Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25 đến ngày 31-7-2016)
TCCSĐT - Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 20-7 đã có 1.408 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn đăng ký trên 8.695 triệu USD, tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Chính thức gia hạn gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng từ ngày 01-8
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29-7-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07-01-2013 của Chính phủ.
Đối tượng gia hạn gói hỗ trợ nhà ở là khách hàng cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31-12-2016 áp dụng đối với các khoản vay mà ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31-3-2016 và đã được ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10-5-2016.
Thông tư cũng quy định, các khoản giải ngân của ngân hàng trong thời gian từ ngày 01-6-2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: thuộc các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31-3-2016 với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình; thuộc các hợp đồng tín dụng đã được ngân hàng tổng hợp và báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10-5-2016.
Đối với các khoản giải ngân đủ điều kiện, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng năm kể từ thời điểm giải ngân, nhưng không quá thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN.
Trong trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, ngân hàng thực hiện hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá hai tháng kể từ ngày Thông từ này có hiệu lực thi hành hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào hai kỳ thu lãi gần nhất sau khi được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-8-2016 để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân.
Thủ tướng công bố 8 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 29-7, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 8 vấn đề trọng tâm: (1) lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững; (2) thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế; (3) xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính; (4) không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; (5) chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; (6) giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; (7) nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; (8) đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 47% trong 7 tháng qua
Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 20-7 đã có 1.408 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn đăng ký trên 8.695 triệu USD, tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 660 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt trên 4.245 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 12.940 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 5.626 triệu USD, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 2.083 triệu USD, chiếm 24%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến đạt gần 9.122 triệu USD, chiếm 70,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 956,8 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 2.861,8 triệu USD, chiếm 22,1%.
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng qua. Theo đó, Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với gần 1.840 triệu USD, chiếm 21,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hà Nội trên 950 triệu USD, chiếm 10,9%; Bình Dương 803,3 triệu USD, chiếm 9,2%; Đồng Nai gần 711 triệu USD, chiếm 8,2%; Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tiền Giang chiếm từ 3,8 đến 7,4%...
Trong 7 tháng năm nay, trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 3.270 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Singapore trên 1.115 triệu USD, chiếm 12,8%; Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) trên 755 triệu USD, chiếm 8,7%; Đài Loan (Trung Quốc) 584,5 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 543,8 triệu USD, chiếm 6,3%; Trung Quốc 393,3 triệu USD, chiếm 4,5%.
Ủy ban châu Âu hủy trừng phạt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
Ngày 27-7, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ không áp đặt luật ngân sách hà khắc đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi hai nước này đã để thâm hụt ngân sách cao hơn mức quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí hủy bỏ trừng phạt đối với cả hai nước trên vì quan ngại nếu áp đặt sẽ càng kích động tư tưởng chống EU vốn gia tăng sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh này hồi cuối tháng trước. Trước đó, ngày 12-7, các bộ trưởng Tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí chính thức bắt đầu một thủ tục áp đặt hình phạt đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì hai nước này không giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách quá mức quy định (3%) của EU.
Theo quy định của EU, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể bị phạt tới 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng nước. Nếu bị áp đặt, đây sẽ là hình phạt chưa từng có tiền lệ đối với các thành viên EU vi phạm kỷ luật tài chính của khối này. Mặc dù hủy trừng phạt song Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici cho biết liên minh này đã quyết định sẽ cân nhắc khả năng ngừng các "quỹ cơ cấu" dành cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong năm tới nếu Madrid và Lisbon không đưa ra các biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách "sớm nhất có thể". Các quỹ cơ cấu này thường được dùng để giải quyết tình trạng chênh lệch mang tính khu vực trong EU. Việc ngừng các quỹ trên còn cần phải được Nghị viện châu Âu (EU) thông qua và thảo luận sau kỳ nghỉ Hè năm nay. Năm 2015, mức thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha là 4,4% GDP, trong khi Tây Ban Nha là 5,1% GDP.
Colombia triệt phá một đường dây tội phạm tiền giả khổng lồ
Cảnh sát Colombia thông báo vừa triệt phá một đường dây tội phạm làm tiền giả với quy mô khổng lồ và bắt giữ bảy tên tội phạm. Văn phòng Điều tra tội phạm và Interpol (Dijin) của Colombia cho biết đã tịch thu 1,7 triệu USD, 1,25 triệu euro và 1,64 tỷ peso nội tệ giả (tương đương 546.000 USD).
Các nhà chức trách cũng thu nhiều súng, đạn và nhiều máy in phục vụ sản xuất tiền giả, cùng nhiều bộ quân phục. Những kẻ bị bắt sẽ bị xét xử vì tội in và vận chuyển tiền giả. Trong số tiền ngoại tệ giả bao gồm các mệnh giá 20, 50 và 100 USD; 50, 100 và 500 euro. Đây cũng là lần đầu tiên Dijin tịch thu tiền USD giả mệnh giá 100 USD vừa được lưu hành. Hồi cuối tháng Một, các nhà chức trách Colombia cũng đã bắt một đường dây tội phạm sản xuất USD giả và tịch thu được một triệu USD tiền giả. Những tên tội phạm lợi dụng việc đồng peso nội tệ bị mất giá để giao bán USD với giá rẻ tại các nhà đổi tiền bất hợp pháp lừa người mua./.
Yêu cầu Formosa thực hiện cam kết khắc phục hậu quả môi trường  (03/08/2016)
Chính phủ sửa đổi chế độ tiền lương của cán bộ công chức  (03/08/2016)
Lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng mức cao nhất là 250.000 đồng  (03/08/2016)
Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016  (03/08/2016)
Trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Ninh Bình  (03/08/2016)
Văn phòng Chính phủ: Họp báo thường kỳ tháng 7-2016  (02/08/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên