Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến 11-3-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:33, ngày 13-03-2018

TCCSĐT - Sáng 09-3 (theo giờ Việt Nam), lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu thắt chặt việc quản lý vốn vay ODA, vay ưu đãi

Sáng 08-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về việc quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của ODA đối với phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhất là đối với phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường năng lực bộ máy. Thủ tướng nhất trí rằng, không chỉ hạ tầng cứng mà cả hạ tầng mềm cũng quan trọng. Thời gian qua, công tác quản lý ODA có nhiều tiến bộ, chặt chẽ hơn, tuy nhiên còn tồn tại bất cập, hạn chế.

Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật theo hướng "chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn để dòng vốn này đi vào phục vụ phát triển tốt hơn", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết trong các dự án ODA như mua ôtô.

Thủ tướng nhất trí với các ý kiến rằng phải có tiêu chí rõ ràng hơn, đâu là chi đầu tư phát triển, đâu là chi thường xuyên trong các dự án ODA. Phải làm rõ các khái niệm này, không để nhầm lẫn, dẫn đến khó khăn trong quản lý. Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm rõ khái niệm này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các chương trình, dự án ODA và các hiệp định đã ký từ năm 2017 về trước cần thực hiện theo Nghị quyết 49 của Quốc hội. Các cơ quan chủ quản chủ động rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi không hiệu quả, không phù hợp, chưa cần thiết để làm sao bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và trên cơ sở thống nhất với các nhà tài trợ; gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các khoản vay ODA mới chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vốn ODA trong giai đoạn tới, lấy ý kiến của các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ.

Hiệp định CPTPP chính thức được 11 nước ký kết tại Chile

Rạng sáng 09-3 (theo giờ Việt Nam), lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.

Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 được tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11 vừa qua, cũng như tại các cuộc họp để đi tới hoàn tất việc ký kết.

Những nỗ lực và đóng góp này chứng tỏ vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, thương mại ở cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.

Doanh nghiệp Mỹ đồng loạt chỉ trích chính sách thuế với nhôm thép

Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ đều không hài lòng với những mức thuế mới mà chính phủ nước này mới áp đặt đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời cảnh báo những biện pháp này cuối cùng sẽ gây tổn hại tới chính người tiêu dùng Mỹ và đe dọa thị trường việc làm của quốc gia này.

Bất chấp sự phản đối của đông đảo các doanh nghiệp và các nghị sỹ, ngày 08-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.

Một số tổ chức thương mại trong nước đã lên tiếng phản đối cho rằng mức thuế mới sẽ đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lên cao và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại trên diện rộng.

Hiệp hội khách hàng công nghệ đại diện cho 2.200 công ty cho rằng số người mất việc làm vì chính sách này có lẽ sẽ còn cao hơn cả số người tìm thêm được cơ hội tuyển dụng như lời Tổng thống Trump khẳng định.

Các doanh nghiệp chế tạo ôtô sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi đây là lĩnh vực tiêu thụ tới 38% nhôm và 15% thép trên toàn quốc. Liên minh các nhà sản xuất ôtô Mỹ cảnh báo những mức thuế mới sẽ khiến giá thép sản xuất trong nước tăng cao, đẩy giá thành các loại phương tiện lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngành sản xuất bia cũng được cho là phải lãnh một phần hậu quả. Đại diện cho những nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới ước tính thuế nhập khẩu nhôm tăng 10% sẽ khiến hầu hết các công ty bia tăng giá thành với tổng mức tăng khoảng 348 triệu USD hàng năm và đe dọa khoản 20.000 việc làm trong ngành sản xuất này.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội các lãnh đạo ngành bán lẻ Hun Quach cho rằng ảnh hưởng của chính sách thuế mới có thể vươn tới cả những ngành mà nhiều người không ngờ tới như nội thất và đèn trang trí.

Hiệp hội bán lẻ quốc gia (NRF) đại diện nhiều chuỗi cửa hàng, rau củ và nhiều nhà bán lẻ trên toàn thế giới cho rằng đây là mức thuế giáng vào toàn thể người dân Mỹ, khi người tiêu dùng chưa kịp hân hoan vì những biện pháp cải cách thuế mới thì lập tức đã phải đối mặt với nguy cơ giá cả sản phẩm leo thang vì chi phí sản xuất tăng.

Các hiệp hội thương mại nhà ở cũng không khỏi băn khoăn khi cho rằng các mức thuế nhập khẩu này sẽ đẩy chi phí lên cao, kìm hãm sự phát triển trong thời điểm quốc gia này đối mặt mới cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở trầm trọng.

Trong diễn biến liên quan đến mức thuế mới của Mỹ đánh vào các sản phẩm thép và nhôm, tại châu Âu, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lập tức phản đối sắc lệnh của Mỹ. Bốn hiệp hội công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tại Đức gồm DIHK, BDA, BDI và ZDH đã cùng lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ mang màu sắc bảo hộ và kêu gọi chính phủ nước này cũng như Liên minh châu Âu (EU) duy trì cam kết tôn trọng tự do thương mại.

Trước đó, tối 08-3, Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu ÂU (EU), Cecilia Malmstroem cho rằng EU là một đồng minh thân cận của Mỹ và khối này muốn được miễn trừ khỏi các biện pháp đánh thuế mới với các mặt hàng thép và nhôm.

EU cũng kêu gọi Mỹ phải làm rõ vấn đề này trong những ngày tới, đồng thời khẳng định lựa chọn trước tiên của khối này là đối thoại với phía Mỹ đề có đặc quyền miễn trừ khỏi các biện pháp mới.

Khi công bố áp thuế mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Canada và Mexico sẽ được loại ra khỏi danh sách bị áp thuế, các nước khác thì có thể đàm phán để giảm mức thuế.

Phía EU đã đưa ra một danh sách những sản phẩm then chốt của Mỹ sẽ là đối tượng trả đũa nếu các biện pháp đánh thuế của Mỹ được thực thi. Mỗi năm, EU xuất khẩu khoảng 5 tỷ euro thép và 1 tỷ euro nhôm sang thị trường Mỹ và Ủy ban châu Âu đánh giá rằng các mức thuế mới có thể làm EU thiệt hại khoảng 2,8 tỷ euro.

Lĩnh vực tài chính phi ngân hàng toàn cầu phát triển mạnh

Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) có trụ sở tại Thụy Sỹ cho biết quy mô của lĩnh vực tài chính phi ngân hàng (lĩnh vực tài chính bóng tối) toàn cầu tính đến cuối năm 2016 tăng lên khoảng 45.200 tỷ USD, tăng đáng kể so với một năm trước đó.

Lĩnh vực này bao gồm các trung gian tài chính (quỹ dự phòng, công ty tài chính, thể chế chứng khoán...) cung cấp tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng mà không chịu sự quy định như một ngân hàng.

Theo báo cáo mới được FSB công bố, lĩnh vực tài chính bóng tối tại 29 khu vực thuộc phạm vi quản lý của FSB, chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng 7,6% trong năm 2016.

FSB cho biết tăng trưởng trong lĩnh vực tài chính bóng tối trong năm 2016 được dẫn dắt phần lớn bởi các công cụ đầu tư chung, như các quỹ phòng hộ tín dụng và các quỹ thị trường tiền tệ. Phân khúc này trong năm 2016 tăng trưởng 11% lên mức khoảng 32.300 tỷ USD.

Sau thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, khi sự sụp đổ của các ngân hàng quốc tế đe dọa phá tan toàn bộ các các nền kinh tế, quy mô và rủi ro hệ thống của ngành tài chính bóng tối được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến sự hình thành của FSB.

FSB có nhiệm vụ giám sát và đưa ra các khuyến cáo về hệ thống tài chính toàn cầu lên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đồng thời xuất bản các báo cáo thường niên về hệ thống ngân hàng song song thuộc thẩm quyền của FSB nhằm thúc đẩy sự minh bạch tài chính quốc tế.

Năm 2015, FSB đưa ra một định nghĩa hẹp hơn về lĩnh vực tài chính bóng tối, tập trung đặc biệt vào trung gian tín dụng có thể gây ra các rủi ro ổn định tài chính.

Theo định nghĩa lớn hơn trước đây về lĩnh vực này, bao gồm tất cả các thể chế tài chính trừ các ngân hàng trung ương, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ lương hưu, các thể chế tài chính công, công ty tham gia hoạt động tài chính phụ trợ, thì quy mô lên tới 99.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, chiếm 30% tài sản của hệ thống tài chính toàn cầu.

Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc công bố các kế hoạch quan trọng


Trong báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc ngày 05-3, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đàm phán, song sẽ "kiên quyết bảo vệ" các quyền hợp pháp và lợi ích của nước này.

Khẳng định trên được Chính phủ Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 01-3 tuyên bố rằng ông sẽ áp thuế mạnh đối với thép và nhôm nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ - động thái có nguy cơ đối mặt với sự trả đũa từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, châu Âu và nước láng giềng Canada.

Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc sẽ công bố kế hoạch phát triển phối hợp giữa vùng Quảng Đông-Hong Kong-Macau, nằm trong số các động thái khác nhằm thúc đẩy sự phát triển phối hợp mang tính khu vực của nước này trong năm 2018.

Báo cáo nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực cùng có lợi giữa Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau. Ngoài ra, văn bản trên cũng cho biết, chính sách tiền tệ thận trọng của Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì trung lập trong năm nay, trong đó việc nới lỏng hoặc thắt chặt chính sách này chỉ được thực hiện vào thời điểm phù hợp./.