Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến ngày 21-8-2016)
TCCSĐT - Thế giới có thể đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới với những dấu hiệu đang khá rõ ràng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tỷ lệ nợ xấu trên tổng các khoản cho vay trong năm 2015 đã đạt 4,3%. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu xảy ra năm 2009, con số này chỉ là 4,2%.
Cảnh báo về bảo mật ngân hàng điện tử
Liên tục các vụ việc về rủi ro mất tiền trong tài khoản, từ giao dịch thẻ tín dụng diễn ra gần đây, nhà cung cấp dịch vụ cũng đã đưa ra các khuyến cáo để người dùng tự ý thức việc sử dụng dịch vụ của mình. Tuy nhiên, phải đến khi một khách hàng "bỗng dưng" mất 500 triệu đồng trong tài khoản thì khách hàng và nhà cung cấp cấp mới "giật mình". Dù sao, đây cũng là cơ hội để nhà cung cấp dịch vụ tự rà soát chính mình, điều chỉnh để hoàn thiện hơn nữa một dịch vụ văn minh. Chính vì vậy, thêm một lần nữa các cơ quan chức năng lại lên tiếng khuyến cáo khách hàng cần cẩn thận hơn trong giao dịch thanh toán điện tử.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương kiểm tra, rà soát lại mạng lưới ATM của mình theo từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động; chủ động theo dõi, thông tin kịp thời các phản ánh của dư luận về những vấn đề phát sinh đối với hoạt động ATM của đơn vị mình. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ các giao dịch để kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ, gian lận dựa vào việc xác định thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần xác thực sai quy định và các dấu hiệu bất thường khác để chủ động ngăn chặn và cảnh báo cho khách hàng. Phân công cán bộ trực 24/7 giám sát, theo dõi hoạt động và nhật ký của các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng để kịp thời phát hiện và xử lý các lỗ hổng bảo mật, các truy nhập trái phép, các cuộc tấn công (nếu có).
Trong tuần qua, báo chí nêu nhiều về việc sử dụng công nghệ OTP trong thanh toán điện tử là không an toàn. Chúng ta cũng đều biết OTP là công nghệ sử dụng trong thanh toán trực tuyến và hiện nay đang được sử dụng rất phổ biến trên thế giới vì các lợi ích mang lại từ nó như: triển khai dễ dàng, chi phí rẻ và thuận tiện khi sử dụng. Tuy nhiên, OTP cũng có những hạn chế nhất định về mặt công nghệ.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, để bảo đảm an toàn trong thanh toán cũng có quy định về việc sử dụng công nghệ cho các hạn mức khác nhau, ví dụ như đối với những giá trị thanh toán từ 500 triệu đồng trở lên thì phải sử dụng các hình thức bảo mật như sử dụng khóa PKI, hoặc sử dụng hình thức xác thực sinh trắc học. Đối với các khoản thanh toán nhỏ có thể dùng xác thực hai nhân tố. Tuy vậy không phải lỗi của OTP gây nên vấn đề mất tài sản hặc mất an toàn, vấn đề là sử dụng công nghệ đó như thế nào.
Đối với khách hàng cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử; không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên ngân hàng) qua điện thoại, email, mạng xã hội…; bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập (bằng mật mã hoặc vân tay…).
Đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử cần cài đặt mật mã khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động. Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử; gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn. Ngoài ra, chỉ thực hiện đăng nhập trên website chính thức của các ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.
Doanh nghiệp EU phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý 2-2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy các doanh nghiệp châu Âu vẫn phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tiếp tục gia tăng đầu tư. Phần lớn các doanh nghiệp châu Âu đều cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định, với 56,3% số doanh nghiệp phản hồi "ổn định và cải thiện” và chỉ có 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm.
Cũng theo EuroCham, khoảng 49% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo. Do đó, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư và phát triển số lượng nhân sự, phản hồi của các doanh nghiệp châu Âu cũng rất tích cực, nhất quán với phản hồi về doanh thu và số lượng đơn hàng. Đây là một dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Hiệp định được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Thị trường vàng thế giới đi lên nhờ sự yếu đi của đồng USD
Trong phiên giao dịch ngày 18-8, giá vàng thế giới đi lên, nhờ sự yếu đi của đồng USD, sau khi biên bản cuộc họp tháng Bảy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed chưa thống nhất quan điểm có sớm nâng lãi suất hay không. Chốt phiên này, tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao tháng 12-2016 tăng 8,4 USD (0,62%) l ên 1.357,20 USD mỗi ounce.
Theo biên bản cuộc họp trên, hầu hết thành viên tham dự cuộc họp đều tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ và thị trường lao động. Song, một số thành viên vẫn cho rằng bất kỳ sự đi xuống nào của thị trường việc làm trong tương lai cũng sẽ "chống lại" quyết định tăng lãi suất trong ngắn hạn. Các chuyên gia nhận định biên bản cuộc họp của Fed đã khiến đồng USD giảm giá, trong khi vàng lên giá. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ ngày 17-8 đã giảm 0,46% xuống 957,78 tấn.
Canada mở điều tra chống bán phá giá đối với một loạt nước
Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) ngày 19-8 thông báo đang mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các thanh gia cố bêtông có xuất xứ hoặc được xuất khẩu từ Belarus, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc).
Thông báo của CBSA cho biết cuộc điều tra được tiến hành theo đơn kiện của các công ty ArcelorMittal Long Products Canada, AltaSteel Ltd. và Gerdau Ameristeel Corporation. Cả ba công ty cáo buộc chính phủ các nước trợ giá thanh gia cố bêtông khiến họ bị sụt giảm doanh thu, co hẹp thị phần, thu hẹp sản xuất và sa thải nhân công.
