TCCSĐT - Một bức tranh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cũng như quan điểm về các vấn đề quốc tế nổi bật đã được Tổng thống V. Putin trả lời đầy đủ và sâu sắc qua gần 70 câu hỏi trong suốt 3 giờ 56 phút trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân Nga, diễn ra ngày 15-6 tại Nga.

Giao lưu trực tuyến - Tổng thống Nga giải đáp những thắc mắc của người dân

 
 Tổng thống Nga V. Putin tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Trong số các câu hỏi được trả lời trực tuyến, khẳng định được chú ý nhất của Tổng thống V. Putin là về lĩnh vực kinh tế. Dẫn ra các con số thống kê của 3 quý gần đây, Tổng thống Nga khẳng định nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bước sang thời kỳ tăng trưởng với nhiều tín hiệu tích cực, trong khi lạm phát ở mức thấp kỷ lục 4,1%. Kinh tế Nga đã đạt tăng trưởng trong 3 quý liên tiếp và trong vòng 4 tháng đầu năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đạt mức tăng trưởng 0,7%. Bên cạnh tác động tiêu cực, các biện pháp trừng phạt của phương Tây lại tạo ra động lực để nền kinh tế Nga phát huy tối đa nội lực, hàng hóa sản xuất trong nước có cơ hội nâng cao chất lượng thay thế hàng nhập khẩu. Nền kinh tế đã đạt những thành công trong đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, tìm kiếm các thị trường mới cho hàng hóa trong nước.

Dễ hiểu là các vấn đề xã hội được đề cập đến trong rất nhiều câu hỏi với lãnh đạo đất nước. Tiến trình thực hiện các chương trình nhà ở, trợ cấp sinh con, giao đất canh tác, bảo vệ môi trường, chuẩn bị hạ tầng cho các sự kiện thể thao lớn, tuổi về hưu,… được người đứng đầu nước Nga giải đáp chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, câu hỏi được kỳ vọng về khả năng ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 đã không được đặt ra trực tiếp, nhà lãnh đạo Nga chỉ nhấn mạnh rằng, chỉ có cử tri và nhân dân mới có quyền lựa chọn người lãnh đạo tỉnh, thành phố và đất nước của mình, trong đó, “người kế nhiệm” ông sẽ phải giải quyết vấn đề tăng thu nhập, xóa nghèo và nhà ở xuống cấp, phát triển kinh tế, và phải thực hiện chương trình chuyển sang tầm cao công nghệ mới.

Về quan hệ đối ngoại, theo Tổng thống V. Putin, mối quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng đã có lời giải khi tình trạng bài Nga ngày càng gia tăng do hậu quả nền chính trị nội bộ Mỹ diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, lãnh đạo Nga khẳng định, Moscow không coi Mỹ là kẻ thù và luôn coi trọng việc bình thường hóa quan hệ với Washington. Tổng thống Nga cũng giữ thái độ điềm đạm khi nói về nước láng giềng Ukraine bất chấp phát ngôn “đoạn tuyệt” với Nga của Tổng thống nước này. Ngoài ra, Tổng thống Nga hy vọng Washington có thể đóng “vai trò tích cực” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống V. Putin bác bỏ mọi cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cho rằng Moscow đã bày tỏ quan điểm công khai và không tham gia bất kỳ hành động ngầm nào.

Đề cập tới kế hoạch trong trung hạn của Nga tại Syria, Tổng thống Nga cho biết, nước này lên kế hoạch tăng cường khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang Syria, theo đó cho phép tái bố trí binh lính Nga tới các căn cứ hiện tại của Nga và giảm sự hiện diện quân sự tại Syria. Tuy nhiên, không quân Nga sẽ vẫn hỗ trợ lực lượng Syria ở nơi nào cần thiết. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt mục tiêu thiết lập một tiến trình giải pháp chính trị (tại Syria) giữa tất cả các bên liên quan”.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Quỹ Công luận (Nga) tiến hành, 57% số người được hỏi cho rằng, hình thức giao lưu trực tuyến với người dân có tác động đến tình hình trong nước, 32% cho rằng qua chương trình này “giải quyết các vấn đề cụ thể, hỗ trợ đúng địa chỉ, đời sống thay đổi theo hướng tích cực”, 8% cho rằng “Tổng thống được biết đến các vấn đề của người dân”, 6% cho rằng “chính quyền địa phương bắt đầu làm việc tốt hơn”.

FED tiếp tục tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2017

 
 Chủ tịch FED Janet Yellen. Ảnh: TTXVN

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của FED trong vòng ba tháng qua.

Trong thông cáo được đưa ra ngày 14-6, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - cho biết do Mỹ đã liên tiếp đón nhận các tín hiệu cho thấy triển vọng sáng sủa của nền kinh tế số một thế giới, như sự khởi sắc của thị trường lao động, với hơn 190.000 việc làm mới được tạo ra mỗi tháng trong hai năm liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp hiện giảm xuống chỉ còn 4,3% và là mức thấp nhất kể từ năm 2001, tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ cùng với đó là hàng loạt “tin vui” từ các khu vực kinh tế chủ chốt khác, FED đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, qua đó nâng biên độ lãi suất hiện nay lên mức 1% - 1,25%. Giới chức FED cũng thông báo ngân hàng này dự kiến nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2017, song không cho biết thời điểm.

FED đã tăng lãi suất hai lần vào tháng 12-2016 và tháng 3-2017, trong bối cảnh có tín hiệu lạc quan về những ngày đầu nhậm chức của Tổng thống D. Trump, với cam kết cắt giảm thuế, bãi bỏ một số quy định, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lớn. Và trước những số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ trong những tháng gần đây, FED đã tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Trong cuộc phỏng vấn với kênh CNN mới đây, người đứng đầu FED chi nhánh New York W. Dudley nhận định, hầu hết các số liệu trong một vài tháng gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ ghi nhận các chỉ số tích cực bao gồm tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp và thị trường việc làm tăng trưởng khá mạnh. Theo số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, số người Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 13-6 vừa qua đã giảm 10.000 đơn xuống còn 245.000 đơn. Con số được công bố trước đó cho thấy, số vị trí công việc cần tuyển dụng đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng 4. Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã 118 tuần liên tiếp ở dưới ngưỡng 300.000, mốc thể hiện thị trường lao động đang “khỏe mạnh”. Đây cũng là chuỗi thời gian dài nhất con số này thấp hơn 300.000 đơn kể từ năm 1970 khi quy mô thị trường lao động nhỏ hơn hiện giờ. Thị trường lao động Mỹ đang áp sát ngưỡng “đầy đủ việc làm”, với tỷ lệ thất nghiệp chạm mức thấp nhất trong 16 năm qua là 4,3%.

Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố kết quả khảo sát lĩnh vực dịch vụ hàng quý (QSS), theo đó, chi tiêu tiêu dùng, bao gồm cả chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, của Mỹ đã tăng nhanh hơn ước tính trước đó của chính phủ. Theo giới chuyên gia, số liệu QSS cho thấy sức tăng trưởng GDP trong quý I-2017 có thể được điều chỉnh tăng từ mức 1,2% (theo ước tính hồi tháng 5) lên 1,5%. Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết nhờ chứng khoán đi lên, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình ở nước này đã tăng 1,4% lên 94.800 tỷ USD trong quý I-2017, một xu hướng có thể hỗ trợ chi tiêu trong tương lai. Tổng giá trị tài sản của hộ gia đình bao gồm các tài khoản giao dịch và tài khoản tiết kiệm, trừ đi các khoản thế chấp và các khoản nợ khác. Chỉ số này đã hoàn toàn hồi phục và vượt xa mức trước thời kỳ suy thoái. Nhìn chung, các quan chức của FED đều cho rằng, nền kinh tế đang tiến gần đến các mục tiêu mà FED đã đề ra và điều này chính là tiền đề tạo cơ sở để định chế tài chính này đưa ra quyết định tăng lãi suất.

G7 đồng lòng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

 
 Quan chức môi trường EU và Bộ trưởng Môi trường G7. Ảnh: sggp.org.vn

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) gồm Italia, Canada, Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức và Mỹ đã diễn ra tại thành phố Bologna (Italia), trong hai ngày 11 và 12-6-2017. Tham dự Hội nghị còn có sự tham dự của các ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, Bộ trưởng môi trường 4 nước Chile, Maldives, Ethiopia và Rwanda.

Diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ D. Trump vừa quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, nên tại Hội nghị, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận về những chủ đề quan trọng liên quan đến thách thức đối với môi trường toàn cầu như tình hình thực hiện các mục tiêu được ấn định bởi Hiệp định Paris nhằm chống biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, bộ trưởng môi trường các nước G7 thảo luận tại một cuộc gặp của G7 về các chủ đề liên quan giữa kinh tế và môi trường như: Cải cách thuế môi trường; các khoản trợ cấp gây hại môi trường; vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương; tài chính xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã thảo luận về các vấn đề truyền thống quan trọng của G7 như “Rác thải trên biển” và “Tính hiệu quả của tài nguyên”. Về chủ đề “Tính hiệu quả của tài nguyên”, mục tiêu của Hội nghị là đưa ra “Lộ trình Bologna”, tập trung vào một số vấn đề quan trọng: Các chỉ số về tính hiệu quả của tài nguyên, sự can dự và ý thức của công dân về chất thải từ thực phẩm, phân tích kinh tế về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên. Phát biểu với báo chí sau ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Môi trường Italia Gian Luca Galletti, nước chủ nhà Hội nghị tuyên bố, Italia và tuyệt đại đa số các nước đều xem thỏa thuận Paris là “không thể đảo ngược cũng như không thể đàm phán lại”. “Lập trường trong nhiều vấn đề, đặc biệt là đối với thỏa thuận Paris có thể khác nhau song điều quan trọng là không thể đi lạc hướng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần phải duy trì đối thoại, tiếp tục làm việc với nhau dù quan điểm có khác nhau”, ông Gian Luca Galletti nói.

Về quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Mỹ, Bộ trưởng Môi trường Pháp N. Hulot khẳng định, cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu là không thể đảo ngược. Ông N. Hulot cho biết, các đồng minh của Mỹ quyết tâm không để lập trường gây tranh cãi của ông D. Trump trong vấn đề khí hậu ảnh hưởng đến sự hợp tác về các vấn đề sinh thái khác. “Khuôn khổ pháp lý duy nhất cho các cuộc đàm phán về vấn đề khí hậu chính là hiệp định và những mục tiêu đã được ấn định ở Paris. Chắc chắn Hiệp định Paris cũng như những mục tiêu này là không thể đảo ngược”.

Theo người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc E. Solheim, các cuộc thảo luận về môi trường tại Hội nghị đã nhấn mạnh “quyết tâm tuyệt đối” của 6 quốc gia thành viên khác của G7 thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bất chấp lập trường của nước thành viên còn lại là Mỹ. Cũng theo ông N. Hulot, các cam kết của Mỹ về những vấn đề môi trường khác, nhất là việc làm sạch các đại dương trên thế giới, là chắc chắn. Ngoài ra, cam kết của những bên tham gia ngành công nghiệp về việc sử dụng các công nghệ xanh và năng lượng tái tạo sẽ không bị ảnh hưởng.

Trong tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7, Mỹ đã không tán thành những phần nội dung về vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các kế hoạch khác nhằm tài trợ cho việc phát triển bền vững. Hãng tin ANSA cho biết, văn kiện cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 đã được toàn thể các đại biểu thông qua, nhưng kèm theo phần chú thích trong đó Mỹ nói rằng họ không tuân thủ phần nội dung về biến đổi khí hậu và các ngân hàng phát triển.

Chật vật tiến trình đàm phán Brexit

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Thời điểm khởi đầu đàm phán về vấn đề Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang tới gần nhưng triển vọng của tiến trình này bị đánh giá là rất mờ mịt. Theo giới phân tích, con tàu Brexit đã rời ga, những vẫn chưa biết đích đến.

Chính quyền của Thủ tướng Anh T. May đã kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29-3-2017 để bắt đầu tiến trình Brexit. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mà bà T. May kêu gọi vào ngày 08-6 vừa qua nhằm gia tăng sức mạnh của đảng Bảo thủ cầm quyền trong quá trình thương lượng Brexit đã phản tác dụng nghiêm trọng. Kết quả của bầu cử sớm không chỉ hạ thấp vị thế của đảng Bảo thủ mà còn đưa đến một tương lai chính trị không chắc chắn cho nước Anh.

Dưới con mắt của giới quan sát, Thủ tướng T. May sẽ là người “cực kỳ khó tính” trong các cuộc đàm phán chia tách sắp tới giữa Anh và EU và các cử tri Anh cũng có thể khó tính không kém về vấn đề này. Trong khi bà T. May giữ vững quan điểm về một Brexit “cứng”, tức là Anh sẽ rời khỏi cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan châu Âu và hạn chế người nhập cư từ châu Âu, thì phần lớn người dân Anh giờ đây chấp nhận Brexit như một thực tế cuộc sống. Khoảng 90% người dân muốn ở lại thị trường chung và khoảng 70% muốn xiết chặt biên giới. Hai mong muốn này có tính loại trừ lẫn nhau đối với EU, và các quan chức của liên minh đã nhiều lần làm rõ điều này: Hoặc Anh vẫn ở lại thị trường chung và chấp nhận sự tự do đi lại, hoặc nước này rời khỏi thị trường chung và lấy lại quyền kiểm soát về nhập cư.

Trong diễn biến mới nhất ngày 13-6-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một số quy định mới có thể dẫn đến việc dịch chuyển về lục địa châu Âu một phần các hoạt động của Trung tâm tài chính London sau khi Anh hoàn thành kế hoạch Brexit. Thực tế trong một số trường hợp, các quy định trên tạo cho EU khả năng từ chối việc Anh đòi quyền giữ lại trên lãnh thổ của họ những công ty thanh toán bù bằng đồng euro. EC giải thích do đối mặt với sự ra đi của trung tâm tài chính lớn nhất EU nên Liên minh cần có một số thay đổi để bảo đảm các nỗ lực mà họ đang thực hiện sẽ đi đúng hướng. Mục đích của việc đề xuất các quy tắc mới là nhằm bảo đảm sự ổn định tài chính chứ không phải là ý định dịch chuyển các hoạt động một cách tùy tiện.

Đây không phải là động thái đầu tiên cho thấy EU tỏ ra cứng rắn và mất kiên nhẫn trước tình trạng không chắc chắn của phía Anh trong cuộc đàm phán Brexit sắp tới. Theo trang mạng theguardian.com, các quan chức cấp cao EU đã tuyên bố nếu Anh vẫn khăng khăng bàn về thỏa thuận thương mại tự do trước khi các vấn đề như quyền của công dân và đường biên giới ở Ireland được giải quyết thích đáng, thì họ sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn. Trang mạng Bloomberg.com nhận định, EU nên đi theo hai hướng sau trong tiến trình đàm phán sắp tới với Anh: Thứ nhất, cho phép linh động về mặt thời gian và trình tự các cuộc đàm phán Brexit. EU đang nôn nóng khởi động tiến trình này và đã đưa ra các ý định cụ thể về quy trình triển khai, nhưng những xáo trộn tại Quốc hội Anh sẽ khiến mọi thứ chậm lại. Các nhà lãnh đạo châu Âu nên sẵn sàng thích ứng với thực tế này. Việc tránh khỏi những tranh cãi về quy trình thủ tục là điều cần thiết hơn cả. Thứ hai, EU nên nhìn rộng ra bên ngoài các điều khoản Brexit và thúc đẩy một đề xuất cho mối quan hệ có hiệu quả trong tương lai với Anh. Đây là điều rất dễ hiểu nhưng hiện tại, Anh dường như không thể làm vậy. Nếu EU lựa chọn chỉ đứng đó nhìn, hậu quả sẽ là không có một thỏa thuận nào đạt được, một cuộc “chia tay” hỗn loạn xảy ra khi thời gian đàm phán không còn nhiều, sự xáo trộn kinh tế lên mức đỉnh điểm và sự buộc tội lẫn nhau kéo dài trong nhiều năm - một hậu quả không chỉ kinh hoàng với Anh mà còn vô cùng rắc rối với EU. Nói tóm lại, châu Âu không cần thiết phải chỉ cho Anh thấy những sai lầm của họ. EU giờ đây cần hướng sự chú ý từ “trừng phạt” sang “kiểm soát thiệt hại”./.