Xây dựng chính sách, cơ chế điều phối liên kết phát triển kinh tế các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Vũ Trọng Bình TS, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương
21:01, ngày 22-02-2017

TCCS - Vấn đề phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng kinh tế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư để phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế vẫn còn một số hạn chế. Để tạo ra sự thay đổi thực sự trong phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phát triển nhanh, bền vững trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đòi hỏi phải triển khai những giải pháp tổng thể.

Những vấn đề đặt ra

Ngay từ Đại hội VIII, Đảng ta đã đề cập vấn đề kinh tế vùng và liên kết vùng. Đại hội IX, X, XI của Đảng đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: “Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của trung ương và địa phương. Thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”(1).

Bộ Chính trị đã có các nghị quyết, kết luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng cho 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long(2). Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ năm 2000, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan(3). Đặc biệt vấn đề vùng đã được chú trọng, lồng ghép vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Các địa phương trong vùng cũng đã đạt những kết quả nhất định trong triển khai nghị quyết phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh, nhưng phát triển kinh tế vùng ở nước ta còn nhiều hạn chế, liên kết vùng còn yếu, những vùng kinh tế, vùng kinh tế - sinh thái có bản sắc, có tính cạnh tranh cao chưa được hình thành.

Tình trạng này do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, thiếu tư duy và hành động về kinh tế vùng, liên kết vùng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại, nhất là sự phối hợp giữa chiến lược phát triển kinh tế theo ngành dọc (ngành hàng hay chuỗi giá trị) với chiến lược phát triển theo không gian lãnh thổ (vùng, tiểu vùng); chưa thấy tầm quan trọng của sự tích hợp và hài hòa quan hệ giữa không gian kinh tế và không gian tự nhiên, sinh thái, không gian chính sách và thể chế; chưa coi trọng xứng đáng về kinh tế vùng và chức năng kinh tế và sinh thái từng vùng, mô hình tăng trưởng kinh tế vùng; ít có hệ thống quản trị về tài nguyên, sinh thái, kinh tế, cũng như tổ chức hệ thống dịch vụ công theo vùng.

Thứ hai, chưa có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo không gian lãnh thổ quốc gia; thiếu định hình rõ chức năng kinh tế, xã hội, sinh thái từng vùng để thiết kế chính sách và thể chế tập trung vào các chức năng đó; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, cấp tín dụng, quản trị không gian kinh tế, cấp giấy phép đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội vùng, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng.

Thứ ba, thiếu chính sách kinh tế - xã hội, thể chế quản trị theo vùng, làm tăng chi phí thể chế kinh tế, giảm cạnh tranh. Trong 30 năm qua, quy mô hoạt động kinh tế của các địa phương, các doanh nghiệp đã vượt xa các ranh giới hành chính cấp tỉnh, thành, kể cả ở Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, Tây Bắc. Trong khi hệ thống thể chế, chính sách, quản lý kinh tế, dịch vụ công, chính quyền được thiết kế theo cấp hành chính tỉnh, thành phố có quy mô nhỏ, ít thay đổi, tính cát cứ cao, cạnh tranh lẫn nhau, đã hạn chế và không tạo thuận lợi cho sự phát triển của không gian kinh tế. Do sự thiếu vắng các thể chế, chính sách quản trị vùng của Nhà nước, nên việc doanh nghiệp phải làm việc với từng tỉnh về những vấn đề mang tính chất kinh tế vùng đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là với các ngành hàng chủ lực, như gạo, cá tra và các thủy sản khác của đồng bằng sông Cửu Long; cà-phê, hồ tiêu của Tây Nguyên; chè và lâm nghiệp của Tây Bắc; làm tăng chi phí đầu tư, xây dựng và quản trị hạ tầng; giảm hiệu quả của quản trị nguồn nước, sinh thái, lâm nghiệp; khó khăn trong quản trị quy hoạch... Với sự chia cắt không gian kinh tế các tỉnh, thành phố như hiện nay, kinh tế từng tỉnh sẽ rất khó có thể hội nhập quốc tế hiệu quả vì quy mô nhỏ, không thể quyết định những vấn đề vùng, nhất là với: 1- các chuỗi giá trị có tính chất quốc tế của các vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc do kém cạnh tranh, khó quản trị, khó điều phối khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; 2- các tỉnh có cùng đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, sự yếu kém trong liên kết vùng cũng gây khó khăn trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, hợp tác với các nước bạn và không có sự điều phối trong quy hoạch, chính sách, hội nhập kinh tế biên giới.

Thứ tư, kinh tế vùng chưa được coi như một cấu thành quan trọng của chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong khi kinh nghiệm phát triển kinh tế thế giới và Việt Nam đều cho thấy, với đặc điểm kinh tế - xã hội, sinh thái đặc thù, cấp vùng là địa bàn chính để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng trên cơ sở phối hợp hài hòa chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực và chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế theo không gian lãnh thổ. Ví dụ như Đồng Tháp không thể cơ cấu lại nông nghiệp (sản xuất cá tra, lúa gạo) nếu thiếu sự phối hợp với các tỉnh trong vùng, không thể có mô hình tăng trưởng ngành cá tra, lúa gạo, cây ăn quả riêng của Đồng Tháp, mà phải của cả tiểu vùng nuôi cá tra, cây ăn quả, lúa gạo.

Để phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Một là, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về kinh tế vùng, liên kết vùng.

Trên cơ sở Văn kiện Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, cần làm rõ hơn nữa về sự cần thiết phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng; với các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, đề nghị các ban chỉ đạo cần phối hợp với các cơ quan Trung ương, các cơ quan nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn làm rõ những nguyên tắc cơ bản, nội hàm, chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng; từng bộ, ngành cũng cần làm rõ trong lĩnh vực của mình, để làm cơ sở định hướng đúng đắn về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và cho doanh nghiệp, toàn xã hội.

Hai là, xây dựng Đề án cho thí điểm phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng trên địa bàn ba ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong thời gian tới(4).

a- Đề nghị Đảng và Nhà nước ra chủ trương và cho tiến hành tổ chức quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo không gian lãnh thổ quốc gia, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và vai trò phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, trong đó có địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trên cơ sở đó, cho thí điểm phát triển liên kết vùng đối với các địa bàn này: về chiến lược phát triển kinh tế vùng để điều phối toàn vùng thay cho từng tỉnh; về quy hoạch và quản trị, điều phối chung toàn vùng đối với các nội dung vùng: kết cấu hạ tầng, nguồn nước, sinh thái; về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; liên kết vùng trong đàm phán cấp phép đầu tư, xúc tiến thương mại...; tổ chức dịch vụ công...; quy hoạch bố trí dân cư.

b- Với vùng đồng bằng sông Cửu Long (địa bàn Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), trong bối cảnh mới về xâm nhập mặn, nguồn nước cho lưu vực sông Mê-kông, tác động của biến đổi khí hậu; sự hội nhập sâu rộng của các chuỗi giá trị nông - thủy sản của vùng trên thị trường quốc tế; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở thực hiện thí điểm quy chế liên kết vùng, nên ưu tiên ban hành những cơ chế, thể chế, chính sách về:

- Liên kết về quy hoạch, xây dựng chính sách thúc đẩy hình thành các tiểu vùng kinh tế (Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau) với các chiến lược kinh tế đặc thù kết hợp giữa chiến lược kinh tế trong đất liền và kinh tế biển, giữa kinh tế và an ninh, quốc phòng; cần thiết hình thành hệ thống quản trị kinh tế tiểu vùng thống nhất (quy hoạch, cấp phép, quản trị sử dụng đất trên quy hoạch, đầu tư, cơ chế chính sách đất đai, khoa học - công nghệ...).

- Kinh tế vùng, liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xác định rõ hơn chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp mới hiện đại ở đồng bằng sông Cửu Long, đó là nền nông nghiệp có tính thị trường cao, hiện đại, quy mô lớn, cạnh tranh toàn cầu; một bộ phận lớn diện tích của vùng áp dụng tiêu chuẩn quản trị của một nền nông nghiệp hiện đại (chuỗi, kinh tế nông trại); hệ thống dịch vụ công, nông nghiệp có tính cạnh tranh và chi phí thấp so với thế giới. Từng bước phát triển kinh tế nông trại được quản trị hiện đại cạnh tranh quốc tế (tài chính, chất lượng sản phẩm, vệ sinh, bảo hiểm sản xuất...); hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao: nông, ngư nghiệp gắn với chế biến thực phẩm, dược phẩm, dịch vụ chứng nhận, phân phối; phát triển các trung tâm nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc tế về nông - ngư nghiệp, công nghiệp trang thiết bị và thức ăn, sản xuất giống cho thủy sản, nông nghiệp.

c- Với Tây Nguyên (địa bàn Ban Chỉ đạo Tây Nguyên), trong phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng cần bảo đảm giữ vai trò sinh thái hết sức quan trọng, có tính sống còn cho sự phát triển bền vững, bảo đảm nguồn nước, sinh thái cho chính sự phát triển của Tây Nguyên và của toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và kể cả vùng duyên hải miền Trung. Do vậy, liên kết phát triển vùng Tây Nguyên để giải quyết hài hòa trên không gian việc phát triển kinh tế bảo đảm tính bền vững sinh thái, như liên kết trong quy hoạch sản xuất và bố trí dân cư, phát triển kết cấu hạ tầng, cấp phép đầu tư sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Liên kết vùng Tây Nguyên tập trung vào quy hoạch và phát triển các chuỗi giá trị thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, như cà-phê, hồ tiêu, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch; quản trị nguồn nước, phát triển lâm nghiệp; quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản, thủy điện; cần liên kết không gian phát triển cụ thể theo ba tiểu vùng có địa hình và khí hậu khá riêng biệt (Bắc Tây Nguyên - Kon Tum, Gia Lai; Trung Tây Nguyên - Đắk Lắk, Đắk Nông; Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng) và cần tính đến tính đặc thù của các cộng đồng dân tộc thiểu số, quan tâm đến lịch sử phát triển, văn hóa để bảo đảm không gian phát triển của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.

d- Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (địa bàn Ban Chỉ đạo Tây Bắc) cần quan tâm chức năng vùng này có nhiệm vụ gìn giữ sinh thái cho sự phát triển bền vững cả châu thổ sông Hồng, do đó, chiến lược phát triển kinh tế vùng cần trên cơ sở làm rõ chức năng, vai trò của Tây Bắc với sự phát triển chung cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng. Nhiệm vụ chính của Tây Bắc không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là giữ sinh thái và bảo đảm sinh kế cộng đồng dân cư. Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng Tây Bắc cần trên trục lâm - nông nghiệp làm nền tảng gắn với xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo; phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn liền với phát triển các chuỗi giá trị lâm - nông nghiệp - thực phẩm, dược liệu; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tây Bắc cũng là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước, do vậy, phục vụ ổn định và bảo đảm sinh kế bền vững của người dân là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt.

Ba là, tăng quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của ba ban chỉ đạo về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng.

1- Nâng cao vai trò ba ban chỉ đạo trong quyết định, thẩm định quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng và trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng trên địa bàn để giải quyết vấn đề thiếu chủ thể trong triển khai nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng.

2- Giao thẩm quyền trong quyết định thành lập (hoặc công nhận), hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thành lập, hoạt động của các hội đồng (hoặc ban điều phối) trong liên kết vùng về du lịch, kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, nhân lực...

3- Nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phát triển vùng hoặc Hội đồng phát triển vùng, do trưởng của ba ban chỉ đạo làm Chủ tịch hội đồng cho từng vùng trên địa bàn phụ trách, thành phần bao gồm các bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong vùng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

Bốn là, phát triển liên kết vùng của các doanh nghiệp, ngành hàng.

Nghiên cứu đề xuất hình thành các ban điều phối, hoặc hội đồng, hội doanh nghiệp phát triển vùng của các chuỗi giá trị (vùng đồng bằng sông Cửu Long: thủy sản, cây ăn trái; lúa gạo; Tây Nguyên: cà-phê, hồ tiêu, du lịch; Tây Bắc: chè, dược liệu, lâm nghiệp). Các ban điều phối (hội đồng) này có các nhiệm vụ: xây dựng chiến lược phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong vùng; kiến nghị và tham gia xây dựng cơ chế, chính sách; đề xuất và tham gia xây dựng và giám sát quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến, logistic; tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại; tham gia hoặc chủ trì chống các vụ kiện quốc tế, tham gia các đàm phán quốc tế liên quan đến hoạt động thương mại của chuỗi; tổ chức hoạt động của các chuỗi giá trị vùng.

Năm là, thành lập quỹ phát triển vùng.

Nghiên cứu thành lập quỹ phát triển từng vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Quỹ được hình thành từ các nguồn, như đóng góp từ ngân sách Trung ương, đóng góp từ ngân sách của các địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn, nguồn vay, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,... Quỹ này sẽ được sử dụng chủ yếu để đầu tư trực tiếp vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án các hạng mục kết cấu hạ tầng, các trung tâm công nghệ, đào tạo nhân lực có tác động chung đến sự phát triển của vùng. Quỹ cũng có thể được sử dụng vào mục đích tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, kinh doanh chung của toàn vùng./.

--------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 95 - 96

(2) Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020 và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10; Nghị quyết số 37-NQ/TW, của Bộ Chính trị, ngày 1-7-2004, về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 và Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37; Nghị quyết số 21/NQ-TW, ngày 20-1-2003, của Bộ Chính trị, về Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001- 2010 và Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14-8-2012, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011- 2020

(3) Quyết định số 936/2012/QĐ-TTg, ngày 18-7-2012, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020; Quyết định số 939/2012/QĐ-TTg, ngày 19-7-2012, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020; Quyết định số 1064/2013/QĐ-TTg, ngày 8-7-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020

(4) Vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