Tuyên bố cũng cho biết Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ tiến hành điều tra sơ bộ để đánh giá về tác động của việc nhập khẩu các thanh gia cố bêtông đối với các nhà sản xuất của Canada. Dự kiến, CITT sẽ công bố kết luận vào ngày 18-10 và CBSA công bố kết luận cuối cùng vào ngày 17-11 tới. Hiện tại Canada đang áp dụng 48 quy định nhập khẩu đặc biệt đối với một số mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, từ các sản phẩm thép đến đường tinh luyện, nhằm bảo vệ thị trường việc làm và kinh tế Canada. Trong số này có quy định hạn chế nhập khẩu các thanh gia cố bêtông từ Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực từ tháng 12-2014. Các thanh gia cố bêtông hiện là mặt hàng chủ lực trong ngành công nghiệp xây dựng của Canada.
Thế giới và nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới
Thế giới có thể đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới với những dấu hiệu đang khá rõ ràng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tỷ lệ nợ xấu trên tổng các khoản cho vay trong năm 2015 đã đạt 4,3%. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu xảy ra năm 2009, con số này chỉ là 4,2%. Thậm chí, tình hình hiện nay còn đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực hơn so với khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 2009. Hiện có hơn 3.000 tỷ USD nợ xấu trên toàn cầu, so với con số xấp xỉ 1.000 tỷ USD tín dụng thế chấp dưới chuẩn đã dẫn tới khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu năm 2009.
Các ngân hàng châu Âu đang “gánh” 1.300 tỷ USD nợ xấu, trong đó gần 400 tỷ USD nợ xấu thuộc về Italy. Monte dei Paschi di Siena (MPS) và một số ngân hàng đang gặp khó khăn của Italy đang tìm cách “lôi kéo” các ngân hàng đầu tư bằng việc chào mời cơ hội kiếm lời hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư đang tỏ ra thờ ơ với việc tham gia vào kế hoạch của MPS, do lịch sử thất bại trong các chương trình hành động của MPS, những điều kiện thiếu chắc chắn trên thị trường và mối lo ngại gia tăng về nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sa sút.
Tại châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các khoản tín dụng có rủi ro ở Trung Quốc cũng lên tới 1.300 tỷ USD, mặc dù những dự đoán của các tổ chức tư nhân đưa ra còn cao hơn con số này. Trong khi đó, các khoản cho vay có rủi ro “bay hơi” của Ấn Độ là 150 tỷ USD. Đáng chú ý là các ngân hàng ở Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và một số nước châu Âu, châu Á, Australia và New Zealand lại tiếp tục lún sâu vào các thị trường bất động sản thường bị định giá quá mức. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cung cấp khá nhiều tín dụng cho lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đang gặp không ít khó khăn. Chỉ riêng các khoản tín dụng dành cho lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu ước đã lên tới khoảng 3.000 tỷ USD.
Tại các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng thấp và thiểu phát đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ. Nhiều công ty châu Âu đang đối mặt với tình trạng sức cạnh tranh suy giảm trên thị trường toàn cầu và vấn đề càng trầm trọng hơn do tác động tiêu cực của đồng euro. Những nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục tăng trưởng, phần lớn thông qua một sự tăng cường nguồn cung tín dụng ngân hàng có chủ đích, đang dẫn tới các tác động nguy hiểm.
Tuy vậy, điều đáng lo ngại nhất trên thực tế là các giải pháp truyền thống để ứng phó với các cuộc khủng hoảng ngân hàng dường như là “không còn trong tư thế sẵn sàng và mang lại hiệu quả như trước đây”. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các ngân hàng cần mức lợi nhuận cao, bơm vốn, một tiến trình tái cơ cấu các khoản tín dụng xấu và cải cách đối với các ngành nghề. Các nhà phân tích đánh giá năng lực của các ngân hàng để thoát khỏi khó khăn và xóa nợ hiện này là khá hạn chế.
Bên cạnh đó, những diễn biến chính trị bất ngờ càng làm tình hình nghiêm trọng hơn. Giá năng lượng chịu tác động của tình hình địa chính trị cũng nhiều như diễn biến thị trường. Cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã khiến hệ thống ngân hàng lao đao khi làm giảm mạnh giá đồng bảng và làm thay đổi hoàn toàn tương lai của các tổ chức tài chính ở Vương quốc Anh. Tại Italy, nhân tố chính trị đang gây trở ngại cho việc tái cấp vốn của các ngân hàng. Trong khi các quy định ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU) cũng như mức trần nợ và ngân sách khiến Chính phủ Italy khó có thể can thiệp để ứng phó với tình hình nan giải này.
Liệu một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới có thể bắt đầu nổ ra từ đây? Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan quản lý ngân hàng trên khắp thế giới sẽ cần phải tìm được lời giải cho một số câu hỏi như việc cung cấp vốn của các nền kinh tế phát triển đã đi quá xa mức cần thiết? Vai trò các ngân hàng có cần phải được điều chỉnh để bảo đảm các cuộc khủng hoảng như vậy sẽ ít thường xuyên xảy ra hơn? Và điều không mấy vui vẻ là đáp án cho tất cả những câu hỏi như vậy ngày càng hướng về khả năng là "có"./.
Các lãnh đạo Quốc hội dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh  (23/08/2016)
Tọa đàm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam"  (23/08/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 15-8 đến ngày 21-8-2016)  (23/08/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Thư khen những tấm gương dũng cảm  (22/08/2016)
Môi trường các khu vực biển thuộc 4 tỉnh Miền Trung đã cơ bản an toàn  (22/08/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên