TCCSĐT - Là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Hà Tĩnh, được thành lập ngày 27 tháng 5 năm 1995, đến nay Liên hiệp Hội Hà Tĩnh đã có một sự phát triển nhanh chóng, toàn diện và xứng đáng là một trong những Liên hiệp Hội cấp tỉnh dẫn đầu trong cả nước.

Độc đáo về mô hình tổ chức, sáng tạo trong vận động trí thức

Những ngày đầu mới thành lập với muôn vàn khó khăn, số tổ chức thành viên chỉ mới có 5 hội với hơn 100 hội viên trong tổng số gần 14.000 trí thức, đến nay Liên hiệp Hội Hà Tĩnh đã có 31 Hội thành viên và 5 trung tâm khoa học công nghệ trực thuộc. Đặc biệt Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất trong cả nước có mô hình đến tận cấp huyện với 12 Liên hiệp Hội huyện, thị, thành phố. Các Liên hiệp Hội cấp huyện không làm tăng thêm biên chế nào nhưng rất hiệu quả trong việc đoàn kết vận động trí thức, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Từ chỗ biên chế chỉ có 3 người, trụ sở chưa có phải mượn, đến nay tổng số cán bộ, công nhân viên tại Văn phòng là 08 người, trong đó trình độ chuyên môn gồm 04 Thạc sỹ, 04 Cử nhân; 01 Chi bộ với 06 đảng viên và tổ chức công đoàn. Cơ sở vật chất có 04 phòng làm việc, 01 xe ô tô và các trang thiết bị văn phòng. Tổ chức bộ máy gồm Văn phòng và 02 Ban chuyên môn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đoàn kết tập hợp trí thức, Liên hiệp Hội Hà Tĩnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tổ chức gặp mặt tôn vinh trí thức tiêu biểu hằng năm. Đặc biệt để huy động nguồn lực trí tuệ và tiềm năng khoa học, vốn đầu tư của đội ngũ trí thức ngoài tỉnh, Liên hiệp Hội đã tham mưu cho lãnh dạo tỉnh tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến của trí thức là những người con quê hương Hà Tĩnh đang sinh sống, công tác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đóng góp ý kiến tư vấn hiến kế, góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Sau nhiều năm tích cực chuẩn bị, Liên hiệp Hội đã tập hợp thông tin xuất bản cuốn sách: ”Những người con Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc” với gần 700 người gồm các giáo sư, phó giáo sư, các đồng chí lãnh đạo cao cấp, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang là những con em quê hương Hà Tĩnh đang công tác và sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, tổ chức gặp mặt tại Thành phố Hà Tĩnh để xin ý kiến góp ý vào các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiên phong, sáng tạo trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức

Nhận thức rõ vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Hà Tĩnh đã chủ động sáng tạo trong hoạt động này. Năm 2000, mặc dù kinh phí khó khăn nhưng Liên hiệp Hội Hà Tĩnh đã mạnh dạn kết nối đường truyền internet tốc độ cao với số tiền thuê bao 1.500.000đ/tháng, xây dựng Website http://www.lienket4nha.vn để phục vụ công tác truyền thông. Đây là cầu nối để Liên hiệp Hội Hà Tĩnh kết nối với các tổ chức trong nước và quốc tế. Từ đây, hoạt động văn phòng được tin học hóa toàn diện. Ngoài trang tin điện tử, Liên Hiệp Hội đã duy trì xuất bản Bản tin “Khoa học và Cuộc sống” mỗi tháng một số, gửi miễn phí đến các ngành, các huyện và 262 xã, phường, thị trấn; Xây dựng và phát trên sóng truyền hình Hà Tĩnh các chuyên mục nông nghiệp - nông thôn; xây dựng dự án và hỗ trợ máy tính, tập huấn cho các xã để đưa công nghệ thông tin đến với cơ sở. Trang web và các bản tin đã kịp thời đưa thông tin về cơ sở phục vụ cho việc sản xuất, đời sống của bà con nông dân, được bạn đọc đánh giá tốt.

Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội cũng chủ động phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Truyền thông miền Trung đẩy mạnh việc tuyên truyền các hoạt động của đội ngũ trí thức, về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh; thực hiện và phát sóng chương trình “Sở hữu trí tuệ”, “Ý tưởng - Giải pháp - Sáng tạo”; xây dựng các phóng sự chuyên đề về hoạt động của đội ngũ trí thức, các hoạt động sáng tạo trong sản xuất và đời sống của cán bộ, công chức, người lao động. Liên hiệp Hội, các hội thành viên phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn cho bà con nông dân, thợ thủ công ở các làng nghề về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, cải tạo đất, phòng, chống hoang mạc hoá, sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học Hatimic, kỹ thuật sản xuất nước mắm bằng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, canh tác lúa nước, thau chua rửa mặn, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở các địa phương. Thông qua các lớp tập huấn, triển khai xây dựng mô hình giúp người dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống.

Chủ động, bản lĩnh và trí tuệ trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Liên hiệp Hội và các hội thành viên đã chủ động, tích cực tham gia, có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương. Văn phòng Liên hiệp Hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học của Trung ương, của tỉnh, thực hiện tư vấn, phản biện nhiều đề án quan trọng như: Dự án Thủy điện Hương Sơn; Dự án xây dựng thủy lợi, thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang; Đề án Quy hoạch bảo vệ môi trường Hà Tĩnh; dự án xây dựng Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Thành phố Hà Tĩnh; tư vấn, phản biện về giao đất, giao rừng theo Nghị định 23/CP ở Kỳ Nam, Kỳ Anh. Phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức khảo sát, nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ tư vấn việc chuyển giao, quản lý đất rừng, phục vụ xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 26-6-2003 của Trung ương về sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Nhiều hội khoa học chuyên ngành như Hội Nông nghiệp, Hội Lâm nghiệp, Hội Thủy lợi, Hội Luật gia… đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện. Điều đáng ghi nhận là quá trình tư vấn, phản biện có sự tham gia của nhiều cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Những ý kiến tư vấn, phản biện của cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia có giá trị khoa học và thực tiễn, thể hiện được tầm trí tuệ, bản lĩnh, từ đó cung cấp nhiều luận cứ khoa học xác đáng, giúp lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành có đủ những thông tin cần thiết để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của tỉnh, các ngành, các địa phương.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ có nhiều sáng tạo, gắn với sản xuất và đời sống, phát triển bền vững

Liên hiệp Hội đã có nhiều hình thức thu hút, tập hợp, phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức nghiên cứu, giải quyết nhiều vấn đề do thực tiễn sản xuất, đời sống đặt ra; tham gia vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, các chương trình, đề án, dự án phát triển của các ngành.

Thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, tiêu biểu là các đề tài nghiên cứu chế biến thuốc Hoàn xích hương của bác sỹ Trần Xuân Dâng và Mộc hoa trắng của Công ty Dược và Thiết bị Y tế; đề tài nuôi ếch, ba ba của Lý Thanh Sắc; đề tài Nghiên cứu phương pháp cấp nhiệt cho bể muối nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại các cơ sở chế biến nước mắm Hà Tĩnh"…

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên chức, quần chúng nhân dân lao động được đẩy mạnh. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh hằng năm, với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức, chấm thi, trao thưởng, tạo cơ hội cho các tác giả dự thi được giới thiệu đầy đủ hơn, sâu hơn về sản phẩm, giải pháp của mình, thu hút được nhiều đối tượng thuộc mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Qua 9 lần tổ chức, Hội thi, Cuộc thi có 195 giải pháp xuất sắc được trao giải thưởng ở tỉnh. Lựa chọn 93 giải pháp tham dự Hội thi toàn quốc, 24 giải pháp đạt giải quốc gia. Qua 3 lần tham dự triễn lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ, Hà Tĩnh đã đạt 03 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng, được Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc đánh giá, biểu dương Hà Tĩnh là một trong mười tỉnh tổ chức tốt Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cho quần chúng. Qua việc tổ chức Hội thi, Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của cán bộ, công chức, người lao động; là nơi hội tụ tài năng sáng tạo ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, góp phần đưa những sáng tạo có giá trị về kinh tế và ý nghĩa về xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Liên hiệp Hội, các hội thành viên đã tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức phi chính phủ thực hiện thành công các chương trình, đề tài, dự án phát triển kinh tế, xã hội tiêu biểu như: dự án nuôi lợn hướng nạc đầu tiên của tỉnh tại Đức Thọ; dự án Xây dựng mô hình nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; dự án “Xây dựng mô hình làng sinh thái phát triển bền vững trên vùng cát hoang hoá ven biển” tại xã Thạch Văn; dự án “Huy động cộng đồng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, phát triển sản xuất, hạn chế những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu” tại xã Kỳ Nam; dự án Ứng dụng năng lượng mặt trời trong nghề sản xuất và chế biến nước mắm ở xã Cẩm Nhượng do Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ... Điều đáng nói là các dự án này đã rất thành công cả về hiệu quả và tính bền vững, nhân rộng trong toàn tỉnh.

Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năng động, sáng tạo, hiệu quả cao

Là một tỉnh sớm chú trọng hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hội đã có mối quan hệ tốt với nhiều tổ chức quốc tế, Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố; nhiều hội chuyên ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu ở Trung ương.

Đến nay Liên hiệp Hội Hà Tĩnh đã kết nối được với một số tổ chức quốc tế như: Quỹ lâm sản ngoài gỗ (Hà Lan), Quỹ môi trường quốc tế Thụy Điển (SIDA), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Châu Á (ADB), Ngân hàng Nhật Bản (Jica), Quỹ Lâm sản ngoài gỗ của Hà Lan… Nhờ vậy Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên đã kêu gọi được hàng chục dự án với số tiền lên đến hàng chục triệu USD. Dự án bảo tồn đa dạng sinh học ở Dãy núi Bắc Trường Sơn với số tiền hơn 2 triệu đô-la do tổ chức DANIDA tài trợ là dự án lớn nhất trong các dự án của các liên hiệp hội cấp tỉnh. Các dự án “Xây dựng mô hình làng sinh thái phát triển bền vững trên vùng cát hoang hoá ven biển” tại xã Thạch Văn; dự án Ứng dụng năng lượng mặt trời trong nghề sản xuất và chế biến nước mắm ở xã Cẩm Nhượng do Quỹ GEF và UNDP tài trợ... được đánh giá cao về tính sáng tạo, hiệu quả và bền vững. Không chỉ Liên hiệp Hội tỉnh mà các Hội thành viên như Hội Vì Cuộc sống bền vững, Hội Nông nghiệp, Trung tâm Phát triển vì người nghèo, Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh... cũng là những điển hình trong hoạt động hợp tác quốc tế.

Ngoài các hoạt động tiếp nhận viện trợ quốc tế, Liên hiệp Hội Hà Tĩnh phối hợp với Tổng cục V, Bộ Công an trong việc chuyển giao, nghiên cứu ứng dụng các giống cây, con mới vào sản xuất; Hợp tác với nước bạn Lào trong việc triển khai dự án chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc cây Dó trầm, xây dựng mô hình pin năng lượng mặt trời; Tọa đàm và ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khoa học và công nghệ với Sở Khoa học và Công nghệ 2 tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2012-2013. Phối hợp tổ chức và tham gia Lễ mít tinh và Hội thảo hợp tác khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào chủ trì. Hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao, vật tư phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật để tiến hành trồng thử nghiệm tại 2 tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn với quy mô 2ha/tỉnh. Hợp tác nghiên cứu xây dựng mô hình thủy điện nhỏ và vườn ươm sản xuất giống cây Dó trầm cho 2 tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào". Nghiệm thu kết quả xếp loại khá. Dự án đã được nước bạn Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Những yếu tố tạo nên thành công của Liên hiệp Hội Hà Tĩnh

Những thành công của Liên hiệp Hội Hà Tĩnh trong những năm qua có nhiều nguyên nhân: Trước hết đó là sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự năng động sáng tạo của Thường trực và Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên hiệp Hội và các Hội thành viên của Hà Tĩnh; sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, các sở ngành, đoàn thể, các Hội thành viên và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn trong hệ thống; tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, của đội ngũ trí thức ngoài tỉnh, thu hút các nguồn lực góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà./.