Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-3-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
11:13, ngày 22-03-2017

TCCSĐT - Các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cam kết sẽ tìm ra những phương thức mới thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại khu vực, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.

Cổ phần hóa 4 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng trong năm nay

Trong năm 2017, cổ phần hóa các tổng công ty: Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Công nghiệp Ximăng Việt Nam theo quy định pháp luật. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo như vậy về việc sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, giai đoạn 2011 - 2016, nhiệm vụ đến năm 2020.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thực hiện thoái vốn nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại 12 tổng công ty đã cổ phần hóa và 4 tổng công ty đang tiến hành cổ phần hóa theo quy định, bảo đảm tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 với lộ trình gồm 3 nhóm.

Nhóm 1, giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước 40,71% vốn điều lệ tại Tổng Công ty LICOGI - Công ty cổ phần và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quý I-2017.

Nhóm 2, thực hiện thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đối với 10 doanh nghiệp gồm các Tổng Công ty: Vật liệu xây dựng số 1, Xây dựng số 1, Sông Hồng, Đầu tư và Phát triển xây dựng, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, Tư vấn xây dựng Việt Nam, Cơ khí xây dựng, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.

Nhóm 3, cổ phần hóa, bán bớt phần vốn nhà nước, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại các Tổng công ty: Sông Đà, Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Lắp máy Việt Nam - Công ty cổ phần và Viglacera-Công ty cổ phần; xây dựng lộ trình cụ thể chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.

Tăng cường quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn Tây Nguyên


Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 391/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Công điện nêu rõ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 diễn ra ngày 11-3 đã tổng kết, đánh giá nhiều mặt tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật vùng Tây Nguyên giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập cần tiếp tục quan tâm giải quyết như tác động bất lợi đến môi trường - xã hội của các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn.

Để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Công Thương chỉ đạo và tổ chức rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân.

Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện việc tạm dừng cấp phép đầu tư các dự án thủy điện có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng (Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22-7-2016 của Văn phòng Chính phủ).

Bộ phối hợp với các địa phương tăng cường chỉ đạo việc thực hiện vận hành các hồ chứa thủy điện theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tổ chức rà soát hoàn thiện các quy trình vận hành hồ chứa còn bất cập để bảo đảm hiệu quả phát điện và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du về mùa khô, cũng như cắt, giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực trong mùa lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện các dự án trồng rừng thay thế tại các tỉnh Tây Nguyên; yêu cầu trong năm 2017 phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về môi trường, các quy trình vận hành liên hồ chứa của các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Bộ chủ trì rà soát, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm hiệu quả sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát điện, cân bằng nước duy trì dòng chảy tối thiểu, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du nhất là về mùa khô, cũng như cắt, giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực trong mùa lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện các quy định về giám sát thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các dự án, công trình thủy điện, trong đó có chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm các quy định liên quan.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thực hiện rà soát quy hoạch thủy điện tại địa phương nêu trên; tăng cường kiểm tra công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện tại địa phương theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình và bảo vệ môi trường; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa công trình thủy điện được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người dân.

Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch và kết quả thực hiện trước ngày 30-6.

Tương lai của TPP sẽ được quyết định vào tháng Năm tại Việt Nam

Các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cam kết sẽ tìm ra những phương thức mới thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại khu vực, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.

Ngày 15-3, các nước tham gia ký kết TPP đã lần đầu tiên nhóm họp tại thành phố Viña del Mar (Vi-nha đên Ma) của Chile sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại đầy tham vọng này. Hội nghị mang tên “Đối thoại cấp cao về đề xuất hội nhập châu Á - Thái Bình Dương” có sự tham gia của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia TPP cùng với đại diện của Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia. Mỹ chỉ cử Đại sứ nước này tại Chile là bà Carol Perez tới dự.

Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị bế mạc, Ngoại trưởng nước chủ nhà Heraldo Muñoz cho biết các nước đều quan ngại về xu hướng bảo hộ thương mại hiện nay, đồng thời khẳng định cam kết hợp tác thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư, dịch vụ, hội nhập kinh tế và củng cố hệ thống thương mại quốc tế. Cũng theo Ngoại trưởng Muñoz, 11 nước thành viên TPP trừ Mỹ đều cho rằng thỏa thuận này đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình hội nhập châu Á - Thái Bình Dương và đề cập tới những định hướng mới có thể áp dụng trong tương lai. Ông đánh giá tích cực kết quả hội nghị, do Chile thúc đẩy. Ngoại trưởng Muñoz cũng thông báo các nước nhất trí tổ chức một hội nghị bộ trưởng để quyết định tương lai TPP vào tháng 5 tới đây trong khuôn khổ các sự kiện của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Việt Nam.

Trong một thông cáo ngắn ra sau khi hội nghị kết thúc, Đại sứ Mỹ tại Chile, bà Carol Perez nhấn mạnh Nhà Trắng sẵn sàng đối thoại với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương và bày tỏ hy vọng tiếp tục là thành viên chủ chốt trong cộng đồng khu vực không chỉ riêng trong lĩnh vực thương mại. Bà Perez cho biết Chính phủ Mỹ có một lộ trình thương mại năng động, nhằm tăng cường trao đổi với tất cả các đối tác châu Á - Thái Bình Dương, thông qua các thỏa thuận cấp cao thúc đẩy tự do và công bằng trong thương mại, mở rộng nền kinh tế Mỹ va bảo vệ việc làm của các công dân Mỹ.

G20 không đạt tiến triển về thương mại tự do, chống bảo hộ mậu dịch

Sau hai ngày nhóm họp 17 và 18-3 tại Baden-Bade của Đức, Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung mà không có một cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ mậu dịch.

Bằng việc chỉ nhắc chiếu lệ đến thương mại trong bản tuyên bố chung, các quan chức G20 đã phá vỡ truyền thống kéo dài một thập kỷ qua về ủng hộ thương mại mở. Đây là một thất bại rõ ràng đối với nước chủ nhà Đức, vốn đã nỗ lực để duy trì các cam kết trước đây của G20.

Theo tin truyền thông trước đó, Hội nghị G20 lần này có thể sẽ đưa ra những cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tuy nhiên sau 2 ngày, hội nghị chỉ đạt được sự thỏa hiệp tối thiểu và không có cam kết chung rõ rệt nào được đưa ra. Trong khi đó, trả lời họp báo sau cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo tài chính các nước G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định Mỹ vẫn giữ cam kết về thương mại tự do song cũng muốn xem xét lại một số thỏa thuận thương mại và hiệu chỉnh những điểm bất hợp lý.

Hội nghị thượng đỉnh khởi nghiệp toàn cầu đưa ra nhiều thông điệp mới

Ngày 17-3, tại thành phố Johannesburg của Nam Phi, Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp toàn cầu năm 2017 (GEC 2017) đã thành công tốt đẹp với việc đưa ra nhiều thông điệp về chính sách mới, sáng kiến mới, cơ hội mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nhân Toàn cầu (GEN) đồng Chủ tịch GEC 2017, ông Jonathan Ortmans, nhấn mạnh sau 4 ngày làm việc khẩn trương và nhiều cuộc họp chung, hội thảo chuyên sâu của các ủy ban chuyên môn và với sự tham gia của các đoàn đại biểu các nước, đại diện nhiều tập đoàn, công ty lớn thế giới, nhất là số doanh nghiệp, doanh nhân đông nhất từ trước tới nay là minh chứng về sự thành công tốt đẹp của Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp toàn cầu năm 2017 tại Nam Phi.

Theo ông Ortmans, Hội nghị GEC 2017 đã đưa ra các thông điệp về thúc đẩy hợp tác toàn cầu, trong đó tập trung thảo luận và xây dựng các chính sách, mô hình, sáng kiến mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên phạm vi toàn thế giới, nhất là khu vực châu Phi nhiều tiềm năng. Hội nghị lần này là cơ hội kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân toàn cầu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thời gian tới, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu. Đặc biệt, GEC 2017 cũng là dịp tốt để các đối tác chia sẻ các nguồn lực và hệ thống mạng thông tin toàn cầu nhằm thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nam Phi Lindiwe Zulu nêu rõ Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp toàn cầu năm 2017 lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi và Nam Phi là sự ghi nhận của Mạng lưới Doanh nhân Toàn cầu về sự phát triển của các doanh nghiệp, doanh nhân ở châu lục này - đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ. Theo bà Zulu, hiện các công ty vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp châu Phi đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư ở khu vực nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, do trình độ quản lý, điều hành, nhất là nguồn vốn, tài chính có hạn nên sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nhân trẻ ở châu Phi vẫn rất khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú chưa được khai thác nhiều ở khu vực này.

Nhân dịp này, bà bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân toàn cầu tăng cường hợp tác và đầu tư vào Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung để các doanh nghiệp phát triển bền vững, có lợi nhuận và tạo ra thêm nhiều việc làm mới trong tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp toàn cầu năm 2018 (GEC 2018) dự kiến được tổ chức tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018./.