Tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong đổi mới, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó thừa nhận sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của phát triển. Những thành công trong sự phát triển của nền kinh tế, đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp tư nhân, trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, Nghị định quy định rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.).
Thời gian qua, hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân...) đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho sự phát triển của doanh nghiệp. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; tăng cường đối thoại, lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong đó, với lĩnh vực khởi nghiệp, tinh thần quyết tâm thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp của Chính phủ, không chỉ được các cơ quan nhà nước, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ mà đã lan tỏa sang cả khu vực tư nhân. Nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức. Mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp cũng bắt đầu được hình thành và nhận thức của cả xã hội về khởi nghiệp đã được nâng lên đáng kể. Các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã được rà soát, đánh giá và thực hiện. Quá trình sửa đổi, bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp, khẩn trương xây dựng để tăng cường nguồn vốn cho hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Những chuyển động tích cực từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đã tác động thuận lợi đến việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm với số vốn đạt hơn 800.000 tỷ đồng. Làn sóng khởi nghiệp đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước.
Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm lên 153,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8%. Nếu tính cả 902,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2018 là 1.419,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 13.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 65,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 5 tháng đầu năm 2018 là 412,6 nghìn người.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động chính thức theo Luật Doanh nghiệp cùng với khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh.
Hoàn thiện thể chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tinh thần khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp từng bước lan tỏa trong xã hội và đạt được những kết quả bước đầu. Để tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5- 2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết xác định rõ các nguyên tắc để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước cam kết bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế được bảo đảm bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh. Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các quy định về điều kiện kinh doanh của Nhà nước phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tiếp theo, ngày 12-6-2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 01-01-2018. Luật quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa có quyền lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất cho mình: tín dụng; thuế - kế toán; mặt bằng sản xuất kinh doanh; công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn, pháp lý; phát triển nguồn nhân lực.
Các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện công khai nội dung, chương trình, kết quả thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các thông tin khác có liên quan. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp thông tin, tài liệu về doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hỗ trợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp.
Giải pháp hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Căn cứ quy định của Nghị quyết số 35/NQ-CP, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, triển khai các giải pháp thực hiện hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, chú trọng các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện
Cụ thể, xây dựng và ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; các thông tư quy định về tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên,...
Sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng có thời hạn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Xây dựng và ban hành các thông tư: hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trợ giúp đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định chi tiết một số nội dung của chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn đầu tư, thuận lợi cho kinh doanh
Các bộ, ngành, chính quyền địa phương quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, về cải cách thủ tục hành chính, thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư… Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, thực hiện lộ trình cắt giảm điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh theo kế hoạch. Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.
Người đứng đầu các địa phương thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp; tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp...
Thứ ba, triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện vai trò điều phối, xác định mục tiêu, đối tượng, trọng tâm hỗ trợ để xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp, công bố thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi toàn quốc. Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí thường xuyên thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, triển khai chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, chủ trì trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa./.
Mô hình phát triển bền vững của EU và OECD và hàm ý chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam  (12/07/2018)
Thủ tướng gặp mặt các diễn giả, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn 4.0  (12/07/2018)
Bộ Chính trị kỷ luật hai đồng chí Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son  (12/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay