, đe dọa sự an toàn của người dân… diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Sáu là, sự gian dối khi làm các nghĩa vụ của người kinh doanh đối với Nhà nước, người lao động và xã hội. Đó là các hành vi trốn thuế, nợ thuế đối với Nhà nước, trốn nợ đóng bảo hiểm cho người lao động; trốn tránh trách nhiệm xã hội, ép buộc người lao động, trả công không thỏa đáng cho người làm thuê; những hành động vi phạm pháp luật, như khai man thuế và lập khống hóa đơn để nhận tiền hoàn thuế của Nhà nước; thực hiện không đúng các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp nước ngoài, làm ảnh hưởng uy tín của đất nước trong hợp tác kinh doanh, đầu tư, xuất, nhập khẩu.
Ngoài ra còn nhiều biểu hiện khác, như quảng cáo gian dối, phóng đại chất lượng, tác dụng của sản phẩm, nâng giá quá mức; quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo (qua mạng), chộp giật, lừa đảo (bán hàng đa cấp)… Thông qua quảng cáo, tiếp thị không chỉ lừa gạt khách hàng mà còn hạ uy tín của đối thủ; thậm chí bằng nhiều thủ đoạn không lành mạnh để triệt hạ đối thủ cạnh tranh. Những hiện tượng nêu trên chỉ là những điểm nhấn, còn trong thực tiễn hoạt động kinh doanh ở nước ta hiện nay còn xuất hiện vô số chiêu trò lừa đảo, trái với chuẩn mực liêm chính, đạo đức kinh doanh chân chính và văn hóa kinh doanh tích cực, nhân văn mà không thể thống kê hết được. Ngoài ra còn có hiện tượng chạy chọt, dùng tiền để “mua” các danh hiệu để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi cá nhân (chủ doanh nghiệp) và doanh nghiệp, coi đó là một phương tiện, một “lợi thế” để đấu thầu công trình hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ một cách không chính đáng. Họ sử dụng danh hiệu đó vào cả mục đích kinh tế và phi kinh tế như được bầu cử vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước, được phong các danh hiệu vinh dự quốc gia (anh hùng, chiến sĩ thi đua) hay gây ảnh hưởng đến các chính sách, chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, ngành, nghề, lĩnh vực và địa phương...
Giải pháp khắc phục vi phạm nguyên tắc liêm chính trong kinh doanh và văn hóa kinh doanh ở nước ta
Để bảo đảm chuẩn mực liêm chính trong kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp cần chú ý đến ba chủ thể cơ bản là cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội và tầng lớp doanh nhân.
Thứ nhất, cơ quan nhà nước (bộ máy quyền lực, bộ máy quản lý nhà nước) ngoài việc thực hiện đúng các chức năng của mình còn cần phải tích cực chống tham nhũng; đẩy mạnh các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chống các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, như buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, làm hàng giả, gian lận xuất xứ… Nghiêm khắc trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật gây hại cho sự phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các vướng mắc của doanh nhân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, loại bỏ những hành vi cản trở hoạt động kinh doanh chính đáng, gây khó khăn cho doanh nghiệp… Đề cao, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp chân chính nêu cao tinh thần liêm chính phục vụ cho xã hội, cho đất nước bằng các hình thức thực sự trọng thị.
Thứ hai, xã hội cần có một thái độ ứng xử đúng mực với doanh nhân, doanh nghiệp, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, khuyến khích họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở nước ta hiện nay đang phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước và động viên các doanh nhân, doanh nghiệp. Đối với các tổ chức xã hội, nghề nghiệp việc tăng cường các hoạt động biểu dương doanh nhân, doanh nghiệp chân chính là cần thiết. Xã hội cần có những người tiêu dùng thông thái và nghiêm khắc để đánh giá chất lượng hàng hóa và dịch vụ; giám sát các hoạt động kinh doanh, lên án, phê phán những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức và pháp luật. Xã hội cần chung tay “nói không” các sản phẩm của các doanh nghiệp, tập đoàn không thực hiện đúng đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội gây hại cho nền kinh tế, cho môi trường, cho người tiêu dùng,…
Thứ ba, doanh nhân, doanh nghiệp (chủ thể thực hành đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp) phải tự ý thức được việc giữ gìn chuẩn mực, nguyên tắc liêm chính trong “sự nghiệp” kinh doanh của mình cũng như sự tồn tại và phát triển bền vững của công ty, tập đoàn… Sự nghiệp kinh doanh của doanh nhân thành công lâu bền phải đặt trên nền tảng nguyên tắc liêm chính. Tất cả kiểu kinh doanh chộp giật, lừa dối trước sau sẽ thất bại, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Danh tiếng của doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ ở sự giàu có, phát đạt mà còn ở phẩm giá tinh thần, đạo đức của mình. Lớp doanh nhân xuất hiện trên thương trường đầu tiên của nước ta, như Lương Văn Can, Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Hồ Tá Bang và Đỗ Đình Thiện,… đã nêu tấm gương cao đẹp cho doanh nhân Việt Nam. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư Gửi các giới Công thương Việt Nam (ngày 13-10-1945): “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”(8). Đó là đạo lý kinh doanh, là nghĩa vụ và là niềm vinh dự của các doanh nhân chân chính gắn với nguyên tắc, chuẩn mực liêm chính của đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp - con đường dẫn tới thành công.
Việc cảnh báo sự liêm chính trong kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay là vấn đề rất đáng quan tâm, vừa là vấn đề lý luận, vừa là vấn đề thực tiễn đang đặt ra cấp bách, có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bảo đảm nguyên tắc, chuẩn mực liêm chính trong kinh doanh là trách nhiệm, nghĩa vụ chung của cả xã hội./.
--------------------------------
(1) PGS. TS, Dương Thị Liễu (Chủ biên): Giáo trình Văn hóa kinh doanh, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2011, tr. 153
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 126
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 126
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 129
(6) Từ điển Tiếng Việt,Trung tâm Từ điển học, Nxb. Đà Nẵng, 2011, tr. 883
(7) Xem: Nguyễn Mạnh Quân (biên soạn): Đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2011, tr. 19, 21
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 53
Về một chủ nghĩa tư bản mới  (06/02/2011)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay