Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 02 đến 08-7-2018)

Gia Bảo (tổngr hợp từ TTXVN)
22:51, ngày 11-07-2018

TCCSĐT - Trung Quốc và Mỹ đã chính thức bắt đầu cuộc chiến thương mại ngày 06-7 khi Washington áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, và sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực. Các đòn trả đũa lẫn nhau về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể còn kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế hai nước cũng như toàn cầu.

Quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định quy định rõ việc phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.

Nghị định nêu rõ căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công ba năm, dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, tình hình thị trường tài chính quốc tế, Bộ Tài chính xây dựng Đề án phát hành trái phiếu quốc tế trình Chính phủ phê duyệt chủ trương phát hành.

Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế trên cơ sở đề án phát hành trái phiếu quốc tế. Căn cứ chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phát hành trái phiếu quốc tế cho từng lần phát hành.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức liên quan tổ chức phát hành trái phiếu theo chủ trương được Chính phủ phê duyệt và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng lần phát hành.

Căn cứ tình hình thực tế và các quy định pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính tổ chức phát hành trái phiếu theo một số bước cơ bản sau: Lựa chọn các tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành là một hoặc một số tổ chức tài chính, ngân hàng đầu tư quốc tế, có kinh nghiệm để quản lý cho đợt phát hành. Lựa chọn các tư vấn pháp lý có kinh nghiệm trong và ngoài nước làm tư vấn pháp lý trong nước, tư vấ pháp lý quốc tế cho Bộ Tài chính và tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành.

Chuẩn bị hồ sơ phát hành: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với tư vấn pháp lý trong nước, tư vấn pháp lý quốc tế và các cơ quan liên quan chuẩn bị các hồ sơ phát hành phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, thông lệ quốc tế tại thị trường phát hành.

Đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nghiệm để xác nhận hệ số tín nhiệm quốc gia và mức xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu dự kiến phát hành.

Tổ chức quảng bá: Việc tổ chức quảng bá chào bán trái phiếu quốc tế được thực hiện theo yêu cầu của từng phương thức phát hành. Bộ Tài chính phối hợp với tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành tổ chức quảng bá trái phiếu quốc tế để tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế trước khi công bố rộng rãi, chính thức về việc phát hành trái phiếu quốc tế.

Tổ chức phát hành: Bộ Tài chính quyết định các điều kiện, điều khoản phát hành trái phiếu quốc tế trên cơ sở tham khảo ý kiến tư vấn của tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành, phù hợp với điều kiện thị trường và các nguyên tắc nêu tại đề án phát hành trái phiếu quốc tế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãi suất đối với từng đợt phát hành trái phiếu quốc tế do Bộ Tài chính quyết định trong khung do Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 của Nghị định này.

Tiếp nhận vốn: Bộ Tài chính tổ chức tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu quốc tế đã phát hành theo đúng các thỏa thuận đã ký.

Hoàn tất giao dịch phát hành: Sau khi nhận tiền bán trái phiếu quốc tế, Bộ Tài chính hoàn tất và ký kết các văn bản pháp lý kết thúc giao dịch phù hợp với luật pháp tại thị trường phát hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phát hành.

Xác định 50 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam 2018

Tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, đơn vị này chính thức phát động Chương trình 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam 2018.

Chương trình này sẽ lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ thông tin uy tín, có năng lực của Việt Nam để giới thiệu, quảng bá và kết nối hợp tác với các đối tác tiềm năng trong nước và quốc tế.

Trong 4 lần tổ chức trước đó, ấn phẩm từ chương trình này đã giới thiệu các doanh nghiệp được lựa chọn đã được giới thiệu đến tới trên 100.000 cơ quan tổ chức, doanh nghiệp thông qua các kênh hợp tác quốc tế của VINASA với các cơ quan, tổ chức tại 100 quốc gia và nền kinh tế trên toàn cầu.

Năm 2017, 50 doanh nghiệp được lựa chọn của chương trình có tổng doanh thu 20.676 tỷ đồng, tương đương 936 triệu USD, chiếm gần 1/4 doanh thu của ngành phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam 2017 với tổng số nhân lực là 35.542 người chiếm 25% tổng nhân lực ngành phần mềm Việt Nam.

Theo đại diện VINASA, qua các năm, các doanh nghiệp được bình chọn đều có doanh thu tăng trưởng tốt đồng thời có định hướng rõ ràng về việc đầu tư và phát triển thị trường, công nghệ.

Trong năm 2018, bên cạnh việc lựa chọn 50 doanh nghiệp trong các lĩnh vực như các năm trước, Chương trình sẽ lựa chọn 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất đang hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số (Digital transformation), Internet of Things (IoT) và các xu hướng công nghệ mới.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký VINASA cho hay: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội trên toàn thế giới. Với việc mở thêm mục bình chọn và giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu trong các công nghệ mới, Ban Tổ chức hy vọng sẽ là động lực khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư làm chủ các công nghệ mới để nắm bắt các cơ hội lớn của cuộc cách mạng này”.

Lễ công bố 50 doanh nghiệp công nghệ t hông tin hàng đầu Việt Nam 2018 và ra mắt ấn phẩm sẽ được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị Cấp cao về thành phố thông minh ASOCIO - Hà Nội dự kiến diễn ra tháng Mười tới.

Ba nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội

Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương đã khai mạc sáng 02-7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,08% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Cảnh báo 3 nguy cơ cần hết sức chú trọng để có những đối sách phù hợp, kịp thời trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, đầu tiên là thiên tai đang rình rập mà điển hình như mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai vừa qua.

Vấn đề tiếp theo công tác bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là vụ việc ở Bình Thuận vừa qua là bài học kinh nghiệm chung cho các địa phương trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân tạo điều kiện cho đất nước phát triển. Chỉ đạo thêm về vấn đề này, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu không được để kẻ xấu kích động nhân dân và cho rằng vẫn còn một số địa phương còn tư tưởng chủ quan trong khi đây chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.

Nội dung thứ 3 theo Thủ tướng là những vấn đề xã hội bức xúc như an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, …đang gây nhức nhối trong nhân dân.

“Việc để tình trạng bức xúc xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân và thế hệ mai sau", Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại yêu cầu cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân ở mọi cấp mọi ngành nhưng đồng thời cũng phải thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo kỷ cương, phép nước.

Phân tích những tồn tại về kinh tế nửa cuối năm 2018, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến sức ép của lạm phát 6 tháng cuối năm chủ yếu là do tác động từ các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng. Đề nghị hội nghị thảo luận sâu về nội dung này, Thủ tướng chỉ đạo cần những giải pháp cụ thể để kiểm soát không quá 4% lạm phát năm 2018, tạo điều kiện cho ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018, giá dịch vụ y tế đủ điều kiện mới được tăng.

Tiếp tục bày tỏ lo lắng về tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, một khâu yếu trong quản lý, điều hành dù tỷ lệ này 6 tháng vừa qua có tăng cao hơn năm trước đạt 33% nhưng Thủ tướng cho rằng công tác này vẫn còn chậm, cần nhanh chóng được cải thiện.

Khẳng định mục tiêu lớn nhất là phải hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch năm 2018, nhất là mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải đạt chỉ số tăng trưởng quý 3 ở mức 6,53%; Quý 4 phải đạt 6,36% trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều phức tạp.

“Tăng trưởng là mục tiêu bao trùm để chúng ta giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, giảm nợ công,” Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ các rào cản, tiếp tục củng cố, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Mỹ - Trung chính thức bắt đầu các biện pháp áp thuế trả đũa lẫn nhau


Trung Quốc và Mỹ đã chính thức bắt đầu cuộc chiến thương mại ngày 06-7 khi Washington áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao và sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực. Các đòn trả đũa lẫn nhau về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể còn kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế hai nước cũng như toàn cầu.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 06-7-2018 giờ Mỹ. Đây được xem là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một loạt các mức thuế mới.

Tổng thống Trump xác nhận ông sẵn sàng leo thang mạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo Tổng thống Trump, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Trump cũng cảnh báo Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa. Nếu cảnh báo này được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.

Trung Quốc ngày lập tức thông báo các biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực sau quyết định của Washington áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ: "Sau khi Mỹ kích hoạt các biện pháp thuế chống lại Trung Quốc, các biện pháp của Trung Quốc nhằm vào Mỹ đã ngay lập tức có hiệu lực". Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) đã ra tuyên bố phản đối quyết định của Mỹ tăng thêm 25% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD vừa chính thức có hiệu lực, đồng thời khẳng định Washington đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ mức thuế quan nói trên vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời sẽ làm tổn hại đà phục hồi kinh tế toàn cầu và gây rối loạn thị trường thế giới cũng như gây tổn hại đối với chính kinh tế nước này. Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bắc Kinh đang bị ép phải đưa ra các biện pháp ứng phó để bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và lợi ích của người dân quốc gia châu Á này.

Thủ tướng Lý Khắc Cường thì khẳng định "Trung Quốc sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh thương mại, nhưng nếu bất cứ bên nào thực hiện tăng thuế, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích phát triển, cũng như hệ thống và các quy định thương mại đa phương". Ông Lý Khắc Cường cũng nêu rõ Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường hơn nữa đối với các công ty nước ngoài. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của các công ty nước ngoài và đối xử công bằng như đối với các công ty trong nước.

Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ, cho rằng hành động của Washington trên thực tế “đang tự bắn vào chính mình”. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói: “Mỹ đã kích động cuộc chiến thương mại này. Chúng tôi không muốn tham chiến, nhưng để bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Mỹ là một hình thức "chèn ép thương mại”, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh kinh tế thế giới và mọi thước đo giá trị. Giới quan sát cho rằng các tuyên bố của Bắc Kinh dường như là nhằm bảo vệ cho các biện pháp trả đũa mà nước này đưa ra đối với Washington.

Nguồn thu từ thuế của Nhật Bản cao kỷ lục trong 26 năm


Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 04-7 cho biết nguồn thu từ thuế của chính phủ nước này đạt 58.790 tỷ yen (532 tỷ USD) trong tài khóa 2017, mức cao nhất trong 26 năm qua. Con số này tăng 6% so với tài khóa trước đó, nhờ giá cổ phiếu tăng và lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc.

Chính phủ Nhật Bản chưa từng thu được nhiều thuế đến vậy kể từ tài khóa 1991, vào khoảng thời gian mà nền kinh tế bong bóng tài sản của nước này chấm dứt.

Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vốn lên kế hoạch tăng thuế tiêu dùng trên quy mô quốc gia vào năm tới, đang hy vọng nguồn thu từ thuế tiếp tục tăng để có ngân quỹ phục vụ kích thích tài chính và đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội của nhóm dân số già ở nước này. Song, các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc giá dầu tăng có thể gây bất lợi do làm giảm nhu cầu nước ngoài mà từ trước đến nay Nhật Bản luôn dựa vào để tăng trưởng kinh tế. Điều này nếu xảy ra sẽ đánh thẳng vào tình hình tài chính của Nhật Bản, vốn được coi là yếu nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.

Nguồn thu từ thuế doanh nghiệp của Nhật Bản trong tài khóa trước 2017 tăng 16,1% lên 12.000 tỷ yen, mặc dù mức này giảm gần 400 triệu yen so với ước đoán. Nguồn thu từ thuế tiêu dùng tăng 1,7% lên 17.510 tỷ yen phần lớn nhờ giá nhập khẩu cao hơn, theo Bộ Tài chính Nhật Bản.

Tính chung, Tokyo đạt thặng dư ngân sách 909,4 tỷ yen. Phát hành trái phiếu chính phủ giảm 2.000 tỷ yen so với kế hoạch nhờ mức tăng trong các nguồn thu khác và phần ngân sách chưa dùng đến./.