Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến 25-02-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:55, ngày 27-02-2018

TCCSĐT - Trong báo cáo kinh tế chính thức đầu tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới này sẽ đạt mức 3,1% trong năm 2018 và sẽ duy trì trên mức 3% cho đến năm 2020.


Đầu tư nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao tại Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc chấp thuận đầu tư Dự án Nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao, công suất 1.200 tấn/ngày tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng thẩm quyền; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, bảo đảm sản phẩm đúng chủng loại, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Chủ đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ theo cam kết và các mục tiêu của dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó tính toán quy hoạch các loại kính đáp ứng với nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên với công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Bộ Tài chính đề nghị xử lý tình trạng ‘chặt chém’ sau Tết Nguyên đán


Lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Đây là nội dung trong văn bản của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018. Theo báo cáo, trong tháng Hai (tháng Tết Nguyên đán), cơ bản giá cả thị trường không có biến động bất thường và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước. Ví dụ, với gạo, giá gạo chất lượng cao, gạo nếp có xu hướng tăng nhẹ từ 5-10% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định.

Thực phẩm tươi sống có giá ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào nhưng tăng nhẹ trong những ngày giáp Tết do sức mua tăng. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 10.000-30.000 đồng/kg, giá gà sống tăng khoảng 10.000-30.000 đồng/kg tùy từng địa phương do nhu cầu tăng.

Với cước vận tải, báo cáo cũng cho thấy, cơ bản, giá cước vận chuyển hành khách bằng ôtô ổn định trong dịp Tết, nhiều bến xe lượng khách vắng hơn mọi năm. Nguyên nhân theo đại diện Bộ Tài chính bởi nhiều doanh nghiệp chủ động bố trí xe cho công nhân về quê ăn Tết cũng như các nhà xe đã chủ động tăng chuyến vào các thời điểm cao điểm trước Tết để đảm bảo đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy vậy, đại diện Bộ Tài chính cũng lưu ý, sau Tết là thời điểm của lễ hội nên nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống, đồ phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ tăng. Để tiếp tục bình ổn thị trường, lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân.

Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan tăng cường quản lý, thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thuế, phí nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm. Đặc biệt, cơ quan này nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.

“Phủ sóng” Hệ thống quản lý hải quan tự động trên toàn quốc


Theo kế hoạch, năm 2018, ngành hải quan sẽ triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động trên phạm vi cả nước, nhất là các địa bàn xuất nhập khẩu quan trọng như cảng biển, sân bay quốc tế, các cảng nội địa…

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết, theo yêu cầu của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đơn vị đang tích cực phối hợp với các cục hải quan địa phương, các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở rộng triển khai Hệ thống quản lý hải quan hiện đại này.

“Sau khi Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC được ban hành và có hiệu lực, trong đó có quy định về việc áp dụng Hệ thống quản lý hải quan tự động, việc triển khai sẽ được thực hiện một cách quyết liệt, khẩn trương, đảm bảo năm 2018 sẽ hoàn thành trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu và nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về hải quan”, Phó Cục trưởng Lê Đức Thành cho biết thêm.

Hiện, Hệ thống quản lý hải quan tự động đã được triển khai tại 4 Cục Hải quan địa phương gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, Cục Hải quan Hải Phòng là đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành hoàn thành triển khai trên toàn địa bàn (tại khu vực cảng Hải Phòng, Hệ thống được đặt tên “Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển- VASSCM”).

Theo thông tin mới nhất của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, hơn 4 tháng triển khai tại khu vực cảng Hải Phòng (từ 15-8-2017 đến đầu năm 2018), VASSCM đã quản lý, giám sát hơn 1,7 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó container vào cảng là 906.657 container; ra khỏi cảng là 838.341 container. Ngoài ra còn có nhiều kiện hàng và hàng rời, hàng lỏng cũng được quản lý, giám sát qua Hệ thống.

Tại Cục Hải quan Hà Nội, Hệ thống được triển khai với 3 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi; Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh triển khai với 2 doanh nghiệp; Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai với 2 doanh nghiệp.

Ấn Độ điều tra vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất trong lịch sử


Ngày 22-02, nhà chức trách Ấn Độ đã đóng băng tài sản của tỷ phú trang sức Nirav Modi và các doanh nghiệp của ông này do có liên quan đến vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ. Giới chức Ấn Độ xác nhận đã phong tỏa cổ phiếu và quỹ của ông Modi với các công ty trang sức, cũng như hàng loạt xe hơi đắt tiền của ông này.

Theo nguồn tin, tỷ phú Modi được cho đã lừa đảo 1,8 tỷ USD của Ngân hàng Quốc gia Punjab, ngân hàng nhà nước lớn thứ 2 của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong lá thư gửi ban lãnh đạo ngân hàng, ông chỉ thừa nhận nợ 775 triệu USD.

Tính đến thời điểm này, các nhà điều tra đã bắt giữ 12 người, trong đó có một số quan chức cấp cao của ngân hàng vì dính líu đến vụ lừa đảo. Tuy nhiên, ông Modi được cho là đã trốn khỏi Ấn Độ và lần cuối được nhìn thấy là tại New York, Mỹ sau khi tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ với tư cách là thành viên đoàn Ấn Độ.

Mặc dù Ấn Độ chưa chính thức cáo buộc ông Modi mà chỉ tạm thời đình chỉ hộ chiếu của ông này và đối tác kinh doanh Mehul Choksi trong 4 tuần, song nhà chức trách cảnh báo sẽ có hành động pháp lý nghiêm khắc nếu nhân vật này không đáp lại thông báo của chính phủ.

Hội nghị thượng đỉnh EU chia rẽ vì vấn đề ngân sách hậu Brexit

Ngày 23-02, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Brussels, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cho thấy sự chia rẽ trước yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống ngân sách mà nước Anh bỏ lại khi rời EU.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí quan điểm EU sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho mục đích ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp, bảo đảm an ninh quốc phòng cũng như duy trì chương trình Eramus +.

Nhiều nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các định hướng về gắn kết xã hội, chính sách nông nghiệp chung, đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn EU. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU đã không thống nhất được một cách cụ thể các nước sẽ phải đóng góp nhiều hơn bao nhiêu cho ngân sách chung để lấp đầy khoảng trống 12 tỷ euro do nước Anh để lại sau khi rời EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker cho biết hiện có 14 hoặc 15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, nghĩa là vẫn còn gần một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hoặc là phản đối.

Trong khi Đức, Tây Ban Nha và Pháp cho biết sẵn sàng chi thêm thì các nước đóng góp ròng khác là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo lại phản đối. Thủ tướng Áo tuyên bố nước này không muốn gia tăng các khoản chi của mình.

Bất chấp những khác biệt thường thấy, các nhà lãnh đạo vẫn sẵn sàng cùng nhau bàn bạc về vấn đề hiện đại hóa ngân sách và các chính sách của EU. Lãnh đạo các nước EU cũng đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ các cuộc đàm phán so với lịch trình dự kiến. Nhưng để đạt được một thỏa thuận tại Hội đồng châu Âu ngay trong năm nay có vẻ là một nhiệm vụ thực sự khó khăn. Nhiều khả năng các cuộc thảo luận giữa những người đứng đầu các quốc gia EU chỉ thực sự tiến triển sau thời điểm các đề xuất của Ủy ban châu Âu được đưa ra.

Kế hoạch ngân sách của EU với quy mô gần nghìn tỷ euro cho thời hạn bảy năm sẽ kết thúc vào năm 2020 và các nhà lãnh đạo đang phải cân nhắc một kế hoạch chi tiêu dài hạn cho giai đoạn kế tiếp bắt đầu từ 2021.

