TCCSĐT - Đánh giá tình hình 8 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, Chính phủ nhận định ước thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay đều có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra (8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7% như mục tiêu kế hoạch và xuất khẩu dự kiến tăng hơn 14%, gấp đôi so với mục tiêu đã đề ra.

Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi lẽ, khi hết quý 1 (tăng trưởng GDP chỉ có 5,15%), quý 2 (6,17%) và tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm là 5,75% thì vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Thậm chí có cả những kiến nghị về việc báo cáo Quốc hội điều chỉnh mục tiêu kế hoạch. Rõ ràng, việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra là một cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần tỷ lệ đóng góp của các ngành khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô. Đây cũng là kết quả sự chỉ đạo quyết liệt, đi vào cụ thể từng lĩnh vực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2017, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế; bên cạnh đó còn có sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân.

Kịch bản tăng trưởng 6,7% trong những tháng cuối năm

Trong 8 tháng đấu năm, tình hình kinh tế - xã hội có diễn biến tích cực; chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng tăng 6,7%, tiếp tục xu hướng tăng so với mức tăng trưởng của 7 tháng (6,5%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (7,2%), trong đó, ngành khai khoáng giảm 6,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,01%). Tổng lượng khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,47 triệu lượt khách, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản tăng cao. Tính chung cả 8 tháng năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 104.511 doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký mới là 822 nghìn tỷ.

Tình hình phát triển khả quan trong 8 tháng đầu năm là cơ sở quan trọng để có thể hoàn thành kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, chỉ còn 4 tháng nữa là sẽ hết năm 2017. Để đạt tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017, cần một kịch bản cụ thể, với nhiệm vụ được xác định rõ cho mỗi ngành, mỗi địa phương. Và trên cơ sở nhiệm vụ được giao, mỗi ngành, mỗi địa phương phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Để tăng trưởng GDP đạt 6,7% thì nông nghiệp phải tăng trưởng được 3,05%. Công nghiệp phải tăng trưởng được 7,91%. Du lịch, dịch vụ phải tăng trưởng được 7,19%. Các địa phương - các cực tăng trưởng như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang… tập trung tăng trưởng ở các nơi này là tăng trưởng cả nước.

Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng là yếu tố quyết định để bảo đảm cân đối dự toán ngân sách nhà nước, bảo đảm vấn đề nợ công, nếu tăng trưởng tốt thì nền kinh tế có dư địa để tăng khả năng thu hút đầu tư. Vì vậy, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng là quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, được Chính phủ giao rất rõ ràng cho các cấp, các ngành, nhất là các bộ trưởng, các bộ chuyên ngành, các “tổng tư lệnh”, các tỉnh, vùng trọng điểm công nghiệp.

Còn nhiều rào cản cần tiếp tục tháo gỡ…

Sự tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với hoạt động của doanh nghiệp, hiện theo thống kê có tới 5.719 điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như công nghiệp đang trên đà phục hồi nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) vẫn thấp hơn so với cùng các năm trước; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn... Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, là vấn đề về thuế, phí đối với doanh nghiệp, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Cần rà soát các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan lên tới 35%. Chính phủ đã yêu cầu phải giảm còn 15%. Cần tiếp tục rà soát, kiểm tra về từng thủ tục kiểm tra của các bộ, ngành và nếu thủ tục nào không cần thiết hoặc kiểm tra nhiều mà phát hiện quá ít vi phạm thì cần phải bãi bỏ.

Các quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT cũng còn nhiều bất cập. Thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao, Ngân hàng Thế giới cho biết doanh nghiệp Việt Nam nộp bảo hiểm xã hội mất 189 giờ mỗi năm, trong khi Thái Lan chỉ mất 48 giờ, Indonesia mất 56 giờ.

… và một số giải pháp

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch của cả năm 2017, cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả, tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22%. Đặc biệt tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nhất là vấn đề thủ tục hành chính, rà soát 5.719 thủ tục kinh doanh, rà soát toàn bộ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của các bộ hiện nay. Cụ thể, các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI (Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cắt giảm và sửa đổi gần 2.000 điều kiện kinh doanh) để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi cắt giảm mạnh các điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Tăng cường chống thất thu thuế, phí; triệt để thực hành tiếp kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính. Rà soát tổng mức đầu tư các dự án BOT, rà soát lại mức phí và thời gian thu phí, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Rà soát, khắc phục sớm tình trạng có quá nhiều loại phí liên quan đến giao thông; xử lý nghiêm các vi phạm, chống lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT giao thông.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước. Đẩy mạnh hoạt động dự báo thị trường, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật. Tập trung rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ, thủ tục đăng ký đầu tư, sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nắm bắt kịp thời cơ hội sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất đối với các mặt hàng nông sản; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nội địa, tăng cường các hoạt động khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam.

Các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, xây dựng. Đồng thời, rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không hợp lý, bảo đảm cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng./.