Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến ngày 09-10-2016)

Gia Bảo (tổng hượp từ TTXVN, chinhphu.vn, vtv.vn)
16:37, ngày 10-10-2016

TCCSĐT - Ngày 05-10-2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á- Âu (FTA Việt Nam - EAEU) chính thức có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn với doanh nghiệp hai bên tăng cường đầu tư, trao đổi thương mại, dịch vụ.

FTA Việt Nam - EAEU tạo cơ hội cho xuất khẩu và hợp tác kinh tế

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA) ký kết ngày 29-5-2015 tại Kazakhstan, chính thức có có hiệu lực từ ngày 05-10. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EAEU; bao quát thị trường chung rộng lớn với tổng dân số hơn 183 triệu người và GDP 2.200 tỷ đô la Mỹ. Các sản phẩm chính mà Liên minh Kinh tế Á - Âu nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả,… Các sản phẩm xuất khẩu chính sang Việt Nam gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị…

Khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, việc xoá bỏ thuế quan được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hoá. Cụ thể hai bên sẽ cắt, giảm thuế cho gần 90% mặt hàng và mở cửa thị trường đối với một số lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…

Theo cam kết trong hiệp định, EAEU sẽ dành cho Việt Nam nhiều thuận lợi cho các nhóm hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ...

Ngoài ra, FTA Việt Nam - EAEU cũng quy định các biện pháp nhằm tăng tính minh bạch của các hoạt động quản lý nhà nước trong thương mại, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước của hai bên về hải quan, quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hiệp định cũng có một chương quy định về thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân.

Doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản số 1768/TTg-ĐMDN về việc chuyển nhượng vốn theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán phải khẩn trương hoàn tất theo quy định. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Phó Thủ tướng chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 01-11-2016.

Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện nông thôn mới

Thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Một trong những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đoàn giám sát chỉ ra là "Các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân. Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước.

Đoàn giám sát đã đưa ra giải pháp rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản theo đó đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn; không xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản.

WB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,0% trong năm 2016

Ngày 04-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình. Trong III quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 chỉ khoảng 6,0%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo vào tháng 6-2016 và đạt 6,3% trong năm 2017.

Lãnh đạo WB cho rằng, tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. Sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng. Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.

Lập trường cứng rắn của Anh về Brexit khiến đồng bảng lao đao

Lập trường cứng rắn của Thủ tướng Anh Theresa May trong vấn đề Brexit, khiến người ta lo ngại về một kịch bản Brexit “cứng” cũng như đẩy đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua so với đồng euro và mức thấp mới trong 31 năm trở lại đây so với đồng USD.

Hai bài phát biểu trong ba ngày qua của Thủ tướng May thể hiện quan điểm khá cứng rắn của Thủ tướng trong các vấn đề liên quan đến Brexit như khả năng nước Anh sẽ rời Khu vực thị trường chung châu Âu đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư. Bà May một lần nữa khẳng định cam kết kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán rời EU vào cuối tháng Ba tới.

Mối quan ngại về nguy cơ Brexit “cứng” nhất là sau bài phát biểu thứ hai của Thủ tướng May, cùng khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu đã khiến đồng bảng Anh rớt giá tổng cộng 2,1% so với đồng euro từ đầu tuần tới nay, xuống còn 0,8814 bảng đổi 1 euro, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ năm 2011 là 0,8842 bảng/euro.

Các chuyên gia tiền tệ đánh giá khả năng Brexit “cứng” gia tăng. Đồng bảng rớt giá mạnh cũng một phần vì thị trường tiền tệ nhìn nhận rằng tuyên bố của bà May cho thấy việc Anh rút khỏi Thị trường chung châu Âu là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh mối quan ngại của thị trường về sự mất cân đối về cơ cấu của kinh tế Anh, trong bối cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này vẫn ở mức lớn.

WB, IMF kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng đồng đều thời toàn cầu hóa

Ngày 06-10, giới chức lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng loạt kêu gọi triển khai những biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng đồng đều cũng như đối phó với tâm lý phản đối tự do thương mại đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định trong thời gian qua, tiến trình toàn cầu hóa đã đem lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia cũng như bản thân mỗi người dân, đồng thời cho rằng "giờ không phải là lúc đi ngược lại tiến trình này". Bà viện dẫn ví dụ điển hình cho thấy những lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại, như sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo bà Lagarde, trong những thập kỷ qua, thương mại quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng và giúp những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ thoát khỏi tình trạng nghèo đói nghiêm trọng. Bà nêu rõ: "Thương mại đã trở thành một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu,...chúng ta cần động lực này để hỗ trợ và đẩy mạnh tăng trưởng".

Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã bày tỏ quan ngại về tình trạng tăng trưởng toàn cầu chậm chạp do hậu quả của giá cả hàng hóa ngày một sụt giảm và hoạt động thương mại trì trệ. Ông kêu gọi các nước đang phát triển cần thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và mở cửa thị trường nhằm chấm dứt vấn nạn nghèo khổ cùng cực. Theo người đứng đầu WB, chính hai yếu tố then chốt trên đã giúp hơn 7 triệu người dân Trung Quốc thoát cảnh đói nghèo một cách nhanh chóng./.