Một nội dung quan trọng khác được đề cập ở hội nghị lần này là xem xét các thể chế của EU. Trong khi bàn bạc về cơ cấu của Nghị viện châu Âu (EP) sau 2019, các nhà lãnh đạo đã ủng hộ rộng rãi ý tưởng, theo đó số nước thành viên EU giảm thì số ghế nghị sỹ cũng giảm, cụ thể số lượng đại biểu của EP sẽ giảm từ 751 xuống còn 705.

Liên quan đến cách thức chọn người đảm nhận vị trí chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Tusk cho biết lãnh đạo các quốc gia không đồng ý để EP được quyết định chọn chủ tịch cơ quan hành pháp EU sau khi ông Juncker mãn nhiệm vào năm 2019.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố Hội đồng không thể bảo đảm trước là sẽ đề cử một trong những "ứng cử viên chính" của EP như trường hợp ông Junker năm 2014. Trong khi các nghị sỹ đánh giá cách làm trên là dân chủ thì lãnh đạo các quốc gia EU lại cho rằng phương thức này chỉ phản ánh ý chí của các nhóm chính trị ở Brussels và điều này gây phương hại đến chủ quyền của các quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đề xuất ý tưởng hợp nhất hai chức danh chủ tịch Ủy ban châu Âu và chủ tịch Hội đồng châu Âu, nhưng không được hưởng ứng vì lo ngại điều này sẽ làm suy giảm đáng kể vai trò của các quốc gia thành viên.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng thông báo với các nhà lãnh đạo rằng ông sẽ trình bày dự thảo các phương hướng về tương lai quan hệ giữa Anh và EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào các ngày 22 đến 23-3 tới. Mục tiêu là EU sẽ thông qua các đường hướng chính này, bất chấp quan điểm của Anh về mối quan hệ song phương trong tương lai.

Mỹ công bố báo cáo kinh tế đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump

Trong báo cáo kinh tế chính thức đầu tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới này sẽ đạt mức 3,1% trong năm 2018 và sẽ duy trì trên mức 3% cho đến năm 2020.

Nếu dự báo này thành hiện thực, kinh tế Mỹ dưới sự điều hành của Tổng thống Trump sẽ lần đầu tiên kể từ thời cố Tổng thống Ronald Reagan tăng trưởng tích cực hơn mức dự báo của năm đầu cầm quyền.

Trong Báo cáo Kinh tế của tổng thống được Hội đồng Cố vấn kinh tế soạn thảo và trình Quốc hội Mỹ ngày 21-02, đội ngũ cố vấn của ông Trump khẳng định những chính sách của Nhà Trắng, nếu được thực thi toàn diện, sẽ giúp kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng trung bình 3% trong suốt thập kỷ tới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ không thể đạt ngưỡng ổn định 3%. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng tốc độ tăng trưởng dài hạn của Mỹ chỉ đạt khoảng 1,8% do bị các yếu tố khác chi phối như dân số già và nhịp độ sản xuất chậm lại. Còn theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2017 là 2,3%, thấp hơn mức 3% mà Tổng thống Trump cam kết trước đó.

Trong khi đó, khả năng Fed tăng lãi suất trong trong thời gian tới đây đang dần được định hình sau khi biên bản cuộc họp hồi cuối tháng 01-2018 của Fed được công bố ngày 21-02 cho thấy giới chức Fed đều lạc quan hơn về triển vọng phát triển kinh tế và tỷ lệ lạm phát của Mỹ.

Tại cuộc họp nói trên, phần lớn các thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đều cho rằng kinh tế Mỹ đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực như tình hình tài chính chung được cải thiện, chính sách cắt giảm thuế phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất trong nước ổn định và kết quả hoạt động kinh tế hải ngoại khả quan.

Hồi tháng 12-2017, Fed dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% trong năm 2018. Trong khi đó, phần lớn các nhà kinh tế và phân tích thị trường cho rằng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,6% hoặc cao hơn trong năm nay. Trong cuộc họp hồi tháng 1, Fed giữ nguyên mức lãi suất 1,5%. Tuy nhiên, cơ quan này phát đi các tín hiệu sẽ có 3 đợt điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng trong năm 2018 này./.