TCCSĐT - Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là xu hướng tất yếu, chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể thấy, sự tồn tại của kinh tế tư nhân vẫn là nhu cầu khách quan, bên cạnh đó kinh tế tư nhân đã và đang tiếp tục chứng tỏ vai trò động lực của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc điểm nền kinh tế tư nhân Việt Nam

Với chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy kinh tế tư nhân nước ta mang trong mình những yếu tố có tính xã hội chủ nghĩa. Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động không phải là quan hệ đối kháng mà mang tính chất hợp tác là chủ đạo.

Về sở hữu, kinh tế tư nhân tồn tại gắn với sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chính vì vậy có thời kỳ kinh tế tư nhân bị coi là biểu hiện của chủ nghĩa tư bản. Nhưng vấn đề chủ yếu và quan trọng trong sự phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta là làm sao bảo đảm sự phát triển đó đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế về mặt lãnh đạo, quản lý và định hướng, đây là vấn đề mà chúng ta còn nhiều yếu kém, bất cập, nhất là khả năng kiểm soát của Nhà nước.

Mặc dù kinh tế tư nhân, kể cả tư bản tư nhân ở nước ta hiện nay không hoàn toàn giống với kinh tế tư nhân trong chế độ tư bản, vì ở nước ta thành phần kinh tế này chịu sự quản lý, điều hành của Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà cụ thể ở đây, chính vai trò của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là yếu tố cực kỳ quan trọng trong định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Vai trò của kinh tế tư nhân với tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam


Tăng trưởng kinh tế là một trong những vấn đề cốt lõi của phát triển kinh tế. Mỗi quốc gia trên thế giới đều lấy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu, thước đo cho sự tiến bộ. Sự tăng trưởng kinh tế thường được đánh giá theo các yếu tố: ổn định, tăng trưởng, ổn định xã hội. Trong đó yếu tố tăng trưởng kinh tế là cơ sở thực hiện các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đa số các quốc gia đều ưu tiên phát triển các doanh nghiệp nhà nước thành các cụm, khu công nghiệp đa chức năng, khu đô thị. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa thành thị và nông thôn. Và sự xuất hiện kinh tế tư nhân đã góp phần tạo nên sự cân đối trong phát triển giữa các vùng của một quốc gia.

Kinh tế tư nhân đã góp phần khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân; thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; góp phần quan trọng thu hút vốn nhàn rỗi của xã hội và sử dụng tối ưu các nguồn lực địa phương; đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế quốc dân; thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo không ít công ăn việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Khẳng định những mặt tích cực của kinh tế tư nhân ở nước ta đồng thời cũng cần thấy rõ những hạn chế của nó trong quá trình phát triển đó là năng lực kinh tế, trình độ công nghệ và quản lý‎ kinh doanh phần lớn còn yếu kém, năng lực cạnh tranh, sức “đề kháng” còn yếu, phát triển thiếu tập trung, quy mô nhỏ lẻ. Mặt khác, sự phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, lúng túng từ tư duy lý‎ luận, quan điểm, đến thực tiễn.

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân nước ta vẫn mang tính chất tự phát; tình trạng chấp hành không nghiêm luật pháp, kỷ cương... Đặc biệt, không ít các doanh nghiệp trốn lậu thuế, kinh doanh bất hợp pháp; móc ngoặc, làm tha hóa một số cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy Đảng và Nhà nước, các tổ chức và cơ quan kinh tế nhà nước; chiếm dụng, rút ruột hàng trăm tỷ đồng...

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế tư nhân ngày càng chứng tỏ được vai trò, là một trong những động lực phát triển đất nước. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, lần đầu tiên, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đã được đưa ra thảo luận trong một chuyên đề riêng và ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một bước tiến đáng kể về tư duy lý‎ luận và quan điểm, đường lối kinh tế của Đảng ta, thể hiện tính nhất quán của đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nên động lực và sự yên tâm cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật.

Về quản lý‎ nhà nước, sự phát triển kinh tế tư nhân từng bước được thể chế hóa bằng các nghị định và một số bộ luật, trong đó phải kể đến Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực từ 01-01-2000, tồn tại song song với Luật Doanh nghiệp Nhà nước, trong đó quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý‎ và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân…, là các hình thức tổ chức doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Sau 5 năm thực hiện, hai bộ luật này đã được thống nhất chung thành Luật Doanh nghiệp năm 2005, có hiệu lực từ 01-7-2006, cùng các bộ luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Thương mại… được sửa đổi, bổ sung theo hướng thống nhất hóa về mặt pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật đối với các thành phần kinh tế.

Đặc điểm nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực kinh tế nước ta

Nguồn nhân lực vừa là chủ thể, vừa là khách thể của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có hai yếu tố để đánh giá về nguồn nhân lực đó là số lượng và chất lượng. Số lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu số lượng không tương thích với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ trở thành vật cản trong quá trình phát triển của đất nước. Còn chất lượng nguồn nhân lực lại là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định tới sự phát triển của kinh tế - xã hội. Nói đến chất lượng nguồn nhân lực là nói đến hàm lượng trí tuệ được mã hóa trong nguồn nhân lực, trong đó: chất xám, trình độ chuyên môn, phẩm chất, thể chất của lao động… là những yếu tố đóng vai trò cốt lõi quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Để phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cần giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng. Chất của nguồn nhân lực là tính quy định bên trong, gắn liền với các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và hệ thống các chính sách xã hội, tiến trình thực hiện dân chủ hóa, môi trường, điều kiện sống,… của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế năm 2008, mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta đạt khá cao, nhưng sự tăng trưởng này chỉ tập trung vào quy mô, dựa nhiều vào nguồn vốn mà bỏ qua hai yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế là nguồn nhân lực và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dẫn đến đầu tư tràn lan và sử dụng vốn không hiệu quả. Chính vì vậy chúng ta đã không đủ nguồn lực cần thiết để sớm phục hồi nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng. Điều này đặt ra vấn đề bức thiết về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Về lượng, theo Niên giám Thống kê 1995 - 1997 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động của nước ta tăng từ 27,389 triệu người (năm 1986) lên 36,994 triệu người (năm 1997). Đây được xem là nguồn lao động dồi dào, là yếu tố cơ bản để mở rộng và phát triển sản xuất.

Về chất, người Việt Nam được đánh giá là có tư chất thông minh, sáng tạo, nhạy bén trong tiếp thu và tiếp cận tri thức. Tuy nhiên theo Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015 thì chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng trong 24 năm qua có sự tiến bộ chậm dần. Từ năm 1980 - 1990 chỉ số HDI của Việt Nam tăng trung bình chỉ ở mức yếu là 0,26%/năm, sau đó tăng nhanh lên mức 1,92%/năm từ 1990 đến năm 2000, trước khi giảm xuống mức 1,33% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2008 và thấp hơn nữa là 0,69%/năm từ năm 2008. Tốc độ tăng bình quân của chỉ số HDI là 1,07%/năm từ 1980 đến 2014, tức là thấp hơn bình quân 1,23% của các nước có mức phát triển con người trung bình và mức bình quân 1,29% của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của nước ta vẫn chưa ổn định, mà nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu là việc giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực còn chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức.

Về thể lực, mức dinh dưỡng cho người Việt Nam còn ở mức thấp, đặc biệt là trẻ em - nguồn cung cấp nhân lực chính cho xã hội. Sự hạn chế về thể lực ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp thu tri thức và trí thông minh của trẻ. Xu hướng này có chiều hướng ngày càng tăng lên. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, đầu tư thích đáng để cải thiện và nâng cao thể chất của người Việt Nam nói chung và của trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề này không thể khắc phục ngay trong “một sớm một chiều”, mà cần phải có thời gian. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (640 USD/người) và điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tái sản xuất của người lao động.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (2011) về nguồn gốc của cải các quốc gia cho biết, tỷ trọng vốn tự nhiên (đất đai, tài nguyên thiên nhiên) chiếm 5%; vốn sản xuất (máy móc, thiết bị) chiếm 18% và vốn phi vật thể (nguồn nhân lực, xã hội, thể chế trong đó nguồn nhân lực giữ vai trò chủ đạo) chiếm 77% trong cả bình quân đầu người trên thế giới. Trong khi đó ở Việt Nam tỷ trọng này lần lượt là 38,7%; 16,5% và 44,8%. Điều này chứng tỏ mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam đang dựa nhiều vào vốn tự nhiên và nguồn nhân lực có trình độ thấp đặc trưng của các nước thu nhập thấp. Chính vì vậy, để giải bài toán về công nghiệp hóa, hiện đại hóa chúng ta cần nâng cao trình độ nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Trong xu hướng toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, nền kinh tế sử dụng chất xám, lấy tri thức mà cụ thể là con người làm động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội đang dần nắm vai trò chủ đạo, thì các nhân tố vốn, nguyên vật liệu, công nghệ đang giảm dần vai trò của nó. Bên cạnh đó, nhân tố tri thức của con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng và được coi là yếu tố quyết định cho sự phát triển của kinh tế. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thay đổi chất lượng dân số, nâng cao dân trí được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đặc biệt khi các giá trị sống đều được khuyến khích xây dựng hướng về con người, phát triển con người và hoàn thiện con người.

Để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục - đào tạo. Giáo dục và đào tạo được coi là khâu then chốt, quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Đảng ta xác định “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Muốn vậy cần chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo trình gắn lý thuyết với thực hành tránh tình trạng học lý thuyết suông, học xong không áp dụng được vào công việc hoặc học chỉ để có bằng xong đi làm lại học lại từ đầu.

Bên cạnh đó, về lượng cần có khảo sát cụ thể để định hướng, phân bổ nguồn nhân lực vào từng ngành, từng nghề hợp lý. Tránh đào tạo tràn lan, nơi thừa nơi thiếu. Về chất cần xây dựng tiêu chuẩn, tập trung phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có kế hoạch đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ nguồn nhân lực đáp ứng như cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ hai, khai thác và sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý. Trong đó chú trọng nghiên cứu và đánh giá đầy đủ, chính xác về thực trạng cơ cấu nhân lực ở từng giai đoạn, làm rõ các nguồn nhân lực thừa và nhân lực thiếu, xác định nguyên nhân của tình trạng; từ đó, áp dụng các chính sách và công cụ đòn bẩy phù hợp nhằm khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực.

Lãnh đạo, tổ chức phải biết quy tụ người tài, sử dụng và khai thác tối đa chất xám và năng lực, phát huy mọi tiềm năng của nguồn lao động đặc biệt nguồn lao động chất lượng cao. Rà soát và sắp xếp đội ngũ lao động đúng người đúng việc nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo và khả năng đáp ứng cho từng công việc cụ thể.

Thứ ba, nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp. Đảng ủy, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, công ty chỉ đạo việc xây dựng quy định về việc cung cấp thông tin cho đội ngũ lao động bao gồm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tình hình thực tiễn của đất nước, định hướng và quy hoạch phát triển của đơn vị./.