Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20 đến ngày 26-6-2016)
TCCSĐT - Mức độ nhận thức và ủng hộ dành cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cộng đồng các doanh nghiệp nói chung đã tăng lên. Tỷ lệ doanh nghiệp biết tới hiệp định này tăng từ 68% năm 2014 lên 78% năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ TPP tăng từ 62% năm 2014 lên 72% năm 2015.
Ưu tiên xuất khẩu gạo chất lượng cao trong 6 tháng cuối năm
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, dự kiến xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,732 triệu tấn và dự kiến trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu thêm 2,97 triệu tấn; trong đó, ưu tiên xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao nhằm nâng giá trị. Như vậy, tổng lượng xuất khẩu gạo năm nay sẽ tương đương với xuất khẩu gạo của năm 2015.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,282 triệu tấn, tăng 9,71%, trị giá FOB tăng 11,29%, trị giá CIF tăng 12,29% so với cùng kỳ năm ngoái; giá FOB bình quân tăng 6,06 USD/tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 6 đạt khoảng 450.000 tấn, cộng với lượng gạo đã xuất khẩu 5 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,732 triệu tấn.
Đáng chú ý là tỷ lệ gạo thơm giống Jasmine xuất khẩu đã tăng lên từ 22% lên 29% trong năm nay. Tỷ lệ xuất khẩu lúa nếp cũng tăng nhanh số lượng và theo đó, từ chiếm 6,58% tổng lượng xuất khẩu gạo năm 2015 nhưng trong 6 tháng đầu năm đã chiếm 16% tổng số lượng xuất khẩu gạo.
Để tăng sản lượng lúa, gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhìn nhận, trong canh tác vụ Thu Đông ở đồng bằng sông Cửu Long quan trọng nhất là gia cố đê bao an toàn, không nên chủ quan vì nhiều năm liền nơi đây không có lũ. Do đó, các cơ quan ban, ngành kịp thời đưa ra dự báo cho các địa phương, có định hướng cho vùng canh tác lúa, đồng thời kiểm soát dịch bệnh cho người nông dân.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng thống nhất tăng diện tích vụ lúa Thu Đông cho đồng bằng sông Cửu Long, nhưng địa phương cần quy hoạch cụ thể diện tích ở đâu trồng lúa chất lượng, vùng nào trồng lúa hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ưu tiên hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để bà con nông dân sản xuất lúa Thu Đông và Mùa 2016.
VCCI: 72% số doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ Hiệp định TPP
Mức độ nhận thức và ủng hộ dành cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cộng đồng các doanh nghiệp nói chung đã tăng lên. Tỷ lệ doanh nghiệp biết tới hiệp định này tăng từ 68% năm 2014 lên 78% năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ TPP tăng từ 62% năm 2014 lên 72% năm 2015. Đây là kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây với gần 1.000 doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI nhận xét: “Tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ TPP như vậy là rất cao và đang tăng lên. Có nghĩa là về mặt tinh thần, các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho TPP. Đây là lý do để chúng ta lạc quan”.
Theo báo cáo của VCCI, cuối năm 2015 các doanh nghiệp trong nước có sự am hiểu về TPP thấp hơn (77%) so với các doanh nghiệp FDI tới từ các nước thành viên TPP (86%) và các doanh nghiệp FDI không tới từ các nước thành viên TPP (82%). Tuy nhiên, mức độ ủng hộ TPP của các doanh nghiệp trong nước lại cao hơn so với các doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên TPP và các doanh nghiệp không tới từ các nước thành viên TPP.
Phần lớn doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều thể hiện quan điểm lạc quan; trong đó có các điều khoản về mở cửa thị trường và những vấn đề sau biên giới như quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp trong nước: mức độ ủng hộ giảm đối với bốn nội dung sau: 1) mở cửa thị trường; 2) đầu tư; 3) lao động và 4) doanh nghiệp nhà nước. Mức giảm đáng kể chủ yếu rơi vào nhóm các doanh nghiệp định hướng kinh doanh nội địa, dự kiến chịu ảnh hưởng tiêu cực từ TPP. Tuy nhiên mức giảm thấp hơn cũng được ghi nhận ở các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu.
Thị trường chứng khoán, dầu đồng loạt tụt sau quyết định Brexit
Việc người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu mất 2.100 tỷ USD trong ngày 24-6 do các nhà đầu tư hoang mang khi đối mặt với mối đe dọa mới đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tại thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) và Paris (Pháp), các chỉ số Nikkei 225 và CAC 40 đã mất 8%. Tại thị trường Frankfurt (Đức) chỉ số DAX 30 giảm gần 7%, trong khi tại London (Anh), cũng như New York (Mỹ) các chỉ số FTSE 100 và DOW, S&P, Nasdaq đã giảm hơn 3%.
Ngay sau khi kết quả trưng cầu ý dân cho thấy người dân Anh đã chọn rời khỏi EU, đồng bảng Anh cũng đã sụt giá 10% so với USD, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua, trước khi hồi phục nhẹ ở mức giảm 9,1% vào cuối phiên giao dịch.
Đồng euro cũng giảm mạnh, mất 2,6% so với đồng USD. Những tổn thất trên xảy ra sau khi các nhà đầu tư đã chọn vàng, đồng yen Nhật Bản và cổ phiếu "Blue-chip" là nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng tăng 5%, trong khi đồng yen tăng 4,2% so với đồng USD và 7% so với đồng euro.
"Đồng bạc xanh" cũng trượt giá, có lúc 1 USD chỉ đổi được chưa đến 100 yen Nhật, lần đầu tiên kể từ tháng 11-2013. Sau khi thị trường tài chính và chứng khoán các nước chao đảo do Brexit, các ngân hàng Trung ương đã can thiệp nhằm củng cố niềm tin, đồng thời cam kết hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết và giúp giảm thiểu tổn thất.
Trong một diễn biến tương tự, mặc dù mở cửa hôm đầu tuần (ngày 20-6), giá hai loại dầu thô chủ chốt là dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và dầu Brent biển Bắc đều đi lên nhờ kỳ vọng của giới đầu tư vào khả năng nước Anh sẽ ở lại EU. Tuy nhiên, xu hướng đó nhanh chóng đổi chiều khi gần tới ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Thêm vào đó, việc dự trữ dầu thô của Mỹ vẫn quanh quẩn ở mức cao kỷ lục giữa bối cảnh thị trường dầu toàn cầu đang dư thừa nguồn cung tiếp tục đè nặng lên thị trường “vàng đen”.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 22-6, giá dầu thế giới đã để tuột mốc 50 USD/thùng sau khi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 17-6 giảm nhẹ, nhưng dự trữ xăng thì lại tăng 0,1% so với tuần trước và 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sự tin tưởng vào kịch bản nước Anh sẽ ở lại EU một lần nữa lại giúp giá dầu đi lên đúng trong ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu (23-6). Tuy nhiên, kết quả đáng thất vọng khi đa số người dân Anh đã chọn rời EU đã dẫn tới xu hướng bán tháo trên thị trường dầu mỏ phiên cuối tuần. Thêm vào đó, những lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ cũng khiến giá dầu WTI và Brent mất khoảng 5% trong phiên này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24-6, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 8-2016 hạ 2,47 USD (tương ứng 4,9%), xuống 47,64 USD/thùng. Như vậy, tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI đã mất 0,7% so với mức đóng cửa của hợp đồng giao tháng Bảy vào cuối tuần trước. Trong lúc giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại thị trường London cũng lùi 2,5 USD (giảm 4,9%) xuống 48,41 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu loại này đã giảm 1,6%.
Tuy nhiên, đà giảm giá của “vàng đen” trong phiên này được hạn chế phần nào nhờ báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã giảm lần đầu tiên trong một tháng qua. Cụ thể, tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ hiện là 337 chiếc, giảm bảy giàn so với tuần trước.
Các ngân hàng lớn phản ứng trước kết quả trưng cầu về Brexit
Ngày 24-6, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (RCB) tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình của các thị trường toàn cầu sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit. RCB cũng lưu ý rằng họ có đủ công cụ sẵn có để làm việc trong những điều kiện bấp bênh của thị trường.
Cùng ngày, phản ứng trước kết quả trưng cầu dân ý vừa qua ở Anh, Điện Kremlin khẳng định Nga muốn EU vẫn là một khối kinh tế lớn mạnh, với sự thịnh vượng, ổn định và có thể dự báo.
Ngày 24-6, trong một động thái ít thấy, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ xác nhận đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm ổn định đồng franc của nước này sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU - Brexit). Sau sự kiện trên, đồng franc của Thụy Sĩ đã tăng lên mức cao nhất so với đồng euro kể từ tháng 8-2015 và ghi nhận sự nhảy vọt mạnh nhất trong một ngày kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) bỏ quy định neo đồng franc vào đồng euro từ ngày 15-01-2015.
Trong một thông cáo, SNB cho hay Brexit đã khiến đồng franc chịu áp lực tăng giá và SNB đã can thiệp vào thị trường trao đổi ngoại tệ để ổn định tình hình. Hồi tuần trước, giới chức SNB cho biết sẽ đối phó với sự tăng vọt của đồng franc, vốn đã bị định giá quá cao, nếu Anh rời EU.
Trong một tuyên bố, ECB nhấn mạnh: "Sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, ECB đã theo dõi sát các thị trường tài chính và liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng trung ương khác. ECB sẵn sàng gia tăng thanh khoản, nếu cần thiết, bằng đồng euro và các ngoại tệ khác". Ngân hàng này còn cho biết thêm rằng: "ECB đã chuẩn bị cho kịch bản bất ngờ này bằng cách liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng đang giám sát đồng thời coi hệ thống ngân hàng khu vực đồng euro là mạnh mẽ về vốn và thanh khoản".
Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận về dán nhãn thực phẩm biến đổi gien
Các thượng nghị sỹ Mỹ ngày 23-6 đã đạt được thỏa thuận lưỡng đảng đối với yêu cầu dán nhãn các thành phần thực phẩm biến đổi gien trên toàn quốc, một tuần trước khi dự luật tương tự tại bang Vermont có hiệu lực.
Các nghị sỹ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Ủy ban Nông nghiệp của Thượng viện đã đạt được thỏa thuận về vấn đề dán nhãn đối với thành phần thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gien (GMO) trên toàn quốc ngay từ khâu đóng gói thực phẩm. Tuy nhiên, thỏa thuận này "không mạnh tay" như dự luật Vermont, cho phép các công ty thực phẩm sử dụng nhãn mác với thông tin chi tiết hay một biểu tượng của biến đổi gien hoặc nhãn điện tử có thể được nhận biết bằng điện thoại thông minh.
Dự luật mà Ủy ban Nông nghiệp của Thượng viện Mỹ vừa nhất trí sẽ không thể ban hành thành luật trước khi dự luật tương tự của bang Vermon có hiệu lực từ ngày 01-7 tới do Hạ viện Mỹ đang trong kỳ nghỉ đến ngày 05-7 tới.
Những nhóm vận động hành lang của ngành công nghiệp Mỹ đã vận động để ngăn chặn dự luật của bang Vermon, với tranh cãi rằng GMO là thực phẩm an toàn và việc dán nhãn mác có thể gây tốn kém cho ngành nông nghiệp, các công ty chế biến thực phẩm và người tiêu dùng.
Các loại hạt biến đổi gien được tạo ra trong phòng thí nghiệm có đặc điểm nổi bật như không bị ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ vốn được sử dụng phổ biến với hai loại hạt là ngũ cốc và đậu nành. Đây là loại sản phẩm biến đổi gien phổ biến tại Mỹ và chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Cả hai loại hạt cũng được sử dụng phổ biến trong để chế biến sữa ngũ cốc với lượng đường cao, tinh bột ngũ cốc và dầu đậu nành. Ngành công nghiệp thực phẩm Mỹ cho biết khoảng 75 - 80% thực phẩm hiện nay có thành phần biến đổi gien./.
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành “Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”  (28/06/2016)
Điện mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cam-pu-chia  (28/06/2016)
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,7 triệu lượt  (27/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên