Xử lý những điểm nghẽn trong nền kinh tế để tiếp tục tăng trưởng, phát triển
Đây là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phiên họp Thường trực Chính phủ.
Năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao
Chính phủ đánh giá năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%, tăng CPI dưới 4%, nợ công giảm, thu ngân sách thu vượt dự toán… Có nhiều điểm mới trong điều hành, thực hiện kế hoạch và có nhiều xu hướng tốt như chi thường xuyên giảm xuống, chi đầu tư tăng lên… Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường gia tăng. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được bảo đảm, các cân đối lớn của nền kinh tế được tăng cường. Những kết quả đó được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.Ngày 14-6-2018, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo năm 2018, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8%. Ngày 20-7-2018, ADB dự báo tăng 7,1% (trong khi đó bình quân khu vực Đông Nam Á chỉ là 5,2%). Ngày 15-5-2018, Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên mức ổn định tích cực… và với những kết quả đã đạt được có thể thấy một không khí cởi mở, hứng khởi tràn đầy niềm tin của người dân, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế đang lan tỏa trong xã hội và trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, nhất là vướng mắc trong đầu tư kinh doanh, một số vấn đề xã hội bức xúc cần tập trung giải quyết. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các mặt công tác của bộ, ngành, địa phương.
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ thường xuyên đặt ra. Tuy nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao về khả năng ứng phó của Việt Nam trước biến động tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực trong thời gian qua, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất, nhưng Thủ tướng nêu rõ, các ngành kế hoạch và đầu tư, tài chính, công thương, Ngân hàng Nhà nước phải có những giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa điều hành chính sách vĩ mô, đồng thời vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt, ứng phó tốt nhất với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, khu vực.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, phấn đấu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước ở dưới mức 3,7% GDP. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là mua sắm, hội họp, quản lý hiệu quả hơn tài sản công, đất đai, tài nguyên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chú trọng tiêu thụ sản phẩm, không để người nông dân chịu thiệt như đối với một số sản phẩm thời gian qua. Cần tăng năng lực hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ uy tín nông sản. Giám sát, ngăn ngừa đánh bắt cá trái phép.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương, các ngành rà soát, đánh giá, báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các FTA, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn, đề xuất giải pháp phù hợp để hướng tới cân bằng thương mại bền vững.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tếChính phủ yêu cầu song song với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cần tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tế thông qua việc tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Chính phủ nhận định, giai đoạn 2018 - 2020, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Song song với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cần tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tế thông qua việc tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò các động lực về thể chế, chính sách, pháp luật; kinh tế tư nhân; hội nhập kinh tế quốc tế; cách mạng công nghệ 4.0 và động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm phát triển, các đô thị, đầu tàu kinh tế của đất nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong điều hành để triển khai thực chất, hiệu quả hơn, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khi đó mới bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ điều hành hoạt động Ban chỉ đạo nhằm đôn đốc, thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế; chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo “Sơ kết kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020” và Báo cáo “Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 và kết quả đánh giá thí điểm giai đoạn 2016 - 2017” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ thông qua, chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ bảo đảm thực chất, hiệu quả, đúng tiến độ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản xử lý các vướng mắc liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bộ Công Thương có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019, thí điểm hình thành một số cụm ngành công nghiệp với các ngành công nghiệp như dệt may, da giầy, chế biến thực phẩm...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường lao động, đánh giá tình trạng thất nghiệp, xử lý vấn đề lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, kiến nghị giải pháp xử lý.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; xây dựng, ban hành bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá cho từng đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao quản lý, tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành trước 15-10-2018, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phấn đấu trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.
Thông báo kết luận nêu rõ quan điểm là phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả. Phấn đấu sớm trở thành một trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới, khu vực.
Trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đến năm 2025: Phấn đấu năm 2018 đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; đến năm 2025 phấn đấu đạt 18 đến 20 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017; trong đó chú ý điểm mới rất quan trọng là coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ, lâm sản.
Thủ tướng cũng yêu cầu khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt Nam để tăng giá trị gia tăng làm động lực tăng trưởng của ngành này trong thập niên tới; đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng nguyên liệu ngày càng tăng của ngành chế biến gỗ cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Chú trọng kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa các nhóm nhân lực thuộc các loại hình đào tạo: Đại học, Trung cấp, Công nhân kỹ thuật phù hợp với sự đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt chú trọng giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiêp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, về tập quán sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành chế biến gỗ.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước tiên phong trong việc sử dụng đồ gỗ nội thất văn phòng từ các sản phẩm gỗ rừng trồng trong nước do các doanh nghiệp Việt Nam chế biến để thúc đẩy thị trường gỗ nội địa.
Cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, quản trị, tạo ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của khách hàng trong nước và xuất khẩu (đặc biệt lưu ý không để mất thị trường trong nước gần 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng vào tay các đối tác bên ngoài).
Là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, tích cực nghiên cứu thị trường, luật lệ quốc tế, phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra, kiên quyết “nói không” với sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong Quý III-2018./.
Dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 02-9  (01/09/2018)
Thủ tướng: Quảng Ninh là địa phương phát triển năng động nhất  (01/09/2018)
Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh  (01/09/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp thăm chính thức Liên bang Nga  (01/09/2018)
Triển khai giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu  (01/09/2018)
Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng Chín  (01/09/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên