Tạo đột phá để xây dựng Hà Nội thành trung tâm cung ứng dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới
TCCS - Định hướng phát triển dịch vụ chất lượng cao đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan, là động lực mới để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, “xứng đáng với vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”.
Chủ trương về phát triển dịch vụ chất lượng cao
Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 06-1-2012, của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 đã định hướng một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Hà Nội là: tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; khuyến khích, phát triển các loại hình dịch vụ có trình độ và chất lượng cao.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 là 8,5% - 9%/năm, trong đó, ngành dịch vụ là 7,8% - 8,3%/năm, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 67% - 67,5% vào năm 2020. Tập trung phát triển mạnh các phân ngành, lĩnh vực dịch vụ mà Thủ đô có thế mạnh, nhất là các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. Cụ thể:
- Tiếp tục phát triển hệ thống trung tâm thương mại, mạng lưới siêu thị, trung tâm bán buôn, chợ theo hướng văn minh, hiện đại và theo quy hoạch;
- Phát triển một số ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, như dịch vụ hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ;
- Tập trung xây dựng du lịch Thủ đô phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao;
- Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu vực;
- Phát triển các loại hình dịch vụ: logistics, tư vấn, giáo dục - đào tạo, y tế, đô thị, văn hóa, thông tin, thể thao, việc làm.
Thực trạng phát triển dịch vụ chất lượng cao ở Hà Nội trong năm 2017
Nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao chiếm tỷ trọng lớn, có mức tăng trưởng cao góp phần từng bước đưa Hà Nội thành trung tâm cung ứng dịch vụ chất lượng cao, trong đó có 8 nhóm ngành dịch vụ chất lượng cao có vai trò quyết định đối với phát triển dịch vụ của thành phố Hà Nội.
Lĩnh vực dịch vụ thương mại chất lượng cao
Hà Nội là thị trường sôi động với quy mô dân số gần 8 triệu dân. Năm 2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa (tổng mức bán ra) tăng 11,3%; trong đó, bán lẻ tăng 11,2%. Dịch vụ phân phối, bán lẻ ngày càng sôi động trên thị trường truyền thống và trên môi trường mạng với các hình thức, phương thức, hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại mới, như dịch vụ bán lẻ trực tuyến (thương mại điện tử), dịch vụ bán lẻ tự động (máy bán hàng tự động), dịch vụ bán lẻ trực tiếp tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chuỗi cửa hàng tiện ích/ tiện lợi. Mạng lưới phân phối thương mại được đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư và phát triển đồng độ. Trên địa bàn thành phố, hiện có 454 chợ; 22 trung tâm thương mại (chiếm 16,5% tổng số chợ và trung tâm thương mại của cả nước); 124 siêu thị; hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện ích; 5.259 website thương mại điện tử đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ và thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Năm 2017, Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Nhiều thương hiệu phân phối lớn trên thế giới đã có mặt ở Hà Nội, như AEON, Metro, BigC, Lotte,...; đồng thời, nhiều doanh nghiệp phân phối trong nước cũng đã khẳng định được thương hiệu, như Fivimart, Intimex, Hapro Mart, Vinmart...
Dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần thương mại) đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, thu hút đông đảo sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, hỗ trợ tích cực cho phát triển thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử. Thành phố có khoảng 450 - 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics (chiếm 12% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực này của cả nước). Nếu tính cả các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến logistics thì có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp. Thành phố đã lựa chọn một số dự án hạ tầng dịch vụ logistics quan trọng, như trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, cảng cạn, cảng thủy để tập trung đầu tư xây dựng. Trên địa bàn thành phố đã hình thành 2 cảng container (Cảng cạn ICD) Gia Lâm và Mỹ Đình.
Dịch vụ xúc tiến thương mại, như dịch vụ khuyến mại, dịch vụ quảng cáo thương mại, dịch vụ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại (cả trong và ngoài nước) được tổ chức bài bản, do các doanh nghiệp chuyên nghiệp đảm nhiệm, hỗ trợ tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa. Thành phố tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, liên kết các vùng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình xúc tiến đầu tư để giới thiệu các sản phẩm tại các hội trợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Tại Hà Nội, ngoài khu vực nhà nước, khu vực tư nhân cũng tham gia tích cực trong việc cung cấp các dịch vụ xúc tiến thương mại. Theo kết quả điều tra Chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) hằng năm, kết quả về việc tổ chức hội chợ thương mại của Hà Nội luôn xếp thứ nhất cả nước, kết quả về việc cung cấp, sử dụng các dịch vụ xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
2- Lĩnh vực thông tin và truyền thông
Thành phố xác định năm 2017 là năm đột phá căn bản về công nghệ thông tin, triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Tích cực triển khai các ứng dụng thông minh hình thành nền tảng cơ bản cho thành phố thông minh, như triển khai xây dựng hệ thống giao thông và du lịch thông minh; hoàn thành thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô-tô qua điện thoại di động; xây dựng phần mềm ứng dụng về du lịch dùng trên thiết bị di động cầm tay; hệ thống wifi công cộng; bản đồ số về du lịch theo công nghệ GIS; hoàn thành triển khai cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử thành phố. Thành phố chú trọng xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành; đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của thành phố. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai đến 584/584 xã, phường, thị trấn của các quận, huyện, thị xã và 10 sở, ngành. Năm 2017, đã triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin: đã đưa vào vận hành 611 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 32%), số lượt công dân truy cập dịch vụ công ích trực tuyến tăng 931% so với năm 2016; tổng số hồ sơ đã tiếp nhận giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 là 8,8 triệu hồ sơ, trong đó các cơ quan hành chính của thành phố là 4 triệu hồ sơ; tiếp tục bổ sung các cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân; đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đã đạt gần 100%; kê khai thuế điện tử: 98%; hải quan điện tử: 100%; thực hiện tuyển sinh trực tuyến mầm non, các lớp đầu cấp đạt 70,7%; thiết lập được hơn 879 nghìn hồ sơ sức khỏe điện tử và cập nhật thông tin của hơn 115 nghìn mẫu xét nghiệm tầm soát ung thư sớm.
Trong thời gian qua, thành phố đã quan tâm, đầu tư và tạo điều kiện phát triển hạ tầng cho các khu công nghệ thông tin tập trung. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3 khu công nghệ thông tin tập trung đã và đang hoàn thiện thủ tục để đi vào hoạt động (Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy - Hà Nội đã đi vào hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả; Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (Hanel) đang hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; Khu công nghệ thông tin tập trung tại xã Nguyên Khê, xã Tiên Dương và thị trấn Đông Anh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư Dự án).
Theo số liệu khảo sát về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 7.400 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin, trong đó có gần 2.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ; còn lại khoảng gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần cứng, điện tử kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội đã đi vào hoạt động từ tháng 1-2017; Cổng thông tin StartupCity.vn đã được khai trương.
3- Lĩnh vực ngân hàng, tài chính
Phát huy vị trí, vai trò là trung tâm tài chính tiền tệ lớn nhất khu vực phía Bắc và đứng thứ hai cả nước, trong thời gian qua Hà Nội tiếp tục nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng, tài chính để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 446 tổ chức tín dụng (tính đến chi nhánh cấp I) với đủ các loại hình: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chính sách xã hội với 2.149 điểm giao dịch đang hoạt động. Các tổ chức tín dụng đã tập trung phát triển các dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại, bảo đảm các điều kiện cần thiết phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, như thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng tự động, dịch vụ thẻ... Các tiện ích đi cùng với dịch vụ thẻ ngân hàng đang được các ngân hàng áp dụng mở rộng, tập trung vào phát triển dịch vụ ngân hàng tiện ích và theo chiều sâu. Hiện trên địa bàn thành phố có 73.865 máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ), gần 2.740 máy ATM (máy rút tiền tự động), 19.941 đơn vị chấp nhận thẻ. Với việc tích cực phát triển các dịch vụ ngân hàng, năm 2017, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 19,97%, tổng dư nợ tín dụng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016.
4- Lĩnh vực du lịch, văn hóa
Để góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết chuyên đề - Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, về Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo với mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thành phố chú trọng đa dạng hóa và nâng cao sản phẩm du lịch như triển khai không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và lắp đặt hệ thống wifi miễn phí trên một số tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; hợp tác truyền thông chiến lược với CNN tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam trên kênh CNN quốc tế trong giai đoạn 2017 - 2018 nhằm định vị thương hiệu du lịch Hà Nội trên bản đồ du lịch thế giới. Năm 2017, khách du lịch đạt 23,8 triệu lượt (tăng 9%), trong đó khách quốc tế: 4,95 triệu lượt (tăng 23%), tổng thu từ khách du lịch tăng 15%.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch dần được xây dựng đồng bộ. Tính đến nay, Hà Nội có 3.081 cơ sở lưu trú, chiếm khoảng 1/5 tổng số cơ sở lưu trú của cả nước, trong đó, 94,29% số cơ sở đã cung cấp mạng wifi miễn phí phục vụ khách du lịch. Năm 2016 thành phố đã có thêm 57 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng (trong đó có 02 khách sạn 4 và 5 sao); triển khai Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy - công viên đẳng cấp quốc tế, dự án khu công viên và hồ điều hòa CV1 khu đô thị mới Cầu Giấy; đang triển khai các thủ tục để sớm khởi công xây dựng dự án Nhà hát Hoa Sen và nhiều công viên khác; phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án Bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Thành phố đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch.
Đồng thời, thành phố cũng chú trọng đến phát triển các dịch vụ văn hóa trở thành ngành dịch vụ quan trọng, như quảng cáo, các trò chơi giải trí, điện ảnh, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa thông qua việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân.
5- Lĩnh vực dịch vụ y tế
Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân; hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, như đưa vào hoạt động Khu Trung tâm kỹ thuật cao và phẫu thuật tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện Xanh Pôn (thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế với sự hỗ trợ và giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu); khởi công Bệnh viện U bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản... Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và các nước trong khu vực, như kỹ thuật tạo hình các vạt da phức tạp; chuyển ngón chân cái lên ngón tay cái; thay khớp vai, khớp háng nhân tạo; phẫu thuật thần kinh - sọ não, xạ trị áp sát điều trị ung thư, công nghệ gen, nút mạch hóa dầu điều trị ung thư gan nguyên phát; can thiệp mạch vành, mạch não; thụ tinh trong ống nghiệm; sàng lọc phát hiện ung thư sớm đại trực tràng miễn phí cho tất cả người dân Thủ đô từ 40 tuổi trở lên. Hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng với 4.128 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập. Tiếp tục phát triển mô hình bác sĩ gia đình (hiện có 103 mô hình bác sĩ gia đình), lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn thành phố.
6- Lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong nhiều năm qua Hà Nội luôn phấn đấu là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giáo dục phổ thông. Thành phố tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong xây dựng chương trình và triển khai đào tạo. Trên cơ sở đó, thành phố triển khai xây dựng các mô hình chất lượng cao tiệm cận chất lượng quốc tế (bằng cấp, chứng chỉ được công nhận ở các nước trong khu vực và quốc tế). Nếu mục tiêu đến năm 2020, thành phố có 20 trường chất lượng cao, thì hiện đã có 16 trường được công nhận (đạt 75% kế hoạch). Năm 2017, thành phố có thêm 130 trường đạt chuẩn quốc gia (vượt 62,5% kế hoạch) và tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thành phố đã phê duyệt Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (Chứng chỉ A Level) tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An”. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy các môn khoa học ở các trường chuyên, trường chất lượng cao. Triển khai hệ thống sổ điểm và học bạ điện tử; thực hiện tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp đạt kết quả tốt. Chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-lia...
7- Lĩnh vực dịch vụ giao thông vận tải
Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thành phố Hà Nội đã xác định một trong 3 khâu đột phá là phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, đồng thời kêu gọi đầu tư để xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hệ thống trục đường hướng tâm; các dự án khép kín đường vành đai; đường sắt đô thị; các dự án cầu qua sông Hồng, sông Đuống; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông; các dự án bãi đỗ xe. Hệ thống vận tải hành khách công cộng được phát triển mạnh bằng xe buýt, xe taxi, xe khách liên tỉnh (đã có 109 tuyến xe buýt; nhiều huyện ngoại thành và khu đô thị mới đã có xe buýt phục vụ). Tuyến buýt nhanh BRT đã phát huy hiệu quả, hành khách đã có những đánh giá tích cực. Ngành vận tải có xu hướng tăng trưởng cao dần trong nhiều năm trở lại đây (năm 2014: 7,4%, năm 2015: 7,6%, năm 2017: 8,6%).
8- Lĩnh vực khoa học và công nghệ
Trên địa bàn Hà Nội hiện có mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ với nhiều loại hình tổ chức: 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 124 trường đại học, cao đẳng và 45 trường trung cấp chuyên nghiệp, 113 viện nghiên cứu khoa học và công nghệ (chiếm khoảng 80% số viện nghiên cứu trong cả nước), trong đó có 110 viện nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trung ương, 03 viện nghiên cứu thuộc quản lý của Hà Nội và trên 400 tổ chức khoa học và công nghệ do Hà Nội quản lý. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”, thành phố Hà Nội đã luôn chú trọng đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; chú trọng ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ; mở rộng liên kết, hợp tác phát triển, hội nhập quốc tế; bước đầu hình thành thị trường khoa học và công nghệ thông qua các kỳ Techmart (Chợ công nghệ và thiết bị), các website giới thiệu kết quả nghiên cứu của các trường, viện, các hội nghị triển khai chuyên ngành, hội nghị liên kết “3 nhà, 4 nhà”; thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ (cơ chế hợp tác, liên kết, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ,...) thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát triển dịch vụ chất lượng cao còn một số tồn tại, hạn chế, cần tập trung khắc phục:
- Chất lượng các dịch vụ chất lượng cao ở Hà Nội phần lớn chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực;
- Tốc độ tăng trưởng một số ngành dịch vụ chất lượng cao còn thấp hơn mức tăng chung của ngành dịch vụ, như tài chính, ngân hàng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; y tế; nghệ thuật vui chơi và giải trí;
- Hệ thống bảo đảm chất lượng (công cụ kiểm soát, đánh giá chất lượng và hiệu quả quá trình cung cấp các dịch vụ) chưa được xây dựng và hoàn thiện;
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật dịch vụ còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ chất lượng cao;
- Nguồn nhân lực làm việc trong các ngành, lĩnh vực dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao còn thiếu và yếu.
Định hướng và giải pháp tạo đột phá để xây dựng Hà Nội thành trung tâm cung ứng dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Nhằm từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ trình độ, chất lượng cao của cả nước và khu vực; đưa chất lượng của hầu hết các loại hình dịch vụ đạt mức hàng đầu của cả nước; hướng tới chuẩn mực của các nước trong khu vực ASEAN và các nước phát triển, tiên tiến; để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và giải pháp phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao và nâng cao các dịch vụ đang sẵn có, cụ thể:
Một là, thành phố tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với lợi thế của Thủ đô, như dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, du lịch, khoa học và công nghệ, ngân hàng, tài chính...
- Dịch vụ thương mại: Tiếp tục kêu gọi đầu tư trong phát triển kết cấu hạ tầng thương mại để phát triển hệ thống trung tâm thương mại, mạng lưới siêu thị, trung tâm bán buôn, chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Hà Nội đã giới thiệu 24 dự án dịch vụ thương mại và hạ tầng thương mại tại 2 Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” trong các năm 2016, 2017; thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa và dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; phân bố hợp lý mạng lưới siêu thị, cửa hàng tự chọn, mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Các tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ cần chủ động đổi mới phương thức và hình thức bán hàng theo hướng văn minh, hiện đại, như Hà Nội sẽ triển khai gắn Logo nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn.
- Thông tin và truyền thông: Phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử và triển khai xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử chi tiết sau khi Khung kiến trúc được phê duyệt. Hình thành Trung tâm giám sát, điều hành công nghệ thông tin của thành phố và triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh, như giao thông, y tế, du lịch, giáo dục thông minh... Xây dựng Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội. Hoàn thành xây dựng và triển khai hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Phấn đấu từ 70% đến 80% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt trên 80%. Nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu. Đưa vào hoạt động 2 khu công nghệ thông tin tập trung. Phát triển ít nhất 2 nhóm sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.
- Y tế: Tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên ngành mũi nhọn trong các lĩnh vực: Phẫu thuật nội soi, tim mạch, ung bướu, sản phụ khoa, xét nghiệm cận lâm sàng,... Hoàn thiện Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn với mô hình hoạt động khép kín, tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các kỹ thuật cao trên thế giới; xây dựng và mở rộng lĩnh vực cận lâm sàng phục vụ cho công tác chẩn đoán, điều trị, theo dõi và quản lý bệnh nhân với việc xây dựng trung tâm xét nghiệm với những Labo hiện đại ngang tầm thế giới và khu vực; xây dựng trung tâm phẫu thuật thực nghiệm để đào tạo cán bộ y tế có trình độ cao, nâng cao khả năng tiếp cận với những kỹ thuật cao hiện đại của thế giới do các chuyên gia hàng đầu thế giới hỗ trợ, đào tạo và chuyển giao công nghệ; xây dựng thí điểm bệnh viện đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế JCI; xây dựng khu phức hợp tim mạch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Giáo dục: Giữ vững và nâng cao vị thế hàng đầu của cả nước về giáo dục và đào tạo; phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Huy động các nguồn lực xã hội, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh xây dựng mô hình trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô; khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội; liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín.
- Du lịch: Tiếp tục phấn đấu giữ vai trò là trung tâm du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nội, gắn với chuỗi dịch vụ, để liên kết hình thành tour du lịch theo từng thị trường khách du lịch. Kêu gọi thu hút đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Triển khai các khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế (Công viên Kim Quy, Trung tâm Triển lãm và Hội chợ quốc tế...). Hoàn thành thí điểm thiết kế nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch để tiến tới triển khai rộng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước. Phối hợp và giám sát Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền, quảng bá về Hà Nội. Triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử đã xếp hạng, gắn với khai thác phát triển du lịch.
- Khoa học và công nghệ: Khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có vị trí cao về một số lĩnh vực trong khu vực Đông Nam Á; trong đó đặc biệt quan tâm khai thác, phát huy tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn Thủ đô. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động kích cung, kích cầu công nghệ. Hằng năm tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), xây dựng chợ công nghệ trực tuyến làm nơi giao lưu, gặp gỡ, mua bán, đấu giá, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn. Ưu tiên các sản phẩm dây chuyền thiết bị công nghệ xử lý môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông thông minh, công nghệ thông tin... Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Ngân hàng, tài chính: Từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng của cả nước và khu vực ASEAN. Tiếp tục hiện đại hóa, mở rộng và nâng cao chất lượng thanh toán trong nước và nước ngoài, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng hiện có. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển các dịch vụ ngân hàng quốc tế, hợp tác kinh doanh. Triển khai thực hiện Đề án “Thanh toán không dùng tiền mặt”.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho phát triển dịch vụ chất lượng cao. Tuyên truyền sâu rộng về vai trò của dịch vụ chất lượng cao trong phát triển kinh tế của Thủ đô và trong đời sống của nhân dân.
Ba là, củng cố và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại làm nền tảng cho phát triển dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng du lịch, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ,...
Bốn là, tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương; hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới tạo đà cho phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao.
Năm là, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển các dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp từng bước tiến tới các chuẩn mực của các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. /.
Đối thoại trực tuyến - một hình thức tiếp xúc đặc biệt của Tổng thống Nga với người dân  (02/08/2018)
Họp báo Chính phủ thường kỳ: Chủ động trước các biến động  (01/08/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng  (01/08/2018)
Tổng Bí thư: Ngành Tuyên giáo tuyệt đối không được dao động, mơ hồ  (01/08/2018)
Tiếp thêm niềm tin, khí thế và vận hội mới cho Thủ đô phát triển  (01/08/2018)
Tiếp thêm niềm tin, khí thế và vận hội mới cho Thủ đô phát triển  (01/08/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay