Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Nhiều hoạt động ấn tượng
Năm Du lịch quốc gia 2018 Hạ Long - Quảng Ninh với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện” được tổ chức với chuỗi các sự kiện, chương trình tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tỉnh Quảng Ninh tổ chức 54 chương trình, sự kiện; các tỉnh thành phố khác tổ chức 42 chương trình, sự kiện hưởng ứng. Tại Quảng Ninh, một số chương trình đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh như: Lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội Trà Hoa Vàng (Bình Liêu), lễ hội Yên Tử (Uông Bí), lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử (Uông Bí), hội chợ OCOP (Hạ Long), giải Bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế Tuần Châu (Hạ Long), giải Marathon quốc tế Hạ Long 2018 (Hạ Long)…
Trong Năm Du lịch quốc gia 2018, khách du lịch quốc tế đến nước ta đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người, doanh thu đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Riêng tỉnh Quảng Ninh đã đón 12,2 triệu lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, tăng trên 22% so cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2017. Quảng Ninh đã và đang khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch ngày càng hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, với gần 100 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, Năm Du lịch quốc gia 2018 đã được tổ chức thành công, đạt hiệu quả cao cả về đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa. Những nỗ lực của các tỉnh, thành phố, nhất là của tỉnh Quảng Ninh đã góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thành công lớn nhất của Năm Du lịch quốc gia 2018 là tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch tại các trung tâm du lịch. Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông chất lượng cao như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Cao tốc Vân Đồn - Hạ Long, Cảng Tàu biển du lịch quốc tế Hạ Long, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và các dự án khu nghỉ dưỡng, sân golf đẳng cấp liên tục được khai trương trong năm 2018 đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh, diện mạo của du lịch Quảng Ninh, góp phần tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Để phát huy những kết quả đạt được của Năm Du lịch quốc gia 2018, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa, các tỉnh, thành phố nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng cần phát huy lợi thế tiềm năng và kết quả đạt được để du lịch thực sự phát triển bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp hỗ trợ các địa phương tăng cường quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của năm du lịch quốc gia, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, gắn phát triển kinh tế du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; Đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận những chính sách, dự án lớn trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm dịch vụ và tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư về du lịch.
Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch
Để tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch. Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, về cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng miền địa phương với các hình thức phong phú, đa dạng đến người dân, doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước nhằm góp phần quảng bá về điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”. Truyền thông, quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam góp phần xây dựng, định vị hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.
Nội dung cần tập trung tuyên truyền gồm: 1- Thông tin tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội dung và kết quả thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án của Nhà nước về phát triển du lịch và quy tắc ứng xử văn minh trong lĩnh vực du lịch; 2- Thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế; 3- Tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình, các điển hình thành công tiêu biểu trong phát triển du lịch, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Thực hiện tuyên truyền các nội dung trên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông lồng ghép qua các hoạt động và sự kiện; truyền thông qua hệ thống Internet và truyền thông qua các hoạt động khác như: Cung cấp tài liệu truyền thông về du lịch đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tham khảo; xây dựng, xuất bản ấn phẩm về du lịch để tổ chức truyền thông tại các hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức cuộc thi tuyên truyền quảng bá hình ảnh về du lịch...
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Một trong những hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch là phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn vừa là một biện pháp phát triển du lịch, vừa là giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn.
Trong phát triển du lịch nông thôn, cần coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Để có các giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả, trước hết cần có nhận thức và làm rõ nội hàm về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem xét là một giải pháp để xây dựng nông thôn mới, không chỉ là một công cụ để xóa đói giảm nghèo, mà còn để đa dạng hóa thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái.
Cần xem xét đến các yếu tố chính để phát triển du lịch nông thôn, trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương; lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá và tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế, mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường; sự tham gia của cộng đồng và người dân nông thôn với tư cách là chủ thể của du lịch nông thôn; vấn đề giới trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong quá trình phát triển du lịch nông thôn; phát huy vai trò của các bên liên quan khác như: Các công ty lữ hành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với việc nâng cao giá trị và sự khác biệt của các sản phẩm hướng tới từng nhóm đối tượng du khách đặc thù.
Để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện, xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.
Cần chủ động đánh giá tiềm năng và định hướng, quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng với các tua, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo, hướng vào chiều sâu và bền vững. Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu. Đối với những địa phương đã có tiềm năng rõ rệt để phát triển du lịch nông thôn, phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch phải gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại về thiên tai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng chịu tác động rủi ro.
Mỗi địa phương phải thực sự chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tua, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.
Về xây dựng chính sách phát triển du lịch nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch nông thôn, nhất là chính sách liên quan đến các thủ tục quản lý người nước ngoài, quản lý lưu trú; chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch (nguồn vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư, quỹ vốn vay từ các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp); chính sách hỗ trợ đào tạo cho người dân nông thôn làm du lịch.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền, làm cơ sở để thu hút du khách đến trải nghiệm, tiêu thụ. Mỗi tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, phải chú trọng đến việc rà soát, phát huy lợi thế về sản xuất để phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch; xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đối với các thôn, bản, ấp được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, ấp, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời phát huy lợi thế để phục vụ phát triển du lịch.
Tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc xây dựng thương hiệu đặc trưng; chú trọng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn, đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại./.
Xuân sớm trên những công trình dầu khí biển  (24/01/2019)
Agribank trao thưởng sổ Tiết kiệm 01 tỷ đồng cho khách hàng trúng giải Đặc biệt thứ hai Chương trình “Cùng Agribank mừng Quốc khánh - Niềm vui nhân đôi”  (24/01/2019)
Tập đoàn Marubeni coi Việt Nam là thị trường quan trọng ở châu Á  (24/01/2019)
Việt Nam đặc biệt coi trọng và nghiêm túc thực hiện UPR  (24/01/2019)
Thủ tướng đối thoại với Chủ tịch WEF về chủ đề Việt Nam và Thế giới  (24/01/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay