Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến 18-6-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:07, ngày 20-06-2017

TCCSĐT - Ngay từ đầu năm, các chuyên gia đã dự báo năm 2017 sẽ có nhiều thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) sôi nổi. Điều này đã được thể hiện rõ trong hai quý đầu năm với nhiều thương vụ “sang tay đổi chủ” bất động sản đình đám.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Thay mặt Chính phủ tham gia giải trình vào cuối phiên chất vấn sáng 13-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo với các đại biểu Quốc hội các giải pháp tổng thể để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Từ những thực trạng của ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp lớn, mang tính tổng thể nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trước hết cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ nhằm tạo môi trường, động lực cho nông nghiệp phát triển. Trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch về đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học công nghệ... để sản xuất hàng hóa. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.

Về vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần rà soát, điều chỉnh lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương. Gắn quy hoạch với nhu cầu và diễn biến của thị trường, trong đó coi trọng thị trường trong nước nhưng phải lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để phát triển sản xuất. Gắn quy hoạch với thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần kế hoạch hóa đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, phân định rõ các nguồn vốn đầu tư như vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống hạ tầng chính, vốn doanh nghiệp và người dân đầu tư cho hạ tầng sản xuất. Phải tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung gắn kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giảm bớt khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Về giải pháp mở rộng và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa 5 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học và Nhà băng. Trong đó, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại là trung tâm, là động lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Người nông dân góp vốn và trực tiếp sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp, được hưởng lợi ích theo kết quả lao động và tỷ lệ góp vốn. Đồng thời, Nhà nước có chính sách để điều tiết lợi ích cho những người lao động, đặc biệt là các đối tượng khó khăn. Theo Phó Thủ tướng, ngoài liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học) phải thêm một nhà nữa là Nhà băng vì không có tín dụng, không có vốn sẽ không thể đẩy mạnh sản xuất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề cập đến các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cần được tăng cường, nhất là công nghệ sinh học trên tất cả các khâu, coi đây là nhiệm vụ then chốt tạo ra sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Cùng với đó, hệ thống thương mại sản phẩm nông sản trong nước cần được tổ chức lại và mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, thông tin thị trường cho người nông dân.

Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu của Đề án là xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, nâng cao năng suất lao động, hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước, làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

Ngành, nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện đồng thời, quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện; tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán, tư vấn thẩm tra và giám sát thi công công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp.

Theo Đề án, Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các đơn vị giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN: Công ty Thủy điện Sơn La; Công ty Thủy điện Hòa Bình; Công ty Thủy điện Ialy; Công ty Thủy điện Trị An; Công ty Thủy điện Tuyên Quang; Công ty Phát triển Thủy điện Sê San; Công ty Thủy điện Huội Quảng-Bản Chát; Ban Quản lý dự án thủy điện 1; Ban Quản lý dự án thủy điện 4; Ban Quản lý dự án thủy điện 5; Ban Quản lý dự án thủy điện 6; Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La; Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; Ban Quản lý dự án nhiệt điện 2; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công nghệ EVN; Công ty Mua bán điện; Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (đổi tên từ Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin); Trung tâm Thông tin điện lực.

Doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; Tổng Công ty Điện lực miền Trung; Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định số 168/QĐ-TTg).

Doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2.

Cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3 (EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ các Tổng Công ty Phát điện đến hết năm 2019, năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối).

Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 (thoái vốn sau khi hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3).

EVN thực hiện thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp sau: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực; Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức; Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh-Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.

Các thương vụ “sang tay đổi chủ” bất động sản đình đám trong nửa đầu năm


Ngay từ đầu năm, các chuyên gia đã dự báo năm 2017 sẽ có nhiều thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) sôi nổi. Điều này đã được thể hiện rõ trong hai quý đầu năm với nhiều thương vụ “sang tay đổi chủ” bất động sản đình đám.

Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy một trong những giao dịch nổi trội phải kể đến việc mua lại khu đất dự án thương mại 0,6ha ở vị trí đắc địa trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục đích xây dựng dự án phức hợp quốc tế loại A đầu tiên tại Việt Nam của tập đoàn CapitaLand. Dự án này sẽ nhận giải ngân từ quỹ đầu tư 500 triệu USD nhắm tới các tài sản thương mại ở Việt Nam, được triển khai bởi nhà phát triển Singapore này vào tháng 11 năm ngoái.

Cùng đó, CapitaLand cũng đã công bố việc mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8ha ở Thảo Điền - một trong những khu dân cư được ưa chuộng nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển hơn 300 căn hộ. Động thái này thể hiện chiến lược mở rộng tiềm năng phát triển mảng nhà ở tại Việt Nam của chủ đầu tư này.

Thêm một tên tuổi đình đám khác của Singapore là Keppel Land đã chi 846 tỷ VND (khoảng 37 triệu USD) để tăng cổ phần lên 16% trong dự án Saigon Centre của họ tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, sức hút của bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng đó, hàng loạt các hợp tác giữa nhà đầu tư ngoại và nội cũng được xác lập như Hongkong Land đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn đầu tư An Gia và đối tác Creed Group đến từ Nhật Bản đã tiếp tục “thâu tóm” năm block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 của tập đoàn Vạn Phát Hưng, với giá trị 910 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD).

Nhận định về hoạt động M&A, ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) - cho rằng các thương vụ mua bán, sáp nhập ngành bất động sản có thể tăng mạnh vì sự quan tâm của giới đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục lên cao. Thậm chí, có hàng tỷ USD ngấp nghé săn tìm cơ hội gia nhập thị trường địa ốc vì Việt Nam đang là điểm sáng đầu tư trong khu vực và cả trên thế giới, ông Stephen Wyatt nhận xét.

Không chỉ riêng mảng nhà ở, hoạt động M&A còn diễn ra ở cả phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Từ những tín hiệu tích cực của du lịch, Tập đoàn Berjaya Land (Malaysia) đã thành công chuyển nhượng lại toàn bộ 70% cổ phần đang nắm giữ trong một dự án khu nghỉ mát 4 sao trên đảo Phú Quốc cho Công ty Sulyna Hospitality với tổng giá trị 14,65 triệu USD.

Vốn đầu tư nước ngoài từ nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chờ đợi cơ hội thích hợp để dịch chuyển vào thị trường Việt Nam dưới nhiều hình thức, các chuyên gia nhận xét.

Kinh tế Nga bước sang giai đoạn tăng trưởng

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-6 khẳng định rằng nền kinh tế Nga đã chấm dứt tình trạng suy thoái và bước sang giai đoạn tăng trưởng.

Phát biểu tại cuộc đối thoại trực tuyến với người dân lần thứ 15, Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và bước vào giai đoạn tăng trưởng với nhiều tín hiệu tích cực; lạm phát ở mức thấp kỷ lục 4,1%, trong vòng 4 tháng đầu năm nay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 0,7%.

Điều đáng lo ngại nhất theo ông Putin là thu nhập của người dân giảm mạnh khiến số người sống dưới mức nghèo đói tăng lên. Vào đầu và giữa thập niên 1990, tỷ lệ nghèo đói ở Nga chiếm gần 1/3 dân số, tương đương 40 triệu người.

Tỷ lệ lạm phát của Anh lên mức cao nhất trong vòng bốn năm qua


Theo số liệu công bố của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, tỷ lệ lạm phát của nước này tiếp tục xu hướng đi lên với mức tăng 2,9% trong tháng 5-2017. Trước đó, tỷ lệ lạm phát ở Vương quốc Anh là 2,7% trong tháng 4-2017, cao hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE) và là mức cao nhất trong bốn năm.

Theo ông Amit Kara, phụ trách về dự đoán kinh tế vĩ mô Vương quốc Anh của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Vương quốc Anh (NIESR), lạm phát của nước này dự kiến tiếp tục tăng trong những tháng tới.

BoE tổ chức cuộc họp Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) vào ngày 15-6 nhằm xem xét điều chỉnh lãi suất, hiện ở mức thấp kỷ lục 0,25%. Mặc dù BoE bất ngờ trước việc lạm phát tăng song dự kiến MPC sẽ coi đây chỉ là hiện tượng nhất thời và duy trì chính sách tiền tệ ổn định cho đến giữa năm 2019.

Trong khi đó, theo cuộc khảo sát của Institute of Directors (IoD), lòng tin doanh nghiệp tại nước Anh đã giảm mạnh kể từ cuộc bầu cử ngày 08-6, với gần 700 thành viên các tập đoàn và doanh nghiệp bày tỏ lo ngại sâu sắc về bất ổn chính trị và những tác động đến kinh tế nước Anh.

IoD cho biết chỉ khoảng 20% số người được hỏi tỏ ra lạc quan về nền kinh tế Anh trong 12 tháng tới, trong khi có tới 57% số người được hỏi tỏ ra bi quan về kinh tế đất nước. Theo một quan chức trong Liên đoàn công nghiệp nước Anh, các doanh nghiệp có thể sẽ cắt giảm quy mô đầu tư trong thời gian tới./.