Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-5 đến ngày 05-6-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv)
21:28, ngày 07-06-2016

TCCSĐT - Theo báo cáo khảo sát mới nhất về phần mềm toàn cầu năm 2016 vừa được Liên minh phần mềm BSA công bố tại Singapore cho thấy mặc dù là những ngành có mức độ bảo mật cao, đòi hỏi phải sử dụng phần mềm có bản quyền như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán... hiện vẫn có tới đến 25% số phần mềm không có bản quyền.

Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu năm 2016

Tốc độ tăng trưởng của 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều thấp hơn so với cùng kỳ nên Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ phải quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Trong đó, một trong những điểm nhấn được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 02-6 cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải lên kịch bản điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua.

Trước đó, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm với mức tăng 0,54% so với tháng trước. Đáng chú ý, trong giỏ CPI tháng Năm, nhóm giao thông tăng mạnh nhất là do tác động của 2 lần tăng giá xăng vào các ngày 05-5 với 640 đồng/lít và ngày 20-5 là 243 đồng/lít. Do vậy, về điều hành giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bám sát giá thị trường thế giới, kiểm soát chặt chẽ chi phí, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá (BOG).

Về giá dịch vụ y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có lộ trình, bước đi phù hợp, không điều chỉnh đồng loạt cả 63 tỉnh, thành phố; bảo đảm giá dịch vụ y tế phải tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh.

Về một số mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là bình ổn giá cả, không để tăng giá đột biến do thiếu hàng. Thủ tướng cũng quyết định giữ nguyên biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến quý 4 năm nay, để bình ổn giá mặt hàng này.

Báo động tình trạng dùng phần mềm không bản quyền ở ngân hàng

Vụ việc một ngân hàng mới đây bị hacker "hỏi thăm" và suýt lấy đi hơn 1 triệu USD đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn đề an ninh mạng hiện nay, đặc biệt là trong các ngành có nguy cơ rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... Theo báo cáo khảo sát mới nhất về phần mềm toàn cầu năm 2016 vừa được Liên minh phần mềm BSA công bố tại Singapore cho thấy mặc dù là những ngành có mức độ bảo mật cao, đòi hỏi phải sử dụng phần mềm có bản quyền như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán... hiện vẫn có tới đến 25% số phần mềm không có bản quyền. Đây là tỷ lệ tương đối cao đồng nghĩa với việc rủi ro luôn thường trực đối với những khách hàng đang sử dụng các dịch vụ này.

Giám đốc cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA, ông Tarun Sawney, nhấn mạnh rõ ràng nếu sử dụng phần mềm không có bản quyền, nhiều khả năng máy tính sẽ bị tấn công bởi các phần mềm có mã độc. Ông cũng khuyến cáo các tổ chức trước hết cần sử dụng các phần mềm có bản quyền có khả năng cập nhật những phiên bản vá lỗi nhằm chống lại phần mềm có mã độc, phòng ngừa bị tấn công trên mạng.

Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, nguy cơ gặp phải mã độc sẽ tăng cao, trong khi chi phí để xử lý những mã độc đó là rất lớn. Chẳng hạn, chỉ tính riêng năm 2015, các cuộc tấn công mạng đã làm tiêu tốn của doanh nghiệp tới hơn 400 tỷ USD.

Theo ông Sawney, tại Việt Nam, tuy đã có sự cải thiện về việc sử dụng phần mềm, song việc vi phạm bản quyền vẫn còn khá cao. Thống kê của BSA cho thấy nếu năm 2005, tỷ lệ vi phạm bản quyền là 90%, năm 2009 con số này đã giảm xuống 85%, năm 2010 là 83% và đến năm 2011, 2013 đã giảm xuống còn 81%. Năm ngoái, tỷ lệ này là 78%, giảm ba điểm phần trăm so với trước đó.

Ông nhấn mạnh đây là mức giảm đáng khích lệ, cho thấy Việt Nam đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ lệ vi phạm bản quyền trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn ở mức cao nhất trên toàn cầu với 61%, Việt Nam đang là 78%.

Theo kết quả khảo sát của BSA, 39% các phần mềm cài đặt trên máy tính toàn thế giới năm 2015 không có giấy phép hợp lệ, giảm khiêm tốn từ mức 43% theo nghiên cứu toàn cầu của BSA thực hiện năm 2013. Trước thực tế trên, BSA nhấn mạnh các doanh nghiệp và tổ chức có thể giảm thiểu rủi ro an ninh mạng từ phần mềm không bản quyền bằng cách bảo đảm mua phần mềm từ các nguồn hợp pháp và có chương trình quản lý tài sản phần mềm nội bộ, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng bằng cách triển khai những phần mềm phù hợp nhất.

Phần lớn doanh nghiệp Việt gần như "vô hình" với thế giới trực tuyến

Lợi ích từ nền kinh tế số đem lại là rất rõ ràng, song khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự đón nhận và ứng dụng công nghệ số trong việc kinh doanh, đem lại hiệu quả cao…

Khảo sát mẫu trên toàn quốc của VCCI cho thấy, có tới 95% doanh nghiệp sử dụng internet, 80% sử dụng email. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ thông tin hiện còn chưa hiệu quả chiếm tới 59%; chỉ có 35% sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ...

Bà Tammy Phan (Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng của Google châu Á - Thái Bình Dương) cho rằng, việc số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chậm bởi nhiều thách thức. Ngoài việc doanh nghiệp thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến, có doanh nghiệp cho rằng việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư; thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ; xã hội có thói quen dùng tiền mặt và lo lắng về vấn đề bảo mật.

Lý giải thêm lý do doanh nghiệp cần đẩy mạnh tham gia vào môi trường công nghệ, bà Tammy Phan cho hay, công nghệ số đang thực sự gia tăng tại Đông Nam Á với 250 triệu người online. Việc này có được là do thiết bị đầu cuối hạ, tốc độ hạ tầng mạng được cải thiện đáng kể, giá cước dữ liệu hợp lý…

Thị trường vàng có tuần tăng giá đầu tiên trong một tháng trong khi đó kết quả cuộc họp OPEC không ảnh hưởng đến giá dầu

Đồn đoán về lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ tiếp tục chi phối thị trường vàng thế giới trong tuần qua. Sau khi ghi nhận xu hướng đi xuống trong đầu tuần, giá kim loại quý này đã phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần do hưởng lợi nhờ số liệu kém khả quan từ thị trường việc làm của Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 03-6, nền kinh tế nước này chỉ tạo thêm 38.000 việc làm mới trong tháng Năm, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 9-2010. Số liệu của tháng 3 và tháng 4-2016 cũng bị điều chỉnh giảm so với ước tính được đưa ra trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5% xuống 4,7% do 458.000 người rời khỏi thị trường lao động.

Giới chuyên gia nhận xét tín hiệu tiêu cực phát đi từ thị trường việc làm có thể sẽ làm thay đổi kịch bản tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy tới như nhận định của một số quan chức Fed đưa ra trước đây.

Củng cố thêm sức hấp dẫn của vàng là số liệu do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố. Theo đó, Chỉ số nhà quản lý mua hàng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng Năm giảm xuống 52.9 (điểm), từ mức 55,7 của tháng Tư. Còn theo kết quả khảo sát của Markit, PMI trong lĩnh vực dịch vụ của nước này giảm xuống 51,3 - mức thấp nhất kể từ tháng Ba và tiến gần tới ngưỡng 50 (mốc phân định giữa chiều hướng suy giảm và tăng trưởng).

Các thông tin trên làm gia tăng những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung và tâm lý e dè đối với những loại tài sản rủi ro. Đồng thời, việc đồng USD đánh mất lợi thế so với những đồng tiền chủ chốt khác như euro và yen cũng là nguyên nhân khiến giới đầu tư chuyển hướng sang vàng.

Khép lại phiên 04-6, giá vàng tăng 30,3 USD, tương đương 2,5%, lên 1.242,9 USD/ounce, ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo ngày trong vòng 11 tuần qua. Tính chung cả tuần, giá kim loại quý này đã tiến thêm 2,2%, và chấm dứt đà giảm giá liên tiếp của ba tuần trước đó.

Trong một diễn biến khác về thị trường dầu, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich được dẫn lời ngày 03-6 cho rằng kết quả cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) diễn ra ngày 02-6 tại thủ đô Vienna của Áo sẽ không có bất cứ tác động nào tới giá dầu toàn cầu.

Tại cuộc họp, các nước thành viên OPEC đã thảo luận đề xuất của Saudi Arabia về việc thực thi chính sách hạn ngạch chung của tổ chức này nhằm vực dậy giá dầu, vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, hầu hết các nước sản xuất thành viên, nhất là Iran, đã không nhất trí với sáng kiến của Riyadh.

Theo đề xuất do tân Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih đưa ra, hạn ngạch sản lượng chung của OPEC sẽ được duy trì ở mức trần từ 31,8-32,5 triệu thùng/ngày, giảm so với mức sản lượng 32,77 triệu thùng/ngày hiện nay. Cùng ngày 03-6, giá dầu Brent biển Bắc đã không bị tác động nào và vẫn giữ ở mức khoảng 50 USD/thùng mặc dù OPEC không nhất trí về các mục tiêu sản lượng trên.

ECB quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục

Trong cuộc họp ngày 02-6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, đồng thời tiếp tục duy trì sự hiệu quả của hàng loạt biện pháp nới lỏng mới hồi tháng 3 vừa qua.  Theo người phát ngôn ECB, Hội đồng điều hành ECB đã nhất trí không thay đổi lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm 0,4%, cũng như lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục 0%.

Ngoài ra, trong cuộc họp này, ECB cũng tăng nhẹ dự báo tăng trưởng và lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay, song giữ nguyên mức dự báo của 2 năm tới. Theo ECB, lạm phát của Eurozone trong năm 2016 này ở mức 0,2%, sau đó tăng mạnh lên 1,3% trong năm tới và 1,6% năm 2018. Trong khi đó, Eurozone dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay và 1,7% trong 2 năm tiếp theo (2017 và 2018).

Về chương trình nới lỏng định lượng (QE) đưa ra hồi tháng 3 vừa qua, ECB dự kiến sẽ bắt đầu mua vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp từ ngày 08-6 tới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên. Để vực dậy nền kinh tế khu vực, ECB đã áp dụng một loạt các biện pháp để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro, như cắt giảm lãi suất, tăng lượng mua trái phiếu lên 80 tỷ euro/tháng và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng.

Kể từ tháng 12-2015 đến nay, ECB đã "bơm" 1.500 tỷ euro để kích thích kinh tế. Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại rằng ECB đang cạn kiệt các công cụ chính sách tiền tệ. Hiện nhiều ngân hàng châu Âu đang vật lộn với khó khăn và e ngại rằng lãi suất âm đang bào mòn khả năng thu lợi nhuận. Hầu hết các chuyên gia lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu và lạm phát của khu vực đồng euro, cũng như những rủi ro chính trị liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý "Brexit" vào ngày 23-6 tại Anh./.