Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bắc Ninh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
TCCSĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 18 lần về thăm Bắc Ninh, riêng trong hai năm 1958 - 1959, Người đã về tới 5 lần. Người viết nhiều tài liệu, bài báo về Bắc Ninh và dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân những công việc hết sức cụ thể trong xây dựng và phát triển địa phương, trong đó có những nội dung hết sức có giá trị về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh
Ngày 11-7-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với trên 2.000 đại biểu là cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, các chiến sĩ thi đua, đại diện tổ đổi công, hợp tác xã, bộ đội dự Hội nghị thi đua của tỉnh tổ chức tại thị xã Bắc Ninh. Người phân tích tình hình và động viên Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh phải khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất nông nghiệp’; “cán bộ các cấp phải có sự chuyển hướng mạnh mẽ về tư tưởng và lề lối làm việc”(1).
Trong năm 1958, Người 3 lần về thăm các công trình thủy lợi ở Bắc Ninh: Lần thứ nhất, ngày 20-9-1958, thăm cán bộ, công nhân và dân công đang làm việc trên công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, Người nói về ý nghĩa, mục đích của công trình: “Ngày trước, dưới chế độ thực dân và phong kiến, ba tỉnh Bắc - Hưng - Hải mười năm chín hạn. Năm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn... Nay Đảng và Chính phủ quyết định cùng nhân dân xây dựng công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào”(2). Lần thứ hai, ngày 16-10-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm một số công trường thủy lợi loại vừa ở Bắc Ninh và đến công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, Người đến tận nơi thăm anh chị em dân công đang hăng hái thi đua đào kênh và nạo vét sông, khen ngợi, động viên và căn dặn: “Việc xây dựng công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến, quyết thắng”(3). Lần thứ ba, ngày 25-12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Bắc - Hưng - Hải giữa lúc đang thi đua đổ bê tông tầng móng cống Xuân Quan và hoàn thành việc đào kênh để kịp lấy nước phục vụ sản xuất đông - xuân, Người khen anh em công nhân có nhiều tiến bộ và nhắc nhở cần cố gắng hơn nữa, phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô(4).
Ngày 14-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Sau khi nghe báo cáo thành tích công tác thủy lợi của tỉnh, Người trao 10 huy hiệu cho những người có nhiều thành tích nhất trong công tác thủy lợi. Nói chuyện với Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”(5).
Hiểu sâu sắc tầm quan trọng của thủy lợi, tháng 7-1960, đi kiểm tra tình hình đê điều và công tác chuẩn bị phòng, chống lũ lụt ở Bắc Ninh, thăm đê sông Cầu, Người dặn: “Phải lấy thanh niên làm nòng cốt trong việc phòng chống lụt, bảo đảm vụ mùa thắng lợi”(6).
Một số kết quả đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh
Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy các thế mạnh và khai thác mọi nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, trong đó luôn coi trọng công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ một tỉnh kinh tế thuần nông, Bắc Ninh vươn lên trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: 12,4% (giai đoạn 1997 - 2000) lên 14% (giai đoạn 2001 - 2005), 15,5% (giai đoạn 2006 - 2008), 16,2% (giai đoạn 2009 - 2016) và 19,12% năm 2017. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thương mại, giảm tỷ trọng nông nghiệp (hiện nay còn khoảng 2,6%).
Bắc Ninh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, ứng dụng công nghệ cao ngày càng được đẩy mạnh. Việc sử dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, nhiều khâu sản xuất đạt tỷ lệ cơ giới hóa cao đã tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Hệ thống hạ tầng nông thôn, các công trình thủy lợi, cấp nước, vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư nâng cấp và phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa; cảnh quan, môi trường thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Cụ thể:
Một là, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp Bắc Ninh theo hướng hàng hóa, hiện đại. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,3%/năm (giai đoạn 2008 - 2017). Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt từ 53,7% xuống còn 40,1%, tăng tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản từ 40,4% lên 54,1%, trong đó phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức tập trung, công nghiệp.
Công tác dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch đồng ruộng và tổ chức lại sản xuất được triển khai đồng bộ, các hình thức liên kết sản xuất để tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất quy mô lớn góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 95%, khâu thu hoạch đạt khoảng 70%, đẩy mạnh xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tái sử dụng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn sinh học, công nghệ sinh thái, đạt chuẩn GAP... Trong trồng trọt đã hình thành 200 vùng sản xuất lúa với quy mô từ 5 ha trở lên; 71 vùng rau, màu chuyên canh có quy mô từ 5 ha trở lên; 20 vùng, cơ sở sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 02 ha trở lên. Trong chăn nuôi đã hình thành những vùng chăn nuôi lợn tập trung, vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Trong thủy sản đã hình thành 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung có quy mô 10 ha trở lên với tổng diện tích 3.229 ha; 22 vùng nuôi cá lồng trên sông cho năng suất đạt 4-6 tấn/lồng.
Thực hiện hiệu quả Chương trình khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp, trình độ và hiệu quả ứng dụng công nghệ cao được nâng lên. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, điển hình như sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính, tưới tự động; chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây để sản xuất cá chép giống, công nghệ sử dụng hoóc-môn để sản xuất giống cá rô phi đơn tính...
Đổi mới mạnh mẽ các hình thức tổ chức sản xuất; kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và làng nghề có sự chuyển biến tích cực; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được khuyến khích phát triển để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Toàn tỉnh có 465 hợp tác xã nông nghiệp và 212 tổ hợp tác, 248 trang trại tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa. Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn đang từng bước được xây dựng và phát triển. Một số doanh nghiệp lớn, như tập đoàn Dabaco, công ty Hồ Gươm đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, làm thay đổi diện mạo và phương thức sản xuất nông nghiệp.
Toàn tỉnh có 69 làng nghề, trong đó có 57 làng nghề truyền thống với 12.700 hộ và 43.094 lao động, chiếm khoảng 5,7% số lao động của tỉnh; thu nhập bình quân của lao động ở các làng nghề đạt 5 - 6,5 triệu đồng/lao động/tháng. Giá trị sản xuất của các làng nghề năm 2016 đạt 13.861,4 tỷ đồng, tăng 55,1% so với năm 2008.
Hai là, phát triển mạnh khu vực nông thôn, trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới luôn được duy trì và phát triển với số tiêu chí bình quân đạt chuẩn ở mức cao (18,6 tiêu chí/xã) trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hệ thống hạ tầng nông thôn được nâng cấp, cảnh quan môi trường thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Đến hết năm 2018, dự kiến tỉnh có 88 xã (chiếm 90,7%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (so với vùng đồng bằng sông Hồng có 70,94% số xã, cả nước có 38,32% số xã đạt chuẩn), có 04 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ, Gia Bình). Đây là tiền đề, động lực quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới nhằm đạt được những kết quả cao hơn trong giai đoạn tới và góp phần phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Đến nay, có 98,3% số người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 82,3% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn của tỉnh giảm từ 7,72% năm 2008 xuống còn 2,59% năm 2017; thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng từ 22,6 triệu đồng năm 2008 lên 51,9 triệu đồng năm 2018.
Ba là, thường xuyên quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi theo hướng đô thị hóa, đời sống văn hóa - xã hội nông thôn ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh trực tiếp ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2008 - 2016, ngân sách tỉnh đầu tư 4.589,683 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 1.100 công trình (giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, chợ nông thôn...) làm thay đổi cơ bản cảnh quan, môi trường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 40 trạm bơm đầu mối và trạm bơm cục bộ, kiên cố hóa 36,6 km kênh cấp I, 65 km kênh cấp II, 114 km kênh cấp III; nạo vét, khơi thông 43,5 km dòng chảy các trục tiêu chính của tỉnh là sông Ngũ Huyện Khê, sông Ngụ, sông Bùi, sông Dâu và sông Lường - sông Thứa. Đầu tư bê tông hóa mặt đê để vừa chống lũ, vừa làm đường giao thông, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hệ thống đê trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được cứng hóa. Toàn tỉnh có 95/97 xã (chiếm 97,9%) đạt tiêu chí về thủy lợi.
Giải pháp chủ yếu thời gian tới
Gần nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, công lao to lớn, đạo đức sáng ngời và tình cảm cao đẹp của Người còn sống mãi, là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân vươn lên không ngừng trong sự nghiệp đổi mới, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh văn hiến và ngày càng giàu đẹp, văn minh như ước nguyện của Người. Trong thời gian tới, Bắc Ninh cần tập trung những giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn. Rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh các trục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, cấp địa phương (các đặc sản địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP), tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm, thủy sản, bảo đảm chất lượng và phát triển các vật nuôi, cây trồng, thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Hai là, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhằm tạo các yếu tố nền tảng hướng tới phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn hiện đại, văn minh. Hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu trong nông thôn, như xây dựng hệ thống cấp nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và cứng hóa đường giao thông... nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.
Đối với lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng tỉnh; đầu tư phát triển hệ thống đê, công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, vừa đáp ứng nhu cầu phòng chống thiên tai, tưới tiêu chủ động cho sản xuất nông nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu cấp, thoát nước, phát triển đô thị và công nghiệp nông thôn. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các trạm bơm đã xuống cấp và đầu tư xây mới các trạm bơm, công trình thủy lợi đầu mối để nâng cao năng lực tưới tiêu đa mục tiêu.
Ba là, đổi mới các hình thức sản xuất ở nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã phát triển sản xuất hàng hóa, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề, làm dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn. Tiếp tục phát triển kinh tế hợp tác phù hợp cơ chế thị trường, đặc biệt là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bốn là, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - triển khai, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Đưa nhanh các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, ứng dụng công nghệ sinh học, các biện pháp thâm canh tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm. Phát triển cơ giới hóa, nông nghiệp công nghệ cao; áp dụng đồng bộ công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị.
Năm là, tiếp tục xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
Tiếp tục triển khai 11 nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, có chất lượng và đi vào chiều sâu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí, trong đó xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự; đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình./.
--------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 7, tr. 87
(2), (5)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 529; t. 12, tr. 284 - 285
(3), (4) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 7, tr. 128, 156
(6) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh: Bác Hồ với Bắc Ninh, Sđd, tr. 65
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (11/01/2019)
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (11/01/2019)
10 sự kiện nổi bật của Ngành tài chính năm 2018  (11/01/2019)
Thông cáo chung về hợp tác - phát triển biên giới Việt Nam - Campuchia  (11/01/2019)
Thông cáo chung về hợp tác - phát triển biên giới Việt Nam - Campuchia  (11/01/2019)
Khai mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/01/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên